[Kỳ12] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Đau đầu với hàng trăm thứ phải chi tiêu

22/12/2022 16:08 GMT+7

Tết Nguyên đán đã cận kề, bên cạnh niềm háo hức chờ đón năm mới, nhiều người trẻ còn đang khổ sở loay hoay với hàng trăm thứ phải chi tiêu vào dịp này.

Với nhiều công nhân thu nhập thấp, tết đến muôn vàn nỗi lo với hàng trăm thứ phải chi

HOA NỮ

Tài chính hạn hẹp mà hàng trăm thứ phải chi

Theo tính toán của Hoàng Thị Kim Tuyền (25 tuổi), ngụ tại 15/19 đường số 3, KP6, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM, mùa tết năm nay vợ chồng chị cũng phải chi gần 30-35 triệu đồng. “Mình là nhân viên văn phòng còn chồng là nhân viên kinh doanh, mỗi tháng lương của cả hai vợ chồng gần 20 triệu đồng. Làm lụng cả năm vất vả dư được ít thì phải chi tiêu nhiều thứ cho mấy ngày tết”, Kim Tuyền lắc đầu ngao ngán.

Nhắc đến những khoản chi tiêu trong dịp tết này, Kim Tuyền cho biết: “Đầu tiên phải kể đến tiền vé máy bay về quê. Hai vợ chồng mình đi làm ăn xa, quê ở tận miền Trung nên tết này phải chi gần 10 triệu tiền vé khứ hồi. Cũng còn may gia đình nội ngoại hai đứa gần nhau nên đỡ được chi phí đi lại. Nhưng tết về vợ chồng mình phải chi tiền mua sắm quần áo, thực phẩm, hoa quả, tiền mừng tuổi ông bà nội ngoại hai bên… Có quá nhiều thứ phải mua nhưng giá cả hàng hóa những ngày cuối năm vẫn còn đắt quá”.

Muôn nỗi bộn bề, lo toan khi tết đến

KHẢ HÒA

Tương tự Kim Tuyền, anh Lê Quang Thành (30 tuổi), ngụ tại thôn Kinh Duy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cũng lộ rõ sự lo lắng khi nhắc đến những khoản chi tiêu. Anh cho biết: “Mình làm thợ mộc còn vợ mình buôn bán tạp hoá. Năm vừa rồi hết dịch bệnh đến thiên tai, đóng cửa tiệm suốt nên thu nhập không ổn định. Mức thu nhập trung bình của cả hai vợ chồng cũng tuỳ tháng, dao động từ 8-9 triệu đồng. Những năm trước còn làm ăn khấm khá, năm nay bấp bênh quá”.

Khi được hỏi về mức chi tiêu ngày tết, anh Thành kể: “Vợ chồng mình chuẩn bị chi tiền để sửa lại một số chỗ trong nhà. Năm qua nhiều trận bão, lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Trị nên nhà cửa cũng có hư hỏng một vài chỗ, tuy không lớn nhưng hai đứa vẫn muốn sửa lại cái nhà cho đàng hoàng”.

Giống như nhiều người khác, vợ chồng anh Thành phải chi tiền mua thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo… để ăn, đãi khách và phục vụ các ngày cúng trong dịp tết. “Mình và vợ cũng muốn để dành một ít để mua quà biếu ông bà hai bên”, Thành bộc bạch.

Đọc thêm

[Kỳ 1] Tết cận kề lo nhất điều gì?: 'Vượt vũ môn' không thành là… hết tết

[Kỳ 2] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Áp lực lần đầu làm rể, làm dâu

[Kỳ 3] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Ám ảnh những cuộc 'ép uống' không lối về

[Kỳ 4] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Tổng dọn vệ sinh muốn 'xây xẩm mặt mày'

[Kỳ 5] Tết cận kề lo nhất điều gì: Đầu tiên là tiền đâu?

[Kỳ 6] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Áp lực câu hỏi 'khi nào cưới ?'

[Kỳ 7] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Ám ảnh 'điệp khúc' lương, thưởng thế nào?

[Kỳ 8] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Ngán ngẩm nhích từng mét đường về quê

[Kỳ 9] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Sợ nhất bị tăng cân sau tết

[Kỳ 10] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Khó bắt nhịp mọi việc sau tết

[Kỳ 11] Tết cận kề lo nhất điều gì?: Sợ trộm cạy cửa phòng trọ 'chôm' đồ

Với mức thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng của một nhân viên truyền thông mới vào nghề, Nguyễn Thị Ngọc Trang (22 tuổi), ngụ tại chung cư 4S, đường số 30, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: “Mình chưa có gia đình riêng nên cũng bớt một phần gánh nặng vào dịp Tết. Tuy nhiên vẫn có nhiều khoản phải chi như tiền vé xe khách về quê đón tết cùng gia đình, mua sắm đồ tết cho mình và người thân, mua quà chúc tết thầy cô giáo cũ… Lâu lâu mới có dịp về quê nên mình còn có những cuộc hẹn với bạn bè, chắc cũng tốn một khoản kha khá”.

Gắng “thắt lưng buộc bụng”

Đối mặt với nhiều vấn đề phải lo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiền bạc, nhiều người buộc phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhiều khoản trong dịp tết.

Kim Tuyền giãi bày: “Mình hay mua sắm nhiều đồ bởi mang trong mình tâm lý sợ thiếu. Mọi năm mua nhiều, kết quả là sau tết có quá nhiều đồ ăn thừa, mình khá tiếc khi phải đổ bỏ đi. Năm nay mình sẽ vạch kế hoạch chi tiêu cụ thể, mua vừa đủ dùng thôi, lựa chọn hàng hóa thật kỹ để phù hợp với túi tiền”.

Tiền mua vé xe về tết cũng là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ

KHẢ HÒA

Cày cuốc làm việc trong nửa tháng cuối cùng của năm là cách Ngọc Trang đang áp dụng. Cô nàng cho hay: “Bình thường không quản lý chi tiêu, sau một tháng không biết mình xài hết bao nhiêu. Mình nghĩ từ bây giờ phải ghi chú lại những khoản tiền đã chi để thấy được số tiền đã xài và biết tiết kiệm lại”. Ngọc Trang cho biết cô sẽ cân nhắc để cắt giảm một số cuộc chơi vô bổ, điều này cũng giúp cô có nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình hơn.

Anh Thành thì chia sẻ: “Kinh tế của hai vợ chồng mình không dư dả, nên tụi mình phải tính toán chi tiêu trong khả năng để mùa tết vẫn đủ đầy nhất có thể. Để giảm tải các chi phí tiêu dùng, hàng ngày hai đứa sống tiết kiệm, tránh lãng phí vào những thứ không cần thiết, ăn uống cũng tiết kiệm hơn”.

Anh Thành cho biết hai vợ chồng sẽ cố gắng sửa xong nhà để sắm sửa tết sớm, đỡ phải rơi vào tình cảnh chen chúc và bị chặt chém giá khi mua. “Dịp tết vợ mình sẽ tự tay làm các loại mứt bánh, đồ ăn… để có thể tiết kiệm chi tiêu mà lại ngon và an toàn”, anh Thành nói.

“Mỗi gia đình có mức thu nhập, nhu cầu tiêu dùng khác nhau nên việc chi tiêu tết phải cân nhắc, tính toán sao cho thật hợp lý để có cái tết đủ đầy nhưng vẫn không tạo gánh nặng kinh tế quá lớn. Năm mới chỉ mong có sức khỏe, mọi âu lo phiền muộn, áp lực chuyện cơm áo gạo tiền mong qua đi để đón một cái tết thật ý nghĩa và đầm ấm bên những người thân yêu”, anh Thành tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.