Thành phố tri kỷ

02/11/2019 08:00 GMT+7

Nếu xem Hà Nội là người vợ, người bạn đời trăm năm thì Sài Gòn đối với tôi như một người bạn tri kỷ không thể thiếu trong cuộc đời mình.

ạn tri kỷ thì có thể sẻ chia tất thảy, cả những điều khó giãi bày với vợ, con và người thân ruột thịt. Phú Quang có bài hát, trong đó có câu “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về, để nghe…”.Tôi thì ngược lại vì tôi sống ở Hà Nội. Mỗi khi công việc căng thẳng, áp lực về tâm lý hay cảm thấy chán nản về một điều gì đó… Tôi lại bay vô Sài Gòn – thành phố tri kỷ của tôi.
Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, những người bạn tôi (người Sài Gòn và cả những người tứ xứ lập nghiệp tại đây) đón tôi như đón người thân yêu của họ. Ngồi với nhau trong bữa nhậu tối, bạn tôi cụng ly bia với những câu nói dễ thương, đầy tình cảm: “Lâu không uống với anh hai, nhớ anh quá trời luôn”. Rồi câu chuyện công việc, sức khỏe, tin bắt giam khởi tố vị này, ông nọ, thậm chí cả chuyện bồ bịch, chuyện sinh hoạt vợ chồng kín đáo… đều được đưa ra bàn thảo công khai, rôm rả, không chút giữ ý, ngại ngần. Không khí giao tiếp tự nhiên, phóng khoáng, không chút khách sáo (cái này, nơi khác không dễ có được). Dĩ nhiên, chủ đề các câu chuyện đều được một người nào đó trong bàn nhậu kết luận đượm tính khoa học mà anh ta thu lượm được. Chẳng hạn: Ăn uống, sinh hoạt vợ chồng cần phải điều độ; làm gì thì làm cũng phải thượng tôn pháp luật; tóm lại sức khỏe là cái quý giá nhất trong cuộc đời…Tàn cuộc nhậu khuya, các bạn đưa tôi về khách sạn. Nhu cầu giao tiếp, xả stress bước đầu được giải tỏa. Một giấc ngủ an lành chầm chậm đưa tôi vào đêm phương Nam…

Du khách tham quan bên trong Bưu điện TP.HCM

Ảnh: Khả Hòa

Hôm sau, để đầu óc đỡ căng thẳng vì công việc, tôi một mình thả bộ thăm thú mấy công trình kiến trúc cổ trong thành phố. Tôi tha thẩn ngắm nghía Bưu điện trung tâm Sài Gòn do người Pháp xây dựng những năm 1886-1891. Công trình mang phong cách châu Âu kết hợp nét Á Đông, hơn trăm năm nay vẫn lừng lững dáng vẻ vừa cổ kính, vừa hiện đại. Từ nơi này, những cánh thư, điện tín đã gắn kết tình cảm người Sài Gòn với bè bạn, người thân của họ trên khắp năm châu. Bưu điện cũng là người bạn tri kỷ của dân Sài Gòn sao?
Tôi rẽ sang đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tòa nhà sơn vàng mái đỏ, chính giữa mô phỏng tháp chuông nhà thờ, trải dài sang hai phía là dãy phòng làm việc. Đây hiện là trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố. Thời Pháp đây được gọi là Dinh xã Tây, trước 1975 nơi đây là Tòa Đô chánh sài Gòn (nơi làm việc của quan chức chính quyền cũ). Công trình khánh thành năm 1909. Những ô cửa hình vòm tựa kiến trúc Bưu điện trung tâm và Nhà hát thành phố.

Không gian vui chơi cuối tuần tại TP.HCM

Ảnh: Linh Linh

Lững thững một hồi, trước mắt tôi đã là Tòa án thành phố, tọa lạc 131 Nam Kỳ Khởi nghĩa, xây dựng từ 1881. Anh bạn ở Tòa án giới thiệu: Cùng với công trình trụ sở UBND TP.HCM và Bưu điện TP.HCM, trụ sở Tòa án Nhân dân TP.HCM là một trong 3 tòa nhà điển hình nhất, có kiến trúc độc đáo, là những công trình văn hóa tiêu biểu của quốc gia và TP.HCM, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Các chi tiết, họa tiết hoa văn trên mặt tiền ba công trình kiến trúc trên đều có nét tương đồng, tỉ mỉ, độc đáo và rất đẹp. Dù đã tồn tại ở Sài Gòn trên một trăm năm, trải qua mấy chế độ chính trị, nhưng ba công trình này vẫn giữ nguyên công năng của nó.
Sài Gòn mấy chục năm qua đã mọc lên nhiều những khu đô thị, cao ốc, trung tâm thương mại, khách sạn, cầu đường. Ngay trên đường phố, những tấm tôn quây kín khu vực đang thi công tầu điện ngầm, thoát nước chống ngập…Nhưng thành phố vẫn bảo tồn, tu bổ những công trình kiến trúc nghệ thuật hàng trăm năm tuồi, tôn lên vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại của nơi này. Kế thừa vốn cũ và phát triển, đổi mới. Bất chợt, Sài Gòn đã gợi lại cho tôi suy nghĩ: Mỗi con người cũng cần phải tôn trọng, gìn giữ tinh hoa quá khứ và sáng tạo không ngừng để vươn lên. Không được phép chùn bước, chán nản trước áp lực hay khó khăn của cuộc sống.
Chỉ mấy ngày bay vô Sài Gòn, thành phố và những người bạn tri kỷ của tôi đã dường như giải thoát cho tôi khỏi những buồn nản, căng thẳng cuộc sống. Dường như, thành phố này đã tiếp thêm cho tôi nhựa sống, sức mạnh để vượt qua khó khăn, làm việc tốt hơn và yêu cuộc đời hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.