Phương án giờ làm việc vẫn 'chỏi'

Thu Hằng
Thu Hằng
15/09/2019 06:45 GMT+7

Giờ làm việc của người lao động trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được ý kiến trái chiều nhau.

Phương án giảm giờ làm việc của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) đang nhận được ý kiến trái chiều nhau.

Người lao động muốn giảm

Chiều 14.9, Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết, kết thúc 5 ngày tổ chức lấy ý kiến thăm dò phương án giảm giờ làm việc theo dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) trên trang fanpage, đã có 2.400 lượt người tham gia bình chọn. Trong đó, chỉ có 18% người đồng ý chọn phương án 1: giữ nguyên như hiện hành là 48 giờ/tuần (không quá 8 giờ/ngày, tức làm việc 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ 1 ngày/tuần). 82% lựa chọn phương án 2: làm việc không quá 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần). Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết đây là lần đầu tiên Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức lấy ý kiến người lao động (NLĐ) trên mạng xã hội về vấn đề “nóng” mà NLĐ quan tâm. Dù chỉ là cuộc thăm dò quy mô nhỏ, nhưng phần nào nói lên được nguyện vọng của NLĐ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, từ năm 1999, VN đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, nhưng đến nay, sau 20 năm, chế độ này vẫn chỉ thực hiện đối với công chức, viên chức, trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Quy định đã tạo ra khoảng cách, sự phân biệt lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và NLĐ khu vực ngoài nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Ủng hộ phương án làm việc 44 giờ/tuần, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ: “Tôi đi một số khu công nghiệp, NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, áp lực vô cùng. Bên trong hàng rào nhà máy, họ phải làm việc cực kỳ vất vả, căng thẳng mệt mỏi, về đến nhà vẫn phải làm tròn bổn phận người phụ nữ trong gia đình, chưa kể phải lo đối nội, đối ngoại hai bên họ hàng… Giảm giờ làm việc xuống tức là họ có thêm 1 buổi chiều thứ bảy để nghỉ ngơi, không làm việc quần quật cả ở nơi làm việc cả ở nhà”.

Doanh nghiệp lo ngại

Trái với mong muốn và nguyện vọng của NLĐ, mới đây 7 hiệp hội đại diện cộng đồng các DN tại VN, gồm: Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Hiệp hội Dệt may VN, Hiệp hội Da giày - Túi xách VN, Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN, Hiệp hội DN điện tử VN và Hiệp hội DN Mỹ tại VN đã gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan, bày tỏ ý kiến giữ nguyên phương án giờ làm việc 48 giờ/tuần như hiện nay. Văn bản kiến nghị: “Tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với VN như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào... đều là 48 giờ/tuần. Hơn nữa, VN cũng đang trong giai đoạn dân số vàng, không có lý do gì để VN cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ”.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, cho rằng: "Giảm giờ làm trong điều kiện hiện nay của VN chưa phù hợp. Với 48 giờ làm việc mỗi tuần theo luật hiện hành, DN ở nhiều ngành như dệt may, da giày, thủy sản đã phải bố trí làm thêm giờ, hết thời gian được phép (tối đa 300 giờ/năm). Thậm chí, có DN tăng ca quá giờ vi phạm quy định về giờ làm thêm để kịp giao hàng. Do đó, nếu giảm giờ làm chính thức, số giờ bị cắt giảm DN sẽ phải trả tiền để NLĐ tăng ca, với mức lương phải trả cao hơn”. Ông Cẩm tính toán, với 1 DN quy mô 2.000 người sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỉ đồng/năm. Ngành dệt may hiện sử dụng khoảng 2,8 triệu lao động, chi phí tăng thêm do giảm giờ làm sẽ rất lớn.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, cũng lo ngại giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, làm tăng gánh nặng cho DN. Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu năm nào cũng tăng, mức đóng BHXH lại ở mức cao, nếu giảm giờ làm, có thể dẫn đến nhiều DN nước ngoài rút khỏi thị trường VN, và nhiều DN có ý định vào VN sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó trưởng ban soạn thảo dự án sửa đổi bộ luật Lao động, việc giữ nguyên hay giảm giờ làm là một bài toán “đau đầu” mà ban soạn thảo đang phải cân nhắc kỹ. Có 82% NLĐ mong muốn giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần thì cũng có đến 90% DN kiến nghị giữ nguyên giờ làm 48 giờ/tuần.
Ông Diệp phân tích: “Nếu giảm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, sức khỏe người NLĐ sẽ được nâng cao, tiền lương sẽ tăng lên do làm thêm giờ lương cao hơn, năng suất lao động/giờ của NLĐ cũng tăng. Tuy nhiên, việc giảm giờ làm cũng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động/tuần hoặc năm, tỷ lệ nghịch với chi phí và sức cạnh tranh của DN, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng GDP và thu ngân sách, cũng như các mục tiêu xã hội. Trong khi đó, năng suất lao động của chúng ta đang thấp trong khu vực”. Ông Doãn Mậu Diệp cho hay, ban soạn thảo đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên để tìm ra một lời giải hợp lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20.9, trước khi đưa ra biểu quyết tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 10 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.