Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 23.6: TP.HCM chiếm tới 69% số ca bệnh cả nước
23/06/2021 19:39 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 23.6.2021 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị.
Tự động phát
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 23.6.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 220 ca, TP.HCM chiếm tới 152 ca
Trong ngày 23.6, Việt Nam ghi nhận thêm 220 ca mắc mới, gồm:
+ 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (1 ca).
+ 217 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (152 ca), Bình Dương (23 ca), Bắc Giang (11 ca), Nghệ An (7 ca), Đà Nẵng (6 ca), Long An (5 ca), Hưng Yên (4 ca), Bắc Ninh (4 ca), Lào Cai (2 ca), Kiên Giang (2 ca), Bắc Kạn (1 ca).
Như vậy, trong ngày 23.6, Bộ Y tế công bố 220 ca bệnh thì có tới 152 bệnh nhân được ghi nhận tại TP.HCM, chiếm tới 69% tổng số bệnh nhân và nhiều hơn tất cả các tỉnh thành khác cộng lại. Đáng chú ý, tỉnh Bắc Giang từng là tâm dịch nóng bỏng nhất trong đợt dịch lần này thì trong ngày 23.6 chỉ ghi nhận 11 ca bệnh mới; trong khi tỉnh Bình Dương – một điểm nóng mới của dịch bệnh có tới 23 ca bệnh được công bố, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) 152 trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở TP.HCM bao gồm:
131 trường hợp là các tiếp xúc của các bệnh nhân được công bố từ trước và đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; gồm:
Liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng (2 ca)
+ Liên quan BN13593 (3 ca);
+ Liên quan BN12934 (2 ca)
+ Liên quan BN10020 (1 ca)
+ Liên quan BN13159 (2 ca)
+ Liên quan BN9962 (1 ca)
+ Liên quan BN10414 (2 ca)
+ Chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn (11 ca)
+ Chuỗi liên quan Chợ Khu phố 2 Q.Bình Tân (5 ca)
+ Chuỗi liên quan chung cư Ehome 3 (13 ca)
+ Chuỗi liên quan BN11300 (2 ca)
+ Chuỗi liên quan công ty Kim Minh Q.5 (10 ca)
+ Chuỗi liên quan cửa hàng đồ gỗ ở Q.12 và BN9827 (2 ca)
+ Chuỗi liên quan doanh nghiệp Hnam Mobile (8 ca)
+ Liên quan BN10322 (1 ca)
+ Liên quan BN13770 (1 ca)
+ Chuỗi liên quan nhân viên UBND Q.7 (7 ca)
+ Liên quan tiểu thương chợ Kim Biên (2 ca)
+ Chuỗi liên quan vựa ve chai Đề Thám Q.1 (7 ca)
+ Chuỗi xưởng cơ khí Hóc Môn (2 ca)
+ Liên quan ấp Tân Thới 3 Hóc Môn (1 ca)
+ Liên quan công ty nước đóng chai (4 ca)
+ Liên quan BN6282 (1 ca)
+ Liên quan BN10583 (1 ca)
+ Liên quan BN12557 (3 ca)
+ Liên quan BN13741, BN13742 (8 ca)
Liên quan BN13164 (1 ca)
+ Chuỗi liên quan BN9962 (7 ca)
+ Chuỗi liên quan chung cư Phú Thọ Q.11 (1 ca)
+ Chuỗi liên quan công ty Minh Thông ở Hóc Môn (13 ca)
+ Liên quan nhân viên Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (1 ca)
+ Liên quan BN12937 (2 ca)
+ Tiếp xúc với bệnh nhân ở tỉnh khác (4 ca).
- Ngoài ra, có 21 trường hợp phát hiện qua sàng lọc đang được điều tra dịch tễ, gồm: Q.1 (4 ca); Q.4 (1 ca); Q.7 (1 ca); Q.8 (4 ca), Q.10 (4 ca); TP.Thủ Đức (1 ca); Q.Phú Nhuận (1 ca); Q.Bình Tân (3 ca); Q.12 (2 ca).
Nỗi lo từ Delta Plus, biến chủng Covid-19 mới ở Ấn Độ
Delta Plus, biến thể mới của virus gây Covid-19, thu hút chú ý sau khi 20 ca nhiễm biến thể này được phát hiện ở bang Maharashtra. Một số tiểu bang Ấn Độ khác cũng công bố ca nhiễm biến thể Delta Plus.
Nhà chức trách y tế Ấn Độ tỏ ra quan ngại biến thể Delta Plus có thể gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3 tại đây. Theo các nhà khoa học, biến thể Delta đã đột biến và tạo ra biến thể Delta Plus. Khả năng khắc chế hệ miễn dịch của Delta Plus cũng đang được tìm hiểu.
Biến thể này được xem là có khả năng gây nhiễm rất cao. Có nguy cơ tiềm tàng là biến thể này có thể vượt qua hệ miễn dịch đã được tạo ra bằng vắc xin hoặc nhờ đã nhiễm Covid-19 trước đó.
Vắc xin AstraZeneca ngăn ngừa biến chủng Delta hiệu quả đến đâu?
Ngày 23.6, Reuters dẫn thông tin từ báo cáo của hãng AstraZeneca đưa tin vắc xin ngừa Covid-19 do hãng này sản xuất có thể ngăn ngừa hiệu quả các biến chủng Delta và Kappa, phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện biến chủng Delta đang chiếm phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 trên toàn cầu.
Hai người buôn bán trước cổng Bệnh viện Từ Dũ nhiễm Covid-19
Cơ quan chức năng tại TP.HCM đã phát hiện liên tiếp 2 bệnh nhân Covid-19 sống tại 2 địa chỉ khác nhau trong hẻm 162 đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) gần Bệnh viện Từ Dũ. Hai bệnh nhân này là người thân, cùng làm nghề buôn bán trước cổng bệnh viện.
Đến chiều muộn 23.6.2021, lực lượng chức năng đã phong tỏa đầu hẻm 162 Bùi Thị Xuân, đầu hẻm 282 Cống Quỳnh và hẻm 276 Cống Quỳnh; đồng thời cử lực lượng túc trực 24/24 đến khi có thông báo mới.
Hai bệnh nhân Covid-19 trong hẻm là một phụ nữ 32 tuổi và một người đàn ông 48 tuổi, cùng buôn bán trước cổng Bệnh viện Từ Dũ.
Phong tỏa chung cư 207 Bùi Viện vì ca dương tính Covid-19
Chiều 23.6.2021, lực lượng chức năng đã thực hiện phong tỏa chung cư 207 Bùi Viện (thuộc địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) do có liên quan đến một ca dương tính Covid-19.
Trước đó, Trạm y tế P.Phạm Ngũ Lão nhận được thông tin từ Bệnh viện đa khoa Sài Gòn về trường hợp dương tính Covid-19. Ngay sau đó, UBND phường phối hợp Trạm y tế P.Phạm Ngũ Lão lập tức kích hoạt đội phản ứng nhanh phòng chống dịch, tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết tại chung cư 207 Bùi Viện.
Nhà của ca Covid-19 có tổng cộng 6 người. Chung cư 207 Bùi Viện, nơi bệnh nhân sinh sống, có 2 lô A và B; bệnh nhân ở lô A. Hai lô A - B không chung lối đi và tách biệt hoàn toàn.
TP.HCM đủ năng lực lấy nửa triệu mẫu xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày
Theo Chỉ thị 10 Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành ngày 19.6, lãnh đạo thành phố giao Sở Y tế TP.HCM tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.
Trong đó, tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm (khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao); phối hợp với các cơ quan y tế của TP.HCM và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố để tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.
Sở Y tế cho biết ngày 20.6 đã huy động trên 1.000 nhân viên y tế, sinh viên y khoa lấy trên 260.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Từ ngày 22.6, mỗi ngày lấy khoảng 300.000 mẫu. Để đạt khoảng 500.000 mẫu/ngày, Sở sẽ huy động khoảng 3.000 nhân sự từ các bệnh viện, sinh viên và trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
12.000 người tại TP.HCM hoãn tiêm vắc xin Covid-19 sau khám sàng lọc
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, sau 2 ngày 21 và 22.6 đồng loạt thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 154.000 liều.
Trong đó, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 tại các điểm tiêm cộng đồng là hơn 48.800 liều; tại khu công nghiệp, khu chế xuất là hơn 105.600 liều. Có 50 người phản ứng sau tiêm 30 phút nhưng tất cả đã ổn định, 12.000 người hoãn tiêm sau khám sàng lọc.
Theo quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc xin Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế, có nhiều đối tượng phải hoãn tiêm vắc xin Covid-19 hoặc chống chỉ định tiêm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm vắc xin Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu, gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác. Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định. Người mất tri giác, mất năng lực hành vi. Người trên 65 tuổi. Người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu. Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Ngoài ra, các đối tượng trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19, gồm: Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù… Trong vòng 14 ngày trước có điều trị bằng thuốc corticoid liều cao hoặc điều trị bằng hóa trị, xạ trị. Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng. Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 cần điều kiện gì để được cấp phép?
Vào sáng 23.6.2021, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đã đăng tải bài viết có ý kiến của Thạc sĩ Nguyễn Ngô Quang – Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đạo tạo (Bộ Y tế) - về việc quyết định cấp phép vắc xin phòng Covid-19.
Liên quan đến kiến nghị của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax (đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a - hiện đã tiêm thử nghiệm 1.000 người trong giai đoạn 3), ông Nguyễn Ngô Quang cho biết việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc xin phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết, tuy nhiên phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi quan trọng sau: vắc xin có an toàn không, có sinh miễn dịch không và điều quan trọng nhất là có hiệu lực bảo vệ không?
Theo ông Quang, việc kiến nghị là quyền của doanh nghiệp, còn việc cho phép hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn, căn cứ theo các quy định. Ngoài trả lời được 3 câu hỏi quan trọng, việc ra quyết định cấp phép khẩn cấp một loại vắc xin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tất cả phải dựa trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học để Bộ Y tế quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không.
Trường hợp của vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 1.000 người, đây là số lượng nhỏ, chưa mang tính cộng đồng so với số lượng hàng trăm triệu người sử dụng vắc xin sau này. Ông Nguyễn Ngô Quang nhận định rằng, thử nghiệm trên 1.000 người chưa nói lên điều gì nhiều; đồng thời theo đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Nanocovax được Bộ Y tế phê duyệt là thử nghiệm trên 13.000 người.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 23.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
tình hình Covid-19
vắc xin Covid-19
trực tiếp Covid-19
tình hình covid-19 hôm nay
tin tức covid hôm nay
Covid-19 hôm nay
covid-19 ngày 23/6
Bản tin Tình Hình Covid-19 Hôm Nay
Biến thể Delta Plus
Covid-19 tại TP.HCM
Bình luận (0)