Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 11.8: Thêm 4.806 ca khỏi bệnh, bệnh viện hồi sức 'khát' nhân viên y tế
11/08/2021 19:40 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 11.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Ngày 11.8: Cả nước ghi nhận 8.766 ca Covid-19
Bản tin của Bộ Y tế tối 11.8 cho biết tính từ 6h đến 18h30 ngày 11.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.964 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên 8.766 ca.
Có 4.806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 11.8.
Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo cũng đã thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 342 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong kể từ đầu dịch ở Việt Nam lên 4.487 ca.
Thông tin về 8.766 ca nhiễm Covid-19 công bố trong ngày 11.8, gồm:
- 14 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.752 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 1.786 ca trong cộng đồng), gồm: TP.HCM (3.416), Bình Dương (1.897), Đồng Nai (979), Long An (963), Tây Ninh (263), Đồng Tháp (191), Bà Rịa - Vũng Tàu (181), Tiền Giang (177), Cần Thơ (103), Khánh Hòa (102), Bình Thuận (68), Phú Yên (66), Vĩnh Long (63), Đà Nẵng (56), Hà Nội (40), An Giang (39), Bình Phước (19), Ninh Thuận (19), Sơn La (19), Nghệ An (16), Quảng Ngãi (14), Thanh Hóa (13), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Hà Tĩnh (9), Hải Dương (4), Quảng Nam (4), Nam Định (3), Bạc Liêu (2), Cà Mau (1), Lạng Sơn (1), Quảng Trị (1), Thừa Thiên - Huế (1).
- Tính đến chiều 11.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 236.901 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 2.381 ca nhập cảnh và 234.520 ca nhiễm trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 232.950 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 85.154 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 489 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
- Chiều 11.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 342 ca tử vong.
Đây là các bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 4.146 đến 4.487 tại Việt Nam. Gồm: TP.HCM (261), Cần Thơ (24), Bình Dương (22), Đồng Nai (11), Đồng Tháp (10), Long An (10), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 'khát' nhân viên y tế
Để tăng khả năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã nâng quy mô lên 700 giường và chuẩn bị đạt 1.000 giường. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực từ nhân viên y tế đến lao công, dọn rác đang thiếu trầm trọng, cần bổ sung gấp trong thời gian tới.
Ngày 11.8.2021, theo BSCK2 Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết từ khi đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã thu dung điều trị trên 1.030 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó, có hàng trăm người đã khỏi bệnh hoặc chuyển độ nhẹ được chuyển viện xuống các tầng thấp hơn để tiếp tục theo dõi.
Sau khi vận hành 500 giường, số ca mắc Covid-19 cần điều trị tiếp tục tăng cao, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang tiến hành nâng lên 700 giường bệnh để kịp thời tiếp nhận, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho gần 600 bệnh nhân, trong đó có 129 trường hợp thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 bệnh nhân chạy ECMO. Dự kiến trong ngày 12.8, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ đáp ứng được 700 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện đang thiếu nguồn nhân lực từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đến lao công, thu gom rác. Do đó, bệnh viện cần được bổ sung nhân lực gấp để đáp ứng công tác điều trị ở quy mô 700 giường và 1.000 giường trong ít ngày sắp tới.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, bên cạnh nguồn nhân lực do Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM điều động tăng cường, thời gian qua, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã chủ động liên hệ với các trường có đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe để huy động sự hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên các năm cuối, bác sĩ nội trú để tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Trong đó, Trường đại học Y Dược TP.HCM đã hỗ trợ 50 bác sĩ nội trú; trường Đại học Hồng Bàng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ hỗ trợ khoảng 80 sinh viên điều dưỡng năm 3 và năm 4; đồng thời Sở Y tế cũng huy động các tình nguyện viên tôn giáo để tham gia công tác hỗ trợ tại bệnh viện.
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 luôn là đơn vị được quan tâm hàng đầu trong việc đảm bảo nguồn nhân lực với tổng số nhân sự hiện có là 1.186 người, bao gồm nhân lực y tế, phụ trợ, hỗ trợ. Đội ngũ nhân viên tại bệnh viện đến từ 30 đơn vị bao gồm Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện tại TP.HCM, nhân lực hỗ trợ từ các địa phương, các tổ chức tôn giáo, các tình nguyện viên của Thanh niên xung phong, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và lực lượng công an.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Đây là bệnh viện thuộc tầng cuối trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19. Bệnh viện hoạt động chính thức từ ngày 15.7.2021, đến nay đã thu dung hơn 1.030 bệnh nhân, điều trị khỏi và chuyển độ nhẹ cho hàng trăm bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử bác sĩ lên đường vào tâm dịch
Sáng 11.8.2021, chỉ một ngày sau khi chi viện bổ sung 30 điều dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử 11 bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) để điều trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã đạt công suất giai đoạn 1 với hơn 500 giường bệnh và đang nâng cấp lên 700 giường vào ngày 12.8, sau đó sẽ đạt 1.000 giường như dự kiến ban đầu vào vài ngày tiếp theo.
Việc nâng công suất điều trị của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 lên kéo theo nhu cầu về nhân lực là rất cấp thiết, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Do đó, Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử lực lượng nhân viên y tế tại bệnh viện để tăng cường, hỗ trợ các đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để đáp ứng nhân lực cho công suất tối đa.
Sau khi nhận được sự động viên, lời kêu gọi từ lãnh đạo bệnh viện, nhiều bác sĩ có chuyên môn cao đã tình nguyện đăng ký tham gia tăng cường cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Trước giờ các bác sĩ lên đường nhận nhiệm vụ mới, Ban lãnh đạo Bệnh viện và các khoa, phòng đã động viên, chia sẻ kinh nghiệm, động viên tinh thần từng thành viên trong đoàn.
Từ khi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được thành lập và đưa vào hoạt động, Bệnh viện Chợ Rẫy được phân công giữ vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tính đến nay, bệnh viện đã cử nhiều đoàn nhân viên y tế chi viện cho Bệnh viện hồi sức Covid-19 với gần 200 người gồm các bác sĩ, điều dưỡng dày dạn kinh nghiệm.
1 triệu liều vắc xin Vero Cell ở TP.HCM đủ điều kiện sử dụng
Hôm qua (10.8), Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký văn bản phản hồi UBND TP.HCM về việc kiểm định 1 triệu liều vắc xin Vero Cell nhập khẩu về thành phố cuối tháng 7.2021.
Theo Bộ Y tế, hồi đầu tháng 7.2021, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) có văn bản đề nghị nhập khẩu vắc xin. Sau đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản đồng ý cho Công ty Sapharco nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Vero Cell, Inactivated được sản xuất tại cơ sở Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd.
Ngày 31.7, Công ty Sapharco làm thủ tục nhập khẩu thông quan tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và tiếp nhận 4 lô vắc xin với tổng số lượng 1 triệu liều, bảo quản tại kho của công ty. Các lô vắc xin này đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm y tế số: 11421/VXVR-TT, 11521/VXVR-TT, 11621/VXVR-TT, 11721/VXVR-TT ngày 4.8.
Bộ Y tế khẳng định các lô vắc xin nhập khẩu này đủ điều kiện để đưa ra sử dụng; đồng thời thông báo tới UBND TP.HCM để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Trong văn bản báo cáo Bộ Y tế trước đó, UBND TP.HCM cho biết lô vắc xin Vero Cell 1 triệu liều nói trên được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hỗ trợ đàm phán giá, tài trợ toàn bộ kinh phí mua vắc xin và các chi phí có liên quan và không có đề xuất gì kèm theo. Về phạm vi sử dụng, UBND TP.HCM cho hay do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước trong khi số lượng vắc xin chưa trang trải kịp nên đề nghị Bộ Y tế cho phép san sẻ với một số tỉnh, thành có nhu cầu.
TP.HCM đề xuất cơ chế hợp tác mua vắc xin Moderna
Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản báo cáo Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vắc xin Moderna của thành phố.
TP.HCM cho biết luôn nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân thành phố nói riêng và người dân cả nước nói chung với sự hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Về tiến độ đàm phán và mua vắc xin Moderna, ông Đức cho biết sau khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chấp thuận, TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna để mua 5 triệu liều vắc xin.
TP.HCM cũng họp nhiều lần với Tập đoàn VinaCapital và các bên có liên quan, thông qua các nội dung dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa UBND TP.HCM, Công ty Sapharco, Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital về việc mua vắc xin Moderna.
Ngày 7.7, UBND TP.HCM giao Công ty Sapharco thực hiện nhiệm vụ đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua vắc xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, Công ty Sapharco đã ký bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin phòng Covid-19 Moderna MRNA-1273.
Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký hợp đồng chính thức. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
Hà Nội thực hiện xét nghiệm Covid-19 lớn chưa từng thấy
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa yêu cầu các đơn vị khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất.
Các cơ sở, lực lượng y tế của T.Ư, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân được huy động tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trên toàn địa bàn thành phố (quy mô tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu) đảm bảo nguyên tắc nhanh, chính xác, hiệu quả và an toàn ở mức cao nhất.
Trước đó, nhờ việc tìm ra một số ca chỉ điểm trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4, thành phố phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có yếu tố dịch tễ.
Tuy nhiên, trước đà lây lan của dịch bệnh, thành phố tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (trung bình 60 - 80 ca mắc mới/ngày), đặc biệt đã có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.
Dịch bệnh đã xuất hiện trong các cơ sở y tế, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Hà Nội đã xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã... nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh và giảm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), không để phát sinh chùm ca bệnh mới.
Việt Nam sắp có thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược
Theo Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, PGS-TS Lê Quang Huấn và các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH-CN VN) đã sử dụng công nghệ hiện đại, phối hợp các tài liệu y văn xưa và nay, các công bố quốc tế gần đây để tạo được tổ hợp các loại thảo dược có thể ức chế SARS-CoV-2.
Trải qua các bước nghiên cứu thận trọng để đánh giá về tính an toàn, độ ổn định tới khả năng ức chế tăng sinh của vi rút cúm A/H5N1 và SARS-CoV-2, đến nay, nhóm đã tạo ra sản phẩm thuốc y học cổ truyền có tên VIPDERVIR.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc được bào chế từ nhiều loại thảo dược Việt Nam có tác dụng: ngăn chặn sự tiếp xúc và xâm nhập của vi rút vào tế bào; ức chế các enzyme liên quan tới quá trình nhân lên của SARS-CoV-2; kích hoạt các tế bào miễn dịch của người bệnh. Các cơ chế này sẽ cộng hưởng tác động để giúp phòng và điều trị Covid-19.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 7.8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc VIPDERVIR. Nếu chứng minh được tác dụng của thuốc và các đánh giá kiểm định của cơ quan kiểm định, dự kiến từ nay đến cuối năm có thể xem xét cấp phép lưu hành sản phẩm này.
Đau đớn đón tro cốt người thân mất vì Covid-19 trở về
Ngày 9.8, Ban chỉ huy quân sự Q.7 ôm hũ tro cốt của người dân mất vì dịch Covid-19 trao tận tay người thân tại phường Tân Thuận Tây. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, vì gia đình nhận đang có người cách ly y tế tại nhà, tổ công tác mặc bộ đồ bảo hộ, tiến thẳng vào phía trong.
Nhận hũ tro cốt của chị gái, ký vào tờ giấy xác nhận, ông Nguyễn Anh T. (64 tuổi) đau đớn nói “cảm ơn”. Ông cho biết, người mất là chị ruột của mình. Ngày phát hiện nhiễm Covid-19, vợ chồng ông cùng chị gái được chuyển đến khu cách ly trên đường Nguyễn Văn Quỳ, nằm chung một phòng.
Trong khu cách ly, ngày 3.8, chị gái ông T. trở nặng, ho khan suốt đêm và được chuyển đến khu bệnh nặng. Sáng 4.8 bác sĩ báo bà không qua khỏi. Vợ chồng ông T. xét nghiệm âm tính, được cho về cách ly tại nhà.
Mấy ngày trời vừa đau đớn, vừa bất lực, cả gia đình sốt ruột chờ ngày đón được bà A. về lo hậu sự. Nếu không được địa phương mang tro cốt chị gái đến tận nhà, vợ chồng bà cũng không biết phải xoay xở thế nào.
Cũng trong chiều 9.8, Ban chỉ huy quân sự Q.7 đã mang hũ tro cốt của bà Q. (72 tuổi, ngụ P.Bình Thuận) đến chùa Giác Huệ trao cho cho người nhà. Nhận tro cốt của mẹ, hai người đàn ông trung niên nức nở khóc.
|
Từ ngày 7.8, tổ công tác đặc biệt của Bộ Tư lệnh TP.HCM làm nhiệm vụ trao tro cốt người mất vì Covid-19 đến tận tay người thân. Hằng mỗi, các chiến sĩ khởi hành từ Nhà tang lễ TP đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để nhận tro cốt.
Trên mỗi chuyến xe, khoảng 100 hũ cốt được sắp xếp ngay ngắn phía sau thùng xe tải. Về đến Nhà tang lễ TP, các hũ tro cốt được sắp xếp theo khu vực của từng quận, huyện.
|
Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, nếu người mất không phải ở TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP sẽ liên lạc đến tỉnh, thành theo giấy tờ thông tin của người mất để đưa tro cốt về với gia đình một cách nhanh nhất.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 11.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Covid-19 TP.HCM
bản tin Covid-19
Moderna
Covid-19 ngày 11/8
tro cốt bệnh nhân Covid-19
tình hình covid-19 hôm nay
tình hình Covid-19 TP.HCM
Vero Cell
Bình luận (0)