Bản tin Covid-19 ngày 25.11: Cả nước thêm 12.450 ca mới, dịch bệnh còn rất phức tạp
Bản tin Covid-19 ngày 25.11 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 25.11 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 12.450 ca nhiễm mới, 5.627 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 25.11 cho biết tính từ 16h ngày 24.11 đến 16h ngày 25.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.450 ca nhiễm mới, 5.627 ca khỏi bệnh.Trong ngày, cả nước ghi nhận 164 ca Covid-19 tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 24.407 ca.
Thông tin về 12.450 ca nhiễm mới như sau:
- 21 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.429 ca ghi nhận trong nước (tăng 640 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 6.842 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.582), Cần Thơ (741), Tây Ninh (683), Bình Dương (678), Bà Rịa - Vũng Tàu (658), Bạc Liêu (617), Đồng Tháp (609), Đồng Nai (543), Vĩnh Long (491), Sóc Trăng (486), Bình Thuận (402), Bến Tre (401), Kiên Giang (397), Bình Phước (342), Trà Vinh (294), Cà Mau (287), Hà Nội (264), An Giang (248), Hậu Giang (239), Lâm Đồng (235), Khánh Hòa (191), Bình Định (159), Hà Giang (135), Gia Lai (128), Tiền Giang (123), Bắc Ninh (122), Nghệ An (118), Long An (110), Thừa Thiên Huế (96), Đắk Lắk (93), Quảng Nam (92), Quảng Bình (91), Đắk Nông (69), Thanh Hóa (69), Đà Nẵng (66), Hòa Bình (64), Thái Bình (60), Vĩnh Phúc (54), Nam Định (42), Quảng Ngãi (39), Phú Thọ (34), Ninh Thuận (32), Tuyên Quang (28), Quảng Trị (26), Hà Tĩnh (26), Phú Yên (24), Bắc Giang (20), Quảng Ninh (19), Hà Nam (18), Điện Biên (17), Lạng Sơn (13), Hưng Yên (13), Thái Nguyên (10), Sơn La (9), Cao Bằng (8 ), Ninh Bình (5), Hải Dương (5), Lào Cai (2), Hải Phòng (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-119), TP.HCM (-84), Vĩnh Phúc (-79).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (+211), Bạc Liêu (+199), Bình Phước (+197).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.666 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.168.228 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.855 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.163.054 ca, trong đó có 940.071 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (462.371), Bình Dương (278.780), Đồng Nai (84.508), Long An (37.754), Tiền Giang (24.239).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5.627 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 942.888 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.475 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.563 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.161 ca
- Thở máy không xâm lấn: 205 ca
- Thở máy xâm lấn: 520 ca
- ECMO: 26 ca
Từ 17h30 ngày 24.11 đến 17h30 ngày 25.11 ghi nhận 164 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM có 59 ca tử vong trong đó có 12 trường hợp là người dân của các tỉnh, thành phố: An Giang (1), Bạc Liêu(1), Bình Dương(1), Bình Thuận(1), Đồng Tháp(1), Khánh Hòa(1), Long An (4), Quảng Trị (1), Tiền Giang(1).
- Các ca tử vong ghi nhận tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Tiền Giang (13), An Giang (17), Bình Dương (13), Kiên Giang (10), Tây Ninh (8 ), Đồng Nai (8 ), Cần Thơ (8 ), Long An (7), Vĩnh Long (6), Sóc Trăng (5), Đồng Tháp (2), Bạc Liêu (2), Đắk Lắk (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hậu Giang (1), Quảng Ngãi (1), Trà Vinh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 133 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.407 ca, chiếm tỉ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 139.167 xét nghiệm cho 317.200 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 25.390.262 mẫu cho 67.004.193 lượt người.
Trong ngày 24.11 có 1.578.870 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 114.591.610 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 68.490.909 liều, tiêm mũi 2 là 46.100.701 liều.
Cả nước đã tiêm trên 114,7 triệu liều vắc xin
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 14 giờ 30 ngày 25.11.2021, cả nước đã tiêm được gần 114,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 (cao hơn gần 1,7 triệu liều so với cùng giờ ngày 24.11).
Đồng thời, các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Cả nước đã tiêm trên 114,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 |
Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Có 4 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên gồm: Sơn La (60,8%), Nghệ An (61,1%), Thanh Hóa (64,2%) và Quảng Bình (68,6%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Hiện đã có 39/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90% gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.
Bên cạnh đó, trong ngày 24.11, 500.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Argentina viện trợ đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Theo thông tin của Bộ Y tế, từ tháng 3.2021 đến ngày 24.11.2021, nước ta đã tiếp nhận 135.900.595 liều vắc xin phòng Covid-19, cụ thể:
- Vắc xin AstraZeneca: 47.506.376 liều.
- Vắc xin Pfizer và Moderna: 33.326.330 liều.
- Vắc xin Sinopharm: 48.700.000 liều.
- Vắc xin Abdala: 5.150.000 liều.
- Vắc xin Sputnik V: 1.217.889 liều.
Thêm 1 triệu liều thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 về Việt Nam
Sáng 25.11.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết cơ quan y tế khuyến khích người dân tự phát hiện ca mắc Covid-19; ca bệnh nhẹ được cấp thuốc điều trị tại nhà. Thuốc kháng vi rút cho các bệnh nhân Covid-19 đang tiếp tục được nhập về.
Thêm 1 triệu liều thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 về Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bắt đầu từ 27.4, sau đó bùng phát và lan rộng, đến 30.9, đợt dịch này cơ bản kiểm soát. Đây là dịch bệnh mới, luôn thay đổi về cơ chế bệnh sinh.
Suốt quá trình điều trị các ca bệnh Covid-19, Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng các thuốc điều trị Covid-19 như: thuốc kháng vi rút điều trị HIV, thuốc trị sốt rét, trị giun sán... Qua đó, giới y học cũng đã cố gắng xây dựng các nhóm, tổ hỗ trợ chuyên môn, tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá nước ta đã thử nghiệm lâm sàng thành công thuốc Molnupiravir. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp 250.000 liều cho các địa phương.
Kết quả sơ bộ hết sức khả quan, tỷ lệ bệnh nhân âm tính sau 5 ngày sử dụng Molnupiravir đạt từ 72-93%. Thuốc này giúp giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng Molnupiravir. Để hiệu quả, thuốc nên sử dụng ngay khi bắt đầu nhiễm.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay ngày 25.11, 1 triệu liều thuốc kháng vi rút điều trị Covid-19 từ Nhật Bản sẽ về Việt Nam. Lô thuốc này sẽ được phân bổ cho các địa phương, cấp cho điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, đảm bảo không bị gián đoạn điều trị.
Đáng lưu ý, về chiến lược phòng chống dịch và điều trị, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tới đây tỷ lệ ca nhiễm mới/100.000 dân không còn là chỉ số quan trọng về đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương, sẽ chú trọng đánh giá tình trạng các ca nặng phải nhập viện, nặng và tử vong.
Đồng thời, Bộ Y tế khuyến khích người dân tự xét nghiệm, khuyến khích người dân tự phát hiện, các ca nhẹ sẽ điều trị tại nhà; các ca chuyển nặng hơn mới chuyển đến cơ sở y tế, và điều trị tại địa phương.
Một trong những thay đổi quan trọng trong thời gian tới là tăng cường sử dụng thuốc kháng vi rút tại y tế cơ sở, cấp thuốc tại nhà hạn chế trở nặng. Đồng thời, có chiến lược mới về cách ly, xét nghiệm phù hợp.
Chiến lược điều trị tại nhà được tập trung triển khai trong thời gian tới trên cơ sở nước ta đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin cần thiết. Dự kiến, đến 30.11, nước ta đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Vận động thu hồi hàng ngàn trường hợp nhận sai gói hỗ trợ Covid-19
Ngày 24.11.2021, đoàn giám sát của HĐND TPHCM có buổi làm việc tại quận 12 về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
TP.HCM vận động thu hồi hàng ngàn trường hợp nhận sai gói hỗ trợ Covid-19 |
Theo báo cáo của UBND quận 12, trong đợt 3 tổng số người được phê duyệt chi hỗ trợ là gần 700.000 người. Hiện quận đã chi hỗ trợ cho gần 558.000 người với số tiền gần 558 tỉ đồng. Nhiều trường hợp chưa nhận được hỗ trợ do thiếu kinh phí, đang điều trị, cách ly, về quê.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch UBND quận 12, công tác chăm lo được thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của thành phố là đúng đối tượng, không để sót, không để trùng.
Tuy nhiên do số dân đông, áp lực công việc lớn nên có thể có sai sót. Mặc dù vậy, quận đã quán triệt để tránh vấn đề tư lợi cá nhân trong việc chi hỗ trợ cho người dân.
Về việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết số 12/2021 của HĐND TP.HCM, quận đã chi cho hơn 5.400 và người hiện còn 220 người chưa chi. Hiện tại địa phương đang gặp khó khăn trong kinh phí phòng chống dịch và chăm lo cho người dân theo Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM.
Trên cơ sở đó, quận 12 kiến nghị thành phố sớm hỗ trợ cho quận 12 kinh phí phòng chống dịch và kinh phí để chi hỗ trợ gói đợt 3.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong việc chi các gói hỗ trợ cho người dân.
Ông cũng đánh giá cao việc quận 12 mạnh dạn không chi và thu hồi với những trường hợp không đúng đối tượng. Cụ thể, quận 12 đã vận động thu hồi gần 6400 trường hợp và không chi hơn 25.000 trường hợp.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị địa phương tiếp tục rà soát thật kỹ các đối tượng trong quá trình chi hỗ trợ để tránh trường hợp chi sai, chi sót.
Về nguồn kinh phí, ông Bình cũng chia sẻ những khó khăn với địa phương và sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM và Sở Tài chính để sớm trình kinh phí để bổ sung.
Tuy nhiên, Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị địa phương cần cố gắng kiếm nguồn đề chi trước cho những trường hợp thực khó khăn.
‘Cha đẻ’ ATM ô xy bình phục, chia sẻ bí quyết chiến thắng Covid-19
Sáng 21.11, hội thảo Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 do Báo Tiền Phong tổ chức đã diễn ra tại cả hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội, với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế, các bệnh viện, hội nghề nghiệp. Anh Hoàng Tuấn Anh, 'cha đẻ' ATM ô xy đã xuất hiện với vẻ ngoài khỏe khoắn.
Anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ về quãng thời gian chiến đấu với Covid-19 |
Đầu tháng 10, thông tin anh Tuấn Anh phải chiến đấu với Covid-19 gây xôn xao và bất ngờ với nhiều người. Những ngày đầu nhập viện, chỉ số SpO2 của anh tụt xuống còn 83 - 85, phải thở ô xy. Tuy bệnh chuyển biến nặng và phải điều trị tại bệnh viện từ ngày 5.11 nhưng anh vẫn điều hành hỗ trợ ô xy giúp cho người cần khiến cộng đồng mạng cảm kích.
Anh Tuấn Anh cho biết giáo viên dạy kèm của con đến dạy và ở lại nhà anh bị nhiễm Covid-19, sau đó hai con của anh bị lây bệnh. Hai vợ chồng anh thay nhau chăm sóc con.
Ngày 1.11, anh bắt đầu có triệu chứng của F0. Đến ngày 2.11, xét nghiệm nhanh có kết quả 2 vạch, anh chủ động cách ly trước nhưng không lâu sau vợ anh cũng nhiễm bệnh.
Gắn bó với công việc thiện nguyện xuyên suốt mùa dịch, anh Tuấn Anh luôn chuẩn bị tâm lý có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Khi đã mắc Covid-19, anh mới thực sự hiểu được nỗi lo sợ và đồng cảm với bệnh nhân hơn. Đặc biệt, anh và vợ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng hai con nhỏ thì chưa nên khá bối rối vì phải lo cho gia đình.
Tại buổi hội thảo, anh Tuấn Anh kể lại khoảng thời gian nhiễm bệnh đầy khó khăn vừa qua, đồng thời gửi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ của người thân, đặc biệt là các y bác sĩ đã hướng dẫn, chăm sóc gia đình anh từ xa trong suốt thời gian điều trị.
‘Cha đẻ’ ATM ô xy bình phục, chia sẻ bí quyết chiến thắng Covid-19 |
Anh Hoàng Tuấn Anh chỉ là một trong số nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nhưng vẫn bị lây nhiễm Covid-19 từ gia đình. Vì vậy, đây cũng là lời nhắc nhở chung cho cộng đồng không được lơ là, chủ quan trong giai đoạn bình thường mới.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia y tế cũng bày tỏ nhiều quan điểm về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”. PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nói chúng ta nên chấp nhận có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, không thể có “Zero Covid”.
Châu Âu có nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong do Covid-19 sau mùa đông
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23.11 cho biết châu Âu vẫn nằm trong "tầm ngắm" của Covid-19 và tổng số ca tử vong ở lục địa này có thể lên đến 2,2 triệu người trong vài tháng tới nếu tình hình hiện tại tiếp diễn.
Nhân viên y tế và xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện Moscow, Nga |
REUTERS |
Theo đó, khoảng 700.000 người có thể chết do Covid-19 trong mùa đông này. WHO dự kiến 49/53 quốc gia sẽ phải đối mặt với sức ép cao hoặc rất cao về nhu cầu giường chăm sóc đặc biệt từ nay đến 1.3.2022.
Theo số liệu từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, Covid-19 là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp châu Âu và Trung Á. Dịch đang bùng mạnh tại châu Âu vì biến thể Delta, phạm vi tiêm chủng không đủ rộng và việc nới lỏng các biện pháp như đeo khẩu trang hay giãn cách.
Dữ liệu của WHO cho thấy các ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã tăng trong tuần trước lên gần 4.200 ca/ngày, tăng gấp đôi so với 2.100 ca tử vong/ngày ghi nhận vào cuối tháng 9.
Theo WHO, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm hoặc bệnh nhẹ của vắc xin ngày càng giảm dần.
Giám đốc WHO tại khu vực Hans Kluge đánh giá tình hình Covid-19 tại châu Âu và Trung Á đang rất nghiêm trọng. Ông nói rằng khu vực này phải đối mặt với mùa đông đầy thách thức.
Ông Hans Kluge kêu gọi bên cạnh tiêm vắc xin, người dân hãy tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch như giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
WHO cho biết khẩu trang giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm Covid-19 xuống 53% và ước tính rằng 95% dân số đeo khẩu trang sẽ ngăn chặn 160.000 ca tử vong đến tháng 3 năm sau.
Loại khẩu trang 'ích kỉ' có thể gây lây nhiễm Covid-19
Cố vấn của chính quyền Hồng Kông về Covid-19, nhà vi sinh vật học Yuen Kwok-yung, đã cảnh báo không nên sử dụng một loại khẩu trang có van lọc khí sau khi một bệnh nhân đeo loại khẩu trang này bị nghi ngờ đã lây virus cho người khác tại khách sạn cách ly.
Loại khẩu trang "ích kỉ" có thể gây lây nhiễm Covid-19 |
Giáo sư Đại học Hồng Kông đã đưa ra phát biểu này vào tối 22.11, sau khi thanh tra khách sạn Sân bay Regal ở Chek Lap Kok, nơi xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo gần đây.
Ông Yuen cho biết bệnh nhân đầu tiên rất có thể lây nhiễm cho người kia qua đường không khí, khi người này sử dụng khẩu trang có van lọc khí, được thiết kế giúp lọc không khí hít vào.
Ông giải thích: "Điều đặc biệt ở những chiếc khẩu trang này là chúng có chút ích kỷ. Nói cách khác, chúng lọc không khí người đeo hít vào, nhưng khi thở ra qua van này nó lại không lọc tốt".
Camera tại khách sạn cho thấy bệnh nhân đầu tiên đã đeo loại khẩu trang này mỗi khi ra lấy thức ăn hoặc bỏ rác.
Chuyên gia này đã khuyến cáo các nhân viên khách sạn và kiểm dịch yêu cầu những hành khách sử dụng khẩu trang lọc khí chuyển sang dùng khẩu trang phẫu thuật.
Ông nói thêm rằng khách sạn cũng phải cải thiện hệ thống thông gió trong các hành lang để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 25.11 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)