Ngày 6.9, tại Ninh Bình, Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra đời Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972 - 2022), với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.
Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO VN Hà Kim Ngọc; bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO.
Việt Nam cam kết bảo tồn, phát huy tốt di sản thế giới
Công ước Di sản thế giới đề ra 5 mục tiêu chiến lược, gồm: độ tin cậy; bảo tồn; nâng cao năng lực; liên lạc; cộng đồng. 35 năm qua Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thế giới. Hiện Việt Nam có 8 di sản thế giới, gồm: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế); Phố cổ Hội An, Thánh đị Mỹ Sơn (Quảng Nam); Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, tham quan triển lãm ảnh về di sản Tràng An |
MINH HẢI |
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho hay: “Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực, đóng góp các kinh nghiệm, sáng kiến để phát huy các giá trị của các di sản. Quá trình tham gia, Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều quy định về bảo vệ, phát huy các di sản, điều đó cho thấy Việt Nam rất chú trọng bảo vệ các di tích, di sản. Giai đoạn 2021 - 2025, UNESCO và Việt Nam ký kết bản ghi nhớ về bảo vệ di sản. Trải qua 35 năm thực hiện công ước, đã tiến hành công tác xây dựng, bảo vệ, quy hoạch, đầu tư để các di tích, di sản được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Việt Nam cũng đã và đang huy động các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới, để tạo ra sự gắn kết giữa người dân, doanh nghiệp”.
Minh chứng cho hiệu quả từ các di sản thế giới ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trước khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam (đầu năm 2020), các di sản của Việt Nam đã đón trên 19 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế tham quan. Đây là minh chứng sinh động cho việc phát huy giá trị di sản, tạo sinh kế cho cộng đồng trong quá trình thực hiện các cam kết.
“Chủ đề cho 50 năm tới là “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”, VN cam kết sẽ thực hiện tốt các quy định của UNESCO và các quy định do chính VN ban hành để ngày càng phát huy tốt các giá trị di sản, vừa bảo vệ, bảo tồn di sản thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Không hy sinh di sản cho phát triển kinh tế
Tại lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản thế giới. Trước khi tham gia lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay đã tham quan di sản Tràng An và bà đặc biệt ấn tượng khi hàng trăm người phụ nữ làm nghề lái thuyền chở khách du lịch tham quan di sản.
“Tôi thấy ở di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên như thế nào. UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chủ đò truyền thống ở di sản Tràng An tiếp tục phát huy cách thức tham quan di sản thân thiện với sinh thái này. Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới, để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ”, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Về việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới, bà Audrey Azoulay cho rằng lễ kỷ niệm là dịp để UNESCO và Việt Nam đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển. “Hôm nay, mối quan hệ đối tác này vẫn luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại. Chúng ta thấy rõ điều này vào tháng 11 năm ngoái, UNESCO đã ký một biên bản ghi nhớ mới với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm của ông tại trụ sở UNESCO. Hợp tác về lĩnh vực văn hóa giữa UNESCO với Việt Nam đã và đang rất thành công, thậm chí có thể gọi là điển hình mẫu mực”, bà Audrey Azoulay nói.
Bà Audrey Azoulay cũng cho biết lý do thôi thúc bà đến với Việt Nam lần này là vì Việt Nam là một quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng luôn thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển kinh tế.
Về những thách thức từ Công ước Di sản thế giới đối với Việt Nam hiện nay và trong tương lai đó là vấn đề dung hòa giữa bảo tồn và phát triển; biến đổi khí hậu, theo bà Audrey Azoulay, dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên là một vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu.
“Cứ mỗi 5 khu di sản thế giới thì đã có 1 khu mà rủi ro về biến đổi khí hậu là một thực tế. Tất cả chúng ta phải hành động, và phải hành động nhanh, nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu chung là bảo vệ 30% hành tinh của chúng ta vào năm 2030”, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và sẽ tiếp tục đóng góp cho thế giới nhiều hơn những giá trị về giáo dục, văn hóa và thiên nhiên.
“Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới của chúng ta không bị sụp đổ thêm nữa. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai của chúng ta. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An. Đó chính là thông điệp tôi muốn truyền tải ngày hôm nay”, bà Audrey Azoulay nói.
Bình luận (0)