Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 11.9: Bộ đội vào vùng đỏ giúp dân chống bão số 5

11/09/2021 19:23 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 11.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 11.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Cả nước 11.932 ca Covid-19 mới, 12.541 ca khỏi; tốc độ tiêm vắc xin nhanh kỷ lục

Bản tin Bộ Y tế tối 11.9 cho biết tính từ 17h ngày 10.9 đến 17h ngày 11.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.932 ca nhiễm mới, có 12.541 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.
Trong ngày 11.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 217 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, bản tin tối 11.9 bổ sung 56 ca Covid-19 tử vong  tại Đồng Nai từ thời gian trước; như vậy số ca Covid-19 tử vong được công bố trong ngày là 273 ca. Tổng số ca tử vong Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.018 ca.

Covid-19 sáng 12.9: Cả nước 601.349 ca nhiễm, 363.462 ca khỏi | TP.HCM triển khai VNEID

Thông tin về 11.932 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 11.9 như sau:
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.927 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 5.169 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.629),  (3.971), Đồng Nai (960), Long An (337), Kiên Giang (165), Tiền Giang (147), Tây Ninh (137), An Giang (107), Khánh Hòa (46), Cần Thơ (46), Quảng Bình (38), Hà Nội (35), Đồng Tháp (34), Bà Rịa - Vũng Tàu (32), Quảng Ngãi (32), Bình Phước (31), Bình Thuận (31), Bình Định (19), Đà Nẵng (19), Đắk Lắk (18), Phú Yên (17), Sơn La (16), Quảng Nam (14), Sóc Trăng (11), Nghệ An (6), Đắk Nông (5), Ninh Thuận  (5), Bạc Liêu (4), Thanh Hóa (3), Hưng Yên (3), Gia Lai  (2), Trà Vinh (2), Bắc Ninh (2), Thừa Thiên - Huế (1), Hà Tĩnh (1), Bến Tre (1).
- Sở Y tế Thừa Thiên - Huế báo cáo đính chính: 2 ca nhập cảnh đã được thông báo vào ngày 9.9.2021 điều chỉnh lại thành 2 ca nhiễm ghi nhận trong nước.
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.379 ca. Tại TP.HCM giảm 1.910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.867 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 601.349 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.113 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 596.980 ca, trong đó có 360.688 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (291.871), Bình Dương (153.830), Đồng Nai (33.842), Long An (27.874), Tiền Giang (11.577).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 363.462
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.232 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.948
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.167
- Thở máy không xâm lấn: 147
- ECMO: 29

Ngày 11.9: Thông báo 273 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Trong ngày 11.9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 217 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (188), Bình Dương (10), Tiền Giang (2), Đồng Nai (4), Kiên Giang (3), Bình Thuận (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (1), Cần Thơ (1), Ninh Thuận (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1), Vĩnh Long (1). Ngoài ra, bản tin tối 11.9 bổ sung 56 ca tử vong tại Đồng Nai từ thời gian trước; như vậy số ca Covid-19 tử vong được công bố trong ngày là 273 ca.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 284 ca/ngày.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.018 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 220.191 xét nghiệm cho 490.604 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 14.611.799 mẫu cho 42.465.923 lượt người.
- Trong ngày 10.9 có 1.175.698 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 27.108.588 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 22.367.824 liều, tiêm mũi 2 là 4.740.764 liều.

Tiếp nhận lô thiết bị y tế gần 84 tỉ đồng do chính phủ Ba Lan tài trợ

Chiều 11.9.2021, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã diễn ra lễ tiếp nhận lô hàng viện trợ trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 từ Ba Lan.
Tại buổi lễ, ngài Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam đã thay mặt chính phủ Ba Lan bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam lô hàng trang thiết bị y tế bằng hiện vật gồm máy thở, máy theo dõi nhịp tim, bơm khối và bơm điện, kính chống giọt bắn, khẩu trang, đồ bảo hộ… với tổng kinh phí gần 84 tỉ đồng.

Tiếp nhận lô thiết bị y tế gần 84 tỉ đồng do chính phủ Ba Lan tài trợ

Đại sứ Wojciech Gerwel chia sẻ những khó khăn với chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt các tỉnh, thành đang là điểm nóng về dịch Covid-19. Đồng thời đại sứ cũng tin tưởng hiệu quả phòng, chống dịch, quyết tâm của chính phủ cũng như sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện các chính sách mà chính phủ đưa ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thay mặt Bộ Y tế tiếp nhận lô hàng viện trợ và bày tỏ lời cảm ơn những tình cảm của ngài đại sứ nói riêng và chính phủ Ba Lan nói chung dành cho chính phủ, nhân dân Việt Nam. Sự hỗ trợ này giúp cho Việt Nam có thêm nguồn lực chống dịch và càng tô thêm ý nghĩa khi 2 nước đã bước sang 71 năm quan hệ ngoại giao.
Trước đó, chính phủ Ba Lan đã tặng vắc xin AstraZeneca cho Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch viện trợ nhiều trang thiết bị y tế gần 4 triệu USD.
Ngay sau khi tiếp nhận, lô hàng viện trợ trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 do chính phủ Ba Lan trao tặng được đoàn Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận và chuyển về phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Sẽ dùng chung mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc

Ngày 11.9, Bộ TT-TT đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ TT-TT đã đưa ra các quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn các dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19. Người dân có thể cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Sẽ dùng chung mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc  

Bộ TT-TT cũng yêu cầu các nền tảng, ứng dụng khi triển khai phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong tài liệu này.
Hiện, Việt Nam đang sử dụng rất nhiều app (nền tảng) phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau của các bộ như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health, Sổ sức khoẻ điện tử, Quản lý cách ly...; hay của từng địa phương như HCDC App, Y tế HCM, mới nhất là VNEID (do TP.HCM và Bộ Công an phối hợp xây dựng)...
Theo ông Đỗ Lập Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia - đơn vị được giao xây dựng các hệ thống quét mã QR Code, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp một mã QR cá nhân.
Ông Hiển cho biết, việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19.
“Bộ TT-TT đã hoàn thành xây dựng nền tảng QR quốc gia, hiện đang trong giai đoạn chờ các app kết nối, đồng bộ, dự kiến sẽ cần khoảng 1 tuần để thực hiện”, ông Hiển nói.
Liên quan tới việc hiện tại có rất nhiều app phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) cho biết, người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.
Việc xây dựng quy chuẩn mã QR thống nhất phục vụ mục tiêu khi người dân ra đường, đến các điểm công cộng, nơi tập trung đông người phải quét mã QR. Các công sở, doanh nghiệp, cửa hàng, các nơi cung cấp dịch vụ... khi mở cửa phải đảm bảo việc giám sát ra vào bằng mã QR.
Cũng theo đại diện Cục Tin học hoá, về lâu dài, khi các nền tảng tích hợp thêm tính năng "thẻ xanh" Covid-19, cũng sử dụng chuẩn một mã QR để thuận lợi cho người dân.

Bộ đội vào vùng đỏ Covid-19 giúp dân chống bão số 5

Ngày 11.9.2021, ảnh hưởng của bão số 5 Côn Sơn, thời tiết tại TP.Đà Nẵng bắt đầu có mưa to, gió giật mạnh. Tại các khu vực vùng đỏ (vùng phong tỏa cứng vì dịch Covid-19) thuộc P.Tam Thuận (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) gần 50 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 971 - Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng đội mưa, vác cát… giúp dân chằng chống nhà cửa để hạn chế thiệt hại khi bão số 5 đổ bộ.
Lực lượng quân đội tiếp cận khu vực điểm nóng Covid-19 P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) trong không khí khẩn trương “chạy đua” với bão số 5. Bộ đội xếp hàng vác bao cát vào sâu trong các kiệt, hẻm để chằng mái nhà cho người dân, việc chằng chống nhà khi chủ vắng mặt được triển khai hết sức cẩn thận. Các chiến sĩ cẩn thận tính toán khoảng cách và số lượng bao cát hợp lý với mái nhà, đảm bảo an toàn khi bão số 5 đổ bộ.

Bộ đội dầm mưa vào vùng đỏ Covid-19 ở Đà Nẵng giúp dân chống bão số 5

Ở khu vực vùng đỏ Covid-19 này, đa phần người dân đã được thực hiện giãn dân, cách ly tập trung và đang điều trị Covid-19 vì vậy có rất nhiều ngôi nhà vắng chủ. Việc bảo vệ tài sản, nhà cửa trước bão số 5 khi người dân không có ở nhà được chính quyền địa phương phối hợp với quân đội triển khai các phương án chằng chống nhà cửa thay người dân.
Theo đó, lực lượng ngoài việc chằng chống cho những ngôi nhà vắng chủ, họ sẽ ưu tiên nhà có hoàn cảnh neo đơn, người già, phụ nữ và trẻ em để gia cố, chằng mái nhà bằng bao cát, cố định cửa bằng dây thừng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão số 5 đổ bộ.
Đối với người dân vùng đỏ Covid-19, nhiều ngày qua họ được tổ dân phố hỗ trợ mọi mặt, ai ở nhà nấy tránh lây lan dịch bệnh trong kiệt hẻm. Dưới cơn mưa lớn, được bộ đội đến tận nhà giúp chống bão, ông Lê Quốc Trung (trú tổ 12, P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê) xúc động và yên tâm hơn khi được giúp đỡ chằng chống nhà cửa.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê cho biết, người dân đang đi cách ly có thể gọi về địa phương yêu cầu giúp đỡ chằng chống nhà cửa nếu thấy nhà mình không đảm bảo. Mọi công tác giúp dân chống bão sẽ được chính quyền địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng khẩn trương triển khai hoàn thành nhiệm vụ giúp dân vùng đỏ chống bão.

Người nhà nhân viên y tế an tâm tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19

Ngày 11.9, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người nhà của nhân viên y tế tham gia tuyến đầu chống dịch.
Bệnh viện đã tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer cho 198 người là người nhà nhân viên y tế tham gia tuyến đầu chống dịch đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna.
Những người đến điểm tiêm chủng được thông báo trước việc tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer. Trong quá trình khám sàng lọc, tư vấn tiêm chủng, người dân cũng được nhân viên y tế giải thích về việc được tiêm vắc xin mũi 2 là Pfizer thay thế vắc xin Moderna. Sau khi nghe nhân viên y tế giải thích, tất cả người dân đều đồng ý tiêm.

Người nhà nhân viên y tế an tâm tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19

Chị Hoàng Trần Phương Thanh - thân nhân của nhân viên Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết mũi 1 chị được tiêm vắc xin Moderna, đến mũi 2 thì nhận thông báo tiêm Pfizer.
"Ở nhà mình đã tìm hiểu rất kỹ rồi. Được tiêm là mình vui rồi chứ không có gì lo lắng cả" chị Thanh cho hay.
Trước đó, vào tối ngày 8.9, sau phiên họp của Hội đồng chuyên môn về sử dụng vắc xin, Bộ Y tế cho rằng xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch. Bộ Y tế có thông báo cho phép sử dụng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng Moderna và ngược lại.

Thiếu tá CSGT gồng mình chống dịch giữa lúc cả nhà mắc Covid-19

Nhiều tháng nay, Thiếu tá Lê Hoàng, cán bộ Đội CSGT - Trật tự Công an quận Tân Bình (TP.HCM) nhận nhiệm vụ kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh lại phải về hỗ trợ người thân do nhiều thành viên trong gia đình không may mắc Covid-19.
Mặc dù lo lắng cho gia đình, nhưng với trách nhiệm được giao anh đã phải sắp xếp để chu toàn. Thế nhưng có những thời điểm anh thực sự áp lực và căng thẳng.
"Trong lúc đó đầu mình rất là căng thẳng, để mình vừa điều tiết công việc và nhà mình thì đang rối. Thực tế thì mình phải vận động được nguồn ô xy của những người hỗ trợ, họ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ, đưa đến tận nhà. Cũng cảm ơn dịch vụ cung ứng ô xy cho cộng đồng. Cho những người mà khó khăn khi cần" Thiếu tá Lê Hoàng tâm sự.

Thiếu tá CSGT gồng mình chống dịch giữa lúc cả nhà mắc Covid-19

Mới đây, Thiếu tá Lê Hoàng là một trong 22 cán bộ chiến sĩ đã được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Thiếu tá Lê Hoàng cũng chính là CSGT đã lặng người vì xúc động rồi động viên và chia sẻ với anh Lê Đình Vân - người cha chở bình ô xy cứu con ngay trong đêm đầu tiên TP.HCM hạn chế người ra đường sau 18 giờ mà Báo Thanh Niên từng đăng tải.

Những hộp cơm dễ thương gửi y bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Những ngày qua, bếp ăn của “Hội Tình nguyện viên chung tay vì cộng đồng” những ngày qua đã đều đặn làm ra những hộp cơm gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Trên mỗi hộp cơm đều được dán những bức thư tay nhỏ xinh của học sinh và phụ huynh TP.HCM được viết nắn nón, dễ thương thay lời tri ân gửi đến các y bác sĩ.
Không chỉ là một phần ăn ngon, giúp các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch chắc bụng, trên mỗi suất ăn này luôn có những dòng nhắn nhủ được viết và vẽ bằng tay của học sinh và phụ huynh tại TP.HCM… khiến bất cứ ai cũng cảm thấy thú vị và xúc động.

Những hộp cơm Sài Gòn ‘cưng xỉu’ cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Bếp ăn của “Hội Tình nguyện viên chung tay vì cộng đồng” được đặt tại một trường phổ thông liên cấp tại Q.2, TP.HCM. 4 giờ 30 phút sáng, bếp ăn đã nhộn nhịp, thơm phức mùi sốt thịt bằm cho món mì Ý. Gần 300 phần ăn sáng nhanh chóng được các tình nguyện viên chuẩn bị để kịp giao cho các bệnh viện tuyến đầu.
Từ khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phiên chợ phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, “kho lương thực 0 đồng” vẫn tiếp tục hoạt động để đồng hành cùng các khu phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến và các mái ấm nhà mở.

Những hộp cơm của bếp ăn đang gây bão mạng với lời chúc dễ thương

Chỉ trong thời gian ngắn, anh Danh cùng “Hội Tình nguyện viên chung tay vì cộng đồng” đã vận động được 72 tấn gạo, trao tặng 326.000 suất ăn nghĩa tình (8.000 suất/ngày), 12.000 lượt đi chợ 0 đồng (miễn phí).

Phụ huynh và các em nhỏ tại TP.HCM chung tay gửi lời nhắn tới y bác sĩ thông qua mỗi phần ăn

Lê Nam

Hội đã chuyển 160.000 phần quà đến các điểm phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Hiện tại, Hội đang tích cực hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ y tế cho 16 bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19 tại TPHCM lên tới 30 tỷ đồng.

Những lời chúc, hình vẽ đáng yêu, ý nghĩa gửi tới tuyến đầu chống dịch

Ngay khi chuyển đi các phần ăn sáng, bếp lại tiếp tục nổi lửa để chuẩn bị gần gần 1.000 phần ăn trưa, với khẩu phần ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại vừa thơm ngon tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tất cả lời chúc đều là tâm tư, tình cảm của học sinh, phụ huynh và tình nguyện viên bếp ăn gửi y bác sĩ

Để bảo vệ môi trường, tất cả suất ăn đều sử dụng hộp giấy bã mía. Đặc biệt nhất, trên mỗi suất ăn của “Hội Tình nguyện viên chung tay vì cộng đồng” luôn có những dòng nhắn nhủ được viết và vẽ bằng tay, dán lên những hộp cơm dành cho các y bác sĩ, điều dưỡng khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng thấy thú vị và xúc động.

Hàng nghìn lời chúc được gửi đi mỗi ngày

Hình ảnh các hộp cơm yêu thương xuất hiện trên mạng xã hội những ngày qua cũng khiến dân mạng không khỏi xúc động . Mỗi ngày như vậy, hàng nghìn suất cơm nóng hổi, chan chứa tình cảm của cộng đồng được gửi đi, mong được sưởi ấm trái tim của những y bác sĩ tuyến đầu đang căng mình chống dịch.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 11.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.