Bản tin Covid-19 ngày 10.12: Cả nước 14.839 ca | Bắt đầu tiêm vắc xin mũi 3

10/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 10.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 10.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.839 ca Covid-19, 1.362 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 10.12 cho biết tính từ 16h ngày 9.12 đến 16h ngày 10.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.839 ca nhiễm mới, 1.362 ca khỏi bệnh.Bản tin cũng công bố về 216 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 27.402 ca.

Ngày 10.12: Cả nước 14.839 ca Covid-19, 1.362 ca khỏi | TP.HCM 1.226 ca

Thông tin về 14.839 ca nhiễm mới như sau:

  • 20 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 14.819 ca ghi nhận trong nước (giảm 481 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 8.843 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.226), Sóc Trăng (894), Tây Ninh (893), Cà Mau (822), Đồng Tháp (744), Bến Tre (712), Cần Thơ (675), Hà Nội (637), Khánh Hòa (587), Bình Phước (579), Bạc Liêu (570), Vĩnh Long (556), Đồng Nai (434), Bình Dương (381), Bà Rịa - Vũng Tàu (381), Tiền Giang (376), An Giang (355), Trà Vinh (352), Hậu Giang (335), Kiên Giang (328), Bình Định (232), Bình Thuận (219), Đà Nẵng (198), Thanh Hóa (192), Lâm Đồng (186), Thừa Thiên Huế (182), Hải Phòng (180), Bắc Ninh (146), Hưng Yên (144), Nghệ An (124), Quảng Nam (122), Hải Dương (101), Hà Giang (94), Ninh Thuận (88), Phú Yên (74), Gia Lai (67), Quảng Bình (57), Lạng Sơn (55), Long An (55), Đắk Nông (54), Thái Nguyên (52), Vĩnh Phúc (48), Hòa Bình (48), Quảng Ngãi (44), Nam Định (34), Thái Bình (31), Quảng Trị (29), Quảng Ninh (28), Lào Cai (22), Phú Thọ (15), Yên Bái (14), Hà Tĩnh (12), Bắc Giang (11), Sơn La (8), Điện Biên (6), Tuyên Quang (6), Hà Nam (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-227), Bà Rịa - Vũng Tàu (-195), Tiền Giang (-192).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+195), Bạc Liêu (+143), Hải Phòng (+122).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 14.487 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.382.272 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.019 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.376.930 ca, trong đó có 1.049.524 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (484.602), Bình Dương (286.459), Đồng Nai (91.490), Long An (39.094), Tây Ninh (36.873).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.362 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.052.341 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.681 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.294 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 257 ca
  • Thở máy xâm lấn: 849 ca
  • ECMO: 14 ca

Từ 17h30 ngày 9.12 đến 17h30 ngày 10.12 ghi nhận 216 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (71) trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (2), An Giang (1), Bến Tre (1), Gia Lai (1), Vĩnh Long (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (33), Bình Dương (15), Tây Ninh (14), Tiền Giang (12), Bạc Liêu (11), Cần Thơ (11), Đồng Tháp (8 ), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (7), Kiên Giang (7), Sóc Trăng (7), Long An (5), Trà Vinh (3), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 221 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.402 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 12/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 162.688 xét nghiệm cho 264.323 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.447.909 mẫu cho 70.692.311 lượt người.

Trong ngày 9.12 có 1.029.505 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 130.935.854 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 74.550.657 liều, tiêm mũi 2 là 56.385.197 liều.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 156,4 triệu liều vắc xin

Sáng 10.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 156 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã phân bổ 100 đợt với tổng số 143,4 triệu liều, còn khoảng 13 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 156,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Cập nhật đến 14h ngày 10.12, Việt Nam đã tiêm hơn 131 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Trong tuần từ ngày 1.12 – 8.12, cả nước triển khai tiêm được 4,8 triệu liều vắc xin, (giảm 5,7 triệu liều so với tuần trước đó, do đa số các địa phương đã đạt được độ bao phủ mũi 1 cao, đang chờ tiêm trả mũi 2 theo đúng thời gian quy định)...Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 123 triệu liều, trong đó có gần 69 triệu liều mũi 1 và hơn 54 triệu liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 là 96,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tính theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,3% và 68,7%; miền Trung là 92,9% và 75,2%; Tây Nguyên là 91,0% và 61,0%; miền Nam là 98,9% và 85,3%.Có 61/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 29 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

2/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hoà Bình (77%) và Hà Giang (78,3%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 58/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 40 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 6,3 triệu liều, trong đó có hơn 5,2 triệu liều mũi 1 và hơn 1,1 liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 57,3% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 12,7% dân số từ 12 -17 tuổi.

TP.HCM tiêm vắc xin mũi 3 cho tuyến đầu

Sáng 10.12.2021, nhiều người đã tới điểm tiêm vắc xin Covid-19 ở trường Đại học Công nghiệp TP.HCM để tiêm vắc xin mũi 3. Đa phần những người đến tiêm thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, công an, quân sự.

Bác sĩ vừa tan ca trực đêm, tranh thủ đi tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19

Mặc dù vừa phải trực đêm nhưng khi nhận được thông tin về việc tiêm vắc xin mũi 3, bác sĩ Nguyễn Lê Hưng, đang công tác tại bệnh viện quận Gò Vấp vẫn đăng ký rồi đi tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, anh Nguyễn Lê Hưng cho biết mình cảm thấy an tâm hơn trong công việc khi được tiêm tăng cường mũi 3. "Dù là bệnh viện không còn tiếp nhận bệnh nhân F0 nhưng mà vẫn phải tiếp nhận bệnh nhân tới khám ban đầu. Vẫn có những trường hợp F0 không khai báo, và cũng không biết mình nhiễm. Ngoài chuyện mặc đồ bảo hộ ra thì vấn đề tiêm vắc xin để bảo vệ mình vẫn là cái làm mình an tâm hơn", anh Hưng chia sẻ.

Những người tới tiêm tại đây được phát phiếu điền thông tin, sau đó được khám sàng lọc trước khi tiêm. Sau khi tiêm xong sẽ ngồi theo dõi 30 phút rồi lấy giấy xác nhận và ra về. Loại vắc được sử dụng tại điểm tiêm này là Astra Zeneca.

Tại điểm tiêm này có 5 bàn tiêm do Trung tâm y tế quận Gò Vấp đảm nhiệm. Dự kiến, trong ngày 10.12.2021, tại điểm tiêm này sẽ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho khoảng 2.000 người.

Bên cạnh điểm tiêm này thì quận Gò Vấp cũng bố trí một điểm tiêm nữa ở Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng; tại đây sẽ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch.

Trường học mở cửa đón học sinh sau “kỳ nghỉ” dài vì Covid-19

Sau nhiều tháng phải dạy trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sáng 10.12.2021, trường THCS Nguyễn Du (tại quận 1, TP.HCM) đã mở cửa để đón những học sinh đầu tiên tới trường.

Thầy cô háo hức mở cửa trường đón học sinh sau “kỳ nghỉ” dài vì Covid-19

Trong ngày 10.12, học sinh được phổ biến phương án phòng chống dịch trước ngày học trực tiếp vào ngày 13.12 tới.

Để đảm bảo việc giãn cách và kiểm soát số lượng ra vào của học sinh, nhà trường đã bố trí 2 cổng ra vào. Học sinh vào cổng nào sẽ ra về cổng đó và thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào vị trí lớp học của mình.

Đặc biệt, đến ngày đi học chính thức trường sẽ gửi mã khai báo y tế về nhà để học sinh có thể khai báo ở nhà, tránh tình trạng ùn ứ khi đến trường. Học sinh không có điện thoại di động có thể khai báo y tế bằng giấy ngay tại cổng. Ngoài ra, trường còn kéo giờ học lùi xuống để các em học sinh có thể ăn sáng ngay tại nhà, đảm bảo sức khoẻ khi đến trường.

Trước đó, nhà trường cũng đã tiến hành tập huấn cho thầy cô giáo trong công tác phòng chống dịch bệnh khi đón các em học sinh đi học trở lại.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có hơn 88.000 học sinh lớp 9 và trên 66.000 học sinh lớp 12. Theo khảo sát sơ bộ từ các trường THCS và THPT, có khoảng 80% phụ huynh học sinh đồng ý cho con em đi học trực tiếp.

Theo kế hoạch, từ ngày 13 - 25.12, TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm dạy và học trực tiếp với học sinh khối 9 và 12. Dự kiến sau 2 tuần thí điểm, TP.HCM sẽ tổng kết, đánh giá, xem xét quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn thành phố từ ngày 3.1.2022.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Ngày 10.12, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang đã công văn số 1785 gửi Sở Y tế TP.HCM về việc kiểm tra việc cấp phát thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Tại công văn 1785, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 mắc Covid-19.

Bộ Y tế nhận được thông tin về việc một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa tin về việc nhiều trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM không tiếp cận được với thuốc Molnupiravir.

Thuốc Monulpiravir hiện được sử dụng miễn phí và có kiểm soát trong chương trình "Đánh giá chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại TP.HCM" được phê duyệt theo Quyết định số 4068 ban hành ngày 24.8.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ Y tế giao Sở Y tế TP.HCM là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chỉ đạo quản lý, tổ chức triển khai nghiên cứu theo đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt; phân bổ thuốc tới các cơ sở y tế trực thuộc để sử dụng cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà và cộng đồng.

Ngày 7.12, Bộ Y tế đã phê duyệt và cấp phát bổ sung hơn 25.000 liều thuốc cho TP.HCM để tiếp tục triển khai chương trình nêu trên, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP.HCM lên gần 100.000 liều.

Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc Molnupiravir theo đề xuất của TP.HCM để thực hiện chương trình.

Để bảo đảm các trường hợp F0 được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với thuốc kháng vi rút Molnupiravir và được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương rà soát, kiểm tra các thông tin về việc tiếp cận của người bệnh Covid-19 đối với thuốc Molnupiravir; chỉ đạo việc cấp phát thuốc tới người bệnh theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt để người dân được tiếp cận với thuốc kịp thời và công bằng.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo yêu cầu báo cáo khẩn các nội dung trên về Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Cục Quản lý dược, Thanh tra Bộ Y tế) trước ngày 11.12.

Gần 80% phụ huynh học sinh lớp 9, 12 TP.HCM đồng ý cho con trở lại trường

Ngày 9.12.2021, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, qua khảo sát có khoảng 80% phụ huynh học sinh đồng ý cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 13.12.

Gần 80% phụ huynh học sinh lớp 9, 12 TP.HCM đồng ý cho con trở lại trường

Cũng theo nhìn nhận của người phụ trách chuyên môn bậc trung học của Sở GD-ĐT, từ ngày 5.9 đến nay, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh duy trì việc học qua internet. Phương thức học tập này phù hợp trong hoàn cảnh thích ứng với tình hình dịch bệnh nhưng cũng hạn chế phần nào và cần có giải pháp để giúp học sinh có kiến thức tốt, đảm bảo việc học tập.

Ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện phương án dạy học trên internet và khi có cơ hội tiếp tục thực hiện thêm phương thức học song song là trực tiếp.

Theo kế hoạch, từ ngày 13.12 - 25.12, TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm dạy và học trực tiếp với học sinh khối 9 và 12. Sau 2 tuần thí điểm, thành phố sẽ tổng kết, đánh giá, xem xét quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn thành phố từ ngày 3.1.2022.

“Mất 4 người do Covid-19, tôi gục ngã vì không biết làm sao nuôi 2 con”

Sau cơn đại dịch, gia đình chị Diễm Thúy (41 tuổi, H. Nhà Bè) mất tới 4 người, trong đó chồng chị ra đi để lại 3 người con. Đau thương quá lớn khiến chị tưởng như muốn gục ngã, nhìn về tương lai các con, tâm trí người mẹ rối bời.

“Mất 4 người do Covid-19, tôi gục ngã vì không biết làm sao nuôi 2 con”

Những ngày tháng đau buồn, mất mát đó vẫn chưa thôi ám ảnh chị Huỳnh Thị Diễm Thúy (41 tuổi, ngụ ở H.Nhà Bè, TP.HCM) cho đến tận ngày hôm nay.

Chị Diễm Thúy là mẹ của hai em sinh đôi Huỳnh Ngọc Thành và Huỳnh Ngọc Đạt (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Lâm Văn Bền). Anh Huỳnh Ngọc Tuấn, chồng chị mất ngày 15.8, chỉ sau người anh trai mất vài ngày, sau đó đến chị dâu và mẹ ruột cũng không thể qua khỏi vì Covid-19.

Mất đến 4 người thân liên tiếp trong thời điểm cả thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, một mình chị xoay xở lo hậu sự cho chồng và gia đình chồng đến mức muốn gục ngã. Nhìn các con thơ, chị không biết phải bám víu vào đâu để có thể nuôi các con khôn lớn.

Chị Thúy là công nhân ở khu chế xuất, lương 6 triệu một tháng. Anh Huỳnh Ngọc Tuấn – chồng chị trước đây là thợ cơ khí nhưng đã nghỉ 2 năm nay vì mắc bệnh, không thể lao động nặng. Anh thay chị ở nhà chăm con, chăm bà nội. Chị Thúy có chỗ dựa vững chắc để đi làm.

Đã gần 4 tháng kể từ ngày ba mất, hai anh em sinh đôi vẫn ngơ ngác tìm ba. Chị Thúy cầm lòng không dám khóc, sợ nỗi đau sẽ hằn sâu vào tâm trí con trẻ.

Chị Thúy là một trong số nhiều gia đình tại H. Nhà Bè có người thân mất vì đại dịch Covid-19, các em nhỏ bỗng trở thành trẻ mồ côi.

Sáng 8.12.2012, bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè, cho biết từ khoảng tháng 6, tháng 7, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, huyện Nhà Bè bắt đầu có những ca nhiễm rất nặng dẫn đến tử vong.

Sau tháng 8, đại dịch tạm đi qua giai đoạn căng thẳng nhưng để lại nhiều mất mát, làm cho con mất cha, vợ mất chồng, có nhiều gia đình mất cả ông bà, cha mẹ.

Để hỗ trợ các em nhỏ bỗng trở thành trẻ mồ côi sau đại dịch, sáng 8.12.2021, Báo Thanh Niên tiếp tục sứ mệnh cam kết bảo trợ trẻ mồ côi, thực hiện chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” – Tổ chức ký thỏa thuận với nhà bảo trợ và gia đình 7 cháu mồ côi do Covid-19 tại xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM.

Chị Diễm Thúy và 6 gia đình khác đã có mặt từ sớm để tham gia lễ kí kết thỏa thuận bảo trợ. Trong đó, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công nhận bảo trợ 5 em. Phòng khám Đông Á và Công ty TNHH Leo Coffee and Tea mỗi đơn vị nhận bảo trợ 1 em.

Thời gian tới, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục thực hiện kí kết thỏa thuận bảo trợ trẻ mồ côi với nhiều gia đình và các nhà bảo trợ thông qua chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, nhằm kịp thời giúp gia đình vơi bớt đi gánh nặng kinh tế, giúp các em nhỏ có động lực để vững bước trên con đường tương lai.

Chuyên gia Hồng Kông: tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer vào đùi an toàn hơn tiêm vào tay

Theo các chuyên gia y tế Hồng Kông, vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech nên được tiêm vào đùi, thay vì vào tay để giảm nguy cơ viêm tim.

Ngày 9.12, các cố vấn chiến lược chống dịch Covid-19 của Hồng Kông nhận định việc đổi vị trí tiêm vắc xin trên cơ thể sẽ khiến nó an toàn hơn cho mọi nhóm tuổi. Một cố vấn còn kêu gọi chính quyền ra quy định tiêm chuẩn cho thanh thiếu niên.

Lời kêu gọi xuất hiện sau trường hợp một phụ nữ 66 tuổi tử vong 16 ngày sau khi được tiêm vắc xin Pfizer. Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã bị viêm cơ tim. Nhà chức trách y tế kết luận rằng “không xác định" được mối liên hệ giữa mũi tiêm vắc xin và nguyên nhân tử vong.

Hội đồng chuyên gia về Đánh giá Sự kiện Lâm sàng sau khi tiêm ngừa Covid-19 của Hồng Kông đến nay đã xem xét 49 ca tử vong xảy ra trong vòng 14 ngày sau khi tiêm vắc xin. Không có trường hợp nào được khẳng định là liên quan đến vắc xin Covid-19. Một trường hợp đang trong quá trình xem xét.

Giáo sư Ivan Hung Fan-ngai thuộc hội đồng trên cho biết không thể loại trừ khả năng người phụ nữ 66 tuổi bị viêm cơ tim liên quan đến vắc xin Covid-19. Theo ông, người này cũng có thể nhiễm bệnh parvo, căn bệnh dẫn đến tình trạng viêm tim tương tự.

Theo giáo sư này, vắc xin Covid-19 nên được tiêm vào đùi, thay vì vào tay, ở mọi độ tuổi vì đùi cách xa tim và vắc xin cần phải đi qua bạch huyết bẹn nếu tiêm vào đùi.

Đến nay, Hồng Kông đã ghi nhận tổng cộng 83 ca viêm tim sau khi tiêm vắc xin Pfizer, trong đó có 34 đối tượng từ 12 đến 15 tuổi.

Phương án tiêm vắc xin Pfizer vào đùi đã được đề xuất khoảng vài tháng trước. Tuy nhiên, phương án này được cho là bất tiện vì người đi tiêm phải mặc quần, váy ngắn.

Ngoài ra, đối tượng trẻ tuổi tại Hồng Kông cũng được khuyến nghị chỉ tiêm 1 liều vắc xin Pfizer thay vì tiêm 2 liều tiêu chuẩn để giảm nguy cơ viêm tim. Nguyên nhân là vì dữ liệu quốc tế cho thấy thanh thiếu niên có thể gặp nguy cơ sau khi tiêm liều thứ 2 của vắc xin Pfizer.

Omicron, Anh buộc phải áp dụng 'phương án B' để đối phó

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 8.12 đã áp đặt các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt hơn ở Anh. "Phương án B" được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Vì Omicron, Anh buộc phải thắt áp dụng "phương án B" để đối phó

Theo đó, ông Johnson yêu cầu mọi người phải làm việc tại nhà, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và sử dụng thẻ chứng nhận tiêm chủng để vào các hộp đêm hoặc địa điểm đông người.

Ông Johnson cho biết: "Tôi tin rằng chúng ta không thể cứ dùng mãi cách can thiệp phi y tế, hạn chế cuộc sống của người dân, chỉ vì một số nhỏ dân số chưa tiêm vắc xin. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cần bàn luận trên cả nước về hướng đi sắp tới, những điều chúng ta có thể làm để bảo vệ những người khó tiếp cận, những người chưa tiêm phòng vì nhiều lý do, ví dụ như lý do y tế, tìm cách để bảo vệ họ".

Thủ tướng Anh đưa ra thông báo trên trong lúc nhận nhiều chỉ trích vì một video cho thấy các nhân viên cấp cao của văn phòng thủ tướng cười giỡn về việc tổ chức tiệc Giáng sinh giữa lúc nước Anh bị phong tỏa một năm trước.

Đoạn video được kênh ITV phát hôm 7.12 cho thấy cấp dưới của ông Johnson, bao gồm cả cựu thư ký báo chí Allegra Stratton, bàn tán và cười đùa về bữa tiệc Giáng sinh ở Phố Downing "vào đêm thứ Sáu", trong lúc những hội hè như vậy bị cấm.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 10.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.