Liên tiếp các mùa du lịch bùng nổ khách nội địa; sân bay, điểm đến đông nghẹt; khách sạn từ miền biển tới miền núi, từ hạng sang tới hạng trung đều kín phòng; công ty du lịch thì tất bật với loạt chương trình hấp dẫn chưa từng có...
Mở thoáng nhất trong 21 nền kinh tế
Tất cả những người làm du lịch ở VN, chắc không ai có thể quên cột mốc ngày 15.2, khi VN chính thức dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế điểm đến, tần suất bay quốc tế, mở bầu trời làm tiền đề mở cửa du lịch. Là ngành kinh tế có hiệu ứng lan tỏa mạnh, chiếm gần 10% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,3 triệu người, Chính phủ VN xác định để phục hồi kinh tế, thì phục hồi ngành du lịch phải là một phần cấu thành quan trọng hàng đầu. Vì thế, ngay khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ gần như đạt tới 90% cho những người hơn 18 tuổi và là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, VN quyết định mở cửa bầu trời.
Một ngày sau, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 43 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, quyết định thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3. Theo đó, du khách quốc tế đến VN không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây được coi là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cuối cùng đưa du lịch VN hoàn toàn trở lại sau thời gian 2 năm đóng băng vì dịch bệnh. Trong sự trông chờ đến nghẹt thở, rất nhiều giám đốc các công ty du lịch đã lập tức chia sẻ thông tin trên trang Facebook cá nhân kèm nội dung dòng trạng thái không hẹn mà gặp: “Du lịch sống rồi!”.
Du khách nước ngoài chơi thể thao trên bãi biển Nha Trang |
hiền lương |
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch VN ngay lập tức tăng mạnh. Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng khách quốc tế tìm kiếm du lịch VN tháng 2 tăng tới 86% so với cùng kỳ 2021. Cũng phải thôi, thời điểm đó, Thái Lan - đối thủ nặng ký nhất của du lịch VN - vẫn đang đón khách theo các chương trình Test & Go (Xét nghiệm & Đi), Sandbox (Hộp cát) hay Alternative Quarantine (Nhập cảnh có cách ly); Khách từ các thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản khi quay về vẫn phải cách ly; Trung Quốc thì thậm chí còn chưa có kế hoạch mở cửa. VN là 1 trong những nước công bố mở cửa du lịch đầu tiên.
Nhiều tờ báo, hãng truyền thông uy tín thế giới như Reuters, CNN, The Star, The Japan News… đều đồng loạt đưa tin du lịch VN chính thức mở cửa sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. “Việc dỡ bỏ nhiều hạn chế đi lại từ 15.3 cho thấy một sự nỗ lực nhằm sớm phục hồi du lịch của VN sau khoảng thời gian dài “đóng băng”. Mở cửa sớm giúp quốc gia này có nhiều lợi thế để đón đầu dòng du khách sau dịch bệnh” - tác giả bài viết trên Reuters nhận định.
“Tiếng chuông” từ Chính phủ đã đánh thức toàn bộ hệ sinh thái của ngành du lịch sau kỳ ngủ đông chưa từng có trong lịch sử. Các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch háo hức bật dậy nhanh chóng với rất nhiều kế hoạch cho ngày trở lại. Địa phương triển khai loạt tour, tuyến mới; hệ thống lưu trú huấn luyện nhân viên, tu bổ lại cơ sở hạ tầng; Lữ hành rục rịch kết nối lại với các đối tác nước ngoài; Hàng loạt dự án triệu USD được các nhà phát triển du lịch bung sức với kỳ vọng bày sẵn tiệc đón khách, bắt cơ hội phục hồi. Tinh thần háo hức, phấn khích này kéo dài suốt gần 1 tháng nhưng xen lẫn trong đó là nỗi hoang mang tới phút chót bởi ngay sát giờ “G”, hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành. Các DN như ngồi trên đống lửa. Lo lắng của họ có cơ sở bởi trong suốt mấy tháng trước ngày mở cửa, ngành du lịch đã mở ra, đóng vào liên tiếp 4 - 5 bận. Đến lần này, khi mọi điều kiện về dịch tễ đã chín muồi thì hầu hết DN đều đặt cược toàn bộ nguồn lực cũng như kỳ vọng, nếu không được mở, cơ hội trở lại coi như bằng 0.
Rủi ro dịch bệnh vẫn hiển hiện trước mắt, song, giữ đúng lời thông cáo với bạn bè quốc tế và không để phụ niềm tin của cộng đồng DN, chiều 15.3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh công bố: “VN chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới”. Cùng ngày, Chính phủ thông báo khôi phục các biện pháp, thủ tục về xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người VN định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Hai tháng sau, VN tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh, “mở hết nấc” du lịch – điều mà chưa 1 quốc gia nào trong khu vực làm được vào giai đoạn đó.
Tính đến thời điểm cuối tháng 8, Ban Hỗ trợ chính sách APEC (PSU) tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 (TMM11) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chính thức xác nhận: VN là nền kinh tế duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận Covid-19, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19, không yêu cầu cách ly. Đây là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp VN trở thành 1 trong những điểm đến được du khách nước ngoài quan tâm nhất sau đại dịch.
Du khách nước ngoài tại phố đi bộ Nguyễn Huệ |
Nhật Thịnh |
Sức bật kỳ diệu của cộng đồng DN
Bất chấp những tổn thương do đại dịch thế kỷ Covid-19 bào mòn nguồn lực trong suốt hơn 2 năm, đúng như nhận xét của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, DN Việt có độ chống chịu và sức sống đáng kinh ngạc.
Ngay khi rào cản đi lại được gỡ bỏ, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã triển khai nối lại các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tương tự, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch mở “hết nấc” gần 40 đường bay quốc tế đến các thị trường khách trọng điểm của VN. Trong ngày đầu tiên VN chính thức mở bung du lịch, hãng hàng không Vietjet công bố mở lại và tăng tần suất hàng loạt đường bay phủ khắp VN, sau khi vừa khai thác trở lại các đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia...
Những khoản lỗ khổng lồ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch không làm giảm đi sức bật mạnh mẽ của hàng không VN, nhằm đón đầu nhu cầu di chuyển, giao thương, du lịch của khách. Trong khi các nước còn thận trọng, xung đột Nga - Ukraine ngày càng leo thang, những chiếc máy bay chở lượng khách lèo tèo hễ cất cánh là lỗ nhưng các hãng hàng không trong nước vẫn cố gắng duy trì đường bay, giữ cầu nối đón cả thế giới đến VN. Ở trong nước, mạng bay nội địa lần lượt được mở bung, phục vụ nhu cầu du lịch như chiếc lò xo tháo chốt của người Việt.
Kết quả là chỉ 3 tháng sau khi chính thức mở cửa, VN đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, VN bỏ khá xa các nước cùng có mặt trong danh sách, ngay cả các thị trường là đối thủ nặng ký về du lịch như: Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.
Nhận định “sức sống đáng kinh ngạc” của TS Trần Du Lịch cũng “quét” trên cả thị trường du lịch. Là nhà phát triển du lịch hàng đầu VN, chi phí chịu lỗ vận hành tất cả hệ sinh thái du lịch của Tập đoàn Sun Group lên tới hàng ngàn tỉ, song, ngay khi “lệnh mở cửa bầu trời” được phát ra, Sun Group đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới tại nhiều địa phương trên cả nước như Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc. Vốn đã có hấp lực từ trước, chuỗi sản phẩm mới đẳng cấp lại làm giàu thêm trải nghiệm của khách hàng, đón đầu đúng nhu cầu “khát đi” sau đại dịch. Hệ thống Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) cũng nhanh chóng đưa vào vận hành 45 cơ sở bao gồm 36 khách sạn, resort công suất trên 18.500 phòng khách sạn và biệt thự; 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, spa cùng các trung tâm hội nghị, ẩm thực... tại những danh thắng du lịch nổi tiếng nhất.
Những “người khổng lồ” Sun Group, Vingroup vươn vai, kéo theo cả hệ sinh thái các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, DN lữ hành… đồng loạt hồi sinh. Sau liên tiếp 3 mùa cao điểm du lịch bùng nổ, tính đến hết tháng 8, tổng số khách du lịch nội địa của VN đã đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022. Mức tăng trưởng này được đánh giá thật sự bùng nổ vì đã tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm “hoàng kim” của du lịch VN trước khi xảy ra đại dịch - thậm chí đã gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt). Dù chưa đạt như kỳ vọng do nhiều yếu tố khách quan tác động nhưng thị trường quốc tế cũng bắt đầu đón tín hiệu khởi sắc. 8 tháng, khách quốc tế đến VN đạt 1,44 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhận xét về nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong một thập niên qua cũng như hành trình hồi phục thần kỳ của ngành du lịch VN sau đại dịch, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Giải thưởng World Travel Awards - Graham Cooke nhấn mạnh: “Du lịch VN cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Nếu xác định một yếu tố đằng sau sự thành công của du lịch VN sau một thập niên qua, thì đó là cách mà Chính phủ VN đã hợp tác rất tốt với khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc”.
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An |
mạnh cường |
Thương mại, dịch vụ, sản xuất… khởi sắc
Tờ The Business Times của Singapore hôm 23.8 dẫn báo cáo mới nhất của Fitch Solutions cho biết, lĩnh vực du lịch VN dự kiến sẽ đạt doanh thu 11,1 tỉ USD vào năm 2024 - vượt mức doanh thu 10,8 tỉ USD năm 2019 - 1 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỉ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến đất nước. Theo Fitch Solutions, đây là triển vọng tốt về kinh tế cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khách du lịch quốc tế và chi tiêu của họ.
Quả đúng như vậy, du lịch nhộn nhịp, đời sống người dân nói riêng và kinh tế nhiều địa phương bắt đầu khởi sắc trở lại. Đợt nghỉ lễ 30.4 - 1.5, “đảo ngọc” Phú Quốc đón lượng khách “đột biến”. Không chỉ vui mừng thông báo hệ thống điểm đến, lưu trú đã không còn dấu vết dịch bệnh, gần 100% khách sạn từ 3 - 5 sao đều kín phòng, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc còn hào hứng cho biết nhu cầu tiêu thụ hải sản, nông thủy sản tại địa phương tăng mạnh. Điều khiến lãnh đạo TP.Phú Quốc mừng hơn cả là du lịch đã kéo theo công ăn việc làm của người dân ổn định, sản phẩm sản xuất ra cũng đạt mức giá tốt, hoạt động ăn uống, buôn bán, mua sắm tại TP đảo đã đồng bộ sôi động trở lại. “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Phú Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao, trung bình mỗi năm tăng khoảng 25 - 35%. Trong đó, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng tăng cao nhất, khoảng hơn 40%. Du lịch phục hồi là tiền đề để kinh tế TP nhanh chóng phục hồi”, ông Huỳnh Quang Hưng nói.
Tại TP.HCM, khách du lịch nội địa tăng 43% và khách du lịch quốc tế tăng mạnh 100% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nửa đầu năm 2022 tại TP tăng trưởng ấn tượng 6,2% với hơn 556.440 tỉ đồng.
Luôn theo sát từng động thái về chính sách và “sức khỏe” của DN, TS Trần Du Lịch nhận định, ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành. Du lịch phục hồi sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của cả nước phát triển như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Nếu du lịch phục hồi tốt, kinh tế sẽ dần khởi sắc, đời sống người dân được bình ổn, từ đó VN có thể xử lý nguy cơ lạm phát, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. “Chủ trương phục hồi, mở cửa du lịch VN vừa qua là đúng hướng. Cộng với những nỗ lực tích cực của DN đã mang lại kết quả khích lệ khi lượng khách du lịch nội địa đã dần hồi phục. Theo thời gian, khi nhiều quốc gia cũng mở cửa hoàn toàn thì lượng khách quốc tế sẽ gia tăng, du lịch sẽ trở lại như trước khi có dịch Covid-19”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Mỹ Technavio dự báo thị trường khách sạn VN sẽ tăng 2,12 tỉ USD từ năm 2021-2026, đạt tỉ lệ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 14,43% trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2022, thị trường khách sạn VN sẽ tăng 13,44%. Việc mở rộng thị trường khách sạn tại VN sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ sức mua của người tiêu dùng tăng và dân số tăng.
Tạp chí danh tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller bình chọn VN là một trong những điểm đến của 10 xu hướng du lịch hàng đầu năm 2022. Dù mở cửa du lịch quốc tế vẫn còn là vấn đề khó khăn đối với một số quốc gia, nhưng một số nước đã bắt đầu mở cửa trở lại với du khách quốc tế vào năm 2022, trong đó có VN. Việc nới lỏng yêu cầu nhập cảnh dành cho khách quốc tế sau khi chủ động nối lại các chuyến bay đến Mỹ vào cuối năm 2021 đã gây ấn tượng rất tốt đối với các “tín đồ du lịch” Mỹ.
Visa sẽ là con “át chủ bài”
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho rằng: “VN có lợi thế mở cửa trước nhưng chưa tận dụng triệt để để tạo đột phá về khách quốc tế. Nguyên nhân chính do những rào cản về visa. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống còn chưa mở cửa, visa sẽ là con “át chủ bài” để nhanh chóng mở rộng thị trường, tăng độ cạnh tranh đón khách quốc tế tới VN. Cần mở mạnh hơn, miễn visa cho toàn bộ các nước EU, Úc, New Zealand. Hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ, nếu chưa miễn được thì đề nghị cấp visa dài hạn 5 - 10 năm. Đồng thời, tăng thời hạn lưu trú lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch. Càng kéo dài thời gian lưu trú của khách càng giúp du lịch thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ”.
Bình luận (0)