Ngày 11.6, ngay sau phiên họp của Bộ Chính trị sáng cùng ngày, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong kết luận, Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua.
Xem xét cho tổ chức, cá nhân mua, cung cấp vắc xin Covid-19
Từ đó, để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác phòng chống dịch, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, chăm lo đời sống nhân dân, Bộ Chính trị yêu cầu, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
|
Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất.
Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang.
Cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường. Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ Chính trị yêu cầu, cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc xin ngừa Covid-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho người dân. Trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc xin cho trẻ em.
Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc xin.
TP.HCM đàm phán mua 5 triệu liều vắc xin
Cùng ngày 11.6, UBND TP.HCM họp tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách 5 tháng đầu năm 2021.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết những ngày qua, TP.HCM gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, trong đó một doanh nghiệp có khả năng phối hợp với đơn vị nhập khẩu để đàm phán mua khoảng 5 triệu liều vắc xin. Hiện công đoạn cuối cùng là xin Bộ Y tế thẩm định kho lưu trữ, nếu được cho phép thì TP.HCM sẽ ký hợp đồng trực tiếp với hãng bên Mỹ. Nếu mọi thứ suôn sẻ, dự kiến lô vắc xin này có thể về TP.HCM trong quý 3.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đặt mục tiêu cuối năm 2021 có 2/3 người dân được tiêm vắc xin nhưng quá trình triển khai phức tạp, số lượng vắc xin có hạn, công tác lưu trữ khó khăn, cần chuẩn bị đội ngũ nhân viên y tế phục vụ công tác tiêm phòng.
Kiều bào ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19
Sáng 11.6, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam (VN) ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức lễ tiếp nhận 500 triệu đồng tiền quyên góp do cộng đồng người VN tại CH Czech ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Số tiền được ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch T.Ư Hội Người VN tại CH Czech, và bà Tạ Phạm Bích Thủy, Chủ tịch T.Ư Hội Phụ nữ VN tại CH Czech, thay mặt bà con trao tặng.
Trước đó, chiều 10.6, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài cũng đã tiếp nhận số tiền 50 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; 500 chai nước xịt khoáng trị giá 100 triệu đồng, cùng 5.040 chai nước điện giải trị giá 126 triệu đồng hỗ trợ các y, bác sĩ tuyến đầu tại Bắc Giang, Bắc Ninh do Quỹ Steve Bùi & Friends, Công ty Phương Long Nhiên - Vũng Tàu và Công ty Cosmos Japan Creation JSC trao tặng.
Thêm 96 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnhTheo Bộ Y tế, ngày 11.6, Việt Nam ghi nhận 196 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bà Rịa-Vũng Tàu 10 ca và Tây Ninh 1 ca. 185 ca lây nhiễm trong nước ghi nhận tại Bắc Giang 95 ca, TP.HCM 48 ca, Bắc Ninh 28 ca, Hà Tĩnh 8 ca và Hà Nội 6 ca. Trong số các ca mắc mới, có 168 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 17 ca phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng và đang được điều tra nguồn lây nhiễm. Trong ngày 11.6, có thêm 96 bệnh nhân (BN) được công bố khỏi bệnh. 2 nữ BN ung thư mắc Covid-19 tử vong là BN 4115 và 3559.
Liên Châu
|
Hồi đầu tháng 6, TS Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary, đã ủng hộ 100 triệu đồng; Hiệp hội Đồng bào hải ngoại VN tại Macau (Trung Quốc) trao tặng hơn 131 triệu đồng cho Ủy ban T.Ư MTTQ VN; ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển và đầu tư Đại Sơn, trao tặng 100 triệu đồng và 5 tấn gạo ủng hộ người dân một số địa phương phòng chống dịch. Ngoài ra, hôm 31.5, Quỹ Steve Bùi & Friends và Công ty Phương Long Nhiên trao tặng gần 1.000 chai xịt khoáng, 9.000 khẩu trang N95, tổng trị giá gần 300 triệu đồng đến các bác sĩ tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
Thí điểm giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh qua sân bay Vân ĐồnNgày 11.6, Bộ Y tế họp trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai thí điểm phương án cách ly y tế mới đối với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (H.Vân Đồn, Quảng Ninh). Theo đó, từ 1.7, thời gian cách ly tập trung sẽ được rút xuống còn 7 ngày đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh không quá 12 tháng kể từ thời điểm xuất viện; đồng thời, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính.
Ngoài ra, sau 7 ngày cách ly tập trung, người nhập cảnh tiếp tục cách ly thêm 7 ngày tại nhà, theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo. Những người nhập cảnh, nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin sẽ phải cách ly tập trung đủ 14 ngày, theo dõi sức khỏe 14 ngày. Trường hợp ngoại giao, công vụ cấp cao do Bộ Ngoại giao quy định sẽ cách ly tại nhà 14 ngày.
Phương án cách ly mới cũng đẩy mạnh việc giám sát cách ly y tế thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, mỗi người nhập cảnh sẽ được phát 1 sim điện thoại hoặc 1 vòng tay thông minh đã cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD hoặc Bluezone.
Trong thời gian cách ly, người nhập cảnh buộc phải nhận diện khuôn mặt hoặc giọng nói 3 lần/ngày vào 3 khung giờ nhất định, khai báo y tế hằng ngày và cập nhật nếu có diễn biến bất thường.
Lã Nghĩa Hiếu
|
Trong khi đó, hồi tháng 4, MTTQ VN cũng trao hơn 4 tỉ đồng cho Bộ Ngoại giao để hỗ trợ người VN ở nước ngoài tại một số địa bàn khó khăn phòng, chống dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn, duy trì ổn định cuộc sống.
Bình luận (0)