Học thuyết hải quân mới của Nga có nội dung gì?

04/08/2022 15:10 GMT+7

Ngày 31.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết hải quân mới, phản ánh “sự thay đổi trong tình hình địa chính trị và quân sự-chiến lược trên thế giới ”. Tài liệu này nêu rõ tham vọng của Moscow trong lĩnh vực hàng hải.

Lợi ích quốc gia của Nga mở rộng đến đâu?

Học thuyết mới nêu rõ lợi ích quốc gia Nga “với tư cách là một cường quốc hải quân mở rộng ra toàn bộ đại dương trên thế giới và biển Caspi”.

Ngoài ra, Moscow sẽ tìm cách thúc đẩy lợi ích của mình dựa trên “các nguyên tắc và chuẩn mực được luật pháp quốc tế công nhận rộng rãi”, đồng thời vẫn cân nhắc lợi ích của các quốc gia khác.

Nga xem điều gì là mối đe dọa chính?

Học thuyết mới nêu ra nhiều “thách thức và đe dọa” Nga phải đối mặt trong lĩnh vực hải quân, chủ yếu liên quan đến các hoạt động của Mỹ và các đồng minh. Trong số đó, học thuyết xác định “đường lối chiến lược nhằm thống trị các đại dương trên thế giới của Mỹ” và sự xâm phạm từ “cơ sở hạ tầng của NATO” đối với biên giới Nga.

Nga cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả NATO

Các căn cứ hải quân ở nước ngoài của Nga

Học thuyết thừa nhận Nga thiếu các điểm tiếp tế và căn cứ hải quân ở nước ngoài, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân. Học thuyết cũng phác thảo việc tạo ra một cơ sở tương tự ở biển Đỏ.

Nga sẽ phát triển tàu sân bay

Học thuyết công bố kế hoạch xây dựng cơ sở đóng tàu mới ở miền Viễn Đông của Nga.

Cơ sở này sẽ được sử dụng để đóng “tàu công suất lớn”, trong đó có các tàu phù hợp với “sự phát triển của Bắc Cực”, cũng như các “tàu sân bay hiện đại cho hải quân”.

Hiện tại, Nga chỉ sở hữu một tàu hải quân chở máy bay là tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov. Con tàu này đã ngừng hoạt động và quá trình sửa chữa đã kéo dài vài năm mà chưa hoàn thiện.

Tàu sân bay duy nhất của Nga tiếp tục bị dời hạn sửa chữa

Nga sẽ đặt trọng tâm ở Bắc Cực?

Dù xác định nhiều “nhánh khu vực” trong chính sách hàng hải, học thuyết mới dường như chú ý đặc biệt đến khu vực Bắc Cực.

Theo đó, Nga không chỉ công nhận Bắc Cực là một khu vực cạnh tranh kinh tế toàn cầu mà còn từ “quan điểm quân sự”.

Học thuyết hình dung việc phát triển khả năng quân sự của Nga trong khu vực. Đặc biệt, nó nhấn mạnh việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi và đẩy mạnh phát triển Tuyến đường Biển Bắc nhằm biến nơi này thành tuyến đường vận chuyển quốc gia “an toàn, quanh năm và mang tính cạnh tranh toàn cầu” của Nga.

Sức mạnh quân sự của Nga tại Bắc cực được tăng cường ra sao?

Các khu vực “quan trọng” đối với Nga

Học thuyết vạch ra điều được xem là các khu vực “quan trọng” đối với Nga. Đây là những nơi có các yếu tố “tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế, đời sống vật chất của người dân và an ninh quốc phòng” của đất nước.

Các khu vực này bao gồm biển Azov, biển Đen, phía đông Địa Trung Hải, các tuyến đường gần quần đảo Kuril, biển Baltic và biển Đen.

Theo học thuyết, Nga sẽ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng hải quân ở bán đảo Crimea và khu vực phía nam Krasnodar, cũng như mở rộng tổng thể Hạm đội biển Đen.

Học thuyết nói gì về việc sử dụng vũ lực quân sự?

Học thuyết nhấn mạnh Nga có quyền sử dụng khả năng quân sự để bảo vệ các lợi ích hàng hải trong trường hợp các lựa chọn ngoại giao đã cạn kiệt.

Học thuyết nêu rõ: “Để bảo vệ lợi ích quốc gia tại các đại dương trên thế giới, Nga thực hiện quyền không thể bác bỏ đối với sự hiện diện của lực lượng hải quân và việc sử dụng lực lượng này theo đúng luật pháp của Liên bang Nga, các hiệp ước và luật pháp quốc tế".

Nga xem Mỹ và NATO là "mối đe dọa" chính trong học thuyết hải quân mới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.