Bản tin Covid-19 ngày 21.10: Đánh giá cấp độ dịch ở cơ sở trên phạm vi nhỏ nhất
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 21.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 21.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận 3.636 ca Covid-19 mới, 1.541 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 21.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 20.10 đến 17 giờ ngày 21.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.636 ca nhiễm mới, 1.541 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 71 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.487 ca.
Thông tin về 3.636 ca nhiễm mới được công bố như sau:
- 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 3.618 ca ghi nhận trong nước (giảm 17 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 1.649 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.255), Bình Dương (483), Đồng Nai (390), Tây Ninh (185), An Giang (174), Sóc Trăng (109), Bạc Liêu (102), Kiên Giang (92), Tiền Giang (82), Cà Mau (80), Bình Thuận (78), Long An (70), Trà Vinh (57), Gia Lai (43), Khánh Hòa (40), Bình Định (36), Phú Thọ (35), Đồng Tháp (34), Nghệ An (29), Cần Thơ (23), Thanh Hóa (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Hậu Giang (18), Vĩnh Long (15), Bình Phước (14), Nam Định (12), Quảng Bình (11), Đắk Nông (11), Quảng Ngãi (10), Hà Nam (10), Quảng Nam (10), Hà Nội (9), Lâm Đồng (8 ), Bến Tre (7), Bắc Ninh (6), Kon Tum (6), Sơn La (5), Ninh Thuận (5), Phú Yên (4), Hà Tĩnh (3), Quảng Trị (3), Hà Giang (3), Hải Phòng (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hòa Bình (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Hải Dương (1).
Ngày 21.10: Cả nước 3.636 ca Covid-19, 1.541 ca khỏi | TP.HCM 1.255 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 92), Đắk Lắk (giảm 77), Gia Lai (giảm 50).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (tăng 133), Đồng Nai (tăng 85), Cà Mau (tăng 34).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.373 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 877.537 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 1/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
- Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.541
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 798.124
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.041 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.109
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 435
- Thở máy không xâm lấn: 95
- Thở máy xâm lấn: 381
- ECMO: 20
Ngày 21.10: Thông báo 71 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành |
Trong ngày, cả nước ghi nhận 71 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (41), Bình Dương (12), Long An (5), An Giang (4), Sóc Trăng (3), Ninh Thuận (2), Đồng Nai (2), Quảng Ngãi (1), Hà Nội (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 77 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 103.943 xét nghiệm cho 217.370 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.349.316 mẫu cho 58.560.149 lượt người.
Trong ngày 20.10 có 1.728.941 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 68.809.880 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 49.352.317 liều, tiêm mũi 2 là 19.457.563 liều.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xin lỗi về phát ngôn sơ suất
Ngày 20.10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, lên tiếng xin lỗi người dân về phát ngôn của mình “... chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X chiều 18.10, ông Tấn có phát biểu đánh giá trong gần 5 tháng qua dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM rất ác liệt, kinh hoàng “nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ...”.
Câu nói này của ông Tấn được báo chí đăng tải ngay trong tối 18.10 đã khiến dư luận xôn xao. Ngày hôm sau, ông Tấn tiếp tục khẳng định: “Ý của tôi không phải như vậy. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu “chưa có ai khốn khổ, khó khăn...”. Sau đó, một tờ báo đã đăng lại đoạn ghi âm cuộc họp cho thấy ông Tấn đã nói “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xin lỗi về phát ngôn sơ suất |
Đến hôm qua 20.10, ông Tấn đã chính thức xin lỗi về phát ngôn này. “Tôi đã soát xét lại bản thân mình và hiểu rằng mình phát biểu như thế là chưa gãy gọn, chưa thể hiện rõ những khó khăn vất vả, những lo toan về cuộc sống, những lo lắng về mối nguy hiểm trước nguy cơ của dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình, mọi người dân trên địa bàn TP.HCM”, ông Tấn nói và cho biết thêm: “Đây là sơ suất của cá nhân tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới người dân TP.HCM về sơ suất này. Tôi rất mong nhận được sự thông cảm, lượng thứ của người dân. Với tinh thần cầu thị lắng nghe, tôi mong tiếp tục nhận được sự góp ý của người dân trong thời gian tới”.
Niềm vui ngày về quê đi học của những đứa trẻ mắc kẹt ở TP.HCM vì Covid-19
Gửi con cho bà nội ở quê cả năm trời nên tranh thủ kỳ nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Thùy đưa hai con mình lên TP.HCM chơi. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-91 bùng phát nên đến thời điểm năm học mới, hai đứa con chị vẫn không thể về quê được.
Không những vậy, dịch bệnh làm hai vợ chồng chị thất nghiệp, lại đang ở trọ nên vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Sau nhiều ngày chờ đợi, đến ngày 21.10.2021, khi có chuyến xe do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức, chị Nguyễn Thị Thùy mới có thể đưa hai còn mình về quê.
Niềm vui ngày về quê đi học của những trẻ em mắc kẹt ở TP.HCM vì Covid-19 |
Riêng chồng chị Thùy, sau dịch đã đi làm trở lại nên vẫn quyết định không về cùng 3 mẹ con. Tuy phải tạm xa chồng nhưng trước mắt chị phải lo cho hai đứa nhỏ về quê để đi học, sau đó khi tình hình dịch ổn định sẽ quay lại TP.HCM làm việc.
" Trước dịch thì em làm công ty may. Xong làm được nữa tháng 6 thì em nghỉ tới giờ luôn. Nói chung là rất khó khăn, nhưng mà cũng nhờ có mặt trận tổ quốc cũng hỗ trợ cho em được chút ít, gạo, thực phẩm, nên gia đình em cũng rất cảm ơn. Thời gian qua ở trên này dịch quá, không đi làm được, rất là khó khăn nên bây giờ được về quê thì em rất là vui", chị Thùy chia sẻ.
Gần 800 người dân được hỗ trợ về quê trong ngày 21.10 |
LÊ HỒNG HẠNH |
Từ sáng sớm 21.10.2021, rất nhiều người quê ở các tỉnh miền Tây như chị Thùy đã mang theo đồ đạc chờ làm thủ tục lên các chuyến xe miễn phí do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức để về quê.
Trong sáng 21.10.2021 có hơn 700 người được về quê trên các chuyến xe do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức. Qua 4 đợt, Bộ Tư lệnh thành phố đã tổ chức đưa gần 2.000 người thuộc nhóm đối tượng yếu thế được về quê
Trong đợt này, TP.HCM ưu tiên tổ chức đưa những người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người khuyết tật về 5 tỉnh miền Tây gồm Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh.
Những người dân trở về được kiểm tra xét nghiệm Covid-19 và khai báo yếu tố dịch tễ. Bên cạnh đó người dân sẽ được hỗ trợ phần ăn đi đường.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, tính tới thời điểm hiện tại số người đăng ký về quê là hơn 8.300 người. Thành phố đã dừng tiếp nhận đăng ký vào ngày 20.10 để tập trung lo phương án cho những người dân đã đăng ký.
Phần lớn hành khách là trẻ em được đưa về quê để đi học |
LÊ HỒNG HẠNH |
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng vận động người dân ở lại để cùng lao động, sản xuất phục hồi kinh tế. Trong thời gian tới, các tỉnh, thành nối lại giao thông liên tỉnh, người dân sẽ chủ động vấn đề đi lại để đảm bảo nhu cầu làm việc, học hành.
Ban chỉ đạo cũng khuyến cáo hiện các tỉnh, thành đang quá tải với làn sóng người dân trở về từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương. Người về từ vùng dịch có khả năng mang theo mầm bệnh về lây cho gia đình, địa phương trong khi đó, việc tiêm vắc xin ở địa phương chưa được phủ đều, tỷ lệ còn thấp nên nếu có trường hợp nhiễm bệnh thì khả năng tăng nặng là rất cao và có nguy cơ tử vong.
Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM sẽ thông tin chính thức về cấp độ dịch
Ngày 19.10.2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có văn bản 2029 đề nghị các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin cấp độ dịch tại địa bàn để cập nhật lên Cổng thông tin Covid-19 của TP.HCM.
Đây là đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhằm thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố về việc tổ chức đánh giá định kỳ và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin Covid-19 của thành phố theo Nghị quyết 128 ngày 11.10.2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định 4800 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ngày 25.10, Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM sẽ cung cấp thông tin chính thức về cấp độ dịch Covid-19 |
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, từ ngày 19.10.2021 - 24.10.2021, UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện và phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát, đánh giá và cung cấp thông tin cấp độ dịch trên địa bàn theo hướng dẫn Sở Y tế tại công văn 7629 về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế lên Cổng thông tin Covid-19 của TP.HCM theo quy mô quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn và tổ dân phố, tổ nhân dân.
Đồng thời, từ ngày 25.10.2021, Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM sẽ cung cấp thông tin chính thức cấp độ dịch cho lãnh đạo và người dân thành phố. UBND các cấp thuộc TP.HCM có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhật lên Cổng thông tin Covid-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.
Về phần mềm hỗ trợ quản lý và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai và cấp tài khoản sử dụng phần mềm cho đơn vị để phục vụ đánh giá cấp độ dịch theo quy mô quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xā, thị trấn, tổ dân phố, tổ Nhân dân.
Người dân, tổ chức có thể truy cập và theo dõi thông tin cấp độ dịch trên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM tại địa chỉ: covid19.hochiminhcity.gov.vn/bando hoặc bando.tphcm.gov.vn.
Không tiêm vắc xin phòng Covid-19, học sinh có được đến trường học trực tiếp?
Thực hiện theo chủ trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 -17 tuổi của Bộ Y tế và UBND TP.HCM, các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố đang tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh để chuẩn bị cho công tác tiêm phòng trong thời gian sắp tới.
Hiện nay, khá nhiều phụ huynh học sinh vẫn còn lo lắng khi đăng ký tiêm vắc xin cho con, đặc biệt là sự an toàn và những ảnh hưởng về lâu dài. Đồng thời, các phụ huynh cũng băn khoăn, nếu vì một lý do nào đó mà không tiêm vắc xin thì học sinh có được đến trường học trực tiếp hay không?
Không tiêm vắc xin phòng Covid-19, học sinh có được đến trường học trực tiếp? |
Giải đáp về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là đảm bảo an toàn sức khỏe trước dịch bệnh, trong đó trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm. Và việc tiêm vắc xin cho trẻ em không phải là điều kiện để học sinh đến trường học trực tiếp nên ngành Giáo dục không có và cũng không thể đưa ra quy định.
Sở GD-ĐT TP.HCM khuyên phụ huynh đừng lo lắng về việc không tiêm vắc xin thì không được đến trường học trực tiếp. Chủ trương tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi có quy định lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh học sinh, người giám hộ. Chỉ khi nào phụ huynh hay người giám hộ cho trẻ đồng ý thì học sinh mới được tiêm chủng.
Để chủ động phối hợp trong công tác tiêm vắc xin cho học sinh theo chủ trương, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin hiện ngành giáo dục đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, thống kê danh sách học sinh và sẵn sàng huy động các trường trưng dụng làm điểm tiêm, huy động giáo viên tham gia hỗ trợ…
Xã đảo ở TP.HCM rộn rã ngày đầu học sinh đến trường sau 4 tháng ở nhà |
Cũng liên quan vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X hôm 19.10, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo thành phố thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng giữ nguyên “nguyên tắc tự nguyện”, tôn trọng quyết định của phụ huynh. Thành phố sẽ tập trung tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học.
Riêng về phương án mở cửa trường học, học sinh đi học trực tiếp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay TP.HCM sẽ có quyết định phù hợp nhất trong thời điểm đó. Mới đây, TP.HCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục để rà soát, đánh giá mức độ an toàn của đơn vị nhằm đề xuất việc mở cửa cho học sinh đi học trở lại.
Việt Nam sẽ công nhận hộ chiếu vắc-xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về quy trình công nhận và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc xin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ ngày 1.10 về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hiện nay Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ |
Đậu Tiến Đạt |
Theo đó, những người mang giấy tờ này sẽ được sử dụng trực tiếp tại Việt Nam và giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, hoặc mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh.
“Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vắc xin. Hiện giấy chứng nhận vắc xin của Việt Nam cung cấp đã được một số quốc gia công nhận”, bà Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao cũng đã tham khảo ý kiến của các bộ, ngành địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh theo hướng: bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận tiêm chủng vào thành phần hồ sơ của quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng cho biết trong hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, tiếp trục tao đổi về khả năng hình thành các thỏa thuận tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin điện tử.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 21.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)