Biến “công” thành “tư”
Điển hình cho chiêu thức biến “công” thành “tư” là các sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), TP.HCM. Là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước với khoảng 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ, được giao nhiều dự án đầu tư với quỹ đất lớn, nhưng lãnh đạo IPC tìm nhiều cách “đẩy” tài sản vào tay tư nhân với “giá bèo”.
Nghiêm trọng nhất là tại dự án khu định cư An Phú Tây (H.Bình Chánh) được triển khai trên quỹ đất rộng gần 47 ha. Năm 2001, dự án được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, công ty liên kết IPC và IPC có quyền chi phối) làm chủ đầu tư. Từ 2005 - 2008, IPC ký hợp đồng góp hơn 492 tỉ đồng vào dự án với SADECO; đã thanh toán hơn 473 tỉ đồng. Từ năm 2016, sau khi đầu tư hạ tầng, IPC tùy tiện ký 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho tư nhân, đơn giá chỉ 7 - 8,8 triệu/m2, tổng diện tích chuyển nhượng hơn 24.000 m2, tiền thu được hơn 186 tỉ đồng.
Việc chuyển nhượng này bị xác định là không mang lại hiệu quả, bởi năm 2008 IPC góp vốn vào SADECO đã tính giá 6,6 triệu đồng/m2, 8 năm sau (2016) chuyển nhượng giá 7 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT), cao hơn giá mua chỉ 6%, trong khi nếu tính lãi suất ngân hàng đã tăng khoảng 42% (tạm tính lãi suất 6%/năm). Phi vụ này bị cơ quan thanh tra xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước; bởi cũng thời điểm 2016 giá thị trường chuyển nhượng ghi trên hợp đồng từ khoảng hơn 15 đến hơn 16 triệu đồng/m2.
Giữa tháng 5.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc SADECO, để điều tra về tội "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Tuy nhiên, sự lũng đoạn tại dự án An Phú Tây cũng như các phi vụ “ném tiền nhà nước qua cửa sổ” khác liên quan đất đai, dự án xảy ra tại IPC và các công ty con, liên doanh, liên kết IPC, cần phải được mở rộng điều tra.
Một điển hình khác là phi vụ thâu tóm 145 ha “đất vàng” ở khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) với nhiều dấu hiệu bất thường mà Thanh Niên vừa điều tra, phản ánh. 145 ha “đất vàng” này nhà nước giao Tổng công ty Bình Dương (PROTRADE Corporation, trước khi cổ phần hóa là đơn vị kinh tế đảng của Tỉnh ủy Bình Dương, 100% vốn nhà nước) có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đến 2056, nên bản chất là tài sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khi góp vốn bằng giá trị QSDĐ tại Công ty Tân Thành lần 1 vào năm 2007 và lần 2 vào năm 2017, Tổng công ty Bình Dương vẫn tự ấn định xuyên suốt chỉ với giá 6 USD/m2, quy đổi tỷ giá 1 USD chỉ 16.000 VNĐ (96.000 đồng/m2). Trong khi vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành bảng giá đất thì tại khu vực này có giá từ 2,45 - 19,66 triệu đồng/m2. Còn theo khảo sát của PV Thanh Niên vào thời điểm giữa tháng 10.2019, giá đất khu vực này đã lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2.
|
Sau phi vụ này, giá trị Công ty Tân Thành với quyền chi phối thuộc về tư nhân, từ khoảng 650 tỉ đồng tăng vọt lên đến hơn 5.744 (tăng vọt thêm khoảng 5.094 tỉ đồng). Hai cổ đông tư nhân chiếm đến 70% vốn Tân Thành là Công ty CP Hưng Vượng do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch HĐQT, chiếm 38% và Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh làm Chủ tịch HĐTV, chiếm 32%. Ông Minh cũng chính là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương và bà Thục Anh là con gái ông Minh.
Quan chức tiếp tay
Việc doanh nghiệp biến “công” thành “tư” sẽ không thể thực hiện, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ, lãnh đạo, thông qua những “bút phê” chủ trương, quyết định phê duyệt... Trong phi vụ gần 5.000 m2 “đất vàng” ở số 8 - 12 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) từ tài sản nhà nước “rơi” vào tay tư nhân thể hiện rất rõ nhóm lợi ích với sự “tiếp tay” của cá nhân quan chức.
|
Liên quan khu đất này, tháng 12.2018, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (Bí thư Quận ủy Q.2, nguyên Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở TN-MT TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM) và Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP.HCM) bị Bộ Công an khởi tố cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh này, ngày 9.10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) tiếp tục khởi tố bị can, thực hiện các lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) và Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty CP đầu tư Lavenue).
Lật lại hồ sơ, phi vụ này thực hiện trót lọt là nhờ có sự tiếp tay của quan chức với chiêu bài chỉ định nhà đầu tư “thân hữu”. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6.4.2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm giám đốc. Đến ngày 6.8.2010 (4 tháng sau thành lập), công ty này đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án tại số 8 - 12 Lê Duẩn. 5 ngày sau đó, Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM và “nhanh không tưởng”, đến ngày 17.8.2010 Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký chấp thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 30% vốn góp trong tổng 50% vốn góp mà Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn nếu thực hiện việc đấu giá QSDĐ theo quy định ước sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỉ đồng (tạm tính giá trên 400 triệu đồng/m2). Trong khi đó, 4 đơn vị được thuê “đất vàng” trước đó là Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP, Công ty CP kim khí TP, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco (đều thuộc Bộ Công thương), với chiêu bài “góp vốn bằng đất” và sau đó “đi đêm” với đối tác tư nhân, thì giá trị cả khu đất được định đoạt chỉ 200 tỉ đồng!
Thiệt hại không chỉ tính bằng tiềnGây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong tham nhũng đất đai, với sự cấu kết của DN và quan chức thời gian qua là hàng loạt vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) xảy ra ở nhiều tỉnh, thành.
Tại Đà Nẵng, trong số 21 bị can vừa bị Viện KSND tối cao truy tố ở vụ án “thao túng, chỉ định bán rẻ nhà đất công sản” cho Vũ “nhôm” gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng, có 2 cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh (giai đoạn 2006 - 2011) và ông Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011 - 2014), cùng bị truy tố về các tội vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Ngoài 2 bị can này, cùng bị truy tố về tội danh trên còn có Vũ "nhôm" cùng hàng loạt cựu lãnh đạo chủ chốt sở ngành Đà Nẵng là đồng phạm. Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao cũng đã kê biên 42 tài sản, bất động sản liên quan Vũ “nhôm” và có nguồn gốc hình thành từ các phi vụ thâu tóm công sản, để đảm bảo thi hành án.
Với những thủ đoạn tương tự, thế lực nhóm Vũ “nhôm” còn “vươn vòi” đến TP.HCM và đã trục lợi nhiều phi vụ thâu tóm “đất vàng” mà điển hình nhất là ở các địa chỉ 15 Thi Sách, 2-4-6 Hai Bà Trưng (cùng Q.1)... Qua đó, “đẩy” hàng loạt quan chức từng có hành vi “tiếp tay” vào vòng lao lý, trong đó có cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, cựu Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Đào Anh Kiệt...
Việc một cá nhân, với sự tiếp tay của hàng loạt quan chức thâu tóm đất đai, công sản khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Bởi trong những vụ án này thiệt hại không chỉ là hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách, mà mất mát lớn hơn là niềm tin của dân vào chính quyền bị xói mòn.
|
Xử nghiêm quan chức sai phạmTừ những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại nhiều địa phương, có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa DN với các quan chức nhằm “xẻ đất công để bỏ vào túi riêng”. Đây rõ ràng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của quan chức cùng với sự lợi dụng những sơ hở từ các văn bản pháp luật của DN làm ăn bất chính để chia chác với nhau, thu lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản nhà nước, nhân dân, dẫn đến nhiều bức xúc trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, phải khẳng định, dù hệ thống pháp luật chặt chẽ thế nào cũng khó có thể giải quyết triệt để tình trạng này. Bởi lẽ, một khi đã muốn thực hiện các hành vi trục lợi, họ sẽ tìm mọi cách để “lách luật”, thậm chí làm sai luật. Trong mối quan hệ này, nếu các DN bất chính không có sự tiếp tay của quan chức thì không thể nào thực hiện được hành vi, không thể có các dự án. Do đó, cái cần nhất là phải làm sao để những người được giao trọng trách quản lý lĩnh vực, quản lý địa phương không thực hiện các hành vi này.
Chúng ta đã có luật Phòng chống tham nhũng đã có hiệu lực, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên là lãnh đạo nhưng cốt lõi là phải làm sao để cán bộ, đảng viên ý thức được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ là công bộc của dân, có phẩm chất, đạo đức, lương tâm trong sáng khi thực thi công vụ. Bên cạnh đó, một khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý, trừng trị một cách thích đáng để nêu gương và thu hồi tài sản của nhà nước đã bị thiệt hại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chấm dứt được tình trạng quan chức và DN cấu kết với nhau để làm giàu trên tài sản của nhà nước, nhân dân.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Lê Hiệp (ghi)
|
Minh bạch việc thu hồi, giao đấtTrong vấn đề kiểm soát quyền lực, chúng ta hay nói nhiều về quyền lực chính trị nhưng còn quyền lực về kinh tế thì chưa thấy ai đặt ra vấn đề kiểm soát, dù đôi khi quyền lực về kinh tế đang chi phối nhiều đến việc thực thi các quyền lực chính trị. Bên cạnh đó, thể chế chính trị của chúng ta đang sinh ra loại DN mà nhiều người đã định danh là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và việc kiểm soát loại DN này cực kỳ khó khăn. Câu hỏi không chỉ nhiều người VN mà cả thế giới cũng đặt ra là vì sao hầu hết DN của VN mạnh nhất hiện nay đều có xuất phát từ đất đai. Đó là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều thêm nữa thì mới có thể có câu trả lời.
Trong các quy định của pháp luật, tôi cho rằng, vẫn còn một lỗ hổng lớn đó chính là câu chuyện nhà nước đứng ra thu hồi đất sau đó giao cho DN làm dự án rồi bán với giá rất đắt. Chính báo cáo của Ủy ban Tư pháp QH gửi tới QH về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 đã khẳng định là ở đâu nhà nước mua rẻ, bán đắt thì ở đó tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ khi địa phương đứng ra thu hồi đất giao cho DN nói là dự án phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang đô thị..., nhưng bản chất của nó là dự án kinh doanh bất động sản. Chính chỗ này mới sinh ra tình trạng DN giàu, quan chức mạnh còn địa phương thì ngày càng nghèo đi. Vì vậy, tôi cho rằng, trong dự án luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần phải bịt được “lỗ hổng” này, xác định cho đất thế nào là thu hồi, thế nào là đất mà DN phải thỏa thuận với người dân theo giá thị trường.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)
Lê Hiệp (ghi)
|
Bình luận (0)