Không thể tiếp tục những vấn đề chung chung
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật Thanh niên (TN) của Bộ Nội vụ thừa nhận các quy định về quyền và nghĩa vụ của TN trong luật TN 2005 chưa được quy định rõ ràng, thiếu cụ thể, là một trong những hạn chế, bất cập cần sửa đổi trong dự án luật TN lần này.
Tuy nhiên, dự thảo trình ra Quốc hội (QH) vẫn còn thiếu nhiều nội dung quy định cụ thể. Thẩm tra dự thảo luật TN sửa đổi, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH đánh giá các chính sách mà dự thảo luật đưa ra còn chung chung, gắn với một chủ thể khó xác định trách nhiệm pháp lý là nhà nước. Vì vậy, các chính sách đối với TN được nêu ra trong dự thảo chủ yếu mang tính khẩu hiệu, định hướng, không có tính quy phạm và khó triển khai.
Chẳng hạn, về quyền, nghĩa vụ của TN và chính sách của nhà nước đối với TN về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, dự thảo ghi: “Nhà nước có chính sách tạo lập môi trường và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; chính sách tạo điều kiện cho TN tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; chính sách hỗ trợ TN tham gia hoạt động sáng tác nghệ thuật…” thì Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng khẳng định, nội dung quy định như trên “chung chung và khó khả thi” và đề nghị ban soạn thảo xem xét lại các nội dung này.
Cho ý kiến về dự thảo luật này tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH thứ 37 đầu tháng 9 vừa qua, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi các quy định về quyền, nghĩa vụ và chính sách đối với TN trong dự thảo dẫn chiếu nhiều luật khác, nên các chính sách không cụ thể, mang tính khẩu hiệu nhiều, chưa phản ánh nét gì riêng biệt cho đối tượng bị điều chỉnh bởi luật là TN. “Nếu chỉ thay từ “TN” bằng “công dân” cũng có nghĩa vụ như thế. TN cũng là công dân, mà đúng chỗ nào cũng thế”, ông Hiển nhận xét.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho rằng chưa thấy thể hiện chính sách mới, tính khả thi cũng như khả năng đảm bảo của ngân sách không rõ ràng. Dẫn ví dụ quy định quyền, nghĩa vụ và chính sách đối với TN trong lao động khởi nghiệp có ghi “TN được quyền tiếp cận thị trường lao động” thì trong bộ luật Lao động đã nói rất rõ; nghĩa vụ lao động, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc cũng được ghi rõ trong luật Nghĩa vụ quân sự, luật Dự bị động viên…, ông Thanh nói: “Luật ngắn cũng được nhưng phải rõ, đọc vào phải biết chính sách gì mới”.
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo luật TN (sửa đổi) do T.Ư Đoàn tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng nhiều quyền, nghĩa vụ TN được dự thảo quy định chung chung, mang tính chính trị, vận động, không rõ ý nghĩa pháp quy như: “TN phải tích cực học tập…”, “TN phải tu dưỡng rèn luyện...”, “TN phải tích cực tham gia đấu tranh với các hoạt động có âm mưu gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc” (điều 12, điều 33 của dự thảo luật). Trong văn bản tổng hợp ý kiến hội nghị gửi tới Bộ Nội vụ để góp ý dự thảo luật, T.Ư Đoàn cũng đã đề nghị những nội dung quy định về nghĩa vụ thì cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để TN có nghĩa vụ xác định được phải làm gì, trong hoàn cảnh nào. Quy định chung chung dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong giải thích các quy định này theo nhiều hướng khác nhau, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Phải thắp lửa lên…
Các ý kiến đưa ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo luật TN (sửa đổi) do T.Ư Đoàn tổ chức đều thống nhất rằng luật TN (sửa đổi) là luật đối với một lực lượng xã hội quan trọng, có ý nghĩa quyết định và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Càng có nhiều quy định chính sách mới, có tính khả thi hơn so với luật TN năm 2005 càng tốt. Do đó, cần xem xét đưa vào những quy định cụ thể tốt hơn, mới hơn và không trùng lặp với các luật khác để hướng đến mục đích thúc đẩy TN phát triển.
Kết luận hội nghị này, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam, cho rằng: “Luật TN không chỉ để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của TN mà còn phải hỗ trợ, tiếp sức và khơi dậy trong TN mong muốn được học tập, rèn luyện và cống hiến. Muốn vậy, cần có những chính sách thực sự phù hợp, quy định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các cấp bộ, ngành, quản lý nhà nước để động viên, thúc đẩy TN thực hiện”.
Cũng theo các ý kiến tại hội nghị này, về quyền và nghĩa vụ của TN, chỉ nên tập trung vào 3 nhân tố chính: học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Về chính sách đối với TN, cần tập trung các chính sách nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho sự ra đời lớp người lãnh đạo chính trị trẻ, đội ngũ tài năng trẻ trên các lĩnh vực, TN khởi nghiệp; chính sách tập hợp đoàn kết và phát huy TN Việt Nam ở nước ngoài hoặc thu hút TN Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc; chính sách thu hút TN có tài năng vào làm việc trong khu vực nhà nước.
Tại phiên họp Ủy ban thường vụ QH thứ 37 về luật TN, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng một trong những quy định cần làm rõ trong dự thảo luật chính là sự tham gia của TN vào công tác hoạch định chính sách của đất nước. Theo bà Hải, bà từng tham dự nhiều diễn đàn TN thế giới và thấy rằng người ta nhấn mạnh sự tham gia của TN trong vấn đề này. “TN chính là người thụ hưởng, đối tượng chịu tác động của các chính sách xây dựng hiện tại nên phải có tư duy của TN để tưởng tượng ra 5, 10 năm nữa với chính sách đó mình sẽ được thụ hưởng như thế nào”, bà Hải phân tích và cho rằng việc tham gia của TN vào hoạch định chính sách là một nét mới cần phải được quan tâm, đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng luật TN sửa đổi lần này cần tập trung tháo gỡ những gì đang kìm hãm sự phát triển, đóng góp, xung kích của TN, từ đó thúc đẩy cái gì phát huy TN về mọi mặt. Theo ông Định, Đảng, Nhà nước từ trước nay rất quan tâm tới TN. Đáp lại, TN đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay TN còn nhiều hạn chế, từ kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, tham gia các hoạt động quốc tế hay môi trường lao động quốc tế. “Luật này phải nhắm vào khắc phục được những vấn đề này để thúc đẩy TN, còn những thứ khác, các luật khác đều đã quy định hết rồi”, ông Định đề nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, cần phải mạnh dạn đưa vào dự thảo luật những chính sách mới, những công cụ pháp lý để làm điểm tựa cho công tác TN. “Từ hôm trước, tôi cứ hy vọng sẽ có cái gì mới. Liệu quản lý nhà nước về TN vẫn để ở Bộ Nội vụ không, hay là bây giờ chúng ta có Bộ TN và Thể dục, thể thao để quản lý TN? Thậm chí, có thể phân công đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là bộ trưởng của bộ này. Phải thắp lửa lên chứ nếu thế này thì cứ sử dụng luật TN 2005, không cần phải sửa gì cả”, ông Hiển nói.
Bình luận