Bản tin Covid-19 ngày 16.2: Cả nước 34.737 ca | Nỗi lo triệu chứng lạ “hậu Covid-19”

16/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 16.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 16.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 34.737 ca Covid-19, 6.882 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 16.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 15.2 đến 16h ngày 16.2.2022, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.737 ca nhiễm mới, 6.882 ca ca khỏi bệnh.

Bản tin thông báo về 66 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.188 ca.

Ngày 16.2: Cả nước 34.737 ca Covid-19, 6.882 ca khỏi | Hà Nội 3.888 ca | TP.HCM 620 ca

Bản tin Bộ Y tế cũng đính chính số ca nhiễm mới của Hậu Giang đã thông báo ngày 15.2.2022. Cụ thể, do nhầm lẫn trong quá trình nhập số liệu, CDC Hậu Giang đã đăng ký nhầm 13 ca nhiễm mới trong ngày tại tỉnh là ca nhập cảnh. Do đó số liệu ca nhiễm mới của ngày 15.2.2022 điều chỉnh lại là Hậu Giang có 13 ca nhiễm mới trong nước.

Thông tin về 34.737 ca nhiễm mới như sau:

  • 14 ca nhập cảnh.
  • 34.723 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 25.026 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (3.888), Thái Nguyên (2.497), Hải Dương (1.598), Quảng Ninh (1.536), Hải Phòng (1.487), Phú Thọ (1.332), Ninh Bình (1.316), Nam Định (1.281), Vĩnh Phúc (1.274), Bắc Ninh (1.209), Nghệ An (1.188), Hòa Bình (974), Thái Bình (836), Bình Định (805), Thanh Hóa (781), Sơn La (770), Lào Cai (769), Đà Nẵng (743), Bắc Giang (711), Hưng Yên (648), TP.HCM (620), Quảng Nam (606), Yên Bái (595), Quảng Bình (574), Lạng Sơn (552), Hà Tĩnh (417), Khánh Hòa (412), Tuyên Quang (395), Quảng Trị (391), Đắk Lắk (384), Lâm Đồng (362), Phú Yên (316), Bà Rịa - Vũng Tàu (298), Gia Lai (275), Cao Bằng (269), Bình Phước (264), Thừa Thiên-Huế (258), Quảng Ngãi (245), Hà Nam (229), Đắk Nông (179), Kon Tum (171), Điện Biên (166), Cà Mau (128), Lai Châu (122), Bình Thuận (119), Hà Giang (118), Đồng Nai (87), Bạc Liêu (78), Bình Dương (76), Vĩnh Long (69), Bến Tre (65), Bắc Kạn (56), Tây Ninh (31), An Giang (27), Đồng Tháp (24), Sóc Trăng (19), Long An (18), Cần Thơ (15), Trà Vinh (13), Hậu Giang (12), Kiên Giang (11), Ninh Thuận (10), Tiền Giang (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-232), Hải Dương (-209), Bà Rịa - Vũng Tàu (-196).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (+1.203), Quảng Ninh (+290), TP.HCM (+279).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 28.869 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.606.824 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.396 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.599.624 ca, trong đó có 2.246.338 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (517.097), Bình Dương (293.277), Hà Nội (179.931), Đồng Nai (100.228), Tây Ninh (88.867).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.882 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.249.155 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.826 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.122 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 315 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 79 ca
  • Thở máy xâm lấn: 292 ca
  • ECMO: 18 ca

Từ 17h30 ngày 15.2 đến 17h30 ngày 16.2 ghi nhận 66 ca tử vong tại:

  • Tại TP.HCM (2) đều từ các tỉnh chuyển đến, gồm: An Giang (1), Long An (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (15), Thanh Hóa (10 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (5), Quảng Nam (4), Vĩnh Long (4), Bình Thuận (3), Bắc Giang (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Hòa Bình (2), Lạng Sơn (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Cà Mau (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), Ninh Bình (1), Phú Thọ (1), Phú Yên (1), Quảng Bình (1), Quảng Ngãi (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 82 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.188 ca, chiếm tỉ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 32.860.989 mẫu tương đương 78.053.232 lượt người.

Trong ngày 15.2 có 413.574 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 186.892.927 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.238.754 liều, tiêm mũi 2 là 74.805.128 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.849.045 liều.

Hơn 19% bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam là trẻ em

Mới đây, Bộ Y tế đã thông tin về tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ em ở nước ta kể từ đầu dịch Covid-19.

Hơn 19% bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam là trẻ em

Cụ thể, tính từ đầu dịch Covid-19 đến nay, tỉ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tổng số ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, trẻ 13 - 17 tuổi chiếm 0,11%; 6 - 12 tuổi chiếm 0,1% và 0 - 2 tuổi chiếm 0,18%.

Theo Bộ Y tế, những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Chia sẻ thêm về tình hình mắc Covid-19 của trẻ em tại Covid-19 và một số cơ sở điều trị, lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết tính đến ngày 7.2, trong tổng số hơn 516.000 ca Covid-19 của TP.HCM có hơn 32.400 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%.

Số ca tử vong trẻ em là 48 ca (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong do Covid-19). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%.

Qua phân tích 2.478 ca Covid-19 tại TP.HCM cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin số tử vong ở trẻ em rất ít. Tuy nhiên phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm Covid-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn.

Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15.3

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 43 ngày 16.2.2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch.

Từ 15.3, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các Bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15.3.2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm ngày 15.3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...

Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.

Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

Hàng ngàn tân binh TP.HCM lên đường nhập ngũ

Sáng 16.2.2022, tại trụ sở Ban chỉ huy quân sự quận 12 đã diễn ra lễ giao nhận quân của TP.HCM năm 2022.

Tân binh TP.HCM hào hứng lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ với Tổ quốc

Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM; thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an; trung tướng Nguyễn Văn Nam - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Cùng với đó là hàng ngàn thanh niên từ các quận huyện, thành phố tại TP.HCM.

Đang là kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng khi nhận được lệnh nhập ngũ, Bùi Đức Thắng quyết định lên đường để rèn luyện bản thân.

Tại buổi lễ bàn giao quân, lãnh đạo thành phố cũng đã tặng hoa, quà và động viên tinh thần của các tân binh trước khi họ lên xe về đơn vị.

Buổi lễ bàn giao quân tại Ban chỉ huy quân sự quận 12 được tổ chức khẩn trương, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không kém phần trang trọng, ý nghĩa.

Theo báo cáo của Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự TP.HCM, năm 2022, tổng số lệnh gọi nhập ngũ đã trao là 3.984 người, trong đó lệnh chính thức là 3.800 công dân nam, dự phòng là 184 công dân (chiếm 4,84% so với chỉ tiêu).

Số đảng viên nhận lệnh là 79 người (đạt 2,08% so với chỉ tiêu), trong đó đảng viên chính thức là 66 người (chiếm 1,74%). Công dân nhận lệnh gọi nhập ngũ có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học là 1.684 người (đạt 44,32% so với chỉ tiêu).

Công dân nhận lệnh gọi nhập ngũ có sức khỏe loại 1, 2 là 3.189 người (đạt 83,92% so với chỉ tiêu).

Xây bệnh viện hơn 200 tỉ nhưng cả năm chưa chữa cho bệnh nhân nào

Bên ngoài là cổng ra vào hoành tráng; bên trong cũng có cả phòng bệnh, xe cộ và trang thiết bị. Thời điểm này, thứ không tìm thấy ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu là các bệnh nhân.

Xây bệnh viện hơn 200 tỉ nhưng cả năm chưa chữa cho bệnh nhân nào

Tỉnh Bạc Liêu xây dựng bệnh viện này trên khu đất rộng 13.000 m2, thuộc xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Bệnh viện có kết cấu gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu, gồm 100 giường bệnh, tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Bệnh viện do Sở Y tế tỉnh làm chủ đầu tư. Đây được coi là bệnh viện có quy mô lớn, được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất của tỉnh Bạc Liêu.

Tuy nhiên sau gần 1 năm hoàn thành đến nay bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận một bệnh nhân nào.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp tại địa phương, tỉnh Bạc Liêu phải trưng dụng các điểm trường học để làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Do quá tải các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, ngày 6.8.2021, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định trưng dụng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 100 giường. Mặc dù y, bác sĩ của bệnh viện đã được tập huấn, sẵn sàng nhưng đến nay vẫn không thể tiếp nhận, cứu chữa cho một bệnh nhân Covid-19 nào.

Theo bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, cho biết bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng nhưng một năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế, có khoảng 50% ngồi chơi và lãnh lương.

Bác sĩ Trần Văn Khánh thừa nhận bệnh viện đã gây lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng gần một năm qua không làm gì.

Đáng nói, dù chưa đưa vào hoạt động nhưng qua kiểm tra đã có nhiều thiết bị trong bệnh viện gặp sự cố, hư hỏng; 3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỉ đồng nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải thì chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động…

Ngày 15.2.2022, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết Bí thư Tỉnh ủy vừa nhận được báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi về tổng thể thực trạng của bệnh viện. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan trực tiếp làm việc với Ban giám đốc bệnh viện để sớm giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền.

Bất an đến bệnh viện vì những triệu chứng lạ xuất hiện “hậu Covid-19”

Nhiễm Covid-19 đã là nỗi lo; thế nhưng kể cả khi đã âm tính với SARS-CoV-2 thì nỗi lo ấy vẫn chưa dừng lại. Kể từ khi triển khai phòng khám hậu Covid-19, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã ghi nhận hàng trăm trường hợp bệnh nhân đến khám, kiểm tra sức khỏe vì những triệu trứng xuất hiện sau khi đã điều trị khỏi Covid-19.

Bất an đến bệnh viện vì những triệu chứng lạ xuất hiện “hậu Covid-19”

Đa số bệnh nhân đến khám đều cảm thấy cơ thể có những thay đổi lạ chưa từng gặp, khiến họ không khỏi lo âu.

Sau khi được các bác sĩ khám, tư vấn tại phòng khám hậu Covid-19, bệnh nhân đến từ tỉnh An Giang này đã được hướng dẫn đi làm các xét nghiệm để kiểm tra tổng quát, đo điện tâm đồ, siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim mạch.

Tiếp đến là chụp X-Quang phổi để đánh giá có hay không những tổn thương sau khi đã điều trị khỏi Covid-19.

Chính các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp các bác sĩ đưa ra kết luận và có giải pháp điều trị cho bệnh nhân.

Hiện tại, mỗi ngày, phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân. Theo các bác sĩ, những vấn đề phổ biến nhất của bệnh nhân hậu Covid-19 là nhịp tim nhanh, khó thở, hụt hơi, trong khi đó các ca tổn thương phổi không nhiều.

Theo thống kê của các tài liệu thì có trên 200 triệu chứng sau khi bị Covid-19. Các triệu chứng thường gặp là khó thở, ho kéo dài, cảm giác hụt hơi, các triệu chứng tim mạch, có những cơn nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, cũng có thể có những tổn thương nặng hơn như tổn thương phổi sau Covid-19. Và một số trường hơp cũng có thể gặp là sơ phổi sau Covid-19. Tuy nhiên tỉ lệ mà bệnh nhân có di chứng hậu Covid-19 có thể từ 5-10%. Thường các bệnh nhân đó có tiền sử bị Covid-19 nặng, nguy kịch, phải thở máy, phải vào viện nằm ở hồi sức tích cực. Cũng có những trường hợp bệnh nhân không nặng nhưng có những triệu chứng kéo dài, sau khi bị Covid-19.

Cũng theo các bác sĩ, trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý làm cho họ lo lắng quá mức, suy nghĩ nhiều hơn so với triệu chứng của mình dẫn tới bất an hơn. Vì vậy, lời khuyên cho bệnh nhân nhất là những người có bệnh nền đã điều trị khỏi Covid-19 là không nên quá lo lắng hậu Covid-19. Điều quan trọng nhất là cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các triệu chứng bất thường cũng như kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có.

Mỹ đã có hơn 920.000 người tử vong vì Covid-19

Đến 17 giờ chiều 16.2 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 415.769.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.839.000 ca tử vong và hơn 10.257.109.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với hơn 78.039.000 trường hợp mắc bệnh cùng 925.560 người chết vì Covid-19.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 42.723.000 ca nhiễm và 509.872 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 27.677.000 ca Covid-19 và 640.076 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 22.029.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 136.580 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 18.521.000 ca nhiễm và 160.400 ca tử vong.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 16.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.