Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 10.8: Cả nước 4.428 ca khỏi bệnh, TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước 15.9
10/08/2021 19:32 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 10.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Ngày 10.8: Ghi nhận 8.390 ca nhiễm Covid-19 mới
Bản tin tối 10.8 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 10.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.241 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên 8.390 ca (giảm 938 ca so với 9.8). Trong ngày 10.8 cũng có 4.428 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Chiều 10.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 388 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta lên 4.145 ca.
Thông tin về 8.390 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 10.8 gồm:
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.385 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 1.115 ca trong cộng đồng), gồm: TP.HCM (3.956), Bình Dương (1.325), Long An (890), Đồng Nai (732), Nghệ An (128), Bà Rịa - Vũng Tàu (109), Cần Thơ (106), Tây Ninh (102), Đồng Tháp (101), Tiền Giang (100), Đà Nẵng (74), Sóc Trăng (64), Bình Thuận (63), Ninh Thuận (61), Hà Nội (61), Bến Tre (58), Đắk Lắk (55), An Giang (53), Vĩnh Long (52), Bến Tre (49), Gia Lai (43), Phú Yên (37), Kiên Giang (29), Hậu Giang (19), Lâm Đồng (18), Đắk Nông (17), Hà Tĩnh (15), Lào Cai (12), Quảng Ngãi (11), Hải Dương (8 ), Quảng Nam (8 ), Trà Vinh (8 ), Thừa Thiên Huế (5), Bạc Liêu (4), Thái Bình (4), Cà Mau (2), Sơn La (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Quảng Bình (1).
- Tính đến chiều 10.8, Việt Nam có 228.135 ca nhiễm trong đó có 2.367 ca nhập cảnh và 225.768 ca nhiễm trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 224.198 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 80.348 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 491 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
- Chiều 10.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 388 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta lên 4.145 ca.
Các bệnh nhân tử vong ghi nhận tại 13 tỉnh, thành phố và là các bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 3.758 đến 4.145 tại Việt Nam. Gồm: TP.HCM (308), Bình Dương (44), Long An (10), Đồng Tháp (5), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), Hà Nội (3), Tiền Giang (3), Bến Tre (2), Sóc Trăng (2), Đà Nẵng (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1).
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19 trước 15.9
Chính phủ hôm nay, 10.8, đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức, hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.
Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Đáng chú ý, nghị quyết nêu rõ TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Vì sao số liệu vắc xin Covid-19 của TP.HCM và Bộ Y tế "vênh nhau"?
Tại buổi họp báo sáng 10.8, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau 17 đợt tiếp nhận vắc xin Covid-19, đến nay thành phố đã được phân bổ hơn 4,1 triệu liều. Sau đợt tiếp nhận vắc xin Covid-19 ngày 9.8, toàn địa bàn còn hơn 900.000 liều vắc xin đang lưu trữ chưa thực hiện tiêm chủng.
Với việc tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh như hiện tại, dự kiến ngày 12.8, số lượng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố sẽ được tiêm hết. Hiện TP.HCM đã báo cáo Bộ Y tế cấp liên tục 5,5 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 8.
Ông Nam cho hay một số quận, huyện đã cơ bản tiêm bao phủ vắc xin Covid-19 cho người dân. Như H.Cần Giờ đã tiêm vắc xin Covid-19 gần như toàn bộ người trên địa bàn, Q.Phú Nhuận còn khoảng 30.000 người cần tiêm để đạt độ bao phủ. Nếu được Bộ Y tế cấp vắc xin liên tục với khoảng 5,5 triệu liều trong tháng 8, TP.HCM sẽ đạt mức độ tiêm bao phủ 100% người trên 18 tuổi.
Liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin Vero Cell ở Bệnh viện Tâm Đức sáng nay 10.8 cho Tập đoàn FPT, ông Nam cho biết TP.HCM được phân bổ 19.000 liều từ Bộ Y tế trong nguồn vắc xin của nước bạn tài trợ. Những đơn vị có đề xuất tiêm bằng vắc xin này thì TP.HCM sẽ triển khai, vừa qua Tập đoàn FPT có văn bản đề nghị nên thành phố tổ chức tiêm, việc này không sai quy định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về số liệu vắc xin có sự chênh lệch giữa Bộ Y tế và TP.HCM, ông Nam cho biết “Bộ Y tế nói đúng, thành phố cũng không sai”. Lý do, bên cạnh nguồn vắc xin phân bổ cho TP.HCM thì Bộ Y tế còn phân bổ cho các bệnh viện trực thuộc bộ ngành Trung ương, công an, quân đội đóng trên toàn TP.
Ông Nam thông tin hôm qua (9.8), Cục Y tế dự phòng thống nhất lại con số đã phân bổ cho TP.HCM là hơn 4,1 triệu; riêng các bộ ngành, công an, quân đội có khoảng 400.000 liều. Theo ông Nam, các số liệu căn cứ trên các quyết định nên không thể sai; đồng thời để nghị không nên bàn thêm, vì đã rõ.
Về lô vắc xin Vero Cell 1 triệu liều đang được Bộ Y tế kiểm định, ông Nam cho biết đang tích cực làm việc với Bộ, khi nào có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.
Bộ Y tế đề nghị TP.HCM phản hồi việc mua 5 triệu liều vắc xin Moderna
Ngày 10.8, nguồn tin của Thanh Niên cho hay UBND TP.HCM đã nhận được văn bản của Bộ Y tế liên quan đến việc mua 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Moderna.
Từ ngày 28.5, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Zuellig Pharma, là đơn vị được Moderna chỉ định nhập khẩu, phân phối vắc xin phòng Covid-19 cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Công ty Zuellig Pharma dự kiến có thể cung cấp được 5 triệu liều vắc xin của Moderna cho Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản ủng hộ chủ trương để TP.HCM mua vắc xin của Moderna phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng Covid-19 của người dân thành phố; đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin nhanh nhất.
Cũng theo Bộ Y tế, từ cuối tháng 6.2021 đến cuối tháng 7.2021, Bộ Y tế có 3 văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục mua để có vắc xin cho người dân trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình thực hiện, nếu TP.HCM gặp khó khăn, vướng mắc gì thì trao đổi kịp thời với Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến ngày 8.8, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin về tiến độ thực hiện mua vắc xin của thành phố.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM khẳng định về việc mua vắc xin. Trong trường hợp, TP.HCM không mua thì đề nghị có văn bản trước ngày 15.8 để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét cho đơn vị, địa phương khác mua, không để mất cơ hội mua 5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Moderna trong năm 2021.
Thực hư vụ việc cô gái bị quấn bạt khiêng lên xe giữa dịch Covid-19
Đoạn video clip hình ảnh một cô gái nằm trên đường được lực lượng chức năng quấn bạt và đưa lên xe chở đi nơi khác đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra ở phường An Lạc A (Q.Bình Tân, TP.HCM). Ngày 10.8.2021, lãnh đạo UBND P.An Lạc A cho biết Công an phường này đã có báo cáo về việc này.
Theo thông tin từ báo cáo, vào lúc 16 giờ ngày 6.8, một thanh niên chạy xe máy trên đường An Dương Vương, hướng từ ngã tư Da Sà ra vòng xoay mũi tàu. Khi đến trước nhà số 92 An Dương Vương (P. An Lạc A), xe máy va chạm với một cô gái 19 tuổi đang đi bộ qua đường.
Cô gái này sống lang thang, không mặc quần áo, có biểu hiện tâm thần. Tai nạn khiến cô gái bị gãy cổ chân bên phải. Tuy nhiên sau tai nạn, thanh niên lái xe máy và cô gái đã cùng rời khỏi hiện trường.
Nhận tin báo, Công an phường đã phối hợp Hội phụ nữ phường đến mặc quần áo cho cô gái tại khu vực giao lộ đường 2B - Đường số 7. Qua test nhanh Covid-19, cô gái có kết quả âm tính. Công an phường cũng đã đưa cô gái vào bệnh viện cấp cứu nhưng do không có cáng thương nên đã dùng bạt để cố định chân bị thương rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo UBND P.An Lạc A, cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân tai nạn để xử lý theo pháp luật.
Bác sĩ chia đôi máy ECMO cùng lúc cứu 2 sản phụ mắc Covid-19
Ngày 10.8.2021, theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 175, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng của bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân thứ ba, là một sản phụ
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân đang mang thai tuần thứ 33, mắc Covid-19 và được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật bắt em bé.
Do tình trạng bệnh nhân diễn biến biến phức tạp suy hô hấp nguy kịch nên được chuyển đến Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175.
Qua hội chẩn ê kíp Trung tâm Điều trị chẩn đoán bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nguy kịch, mặc dù trước đó bệnh nhân đã được xử lý các tình huống cứu chữa ban đầu bài bản theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng đáp ứng của người bệnh rất kém.
Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia của Bộ và Sở Y tế, cùng các chuyên gia Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật ECMO.
Trong khi đó, điều kiện Trung tâm chỉ có 2 máy ECMO đã sử dụng cho 2 bệnh nhân, tuy nhiên, nếu không dùng kỹ thuật ECMO bệnh nhân mới chuyển đến tiên lượng tử vong cao. Trong tình huống cấp bách, các bác sĩ, kỹ sư Bệnh viện Quân y 175 quyết định cải tiến một máy ECMO để thực hiện cùng lúc sử dụng cho hai bệnh nhân.
Sau hơn 1 giờ chuẩn bị và 30 phút thực hiện kỹ thuật, tình trạng oxy hóa máy của cả 2 bệnh nhân được đảm bảo, bệnh nhân trước trước đó không bị ảnh hưởng, sản phụ được cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 trước khi thực hiện là 80% sau khi thực hiện kỹ thuật đã cải thiện rõ rệt tăng 96- 98%.
Theo thượng úy bác sỹ Nguyễn Cảnh Chung, tất cả bệnh nhân áp dụng ECMO tại Trung tâm đều là các sản phụ. Đối với sản phụ vừa được “chia đôi” máy ECMO với bệnh nhân khác, nếu không thực hiện kỹ thuật ECMO chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.
Do đó, chỉ trong thời gian ngắn dưới sự tư vấn của các chuyên gia về máy cùng các kỹ sư hàng đầu của Khoa Trang bị, Bệnh viện Quân y 175 và sự cố gắng của đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật này.
Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung, cả 3 bệnh nhân phải đặt ECMO tại Trung tâm đều là sản phụ mắc Covid-19 nặng. Với sáng tạo thành công này, các thầy thuốc hy vọng sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần đến kỹ thuật ECMO.
Bệnh viện Đồng Nai cạn kiệt nguồn máu dự trữ
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các kế hoạch tổ chức hiến máu của Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Đồng Nai tổ chức, dẫn đến nguồn máu tại các bệnh viện trong tỉnh, đặc biệt là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cạn kiệt.
Vì vậy, từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã đứng ra tổ chức hiến máu thay cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên số lượng tiếp nhận cũng rất hạn chế.
Theo bác sĩ Lê Văn Thống Nhất, dịch bệnh Covid-19 khiến người dân muốn đến hiến cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nên bệnh viện đang dựa vào 2 nguồn chính là nhân viên y tế tại bệnh viện và thân nhân đi nuôi bệnh.
Để kịp thời tiếp nhận và cung cấp nguồn máu dự trữ cho hoạt động điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy và Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Đồng Nai đã cho phép Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đứng ra tổ chức hiến máu tình nguyện.
Thời gian hiến máu từ thứ Hai đến thứ Sáu trong giờ hành chính. Địa điểm tại khoa Huyết học truyền máu, tầng 1 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Số điện thoại liên hệ 0251.882.561 hoặc gọi bác sĩ Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học truyền máu, số điện thoại 0836.871.111 để được hướng dẫn đặt lịch tham gia hiến máu, tránh việc tập trung đông người để phòng chống Covid-19.
Siêu thị mini ngập đồ ăn trên chuyến xe buýt Sài Gòn
Vài ngày qua, một chiếc xe buýt bất ngờ xuất hiện ở nhiều khu phố tại các quận, huyện… thu hút sự chú của người dân. Đặc biệt khi bên trong, xe buýt không có ghế ngồi mà mang theo cả một siêu thị mini ngập tràn hàng hóa, lương thực, trái cây tươi ngon, giá bình ổn phục vụ người dân.
Hơn 14 giờ chiều 9.8.2021, trong tiết trời nắng gắt và oi bức của Sài Gòn, sự xuất hiện của một chiếc xe buýt đặc biệt như đem đến luồng gió mới cho những người dân ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức.
Đây là chuyến xe buýt chở theo cả một hệ thống siêu thị mini với đầy đủ rau củ, trái cây, thực phẩm, đồ ăn đóng hộp để phục vụ bà con những ngày giãn cách xã hội. Phía ngoài xe, người dân xếp hàng ngay ngắn đợi đến lượt vào mua hàng.
|
|
Đây là chiếc xe nằm trong chương trình bán hàng lưu động bình ổn giá do Sở Công thương TP.HCM chủ trì, công ty Grove Fresh vận hành.
Anh Trọng Tâm, quản lý vận hành xe buýt lưu động chia sẻ: "Hiện tại số lượng mặt hàng đang phục vụ cho người dân là hơn 50 mặt hàng. Trong đó bao gồm các sản phẩm thiết yếu, giống như thịt cá, rau củ quả, sữa, đường, gia vị, mì, gạo và đặc biệt là trái cây, mình có rất nhiều trái cây trên đó để bổ sung ngày dịch cho người dân. Thường một ngày sẽ đi 2 điểm của Sở Công thương cung cấp địa chỉ. Mỗi điểm sẽ phục vụ tầm 100 lượt khách" anh Tâm cho biết.
|
Chiếc xe buýt thú vị, chở theo cả một siêu thị này chính thức lăn bánh từ ngày 6.8. Để trải nghiệm đi siêu thị mua sắm được thuận tiện, đơn vị vận hành xe buýt đã thiết lập quy trình mua sắm an toàn, giúp việc mua hàng không chen lấn hoặc mất thời gian chờ đợi quá lâu.
|
TP.HCM từng có những chiếc xe buýt mang rau củ quả, lương thực bình ổn tới nhiều khu vực phong tỏa của người dân. Tuy nhiên, chiếc xe buýt này như một phiên bản nâng cấp kiểu mới, khi khoang xe được gỡ toàn bộ ghế ngồi để lắp đặt các kệ hàng, tủ đông, tủ mát một cách ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp mắt.
|
Hiện nay, các điểm bán hàng mà xe buýt này hoạt động do Sở Công thương sắp xếp và chỉ định mỗi ngày. Tại mỗi điểm bán, siêu thị di động đón khoảng 100 lượt khách trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Mặc dù không gian bên trong khá hạn chế nhưng nhân viên luôn cố gắng châm hàng liên tục để khách mua hàng dễ dàng lựa chọn.
|
Dự kiến vào cuối tuần này sẽ có thêm 3 chiếc xe tương tự sẽ lăn bánh. Sau đó, công ty Grove Fresh sẽ tiếp tục triển khai từ 5 - 10 chiếc xe khác để mang được nhiều lương thực hơn, đi được nhiều nơi hơn trong thành phố, giúp cuộc sống người dân ổn định trong những ngày giãn cách.
Hà Nội điều chỉnh chuyện giấy đi đường
Với việc điều chỉnh quy định Giấy đi đường mới nhất sáng nay, 10.8, của Hà Nội, nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, “thở phào” nhẹ nhõm. Vậy từ hôm nay, người dân cần mang giấy tờ gì để qua các chốt kiểm soát?
Theo văn bản điều chỉnh do Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng ký sáng nay, về cơ bản các quy định kiểm tra giấy đi đường của Hà Nội lại quay về như cũ. Theo đó, người đi đường sẽ chỉ cần xuất trình Giấy đi đường và giấy tờ tuỳ thân, không cần mang thêm lịch trực, lịch làm việc, phân công của cơ quan. Giấy đi đường chỉ cần có xác nhận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà không cần xác nhận của phường, xã.
Với những người dân có việc thiết yếu phải ra đường như đi tiêm vắc xin, có lịch khám bệnh… sẽ không cần xuất trình Giấy đi đường (có xác nhận phường xã), mà chỉ cần xuất trình giấy hẹn tiêm và giấy tờ tuỳ thân; với người đi chợ cũng chỉ cần xuất trình Phiếu đi chợ và giấy tờ tuỳ thân.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.
TP sẽ tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).
Hà Nội cũng yêu cầu các phường, xã không được phát sinh giấy phép “con”, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. So với quy định trong Văn bản 2562 tối 8.8, Hà Nội đã bỏ quy định về lịch trực, lịch làm việc và phân công nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.
|
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 10.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Covid-19 TP.HCM
vắc xin Covid-19
Covid-19 ngày 10/8
tình hình Covid-19 TP.HCM
bản tin Covid-19
tình hình covid-19 hôm nay
Bình luận (0)