Bản tin Covid-19 ngày 17.2: Cả nước thêm 36.200 ca | Ca nhiễm ở các “điểm nóng” tăng vùn vụt
Bản tin Covid-19 ngày 17.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 17.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận thêm 36.200 ca Covid-19 mới, 5.810 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế ngày 17.2 cho biết tính từ 16h ngày 16.2 đến 16h ngày 17.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, 5.810 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 90 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.278 ca.
Thông tin về 36.200 ca nhiễm mới như sau:
- 10 ca nhập cảnh
- 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (3.893), Thái Nguyên (2.478), Quảng Ninh (2.477), Hải Phòng (1.548), Phú Thọ (1.417), Vĩnh Phúc (1.362), Bắc Ninh (1.362), Nghệ An (1.352), Hải Dương (1.350), Nam Định (1.344), Hòa Bình (1.256), Bắc Giang (1.112), Thái Bình (877), Thanh Hóa (861), Lào Cai (820), Sơn La (779), Yên Bái (741), Hưng Yên (709), Đà Nẵng (705), Tuyên Quang (666), Quảng Nam (614), Bình Định (588), Quảng Bình (569), Hà Tĩnh (545), Đắk Lắk (484), Khánh Hòa (484), TP.HCM (483), Quảng Trị (444), Lạng Sơn (425), Phú Yên (381), Lâm Đồng (374), Gia Lai (342), Cao Bằng (285), Quảng Ngãi (265), Bình Phước (264), Thừa Thiên Huế (241), Đắk Nông (225), Hà Nam (219), Lai Châu (213), Điện Biên (195), Bắc Kạn (182), Kon Tum (149), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Cà Mau (123), Hà Giang (112), Bình Thuận (105), Đồng Nai (91), Bình Dương (79), Bến Tre (71), Vĩnh Long (67), Kiên Giang (64), Trà Vinh (59), Bạc Liêu (58), Tây Ninh (37), Đồng Tháp (27), Hậu Giang (19), Long An (13), An Giang (12), Sóc Trăng (12), Ninh Thuận (11), Cần Thơ (11), Tiền Giang (6).
Ngày 17.2: Cả nước 36.200 ca Covid-19, 5.810 ca khỏi | Hà Nội 3.893 ca | TP.HCM 483 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình (-1316), Hải Dương(-248), Bình Định (-217).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+941), Bắc Giang (+401), Hòa Bình (+282).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 30.321 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.643.024 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.762 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.635.814 ca, trong đó có 2.252.148 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (517.580), Bình Dương (293.356), Hà Nội (183.824), Đồng Nai (100.319), Tây Ninh (88.904).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.810 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.254.965 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.017 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.299 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 331 ca
- Thở máy không xâm lấn: 79 ca
- Thở máy xâm lấn: 292 ca
- ECMO: 16 ca
Từ 17h30 ngày 16.2 đến 17h30 ngày 17.2 ghi nhận 90 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (4) trong đó có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến: Bình Thuận (1), Bình Định (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (19), Đà Nẵng (8 ), Nam Định (7 ca trong hai ngày), Kiên Giang (6), Bình Thuận (5), Bình Phước (3 ca trong hai ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Quảng Nam (2), Quảng Ngãi (2 ca trong 02 ngày), Sóc Trăng (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Phú Yên (1), Quảng Trị (1), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Tiền Giang (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 84 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.278 ca, chiếm tỈ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 32.899.543 mẫu tương đương 78.162.643 lượt người.
Trong ngày 16.2 có 2.738.773 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 189.761.776 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.879.844 liều, tiêm mũi 2 là 75.740.234 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 34.141.698 liều.
F0 tăng nhanh, Hà Nội có thay đổi chiến lược chống dịch?
Nhiều tháng nay, Hà Nội luôn là địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19 mới mỗi ngày nhất cả nước. Đặc biệt, số ca mắc mới trong ngày của Hà Nội bắt đầu tăng mạnh sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế tới hết ngày 16.2, Hà Nội có hơn 126.000 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hơn 3% còn lại (tức gần 4.000 ca) phải nhập viện điều trị; gồm hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội và hơn 300 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
F0 Covid-19 tăng nhanh, Hà Nội có thay đổi chiến lược chống dịch? |
Theo thống kê của Bộ Y tế cập nhật ngày 17.2, trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); Gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO,...
Sở Y tế Hà Nội cho biết số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc xin Covid-19.
Hiện nay, tỉ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên) đạt gần 55%. Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.
Mới đây, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.
Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế Hà Nội cho biết việc này rất quan trọng nhằm giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ bệnh nặng, giảm tỉ lệ chuyển tầng. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, phải có kế hoạch và thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội hiện nay.
Các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ ngày càng gia tăng. Lý do là vì trẻ được đi học, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vắc xin cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của vi rút.
Trẻ mắc Covid-19 thường có bệnh cảnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn có một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.
Trẻ mắc Covid-19 có thể mang tiếng thở ồn ào |
MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ mắc Covid-19 gồm:
- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.
- Mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gien, béo phì.
- Bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt…
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài).
- Bệnh thận mạn.
- Ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…
Đây là những yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh nặng lên, tuy nhiên rất nhiều trường hợp phải căn cứ vào triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng để quyết định có cần cho trẻ nhập viện hay không.
Các dấu hiệu chuyển nặng khi trẻ mắc Covid-19 |
Theo chuyên gia, thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỉ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa ô xy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa ô xy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…
Đối tượng chăm sóc tại nhà gồm 2 nhóm chính. Thứ nhất là trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính. Thứ hai là trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng.
Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường giống như cảm cúm, sốt vi rút; tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. Mục tiêu quan trọng nhất là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng để báo cho cơ quan y tế và chuyển trẻ đến bệnh viện khi cần.
Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng 'lựa chọn bệnh viện' không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện/viện có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tuyến đầu chống Covid-19 chụp ảnh cưới tập thể trên sân đậu trực thăng
Sân đậu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 tại TP.HCM đã trở thành điểm hẹn của những cặp đôi là cán bộ, nhân viên tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 của bệnh viện.
Ngày 16.2.2022, Bệnh viện Quân y 175 cho biết họ sẽ tổ chức lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 để tri ân và ghi nhận những cống hiến của họ.
Suốt 2 năm vừa qua, cùng với các lực lượng tuyến đầu trên cả nước, các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã dành toàn bộ sức lực, tâm trí để chiến đấu chống lại dịch Covid-19. Họ đã làm việc tận tụy, hy sinh thầm lặng, tạm gác lại mọi việc riêng tư, quên đi hạnh phúc của riêng mình.
Tuyến đầu chống Covid-19 chụp ảnh cưới tập thể trên sân đậu trực thăng |
Để tổ chức lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi, Bệnh viện Quân y 175 đã được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà thiết kế Minh Hạnh. Minh Hạnh chia sẻ, đây là thời điểm tốt nhất để bà nói lời cảm ơn, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với những người ở tuyến đầu chống dịch.
Lễ cưới tập thể sẽ được tổ chức vào ngày 20.2.2022. Bệnh viện phối hợp cùng các nhà tài trợ đã chuẩn bị 20 cặp nhẫn cưới trị giá hơn 140 triệu đồng, 20 bộ chăn, drap, gối trị giá 100 triệu đồng, 20 cặp vé bay nội địa hưởng tuần trăng mật và 40 triệu đồng tiền mặt để trao tặng cho các cặp đôi.
Ngoài ra, dự kiến tại lễ cưới còn có chương trình nghệ thuật với chủ đề “Mạch sống” để truyền tải lời tri ân đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, các hoạt động của Bệnh viện Quân y 175 trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc,…
Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đó nhưng sóng gió đã tạm đi qua. Ca nhiễm Covid-19 vẫn cao nhưng ngày càng ít hơn các ca bệnh chuyển nặng. Thành phố đã trở lại với nhịp sống sôi động nhưng cảnh giác.
Những chiến sĩ tuyến đầu hôm nào giờ đã có thời gian chăm lo cho hạnh phúc riêng tư. Hạnh phúc cá nhân giản đơn và đương nhiên thế mà đã có lúc họ phải tạm gác lại vì những ngày bình yên của thành phố.
Gần 5,9 triệu người tử vong vì Covid-19 sau 2 năm đại dịch
Đến 17 giờ chiều 17.2 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 418.046.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.852.000 ca tử vong và hơn 10.257.109.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.
- Với hơn 78.172.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19.
- Mỹ cũng đã ghi nhận 928.519 bệnh nhân tử vong.
- Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 42.754.000 ca nhiễm và 510.413 người tử vong vì Covid-19.
- Kế tiếp là Brazil với hơn 27.819.000 ca Covid-19 và 641.096 ca tử vong vì Covid-19.
- Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 22.131.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 136.856 ca tử vong.
- Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 18.575.000 ca nhiễm và 160.599 ca tử vong.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 17.2 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)