Điểm xung đột: Ông Putin nêu điều kiện ngừng bắn; Israel bất chấp lệnh Tòa án Thế giới

Điểm xung đột: Ông Putin nêu điều kiện ngừng bắn; Israel bất chấp lệnh Tòa án Thế giới

25/05/2024 22:41 GMT+7

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 24.5 đẩy mạnh chiến dịch tấn công trên khắp Dải Gaza, đặc biệt là khu tị nạn Jabalia ở miền bắc và TP.Rafah ở miền nam.

Tại miền trung, một nhóm tay súng tấn công các binh sĩ Israel đã bị tiêu diệt trong khi máy bay của Tel Aviv oanh tạc các mục tiêu tại TP.Gaza. Tờ The Jerusalem Post đưa tin lực lượng Israel cũng đấu súng với các tay súng Palestine tại khu tị nạn Balata gần TP.Nablus ở Bờ Tây vào buổi sáng.

Chiến sự diễn ra căng thẳng trong bối cảnh các bên đang tìm cách khôi phục đàm phán để giải cứu các con tin còn bị Hamas giam giữ.

Báo The Times of Israel dẫn lời các quan chức cho biết Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns sẽ đến châu Âu trong những ngày tới để gặp ông David Barnea, lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad của Israel, và Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani.

Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo nội các chiến tranh đã đề nghị nhóm đàm phán tiếp tục đối thoại để giải cứu con tin.

Vòng đàm phán ngừng bắn gần nhất đã kết thúc chóng vánh sau khi Israel khởi động cuộc tấn công Rafah trong tháng này, bất chấp sự phản đối của quốc tế, gồm từ đồng minh Mỹ.

Israel đã ra lệnh sơ tán hàng loạt khỏi Rafah và hơn 800.000 người dân đã di tản khỏi nơi đây. Quân đội Israel khẳng định không tấn công bừa bãi mà đang hoạt động “cẩn trọng và chính xác”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng chiến dịch Rafah đến nay diễn ra hạn chế và có mục tiêu cụ thể, không tấn công mạnh vào khu đô thị đông đúc.

Chuyển sang tình hình xung đột tại Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24.5 nói phương Tây nên nới lỏng quy định cấm Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.

Ông Stoltenberg nhận định: “Trong lúc giao tranh diễn ra ở tỉnh Kharkiv, việc cấm Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó phòng thủ” và vì vậy “đã tới lúc các đồng minh NATO xem xét liệu có nên dỡ bỏ một số hạn chế đã đặt ra đối với vũ khí đã viện trợ cho Ukraine hay không”.

Theo ông Stoltenberg, hướng tấn công mới vào vùng Kharkiv khó mang lại bước tiến mang tính đột phá cho lực lượng Nga. Quân đội Ukraine mới đây cũng cho biết đã chặn được đà tiến của Nga và giờ đây đang phản kích đối phương.

Trong khi đó, 6 nước NATO có chung đường biên giới với Nga đã thống nhất xây dựng “bức tường chắn máy bay không người lái” (UAV) để tự vệ. Kế hoạch này được Bộ trưởng Nội vụ Lithuania Agne Bilotaite công bố hôm 24.5 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp 5 nước thành viên NATO khác là Estonia, Latvia, Phần Lan, Na Uy và Ba Lan.

Bà Bilotaite nói: “Đây là kế hoạch hoàn toàn mới, một bức tường bằng UAV trải dài từ Na Uy đến Ba Lan, sử dụng UAV và các công nghệ khác để bảo vệ biên giới của chúng ta”.

Kế hoạch được thống nhất trong bối cảnh lo ngại an ninh trong khu vực gia tăng vì chiến sự Nga-Ukraine. Bà Bilotaite nhấn mạnh Cơ quan Biên phòng Quốc gia Lithuania gần đây đã thành lập đơn vị UAV và đang mua thêm UAV cùng hệ thống chống thiết bị này.

Ngoài việc triển khai UAV giám sát biên giới, các nước cũng sẽ sử dụng hệ thống chống UAV để ngăn chặn loại thiết bị này của đối phương.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 25.5.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.