Trình Quốc hội quyết định về tăng giờ làm thêm

Thu Hằng
Thu Hằng
21/09/2019 06:05 GMT+7

Trong phiên họp sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án bộ luật Lao động sửa đổi.

Trong phiên họp sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án bộ luật Lao động sửa đổi. Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo bộ luật Lao động, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho biết tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình QH mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành).
“Qua quá trình thảo luận, lấy ý kiến có ý kiến tán thành mở rộng khung giờ làm thêm vì xuất phát từ thực tiễn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (NLĐ) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến không đồng ý và cho rằng mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị DN, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới”, bà Thúy Anh cho hay.
Trước đó, tại phiên họp thứ 36 UBTVQH kết luận không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Tuy nhiên, theo bà Thúy Anh, cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ 7. Vì vậy, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1: giữ nguyên như quy định của bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 - 300 giờ. Phương án 2: quy định như dự thảo Chính phủ trình QH tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong 1 năm. Nếu theo phương án này, Chính phủ phải chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình QH dự thảo nghị định chi tiết.
Mặc dù đa số thành viên UBTVQH không tán thành phương án tăng giờ làm việc, song Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Chính phủ vẫn “tha thiết” tăng giờ làm thêm do có nhu cầu thực tế từ cả NLĐ và người sử dụng lao động nên Chủ tịch QH đề nghị trình cả hai phương án ra xin ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 21.10 - 21.11.

Không tăng ngày nghỉ lễ

Cũng tại phiên họp, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Ngọ Duy Hiểu đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2.9 vào dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi. Theo ông Hiểu, nhiều công nhân gần như cả năm học không đưa con em đến trường. Trong khi ngày Quốc khánh của VN gần với ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Vì vậy, Tổng liên đoàn Lao động VN đề nghị được nghỉ từ 2 - 5.9, để các bố mẹ được nghỉ ngơi, có điều kiện dắt tay đưa con đến trường.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chính phủ yêu cầu mở rộng khung giờ làm thêm cho NLĐ nhưng không được đồng tình, nên đề xuất thêm ngày nghỉ là không ổn. Hơn nữa, do chưa có báo cáo đánh giá tác động về việc tăng thêm tác động đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân. Vì vậy, không nên đề xuất tăng thêm ngày nghỉ. 
Đề nghị miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển
Chiều 20.9, UBTVQH cho ý kiến vào tờ trình và dự thảo luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài vào VN (luật số 47). Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, dự thảo luật bổ sung 3 điều, sửa đổi 18 điều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Trong đó, dự thảo bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, theo quyết định của Chính phủ, nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển KT-XH; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.