Tài xế Grab 18 tuổi bị sát hại: Làm sao để sinh viên làm thêm an toàn?

01/10/2019 19:32 GMT+7

Câu chuyện nam sinh 18 tuổi chạy Grab bị sát hại mới đây gây rúng động. Việc sinh viên làm thêm không còn xa lạ, tuy nhiên làm thêm như thế nào để hiệu quả, an toàn trong bối cảnh xã hội có quá nhiều đổi thay?

Chị Phạm Quỳnh Anh, giảng viên công tác xã hội Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, cho hay việc sinh viên làm thêm từ trước đến nay không còn quá xa lạ với chúng ta, xuất phát từ việc hỗ trợ gia đình, đáp ứng những nhu cầu chi tiêu cho bản thân mà sinh viên đi làm những công việc ngoài giờ học, tuy nhiên, như chúng ta thấy, dù là công việc nào cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Tính mạng con người là quan trọng nhất

Bên cạnh số tiền kiếm được, sinh viên phải mất khá nhiều thời gian, mà quỹ thời gian này thường là phục vụ cho việc chăm sóc bản thân và học tập, nâng cao đời sống tinh thần… Ngoài ra còn có những rủi ro liên quan đến sự an toàn, thậm chí là tính mạng.
“Sinh viên cần xác định rõ mục tiêu của mình là gì, tránh trường hợp mất quá nhiều thời gian vào làm thêm mà xao nhãng việc học. Trước khi tiếp cận với một công việc làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó, thông qua các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội... Để tìm hiểu được công ty đó có lừa đảo hay không, mức độ an toàn thế nào...”, chị Phạm Quỳnh Anh nói.
Theo chị Phạm Quỳnh Anh, khi đã nhận những công việc làm thêm, hãy luôn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, điển hình là kỹ năng tự bảo vệ bản thân. “Tuyệt đối không đưa bản thân vào môi trường nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn, ví dụ chở khách đến chỗ vắng người, khách có hành vi mờ ám... Nếu nhận biết được tình huống nguy hiểm phải ngay lập tức từ chối hoặc báo với cơ quan chức năng. Điều quan trọng nhất là tính mạng và sự an toàn của bản thân”, chị Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Sinh viên chạy Grab phải thật sự cảnh giác

Ảnh minh họa Mỹ Quyên

Anh Thiều Quang Thanh Sang, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, tham gia CLB phòng chống tội phạm Thủ Đức, cho hay: “Để đảm bảo an toàn, tốt nhất các bạn sinh viên làm thêm bằng công việc chạy Grab nên từ chối khách không đặt qua app, khách có biểu hiện say xỉn hoặc nghi có sử dụng ma túy (các bạn lên mạng xem các biểu hiện có sử dụng ma túy), từ chối khách chở vào địa điểm vắng hoặc họ đổi địa chỉ liên tục hoặc có các hành vi hỏi han về tiền bạc. Các bạn nên gắn gương chiếu hậu, thường xuyên quan sát hành khách. Các bạn nên chạy thoát cầu cứu chứ không nên chống trả một mình khi chúng có dao”.
Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho hay đối với các bạn sinh viên chọn nghề làm thêm bằng lái xe công nghệ thì nên lưu ý về những khung thời gian, những khu vực mà các đối tượng thường có thể có ý đồ xấu; không nên chạy sau 10 giờ đêm và chở khách tới những chặng đường quá xa, vắng vẻ…

Cảnh giác lừa đảo

Bạn Trương Nhật Tiến, 20 tuổi, sinh viên ngành điện - điện tử, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết một người bạn của mình đã bị “cò” lao động lừa phải đặt cọc từ 200.000 đồng tới 300.000 đồng để được hẹn phỏng vấn xin việc, sau khi đóng tiền cọc xong thì gọi tới số máy đó để đi phỏng vấn thì số đã bị khóa.
“Rút kinh nghiệm từ người bạn của mình, tôi luôn cân nhắc thật kỹ trước khi xin việc làm thêm ở đâu. Hiện tại, tôi làm lễ tân cho các tiệc vào hai ngày cuối tuần, và đây là chỗ do người quen giới thiệu, làm xong hết buổi là nhận tiền, hoàn toàn không phải đóng lệ phí, nên yên tâm. Tôi cũng nghĩ rằng sinh viên nên làm thêm công việc gì phù hợp chuyên ngành của mình để được trau dồi kiến thức hơn. Bản thân tôi sắp tới sẽ làm thêm lĩnh vực liên quan điện - điện tử, để mình vừa có kinh nghiệm và có thu nhập”, Tiến nói.

Sinh viên trong một ngày hội tìm kiếm việc làm

Lê Thanh

Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho rằng đối với các công việc làm thêm nói chung, tất cả các bạn sinh viên tuyệt đối phải đọc kỹ hợp đồng, điều kiện thỏa thuận đối với người sử dụng lao động. Nếu phát hiện các đơn vị sử dụng lao động yêu cầu đặt cọc hoặc thế chấp thì nên xem thật kỹ hoặc có thể tham khảo ý kiến của những người đã từng làm ở đó.
Trước khi ứng tuyển vào một công ty nào đó thì có thể tìm thông tin của đơn vị đó trên mạng internet để xem đã có bị trường hợp nào lừa đảo chưa, sinh viên nên tìm việc tại những đơn vị uy tín để tránh tình trạng bị lừa đảo.
Đừng vì làm thêm mà xao nhãng việc học
Trong sự kiện tân sinh viên sẵn sàng hành trang mới tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Q.1, TP.HCM vừa diễn ra, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng marketing, Công ty tài chính HomeCredit, cho hay các bạn có thể tăng thu nhập cho mình bằng việc làm thêm theo giờ hoặc dựa vào năng khiếu bản thân để kiếm tiền (làm đồ thủ công, sửa quần áo…), nhưng chị Trang cũng nhấn mạnh với các bạn trẻ, chú ý không tham việc làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học, vì việc làm thêm có thể giúp bạn kiếm tiền tức thời, thậm chí kiếm được khá nhiều tiền, nhưng việc học mới giúp bạn có được công việc tốt hơn và sự thăng tiến sau này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.