Bản tin Covid-19 ngày 11.7: TP.HCM 1.397 bệnh nhân, giãn cách xã hội “đã đi vào nề nếp“
11/07/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 11.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 11.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:
Công bố gần 2.000 bệnh nhân một ngày
Bản tin dịch Covid-19 tối 11.7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 713 ca mắc Covid-19 mới, trong đó TP.HCM vẫn đứng đầu với 354 ca. Tổng số ca mắc trong ngày trên cả nước là 1.953 ca, đây là con số kỷ lục về bệnh nhân được ghi nhận trong một ngày ở Việt Nam. Hôm nay, có 71 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin về 1.953 ca mắc mới như sau
+ 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (2), Khánh Hoà (2), An Giang (1), Bà Rịa-Vũng Tàu (1), Bình Định (1), Ninh Bình (1).
+ 1.945 ca ghi nhận trong nước, trong đó 1.361 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm: TP.HCM (1.397), Bình Dương (234), Đồng Tháp (50), Tiền Giang (46), Long An (46), Vĩnh Long (43), Phú Yên (36), Bắc Giang (13), Bắc Ninh (10), Hậu Giang (9), Bến Tre (7), An Giang (7), Hà Nội (7), Đà Nẵng (6), Ninh Thuận (4), Hưng Yên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Sóc Trăng (3), Bình Phước (2), Hà Tĩnh (2), Bình Thuận (2), Bình Định (2), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Quảng Ngãi (2), Cà Mau (1), Quảng Nam (1), Bạc Liêu (1), Đắk Nông (1), Hải Phòng (1), Thanh Hoá (1), Cần Thơ (1).
Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 29.816 bệnh nhân Covid-19, gồm 27.892 ca ghi nhận trong nước và 1.924 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 26.322 ca.
- Số ca tử vong: 116 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 9.275 ca.
Thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong
Chiều 11.7.2021, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có thông báo về 4 ca tử vong thứ 113, 114, 115 và 116 ở Việt Nam. Trong đó, 2 bệnh nhân ở TP.HCM và 2 bệnh nhân ở Đồng Tháp.
Ca tử vong thứ 113 là BN13099, bệnh nhân nam, 79 tuổi, địa chỉ tại quận 5, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử lao phổi đã hoàn thành điều trị và đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 15 giờ 35 phút ngày 4.7 với chẩn đoán: viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan trên bệnh nền di chứng lao phổi ở bệnh nhân cao tuổi, đái tháo đường type 2.
Ca tử vong thứ 114 là BN12967, bệnh nhân nữ, 61 tuổi, địa chỉ tại quận 1, TP.HCM. Bệnh nhân chưa ghi nhận bệnh lý.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 16 giờ 35 phút ngày 5.7 với chẩn đoán: viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp killip 3.
Ca tử vong thứ 115 là BN19943, bệnh nhân nữ, 61 tuổi. Địa chỉ tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh: Đái tháo đường type 2, suy thận mạn. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Sa đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh nhân tử vong vào ngày 5.7 với chuẩn đoán: viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nền đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ca tử vong thứ 116 là BN20043, bệnh nhân nam, 65 tuổi, địa chỉ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh: Loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc. Bệnh nhân tử vong vào ngày 6.7 với chẩn đoán tử vong: viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nền loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở TP.HCM
Chiều 11.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 tại TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Bệnh viện này đặt tại lô R6 trong khu tái định cư 38,4 ha (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) có quy mô khoảng 3.000 giường được đưa vào vận hành từ ngày 7.7. Trước khi chuyển công năng, các căn hộ ở đây thuộc diện nhà tái định cư ở TP.Thủ Đức.
|
Trước đó UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương sử dụng chung cư P.Tân Thới Nhất, Q.12 (319 căn hộ) và chung cư khu 38,4 ha ở TP.Thủ Đức (lô R6, 339 căn hộ) để thành lập bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc TP.HCM trưng dụng chung cư tái định cư làm bệnh viện điều trị Covid-19 là rất tốt; đồng thời lưu ý vấn đề tổ chức điều trị phải quan tâm đến các nhân viên y tế, lực lượng chống dịch để không bị lây nhiễm.
Đây là buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM lần thứ 2 của Thủ tướng trong vòng nửa tháng qua. Trước đó, vào ngày 26.6, Thủ tướng đã kiểm tra và làm việc với lãnh đạo TP.HCM về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó gợi mở nhiều giải pháp để địa phương chủ động kiểm soát tình hình.
Công nhân xô cửa bỏ chạy khi nghe tin Covid-19 ở Bình Dương đã quay trở lại công ty
Ngày 10.7.2021, hình ảnh nhiều công nhân tại Công ty TNHH Ampacs International (Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) xô cửa bỏ chạy ra ngoài đang khiến dư luận xôn xao.
Theo Trung tâm y tế H.Bàu Bàng, trong ngày 10.7 trên địa bàn H.Bàu Bàng phát hiện 2 vợ chồng ở nhà trọ qua 2 lần xét nghiệm test nhanh và xét nghiệm PCR đều có kết quả dương tính với Covid-19.
Sau đó, cơ quan chức năng H.Bàu Bàng đã phong tỏa tạm thời toàn bộ Công ty TNHH Ampacs International để tiếp tục truy vết, do trong công ty này có con gái của 2 vợ chồng dương tính Covid-19, đang làm việc tại đây.
|
Qua test nhanh nữ công nhân nói trên cũng dương tính Covid-19, nên cơ quan y tế tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho toàn bộ công nhân Công ty TNHH Ampacs International với khoảng 5.000 người.
Trong lúc chờ cơ quan y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng thì nhiều công nhân lo sợ đã bỏ chạy, xô đổ cửa chính để ra ngoài.
Sau đó, các cơ quan chức năng đã vận động công nhân quay trở lại công ty, bình tĩnh chờ lấy mẫu xét nghiệm. Đến khoảng 1 giờ sáng 11.7, cơ quan y tế đã lấy được khoảng 600 mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 và vẫn đang tiếp tục lấy mẫu.
Tạm giữ anh em người bán rau xô xát với bảo vệ dân phố gây xôn xao
Liên quan đến nhóm người xô xát với lực lượng chức năng đang đi làm nhiệm vụ trên đường Lê Đình Cẩn, ngày 11.7, Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) tạm giữ hình sự Lê Văn Vũ (42 tuổi), Lê Văn Ca (40 tuổi, em ruột Vũ, cùng quê Hậu Giang, thuê trọ ở Q.Bình Tân) để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Ngoài ra, công an lấy lời khai, lập hồ sơ với hai con của Vũ là L.V.Q (nam, 16 tuổi) và L.T.T (nữ, 18 tuổi) để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo điều tra, sáng 9.7, Vũ điều khiển xe máy kéo theo rơ-moóc, bán rau tại cầu Ông Búp, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân.
Đến khoảng 6 giờ 45 phút cùng ngày, cả ba cha con Vũ di chuyển đến trước số nhà 266 Lê Đình Cẩn để bán tiếp.
Lúc này, tổ công tác số 2 là Tổ tuần tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của UBND P.Tân Tạo gồm có ông Mai Thanh Sang - Phó chủ tịch UBND P.Tân Tạo làm tổ trưởng tới kiểm tra, theo tinh thần thực hiện Chỉ thị 16.
Phát hiện sai phạm, tổ công tác lập biên bản xử lý và tạm giữ phương tiện nhưng Vũ không chấp hành, có thái độ chống đối tổ công tác.
Thời điểm này, Lê Văn Ca chạy xe máy qua, thấy anh trai và cháu mình đang xảy ra mâu thuẫn với tổ công tác nên tỏ ra bức xúc, lấy điện thoại quay video. Vũ không chấp hành mệnh lệnh của tổ công tác nổ máy xe lôi bỏ đi nhưng bị tổ công tác chặn lại.
Thấy vậy, Q. kẹp cổ, quật ngã anh Nguyễn Quang Vinh - trật tự đô thị; Vũ tháo mũ bảo hiểm ném trúng anh Nguyễn Thanh Bình - bảo vệ dân phố; Ca dùng tay đánh anh Bình nhưng không trúng; T. la lối, gây cản trở không để tố công tác thực hiện nhiệm vụ. Vụ việc gây náo loạn khu vực.
Vũ, Ca và hai con của Vũ sau đó bỏ lại xe và chạy khỏi hiện trường.
Đội CSĐT tội phạm về trật trự xã hội Công an Q.Bình Tân sau đó mời tất cả lên làm việc. Vũ cùng người thân đã khai nhận toàn bộ hành vi.
Theo công an, hai con của Vũ được cho tại ngoại để tiếp tục điều tra.
Hướng dẫn người dân đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 tại nhà
Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do đơn vị này xây dựng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng quôc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC).
Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng người dân đều có thể thao tác online qua ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Tại Hà Nội, theo thông báo của UBND TP.Hà Nội, việc rà soát, đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với người dân trong độ tuổi 18 - 65 trên địa bàn nhằm mục đích sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và chủ động triển khai tiêm chủng cho người dân thủ đô trong năm 2021 đảm bảo tiến độ và an toàn.
Theo đó, người dùng có thể đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 bằng cách truy cập đường dẫn https://hssk.kcb.vn/#/sskdt để tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cho điện thoại thông minh.
Ngoài ra, người dùng có thể truy cập Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 ở đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person để đăng ký trực tiếp trên website.
Trường hợp không sử dụng smartphone, người dân sẽ thực hiện đăng ký bằng giấy và gửi về UBND xã, phường, thị trấn; nội dung tại bản đăng ký giấy sẽ được cơ quan chức năng nhập vào hệ thống phần mềm Sổ sức khỏe điện tử.
Ngoài tính năng Đăng ký tiêm, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử còn có Mã số sức khỏe - một QRCode dùng để quét khi đến các cơ sở y tế.
Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo thứ tự ưu tiên và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng, theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng cố định, lưu động và hình thức tiêm chủng thường xuyên.
Mời quý vị xem hướng dẫn đăng ký tiêm Covid-19 qua video trên.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã có test nhanh Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 8.7, Cảng vụ hàng không miền Nam đã gửi Công văn hỏa tốc đến các hãng hàng không về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu tất cả hành khách trên các chuyến bay đi/đến TP.HCM và ngược lại bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế).
Được sự đồng ý của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngay tại khu vực nhà ga đi quốc nội cho các hành khách và cả nhân viên hàng không.
Khu vực xét nghiệm test nhanh Covid-19 đặt tại vị trí cổng D1, Đảo A, Ga Quốc nội Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tách biệt với các khu vực chức năng của sân bay. Tại đây bố trí đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm bao gồm: làm thủ tục đăng ký, thanh toán, lấy mẫu, trả kết quả. Toàn bộ khu vực xét nghiệm được bố trí theo đúng các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bệnh viện Tâm Anh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh và xét nghiệm RT-PCR theo yêu cầu của khách hàng.
Cụ thể, test nhanh Covid-19 sẽ được thực hiện ngay tại sân bay, chỉ chưa đến 30 phút, khách hàng sẽ được trả kết quả. Với xét nghiệm RT-PCR, hành khách sẽ được lấy mẫu và ngồi chờ từ 4 - 5 giờ, mẫu bệnh phẩm sẽ được vận chuyển bằng các dụng cụ chuyên dụng về Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM chỉ cách sân bay 2 km. Sau khi có kết quả xét nghiệm, khách hàng sẽ được nhận kết quả tại sân bay hoặc kết quả được gửi qua email, tin nhắn cho Khách hàng nhằm thuận lợi cho việc sử dụng.
Nhằm phục vụ thuận tiện nhất cho Khách đi máy bay, dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay sẽ thực hiện theo giờ bay của các hãng hàng không. Ở giai đoạn hiện tại, khi các chuyến bay duy trì rất ít, sẽ bắt đầu nhận khách từ 7 - 17 giờ. Khi các hãng hàng không tăng chuyến bay, lịch thực hiện xét nghiệm sẽ được thay đổi phù hợp.
Chi phí thực hiện test nhanh là 540.000 đồng/lần (sử dụng bộ kít xét nghiệm Panbio Covid-19 Ag Rapid test device hãng Abbott của Mỹ); Xét nghiệm RT-PCR là 1,690 triệu đồng/lần (bằng máy CFX96 Dx hãng Bio Rad của Mỹ, với sinh phẩm hãng Roche - Thụy Sĩ) và xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 5 người là 3,950 triệu đồng/lần. Chi phí này bao gồm lấy mẫu và trả kết quả tại sân bay (kết quả trả bằng văn bản giấy hoặc trả online thông qua email, mobile app, website, dịch thuật tiếng Anh - chỉ áp dụng trả sau 24 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm), thuế giá trị gia tăng.
Tiền Giang giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, vừa ký ban hành về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, ngoại trừ H.Tân Phú Đông (cồn biệt lập thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15), 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành giãn cách xã hội phòng Covid-19 theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”; bắt đầu từ 0 giờ ngày 12.7. Thời gian thực hiện trong 15 ngày.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chỉ đạo cho tạm dừng tất cả các dịch vụ ăn uống mang về; các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu và các chợ không đảm bảo tiêu chí về an toàn trong chống dịch Covid-19.
Việc cách ly được thực hiện theo tinh thần: nhà với nhà; tổ dân phố - tổ nhân dân tự quản với tổ dân phố - tổ nhân dân tự quản; khu phố với khu phố; xã - phường - thị trấn với xã phường thị trấn; huyện - thị - thành với huyện - thị - thành.
“Trường hợp thực sự cần thiết thì người dân mới nên ra khỏi nhà, ra khỏi nhà phải đảm báo khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác…; nếu ai vi phạm các quy định về cách ly sẽ bị xử lý nghiêm. Chúng ta phải thực hiện quyết liệt việc cách ly này để dập dịch, cắt dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, Sở GTVT cần phối hợp với các địa phương, tổ chức có liên quan đến tạo ‘luồng xanh’ cho hàng hóa luôn được lưu thông”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo.
Đi chợ hộ dân ngày giãn cách
Trong hai ngày qua, Quận đoàn Q.1, TP.HCM tổ chức đội hình tình nguyện đi chợ hộ người dân đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn Q.1, TP.HCM cho biết: “Chúng tôi có khảo sát nghiên cứu và nhận thấy người dân đổ xô đi mua hàng rất đông, khó mà đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K".
"Một số cửa hàng đảm bảo nguyên tắc 5K thì người dân xếp hàng rất lâu. Do đó, chúng tôi kích hoạt lại đội hình thanh niên tình nguyện đi chợ giúp người dân”, Anh Long nói.
Theo anh Long, thời gian triển khai chính thức từ ngày 9.7 - 23.7, buổi sáng từ 8 giờ - 11 giờ 30 phút và buổi chiều từ 14 giờ - 17 giờ 30 phút.
Đối với đơn hàng không bao gồm thực phẩm tươi sống, tình nguyện viên sẽ giao trong vòng 2 giờ kể từ khi nhận được đơn đặt hàng. Các đơn hàng bao gồm thực phẩm vui lòng đặt trước 10 giờ mỗi ngày sẽ được giao chiều cùng ngày.
Chiều 10.7, anh Trần Ngọc Trí cùng một tình nguyện viên khác nhận được một đơn hàng ở chung cư 65 Đỗ Quang Đẩu (Q.1, TP.HCM).
|
Người dân ở Q.1 có 3 phương pháp để tiếp cận đội hình giao hàng này: đường dây nóng 028.3825.1861 (sau đó nhấn số 0); fanpage Tuổi trẻ Quận 1; ứng dụng GOBUS - go way Covid. Sau khi tiếp nhận đơn hàng, cán bộ đoàn Q.1 sẽ gọi điện xác nhận và lập tức cử đoàn viên, tình nguyện viên đến các siêu thị gần nhất để mua hàng.
Để đảm bảo an toàn cho các thanh niên tình nguyện đi chợ hộ người dân, Bí thư Quận đoàn Q.1 cho biết: "Các tình nguyện viên đều được tập huấn, dày dặn kinh nghiệm vì đã trải qua 2 chiến dịch gần đây nhất của quận là tiêm vắc xin Covid-19 và chiến dịch xét nghiệm”.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 11.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
giãn cách xã hội
chốt kiểm soát dịch
chỉ thị 16
bản tin Covid-19
Ra đường ngày giãn cách
Covid-19 ngày 11/7
Bình luận (0)