Những cách tiếp cận mới với di sản Truyện Kiều

Ngọc An
Ngọc An
12/10/2019 06:36 GMT+7

Dự án Nàng K mang tham vọng “đọc lại” Truyện Kiều qua nhiều hình thức nghệ thuật đã được Viện Goethe (Đức) tại VN thực hiện trong suốt 3 năm. .

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du cho vợ chồng dịch giả người Đức là Irene và Franz Faber và bản Truyện Kiều tiếng Đức đầu tiên đã đến với công chúng Đức năm 1964. Cùng với đó, Nguyễn Du được nhìn nhận là một trong những tác gia văn học kinh điển của thế giới cùng với Cervantes, Chekhov, Shakespeare, Goethe…
Chúng ta đang diễn giải và đọc Truyện Kiều thế nào, nàng Kiều trong mắt công chúng đương đại ra sao... là những câu hỏi xuyên suốt dự án Nàng K. Trong 3 năm, Viện Goethe đã làm việc cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội, nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, giới và quyền con người, nghiên cứu nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu để thực hiện dự án đồ sộ này.

Cô gái có tên K

Đặt tác phẩm trong bối cảnh
xã hội hiện đại

“Trước đây, người ta vẫn quen với những tác phẩm minh họa hay diễn lại các tích trong Truyện Kiều, trong khi đây là tác phẩm chứa nhiều lớp nghĩa. Chúng tôi không chỉ muốn tôn vinh mà còn muốn quan sát Truyện Kiều ở những góc nhìn khác và nhìn nhận lại những giá trị của tác phẩm đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại như cách tiếp cận mới với một di sản văn hóa ”, ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe tại VN, bày tỏ.
Triển lãm Nàng K với các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du do nữ nghệ sĩ Franca Bartholomi thực hiện trong 3 năm, đang được trưng bày tại Viện Goethe (Hà Nội). Nghệ sĩ Franca Bartholomi kể, chị đã được đọc Truyện Kiều từ khi còn nhỏ. “Đầu tiên, tôi cũng phải mất chút thời gian làm quen với phong cách. Đó là kiểu truyện thơ, ngôn ngữ giàu ẩn dụ gần như là hoa mỹ, nhưng nội dung của tác phẩm thì không như vậy”, chị nói.
Một “câu chuyện hấp dẫn từ đầu tới cuối” cùng ngôn ngữ với nhiều hình tượng đã kích hoạt trí tưởng tượng của Franca Bartholomi. Những tác phẩm kết hợp kỹ thuật khắc gỗ truyền thống có từ cách đây khoảng 300 năm và kỹ thuật khắc gỗ hiện đại đã được tạo nên nhưng không phải để minh họa Truyện Kiều mà thể hiện góc nhìn của nghệ sĩ với tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. “Tôi không tập trung vào khía cạnh nào cụ thể của Truyện Kiều mà để toàn bộ tác phẩm ngấm vào mình. Tôi quan tâm đến tâm trạng, cảm xúc - trong trường hợp này, chủ yếu là sự cùng tồn tại của sự tuyệt vọng và dâng hiến, của nghĩa vụ và tình yêu. Kiều có thể đã đầu hàng số phận và cô gần như đã bị vùi dập, nhưng luôn có những khoảnh khắc cô làm cho hoàn cảnh của mình tốt hơn nhờ tài thơ ca và đàn hát. Giải cứu, thậm chí là cứu rỗi, thông qua nghệ thuật, sự sáng tạo, phát minh - đó là một suy nghĩ đẹp đẽ, an ủi mà tôi thấy cảm thấu”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

4 vở diễn về Kiều 

4 đạo diễn là Amélie Niermeyer (Đức), Hồng Vân, Trần Lực và Bùi Như Lai sẽ cùng mở ra cách tiếp cận mới với Truyện Kiều trên sân khấu đương đại với nhiều phong cách từ truyền thống, thử nghiệm đến đa phương tiện và ước lệ. 
4 vở diễn (dài khoảng 20 - 25 phút/vở) lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng vào tối 12 và 13.10 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) và ngày 19.10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM).
Những cách tiếp cận mới  với di sản Truyện Kiều

Bản dịch Truyện Kiều tiếng Đức của dịch giả Irene và Franz Faber

Theo NSƯT Sĩ Tiến (Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội), người điều phối dự án sân khấu Nàng K, việc 4 đạo diễn, trong đó có cả nam - nữ, đông - tây, chia sẻ những quan điểm về người phụ nữ xưa và nay sẽ mang đến những góc nhìn thú vị và cân bằng của hai phái cũng như của những nghệ sĩ đến từ các quốc gia có nền văn hóa khác nhau.
Trên sân khấu ước lệ, đạo diễn Trần Lực sẽ đưa ngôn ngữ biểu đạt của nghệ thuật truyền thống là tuồng và chèo. Nói về Kiều, nhưng Trần Lực lại muốn khai thác nhiều hơn những người đàn ông bên cạnh nàng. “Kiều đẹp. Nàng mạnh mẽ, trưởng thành. Tâm hồn nàng luôn trong sáng. Những điều đó khiến nàng “sống” đến bây giờ. Trong khi những người đàn ông bên nàng, chẳng hạn như Từ Hải, khi yêu nàng lại giống như trẻ con”, đạo diễn chia sẻ.
Nhiều quan điểm về Kiều cũng như những nhân vật trong Truyện Kiều được đưa ra đã phá đi những nếp nghĩ quen thuộc của nhiều người. Thu Quỳnh đã nói với đạo diễn Amélie Niermeyer rằng cô không thích Kiều, mà lại thích Hoạn Thư. “Trước nay, cái tên Hoạn Thư được sử dụng như một tính từ chỉ sự ghen tuông, tôi hy vọng có thể thay đổi ít nhiều điều đó, bởi Hoạn Thư là người đàn bà đáng thương”, Thư Quỳnh nói. Cô vào vai Hoạn Thư trong chuyện tình tay ba của Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư được đạo diễn Amélie Niermeyer đưa lên sân khấu. “Tôi muốn mang đến sự so sánh giữa quan điểm cũ khi đọc Truyện Kiều với quan điểm của những xã hội hiện tại với câu chuyện tình tay ba, cách người đàn ông đối xử với phụ nữ, hay mối quan hệ ngoài hôn nhân. Tôi không muốn để những người phụ nữ đối đầu với nhau, mà để họ hiểu ra rằng hạnh phúc là do chính mình mang lại”, nữ đạo diễn cho hay.
Tác giả Lê Quốc Nam, người viết kịch bản tác phẩm do Hồng Vân đạo diễn, thì đưa ra góc nhìn khác: Kiều là bản ngã của Đạm Tiên và Hoạn Thư. Trong khi đó, vở diễn của đạo diễn Như Lai không nhắc đến cái tên Kiều mà mang đến hình ảnh của hai người phụ nữ phong kiến và hiện đại cùng song hành. Họ mang sức sống mãnh liệt, hướng đến tự do. “Qua câu chuyện giữa người phụ nữ và đàn ông, tôi đặt ra vấn đề về định kiến và bạo lực. Và người tạo ra định kiến sẽ gặp bi kịch trong chính định kiến của mình”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.