Tâm sự tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 của Việt Nam

Nguyễn Anh
Nguyễn Anh
26/02/2021 17:05 GMT+7

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 đều hy vọng sẽ đóng góp công sức vào việc sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 .

Mang theo hy vọng đi tiêm thử vắc xin Covid-19

Là lao động chính trong gia đình, anh Nguyễn Hữu Hê (37 tuổi), hơn 1 năm qua bị giảm thu nhập lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh cũng như rất nhiều người khác đều muốn Việt Nam nhanh chóng có vắc xin để đại dịch nhanh chóng được đẩy lùi. Chính vì vậy, anh tình nguyện đã đăng ký đi thử nghiệm vắc xin Nano Covax của công ty Nanogen tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An) vào sáng 26.2.2021.
Anh chia sẻ: "Mình cũng có hy vọng là vắc xin này sẽ thành công để đưa ra cộng đồng để người dân mình tiêm, để giúp ích cho xã hội, nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu".

8 nhóm người được tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

560 tình nguyện viên độ tuổi từ 18 đến 65 sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin giai đoạn 2 ở Trung tâm Y tế huyện Bến Lức. Trước đó, vắc xin Covid-19 Nano Covax tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 với 120 mũi tiêm cho 60 tình nguyện viên và đã kết thúc từ ngày 8.2.
Kết thúc giai đoạn 1, bước đầu đánh giá vắc xin Covid-19 Nano Covax ở cả 3 liều 25 mg, 50 mg và 75 mg đều có sinh miễn dịch đáp ứng tốt, an toàn, có tác dụng với SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể mới.
Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liều nào là tối ưu do số lượng người thử nghiệm còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn.

Những ai được tiêm thử?

Sáng sớm 26.2, tại Trung tâm y tế H.Bến Lức (Long An), ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục khoa học – Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM và UBND H.Bến Lức, tổ chức họp báo công bố kế hoạch thực hiện tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax chống virus SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19) trên 560 người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Những người tình nguyện tham gia có hộ khẩu thường trú tại H.Bến Lức, Long An.

Các y bác sĩ tham gia trong đợt này rất thận trọng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo ông Quang, giai đoạn 2 tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất được thiết kế mù đôi, ngẫu nhiên, so sánh giả dược nhằm đánh giá an toàn và đáp ứng miễn dịch của 3 liều vắc xin Nano - Covac 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. 560 đối tượng tham gia ở Bến Lức được phân ngẫu nhiên vào 4 nhóm, trong đó có 480 người vào nhóm sử dụng vắc xin (160 đối tượng tiêm Nano - Covax vắc xin 25 mcg, 160 đối tượng tiêm Nano Covax 50 mcg, 160 đối tượng tiêm 75 mcg) và 80 đối tượng vào nhóm tiêm giả dược (tá chất AlPO4).
Giai đoạn 2 được phân thành 2 nhóm tuổi: Nhóm từ 18 - 60 tuổi và trên 60 tuổi. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 2 sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin hoặc giả dược. Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 12 kể từ khi tiêm liều đầu tiên.
Theo kế hoạch, buổi tiêm thử nghiệm vắc xin của giai đoạn 2 được thực hiện từ 8 giờ 30 phút ngày 26.2 tại Trung tâm y tế H.Bến Lức, tỉnh Long An và Viện nghiên cứu y dược học Quân sự (Học viên Quân y).

Khu vực lấy mẫu xét nghiệm

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước đó, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp khẩn cấp đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 1, thẩm định đề cương sửa đổi, bổ sung giai đoạn 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) sản xuất. Kết quả giai đoạn 1 cho thấy, vắc xin Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn, và cho kết quả đáp ứng miễn dịch kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trên 60 người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 1. Các biến chứng trên cơ thể người tiêm trong giai đoạn thử nghiệm đợt 1 đều nằm trong dự liệu.
Trên cơ sở đề cương nghiên cứu được, Hội đồng đạo đức Quốc gia thông qua Bộ Y tế chỉ đạo và tổ chức đoàn công tác theo dõi sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu của nhóm nghiên cứu nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đối tượng tình nguyện tham gia nghiên cứu.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Vì sao Bến Lức được chọn tiêm thử nghiệm vắc xin?

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó chủ tịch UBND H.Bến Lức, do trước đó địa phương này đã tiến hành tiêm thử nghiệm 5 loại vắc xin khác, nên đội ngũ cán bộ y tế đã có nhiều kinh nghiệm; cơ sở vật chất hiện tại cũng đảm bảo. Khó khăn lớn nhất trong đợt tiêm thử nghiệm lần này là do điều kiện dịch bệnh, nên công tác chỉ đạo điều hành phần lớn phải triển khai bằng hình thức trực tuyến.
Số lượng người tham gia tiêm thử nghiệm được chia làm 3 đợt, trong đó đợt tiêm đầu tiên trong hôm nay chọn lọc ra 39 người của 5 xã.
Trung tâm y tế huyện Bến Lức có quy mô 200 giường bệnh, 237 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên. Trong đợt tiêm thử nghiệm lần này, 14 trạm y tế xã, thị trấn tại Bến Lức cũng được tập huấn tham dự.

Những người đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 tại Bến Lức cho biết họ rất tin tưởng vào chương trình này

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo các đơn vị tổ chức tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất thì Trung tâm y tế H.Bến Lức có vị trí cách TP.HCM khoảng 40 km nên thuận lợi để bảo quản các mẫu vật và chất lượng vắc-xin trong quá trình di chuyển từ TP.HCM về.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho hay theo yêu cầu của Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế Long An và H.Bến Lức đã chọn được 560 người để tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Tỷ lệ người tình nguyện đăng ký tham gia nhưng không đạt yêu cầu chiếm khoảng 20% và đó là những người có bệnh mạn tính.
 

Những ai được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam?

 
Cũng trong ngày 26.2.2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Theo nội dung nghị quyết, các đối tượng ưu tiên và miễn phí tiêm vắc xin Covid-19 trước tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); quân đội, công an.
Các nhóm ưu tiên khác, gồm:
Nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi công tác nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
Giáo viên, những người làm tại cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Người mắc bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi.
Người sinh sống tại các vùng có dịch.
Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.