Bản tin Covid-19 ngày 12.1: Cả nước 28.291 ca | Miền Tây có ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên

12/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 12.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 12.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Công bố 28.291 ca Covid-19, 38.943 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 12.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 11.1 đến 16h ngày 12.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.135 ca nhiễm mới. Sở Y tế Khánh Hòa đăng ký bổ sung thêm 12.156 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày là 28.291 ca. Trong ngày cũng có 38.943 ca Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 177 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 34.964 ca.

Ngày 12.1: Công bố 28.291 ca Covid-19, 38.943 ca khỏi | Hà Nội 2.948 ca | TP.HCM 696 ca

Thông tin về 28.291 ca nhiễm vừa được công bố gồm có:

  • 69 ca nhập cảnh.
  • 16.066 ca ghi nhận trong nước (tăng 47 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.889 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.948), Khánh Hòa (772), Bình Định (702), TP.HCM (696), Bình Phước (641), Đà Nẵng (592), Cà Mau (535), Hải Phòng (525), Bến Tre (499), Tây Ninh (473), Bà Rịa - Vũng Tàu (400), Trà Vinh (399), Vĩnh Long (395), Bắc Ninh (375), Thanh Hóa (354), Quảng Ninh (319), Thừa Thiên-Huế (270), Hưng Yên (270), Quảng Ngãi (253), Lâm Đồng (248), Hải Dương (245), Nam Định (227), Bạc Liêu (210), Quảng Nam (208), Vĩnh Phúc (198), Thái Nguyên (186), Hậu Giang (182), Hà Giang (182), Hòa Bình (171), Bắc Giang (163), Cần Thơ (161), Bình Thuận (134), Nghệ An (133), Đồng Tháp (133), Kiên Giang (125), Đắk Nông (120), Ninh Bình (114), An Giang (108), Sơn La (106), Phú Thọ (105), Thái Bình (103), Quảng Bình (100), Tuyên Quang (99), Đồng Nai (93), Sóc Trăng (89), Hà Nam (85), Lào Cai (80), Quảng Trị (68), Điện Biên (66), Yên Bái (60), Gia Lai (59), Bắc Kạn (56), Long An (40), Ninh Thuận (40), Lai Châu (38), Bình Dương (34), Cao Bằng (28), Tiền Giang (27), Phú Yên (23), Đắk Lắk (1).
  • Ngày 12.1.2022, Sở Y tế Khánh Hòa đăng ký bổ sung 12.156 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Khánh Hòa.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-380), Cà Mau (-227), Lạng Sơn (-87).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+138), Bà Rịa - Vũng Tàu (+106), Nam Định (+82).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.972 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.958.719 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.850 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.952.594 ca, trong đó có 1.633.082 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (509.501), Bình Dương (291.560), Đồng Nai (98.965), Tây Ninh (83.619), Hà Nội (76.438).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 38.943 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.635.899 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.032 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.304 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 834 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 151 ca
  • Thở máy xâm lấn: 724 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 11.1 đến 17h30 ngày 12.1 ghi nhận 177 ca tử vong tại:

  • Tại TP.HCM (18) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến: Long An (2), Đồng Nai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (13), Bình Phước (13), Long An (13), Tiền Giang (13), Bến Tre (11 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (11), Trà Vinh (9), Đồng Nai (9), Vĩnh Long (7), Cần Thơ (7), Bình Định (6), Bình Dương (6), Khánh Hòa (5), Bạc Liêu (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Cà Mau (4), Đắk Lắk (3), Bình Thuận (3), Quảng Ngãi (3), Phú Thọ (2), Hải Phòng (2), Bắc Giang (2), Tây Ninh (2), Vĩnh Phúc (1), Bắc Ninh (1), Thừa Thiên-Huế (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 213 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.964 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.119.897 mẫu tương đương 75.823.239 lượt người.

Trong ngày 11.1 có 1.120.898 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 163.533.682 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.413.199 liều, tiêm mũi 2 là 71.510.069 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 13.610.414 liều.

Miền Tây có ca Covid-19 đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron

Ngày 12.1.2022, thông tin từ Sở Y tế Long An cho biết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa báo cáo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại tỉnh Long An do Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự bộ gien vi rút SARS-CoV-2.

Miền Tây có ca Covid-19 đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron

Bệnh nhân là chuyên gia của một công ty trên địa bàn tỉnh, nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 25.12.2021. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung.

Ngày 27.12.2021, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 1 và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 31.12.2021, kết quả lấy mẫu PCR lần 2 của bệnh nhân này dương tính. Ngày 1.1.2022, bệnh nhân được lấy mẫu và gửi mẫu bệnh phẩm giải trình tự SARS-CoV-2 về Viện Pasteur TP.HCM. Đến ngày 8.1, bệnh nhân được lấy mẫu PCR lần 3 và có kết quả âm tính.

Ngày 10.1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An nhận phản hồi kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, bệnh nhân này nhiễm biến thể Omicron - B1.1.529.

Trong quá trình từ sân bay về tới khu cách ly, bệnh nhân có tiếp xúc với 2 người (gồm 1 cán bộ y tế và 1 tài xế đều có mặc đồ bảo hộ, giữ khoảng cách); xe chở chuyên gia có vách ngăn. Sau khi chuyên gia có kết quả xét nghiệm dương tính thì cán bộ y tế và tài xế làm xét nghiệm nhanh và có kết quả âm tính.

Hiện, sức khỏe bệnh nhân này bình thường, không ho, sốt. Bệnh nhân tiếp tục được cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Quá trình di chuyển, cách ly tập trung của bệnh nhân tại khách sạn được bảo đảm đúng quy định, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Như vậy, đến nay 8 tỉnh, thành phố đã ghi nhận ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải Dương, Hải Phòng và Long An.

“Flurona” - Khi bệnh nhân mắc cả cúm mùa và Covid-19 sẽ như thế nào?

Theo thông tin từ CNN, Tiến sĩ Nadav Davidovitch, Giám đốc Trường Y tế công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel) cho biết thời tiết lạnh là lúc vi rút cúm hoạt động rất cao, vì vậy hiện tại là thời điểm rất dễ dẫn đến việc đồng thời nhiễm cả cúm và Covid-19. Tình trạng cùng lúc nhiễm cả cúm và Covid-19 này được gọi bằng thuật nữa là “Flurona”.

“Flurona” - Khi bệnh nhân mắc cả cúm mùa và Covid-19 sẽ như thế nào?

Các trường hợp “Flurona” đầu tiên đã được ghi nhận ở Mỹ, Israel, Brazil, Philippines và Hungary thậm chí trước khi thuật ngữ này được đặt tên.

Gần đây, một đứa trẻ ở Los Angeles (California, Mỹ) được phát hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với cả vi rút cúm A và SARS-CoV-2. Mẹ của em cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày hôm sau. Theo Fox News, hai trường hợp này vừa đi du lịch trở về từ Mexico. Theo Sở Y tế quận Los Angeles, những điểm tương đồng giữa Covid-19, bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường đã gây khó khăn cho những người chưa được xét nghiệm trong việc phân biệt triệu chứng của các loại vi rút. Việc nhiễm cùng lúc nhiều loại vi rút đường hô hấp là rất phổ biến và SARS-CoV-2 không phải là ngoại lệ.

Cả cúm và Covid-19 đều có các triệu chứng như đau họng, ho, sổ mũi và sốt… Cả hai bệnh này đều có thể gây tử vong, mặc dù mức độ nghiêm trọng phụ thuộc phần lớn vào hệ thống miễn dịch của mỗi cá nhân. Bác sĩ Kristen Coleman, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Đại học Maryland (Mỹ), nhận định với NBC Chicago rằng việc đồng nhiễm bất kỳ loại vi rút nào cũng có thể khiến bệnh trở nặng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cơ thể.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý các loại vi rút đường hô hấp thường lây truyền theo những cách tương tự như thông qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói, hát, thở… Vì vậy, mọi người cần luôn tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo phương pháp điều trị cũng như vắc xin ngừa Covid-19 và bệnh cúm là khác nhau. Vắc xin được nghiên cứu để phòng ngừa Covid-19 không chống lại bệnh cúm, và tương tự vắc xin ngừa cúm không bảo vệ khỏi Covid-19.

Cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân khỏi bệnh cúm và Covid-19 nặng là tiêm ngừa cả hai loại vắc xin.

9 loại thuốc và 6 thiết bị cần chuẩn bị để cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà

Đã nhiều ngày nay, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số mắc Covid-19, đặc biệt trong gần 1 tuần qua, số ca Covid-19 của Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày. Trong đó ngày 11.1 đã gần chạm mốc 2.900 ca, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021) là hơn 76.600 ca.

9 loại thuốc và 6 thiết bị cần chuẩn bị để cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10.1, toàn thành phố có hơn 48.500 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó có hơn 38.600 F0 điều trị tại nhà, số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 1 và tại bệnh viện tầng 2 và 3.

Một thực trạng đáng lo ngại là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người dân đã tự ý mua và dự trữ các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ thông tin trên "Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y khuyến cáo người dân tự ý mua, uống thuốc không theo hướng dẫn khuyến cáo của bác sĩ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng đưa ra lời khuyên cho người dân khi trở thành F1 hoặc F0 cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị. Cụ thể như sau:

  • Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…
  • Nhóm các thuốc chữa ho.
  • Nhóm các thuốc tiêu chảy.
  • Nước súc miệng.
  • Cồn sát trùng.
  • Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần).
  • Các loại thuốc xịt mũi.
  • Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho.
  • Nước uống thông thường, nước bù điện giải.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh các loại nước vừa kể vô cùng quan trọng khi chúng ta bị sốt và đặc biệt khi nhiễm Covid-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài.

Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đặc biệt các triệu chứng của Covid-19 lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng lưu ý người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết để cho việc tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như sau:

  • Nhiệt kế.
  • Máy đo SpO2.
  • Que test nhanh.
  • Khẩu trang.
  • Găng tay y tế.
  • Các máy theo dõi bệnh nền.

Đồng thời, chuyên gia đã có kinh nghiệm trong quản lý F0 tại nhà ở đợt dịch cao điểm tại TP.HCM này cũng đưa ra lời khuyên về nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị, đó là các thuốc gồm:

  • Kháng sinh.
  • Kháng viêm.
  • Kháng vi rút.

Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm những trang bị vật tư như sau:

  • Lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình).
  • Dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn.
  • Giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái.
  • Chỗ ở cách ly đảm bảo quy định.
  • Số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.

Gần 93% người trên 18 tuổi tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều cơ bản

Cập nhật đến 14 giờ ngày 12.1.2022, cả nước đã tiêm trên 163,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó ngày 11.1, đã tiêm hơn 1,15 triệu liều vắc xin.

Gần 93% người trên 18 tuổi tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều cơ bản

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 148,3 liều, trong đó có hơn 70,3 triệu mũi 1; hơn 65,3 triệumũi 2; hơn 1,3 triệu mũi 3 (đối với vắc xin Abdala); hơn 3,1 triệu liều bổ sung và trên 8,1 triệu liều nhắc lại. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,8% và tỉ lệ tiêm liều nhắc lại là 11,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 14 triệu liều, trong đó có hơn 8 triệu mũi 1 và hơn 6,1 mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin đối với đối tượng từ 12 – 17 tuổi là 89,8% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68%.

33 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi từ 12 -17 tuổi là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Trẻ mầm non TP.HCM đến trường từ tháng 2.2022

Ngày 12.1.2022, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thời gian năm học của bậc mầm non và quyết định về việc cho trẻ đến trường trở lại sau Tết Nguyên đán.

Trẻ mầm non TP.HCM đến trường từ tháng 2.2022 theo tinh thần tự nguyện

Theo quyết định của UBND TP.HCM, từ tháng 2 - 7.2022, trẻ đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Thời gian kết thúc năm học của bậc mầm non là 29.7.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định cho trẻ nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh; bố trí học bù đảm bảo số tuần thực học và thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học theo quy định.

Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo việc triển khai các phương án tổ chức, hình thức dạy, học phù hợp, bảo đảm chất lượng hoạt động giáo dục và an toàn cho đội ngũ giáo viên, trẻ mầm non.

Trước đó, từ 13.12.2021, lần lượt học sinh lớp 9, 12 và sau đó từ 4.1.2022, học sinh từ lớp 7, 8, 10, 11 đã đến trường học trực tiếp sau khi học trực tuyến gần hết một học kỳ của năm học 2021- 2022.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá kết quả tổ chức dạy học trực tiếp thời gian vừa qua ở thành phố rất khả quan. Các trường hợp F0 được phát hiện tại trường hầu hết là lây nhiễm tại địa phương, chứ chưa có bằng chứng về việc lây lan trong trường học. Đây là cơ sở củng cố thêm tính hiệu quả của phương án phòng dịch Covid-19 trong trường.

Chậm tiêm vắc xin, Ba Lan vượt mốc chết chóc 100.000 ca tử vong vì Covid-19

Bộ trưởng Y tế cho biết tổng số ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại Ba Lan đã vượt qua con số 100.000, khi quốc gia này đấu tranh thuyết phục người dân đi tiêm chủng dù tỷ lệ mắc bệnh cao liên tục.

Chậm tiêm vắc xin, Ba Lan vượt mốc chết chóc 100.000 ca tử vong vì Covid-19

Ngày 11.1, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại Ba Lan đã vượt qua con số 100.000 khi chính phủ nước này cố gắng thuyết phục người dân đi tiêm vắc xin.

Theo dự án Our World in Data tại Đại học Oxford, trong tuần trước, số người chết vì Covid-19 trên một triệu dân tại Ba Lan thuộc hàng cao nhất thế giới, ở mức 57 người. Tỉ lệ này ở Mỹ là khoảng 34 người/1 triệu dân, và ở Nga là 38/1 triệu dân.

Bác sĩ kiêm cố vấn chính phủ Konstanty Szuldrynski đã chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp, việc bệnh nhân chậm đi điều trị và chăm sóc y tế thiếu thốn là những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tử vong cao ở Ba Lan.

Chỉ 55,8% dân số Ba Lan được tiêm phòng đầy đủ, thấp hơn so với tỉ lệ 68,7% của toàn Liên minh châu Âu. Đây là một trong những quốc gia có tỉ lệ công dân tiêm 2 mũi thấp nhất trong khối.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 12.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.