Bản tin Covid-19 ngày 20.9: Chính phủ đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin từ Cuba

20/09/2021 19:50 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 20.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 20.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Cả nước ghi nhận 8.681 ca Covid-19 mới, 6.821 ca khỏi

Bản tin  Bộ Y tế tới 20.9 cho biết tính từ 17h ngày 19.9 đến 17h ngày 20.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới, 6.821 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 215 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong  lên 17.305 ca.
Thông tin về 8.681 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 20.9 như sau:
- 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 8.668 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 01 tháng trở lại đây) tại 38 tỉnh, thành phố (có 6.154 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (5.171), Bình Dương (1.410), Đồng Nai (869), Long An (268), Tiền Giang (211), Kiên Giang (175), Đắk Lắk (113), An Giang (100), Cần Thơ (48), Quảng Bình (35), Tây Ninh (32), Bình Thuận (28), Đắk Nông (27), Bình Định (23), Khánh Hòa (19), Đồng Tháp (19), Quảng Ngãi (16), Phú Yên (15), Hậu Giang (10), Cà Mau (10), Hà Nội (9), Ninh Thuận (9), Bạc Liêu (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bình Phước (5), Thừa Thiên-Huế (5), Sóc Trăng (5), Vĩnh Long (4), Hà Nam (3), Đà Nẵng (3), Quảng Nam (3), Thanh Hóa (2), Trà Vinh (1), Lâm Đồng (1), Bến Tre (1), Quảng Trị (1), Gia Lai (1), Bắc Ninh (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (922), TP.HCM (325), An Giang (187).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (113), Tiền Giang (109), Kiên Giang (24).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.160 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 06 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (341.699), Bình Dương (179.705), Đồng Nai (40.842), Long An (30.596), Tiền Giang (13.270).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 464.326
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.521 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.473
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 854
- Thở máy không xâm lấn: 399
- Thở máy xâm lấn: 766
ECMO: 29
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 215 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (163), Bình Dương (36), Bình Thuận (3), Long An (3), Kiên Giang (3), Đà Nẵng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Nghệ An (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 234 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 195.451 xét nghiệm cho 413.463 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 16.837.201 mẫu cho 48.910.225 lượt người.
- Trong ngày 19.9 có 432.575 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 34.553.590 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.913.529 liều, tiêm mũi 2 là 6.640.061 liều.

Chính phủ đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba

Nghị quyết được Chính phủ ban hành hôm nay, 20.9, đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất với các điều kiện sau đây:
Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin.
Chấp nhận giao hàng không đúng tiến độ nêu trong hợp đồng, phải tiếp nhận đủ số lượng 10 triệu liều vắc xin, kể cả trong trường hợp Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba giao hàng chậm; chấp nhận thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng.
Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba không phải thực hiện bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Việc tranh chấp hợp đồng (nếu có) được thực hiện theo pháp luật của Cuba, trường hợp hai bên không đạt được đồng thuận, việc giải quyết được thực hiện theo quy tắc trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế ICC tại Paris, Pháp.

Chính phủ đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin Abdala của Cuba

Nghị quyết giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu tại các văn bảo mà bộ này đã báo cáo trước đó; khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala của Cuba, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả trong phòng chống dịch.
Trước đó, hôm 17.9, Chính phủ cũng đã quyết định mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer bằng nguồkinh phí từ Quỹ vắc xin.
Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đến nay đã tiếp nhận 50,2 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và tài trợ. Đến ngày 19.9  có 34 triệu liều đã được tiêm trên cả nước, trong đó hơn 6,5 triệu liều tiêm mũi 2.

Bệnh nhân Covid-19 biểu hiện trầm cảm được điều trị ra sao?

Ngày 20.9.2021, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh Covid-19 điều trị tại các khoa thuộc bệnh viện và mời chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ bệnh nhân.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 phát hiện nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bị trầm cảm, rối loạn lo âu nên Ban giám đốc bệnh viện đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ.
Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị trầm cảm là hơn 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở ô xy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

Bệnh nhân Covid-19 biểu hiện trầm cảm được điều trị ra sao?

Trước thực tế trên, Ban Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu - tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy là chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại đây.
Ngay sau khi nhận được lời mời, tiến sĩ Minh Thúy đã đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khảo sát nhiều ngày và tiến hành điều trị tâm lý cho các bệnh nhân.
Theo tiến sĩ Trì Thị Minh Thúy, lo âu, hoảng loạn, trầm buồn là những vấn đề chính mà các bệnh nhân Covid-19 gặp phải, đặc biệt là những bệnh nhân nặng từng trải qua quá trình điều trị lâu dài ở khoa Hồi sức cấp cứu.
Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân gặp phải nỗi ám ảnh, hoảng loạn sau khi chứng kiến người thân trong gia đình, những người nằm chung trong khu điều trị tử vong trước mắt hoặc đối diện với máy móc, thiết bị y tế thời gian dài. Do đó, những bệnh nhân này rất cần có người ở bên cạnh để lắng nghe, trò chuyện và có những thủ thuật tâm lý để giúp họ vượt qua nỗi ám ảnh về bệnh tật.

Bộ Y tế cho phép điều chỉnh thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca phù hợp

Ngày 20.9, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh hướng dẫn về việc khoảng cách tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 AstraZeneca.
Bộ Y tế cho biết trước đó vào ngày 3.9 và 9.9 đã nhận được công văn của UBND tỉnh Long An và Sở Y tế TP.HCM đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca.
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8 - 12 tuần. Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (quyết định số 3588 ngày 26.7 và công văn số 6030 ngày 27.7).

TP.HCM đã tiêm hơn 1 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 65 tuổi, bệnh nền

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi vắc xin phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng tiêm trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian khoảng cách để người dân biết và tham gia (nếu được đối tượng tiêm đồng thuận).
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện tiêm chủng và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (qua Cục Y tế dự phòng) theo duy định.

"Bão cytokine" tấn công các bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi ở TP.HCM

Ngày 20.9.2021, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách điều trị tại Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7 (TP.HCM) cho biết có đến 70% trong số 500 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại đây mắc phải hội chứng "bão cytokine".
Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, trong đợt dịch lần này, biến thể Delta khiến các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng rất nhanh. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi từ 17 đến 40 tuổi mắc phải hội chứng "bão cytokine". Người lớn tuổi cũng mắc hội chứng này nhưng mức độ nhẹ hơn.
Tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, đang điều trị gần 300 bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong đó, cũng có rất nhiều bệnh nhân mắc phải hội chứng "bão cytokine".
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, bác sĩ điều trị Covid-19 tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân mắc hội chứng "bão cytokine" tại đây đa phần là người trẻ, có thể trạng thừa cân béo phì.
Từng tham gia điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) cũng trải qua hội chứng "bão cytokine", theo bác sĩ Tuấn, việc phát hiện sớm và điều trị sớm hội chứng này là vô cùng quan trọng để hạn chế bệnh nhân trở nặng nhanh dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Theo các bác sĩ, “bão cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Cụ thể, những người khỏe mạnh khi bị vi rút tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế vi rút. Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là người trẻ tiết ra quá nhiều cytokine, sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả các phủ tạng như tim, phổi, thận, gan.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Hiện nay, các biện pháp điều trị đặc hiệu hội chứng này là lọc máu hấp thụ, dùng các kháng thể đơn dòng, thuốc kháng viêm, ức chế hệ miễn dịch, với chi phí rất cao.
Quá trình điều trị cho thấy, những bệnh nhân đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thì tỉ lệ diễn tiến nặng giảm, số lượng gặp "bão cytokine" cũng ít hơn rõ rệt.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hội chứng "bão cytokine" được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân Covid-19.
Để hạn chế bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và gặp hội chứng "bão cytokine", việc quan trọng là phải theo dõi, đánh giá thường xuyên tình trạng bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

4 chị em mồ côi ngơ ngác khi mất mẹ vì Covid-19: 'Con chưa kịp hỏi ước mơ của mẹ' 

"Em hối hận nhất là bây giờ em chỉ muốn ôm mẹ em một cái, em muốn hôn mẹ em một cái thôi, và em hỏi mẹ em là ước mơ của mẹ em là gì vì đó giờ, lúc nào mẹ em cũng sống, cũng làm cho gia đình, mẹ em chưa bao giờ làm một cái gì đó cho bản thân hết nên em chỉ mong muốn biết được mơ ước của mẹ em là gì thôi nhưng mà không được nữa."
Những lời tâm sự nghe nhói lòng ấy lại đến từ một cô bé chỉ mới 15 tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều bạn bè còn ham chơi, em Võ Nguyên Tiền Định lại đang gánh trên vai rất nhiều lo toan về tương lai cho gia đình, cho mấy đứa em nhỏ khi mẹ em đã mãi mãi ra đi vì Covid-19.

4 chị em ngơ ngác khi mất mẹ vì Covid-19: ‘Ước mơ của mẹ là gì?’

Căn phòng tro nhỏ trong con hẻm ở P.Tân Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) giờ đây đã mãi mãi vắng bóng một người phụ nữ quen thuộc vì dịch Covid-19. 
Ông Võ Văn Đức (60 tuổi) cho hay ngày 13.7.2021, cả gia đình 6 người đều được thông báo dương tính với Covid-19.
Cả nhà cùng đi cách ly tập trung nhưng vợ ông là bà Lý Thị Thùy Dung (50 tuổi) đã không thể trở về, để lại chồng và 4 người con đang tuổi ăn tuổi học là Võ Nguyễn Định (sinh năm 2004), Võ Nguyên Tiền Định (sinh năm 2006), Võ Nguyên Như Định (sinh năm 2007), Võ Tấn Định (sinh năm 2010).

Em Võ Nguyên Tiền Định, 15 tuổi, con gái thứ hai trong gia đình 4 anh chị em dàn dụa nước mắt khi nhắc về người mẹ mới mất vì Covid-19

Lê Nam

Sau gần một tháng mất mẹ, 4 đứa trẻ vẫn ngơ ngác, bần thần vì cuộc chia ly không hề báo trước.
Bản thân ông Võ Văn Đức từng bị tai biến khiến chân trái và tay trái yếu đi, không thể làm việc nặng. Với gánh hàng nước trước nhà, ông Đức đang cùng các con cố gắng để trang trải tiền thuê nhà và chuẩn bị năm học mới với nhiều chi phí phải lo toan. Hoàn cảnh khó khăn, 4 anh chị em tuy còn nhỏ nhưng phải cùng nhau làm việc để chia sẻ gánh nặng kinh tế với cha mình.
Lắng nghe hoàn cảnh của gia đình em Tiền Định, Thành Đoàn TP.HCM đã trao tặng 1 máy tính để hỗ trợ em trong năm học mới, đồng thời trao quà trung thu cho em 4 anh chị em trong gia đình. Theo anh Nguyễn Tấn Công – Bí thư Đoàn phường Tân Phú, đây là trường hợp khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trên địa bàn phường Tân Phú, TP.Thủ Đức.

Để giúp đỡ cho các em nhỏ mồ côi, mất cha mẹ hoặc người bảo trợ vì Covid-19; quý khán giả, độc giả và nhà hảo tâm có thể ủng hộ cho chương trình "Cùng con đi tiếp cuộc đời" do Báo Thanh Niên phát động qua 2 cách sau: 

Cách thứ nhất: Gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). 


Cách thứ hai: Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau:


Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471.000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: “Giúp đỡ trẻ mồ côi do dịch Covid-19”


Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.

Chuyến du lịch Cần Giờ của các y bác sĩ sau 2 tháng chống dịch Covid-19

Ngày 19.9, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với UBND H.Cần Giờ và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn tổ chức chương trình “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” để cảm ơn 119 y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Chương trình được tổ chức đi và về trong ngày theo hình thức khép kín với các điểm đến ngoài trời, tách biệt với các khu dân cư, thuộc khu vực “vùng xanh” đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Cần Giờ cũng là điểm đến đặc sắc, nổi tiếng nhất định phải đến của du khách trong nước và quốc tế khi đến TP.HCM trong nhiều năm qua. Đây cũng là ngày nghỉ đầu tiên sau 2 tháng miệt mài “chiến đấu” chống dịch Covid-19 của lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu.

Chuyến du lịch Cần Giờ của các y bác sĩ sau 2 tháng chống dịch Covid-19

Đoàn đến thăm các điểm đến mang đặc trưng vùng đất được mệnh danh là lá phổi xanh của thành phố, nơi có khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn, Căn cứ cách mạng chiến khu rừng Sác, Khu du lịch sinh thái Vàm Sát và Khu du lịch Dần Xây để tìm hiểu về cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo.
 

Cần Giờ sáng 19.9 có mưa nhỏ nhưng không làm khó được đoàn y bác sĩ đi tham quan

Vũ Phượng

"Đoàn thông báo mình được đi tham quan tour du lịch này rất là hào hứng sau những ngày vào chống dịch với người dân Sài Gòn. Cho đến giờ, mình vào đây từ 14.7, hôm nay nữa là 19.9 rồi, cũng hơn 2 tháng rồi. Từ ngày vào đến hôm nay chưa có một ngày nào được nghỉ ngơi. Lần đầu tiên mình đến Cần Giờ thấy đặc trưng là một lá phổi xanh của TP.HCM, mình thấy rất hào hứng. Hi vọng sau khi “giải phóng” được Covid-19 thì mình sẽ quay lại Cần Giờ, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên" điều dưỡng Lê Văn Hoan - BV 71 Trung ương chia sẻ.

Điều dưỡng Lê Văn Hoan, BV 71 Trung ương từ Thanh Hóa vào TP.HCM chống dịch thích thú khi được đi Cần Giờ. Anh cho biết hết dịch sẽ quay trở lại TP cùng gia đình

VŨ PHƯỢNG

Các chương trình là hoạt động thiết thực thể hiện tình cảm, sự trân trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đối với những vất vả, hy sinh, cống hiến không mệt mỏi của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bệnh trong bao ngày qua.

Đất thép Củ Chi đón những vị khách đặc biệt từ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Vào TP.HCM hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 22.8.2021, gần một tháng qua bác sĩ Nguyễn Hoàng Chính, trưởng đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cùng các sinh viên của mình đã làm việc liên tục trong công tác lấy mẫu cộng đồng và tiêm vắc xin ở quận 12.
Ngay từ lúc đi, bản thân bác sĩ cũng xác định không có ngày nghỉ cho tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, bác sĩ bất ngờ nhận được lời mời tham dự chương trình “Hành trình xanh về Vùng Đất Thép” vào ngày 19.9.2021. Anh được cùng hơn 100 người thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch đã có một ngày về tham quan ở H.Củ Chi.
"Khi đến đây thì đầu tiên tôi thấy một không khí rất là bình yên, nơi vùng xanh hiếm hoi của thành phố. Thứ hai là qua việc tham quan, trải nghiệm thì tôi thấy niềm tự hào, cảm xúc bâng khuâng của những người dân ở H.Củ Chi. Qua đó chúng tôi mong muốn về thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để sớm có ngày bình yên như thế này cho tất cả mọi người" Bác sĩ Nguyễn Hoàng Chính cho hay.

Đất thép Củ Chi đón những vị khách đặc biệt từ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Để tham dự, khách mời của chương trình và nhân viên tham gia phục vụ tại tất cả các khâu của chương trình đều đảm bảo đã được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 và được xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính.
Xuất phát từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, đoàn di chuyển theo Quốc lô 22 về huyện Củ Chi. Tại đây, đoàn dâng hương tại khu tưởng niệm thuộc đền Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và Đền Bến Dược.
Sau đó Đoàn tham quan Căn cứ cách mạng và khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, tham gia chợ dã chiến và thăm vườn trái cây tại Khu du lịch sinh thái Tam Tân. Cuối buổi chiều, đoàn về lại điểm xuất phát, kết thúc chương trình tham quan.
Đối với nhiều người, đây không chỉ là dịp để họ nghỉ ngơi mà còn là dịp để học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đồng nghiệp ở các quận, huyện khác nhau trên địa bàn TP.HCM.
Chương trình “Hành trình xanh về Vùng Đất Thép” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM, UBND huyện Củ Chi tổ chức. Đây là các chương trình về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và giới thiệu những đặc trưng về văn hoá, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên của hai địa phương. 
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 20.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.