Bản tin Covid-19 ngày 21.3: Cả nước vượt 8 triệu ca | Hàng ngàn người già chưa tiêm vắc xin

21/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 21.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 21.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 131.713 ca Covid-19, 179.640 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 21.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 20.3 đến 16h ngày 21.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, 179.640 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 69 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.949 ca.

Ngày 21.3: Cả nước 131.713 ca Covid-19, 179.640 ca khỏi | Hà Nội 17.916 ca | TP.HCM 1.487 ca

Thông tin về 131.713 ca nhiễm mới như sau:

  • 4 ca nhập cảnh.
  • 131.709 ca ghi nhận trong nước (giảm 9.440 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 87.895 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (17.916), Nghệ An (5.403), Phú Thọ (5.348), Bắc Ninh (4.295), Lào Cai (4.282), Bắc Giang (3.908), Tuyên Quang (3.896), Lạng Sơn (3.769), Yên Bái (3.755), Vĩnh Phúc (3.686), Bắc Kạn (3.684), Hải Dương (3.620), Đắk Lắk (3.592), Thái Bình (3.016), Sơn La (2.988), Hưng Yên (2.908), Quảng Bình (2.853), Gia Lai (2.793), Hòa Bình (2.793), Thái Nguyên (2.783), Cà Mau (2.714), Quảng Ninh (2.638), Bình Dương (2.452), Cao Bằng (2.264), Bình Định (2.232), Điện Biên (1.983), Hà Nam (1.798), Lai Châu (1.777), Lâm Đồng (1.729), Hà Giang (1.714), Quảng Trị (1.542), TP.HCM (1.487), Bến Tre (1.451), Ninh Bình (1.446), Vĩnh Long (1.438), Kon Tum (1.246), Bình Phước (1.206), Tây Ninh (1.194), Đắk Nông (1.175), Nam Định (1.112), Phú Yên (973), Hà Tĩnh (968), Thanh Hóa (867), Trà Vinh (812), Quảng Ngãi (811), Đà Nẵng (788), Hải Phòng (758), Bà Rịa - Vũng Tàu (692), Khánh Hòa (616), Thừa Thiên Huế (610), Bình Thuận (450), Quảng Nam (353), Bạc Liêu (249), Cần Thơ (173), An Giang (170), Long An (134), Đồng Nai (77), Đồng Tháp (77), Kiên Giang (76), Ninh Thuận (74), Sóc Trăng (52), Hậu Giang (38), Tiền Giang (5).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-3.930), Hà Nội (-1.149), Đắk Lắk (-1.003).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn (+1.875), Bắc Ninh (+1.442), Bình Dương (+1.277).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 160.108 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.089.761 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 81.848 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.082.091 ca, trong đó có 4.279.851 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.188.086), TP.HCM (584.234), Bình Dương (362.009), Nghệ An (351.251), Hải Dương (299.214).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 179.640 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.282.668 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.169 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.557 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 225 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 85 ca
  • Thở máy xâm lấn: 297 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 20.3 đến 17h30 ngày 21.3 ghi nhận 69 ca tử vong tại: Bạc Liêu (5), Đồng Nai (5), Quảng Nam (5), Quảng Ngãi (5), Bình Dương (4), An Giang (3), Hà Nội (3), Khánh Hòa (3), Phú Thọ (3), Trà Vinh (3), Bắc Giang (2), Cà Mau (2), Hòa Bình (2), Lâm Đồng (2), Phú Yên (2), Tây Ninh (2), TP.HCM (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Đà Nẵng (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Lạng Sơn (1), Nam Định (1), Quảng Bình (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 37.153.001 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 20,3 có 167.693 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 201.828.138 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.768.739 liều: Mũi 1 là 70.943.341 liều; Mũi 2 là 67.884.313 liều; Mũi 3 là 1.496.237 liều; Mũi bổ sung là 14.650.864 liều; Mũi nhắc lại là 29.793.984 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.059.399 liều: Mũi 1 là 8.753.306 liều; Mũi 2 là 8.306.093 liều.

TP.HCM phát hiện hơn 1.900 người trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin

Ngày 21.3.2022, liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM cho biết theo báo cáo chưa đầy đủ, Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ từ 65 tuổi trở lên kèm bệnh nền đã lập danh sách được 236.700 người.

TP.HCM Phát hiện hơn 1.900 người trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19

Trong đợt cao điểm từ 1.3 đến 20.3, các phường, xã, quận, huyện của TP.HCM đã ghi nhận 25.000 người trên 65 tuổi nguy cơ cao và có bệnh nền. Trong đó, ghi nhận có 1.926 người chưa tiêm mũi vắc xin Covid-19 nào và đã tổ chức tiêm được 227 mũi; tiêm mũi 2 cho 203 người có tiền sử đã tiêm mũi 1; tiêm mũi 3 cho 2.322 người đã tiêm mũi 2.

Kết quả test nhanh tầm soát Covid-19 cho 33.823 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, phát hiện 1.154 ca nhiễm Covid-19 để đưa vào điều trị thuốc kháng vi rút sớm.

Trước đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền).

Song song đó là triển khai thực hiện xét nghiệm test nhanh Covid-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật. Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 20.3.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cấp ngay và uống thuốc kháng vi rút, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của Sở Y tế về “Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm. Thời gian hoàn thành tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao trước ngày 29.3.

Tách riêng người mắc Covid-19 trong hộ gia đình ra khỏi nơi lưu trú của người thuộc nhóm nguy cơ cao, đảm bảo giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19. Thực hiện việc theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid- 19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được sống chung, tiếp tục chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ.

HĐND TP.HCM tái giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19

Ngày 21.3.2022, HĐND TP.HCM có kế hoạch tái giám sát kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

HĐND TP.HCM tái giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19

Kế hoạch tái giám sát này nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Nghị quyết 09/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1); Nghị quyết 12/2021 (chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19) và Nghị quyết 97/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3).

Trước đó, tháng 11.2021, HĐND TP.HCM đã tổ chức hai đoàn giám sát Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, UBND phường, xã, thị trấn... về công tác tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách; công tác rà soát, lập, thẩm định và phê duyệt danh sách đối tượng... và HĐND TP.HCM đã có báo cáo kết quả giám sát.

Theo HĐND TP.HCM, kế hoạch tái giám sát lần này, cũng nhằm để đánh giá kết quả giải quyết những vấn đề được đề xuất, kiến nghị trong báo cáo kết quả giám sát hồi tháng 11.2021 của HĐND TP.HCM.

Việc tái giám sát các gói hỗ trợ Covid-19 sẽ thực hiện với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức qua các hoạt động như: tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức về kết quả, hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết; tổ chức tái giám sát trực tiếp và tái giám sát gián tiếp; tổ chức thu thập thông tin, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả tái giám sát...

Theo kế hoạch, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM sẽ tổ chức giám sát từ ngày 25.3 - 10.4.

Cũng liên quan đến các gói hỗ trợ Covid-19 tại TP.HCM, mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND TP.HCM yêu cầu phối hợp cung cấp tài liệu liên quan việc hỗ trợ người dân nghèo, khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. C03 đang điều tra xác minh việc chi tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP.HCM theo Nghị quyết số 09 (gói hỗ trợ đợt 1) và Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM (gói hỗ trợ đợt 3).

Theo thống kê với riêng các gói hỗ trợ Covid-19 của TP.HCM ban hành, đến nay đã có khoảng 9.400 tỉ đồng với khoảng 8,7 triệu lượt người thuộc diện được thụ hưởng.

Lựa chọn nhóm ưu tiên khi tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đang lập kế hoạch, lên phương án về nhân lực, cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và tiêm mũi 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Lựa chọn nhóm ưu tiên khi tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

Theo một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng của Bộ Y tế, Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này.

Liên quan đến việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin Covid-19, chuyên gia cũng chia sẻ, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 4 này ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3, nên mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà.

Với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nguy cơ do Covid-19, Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vắc xin sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng, hoặc có thể chuyển nặng nếu bị nhiễm bệnh.

Trước băn khoăn của một số cha mẹ về ảnh hưởng lâu dài của vắc xin Covid-19 với sức khỏe sinh sản của trẻ khi trưởng thành, TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc (thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), chia sẻ vi rút có thể tích hợp vào hệ gien của người trong quá trình vi rút nhiễm và nhân lên trong cơ thể. Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vắc xin vào người, bởi vi rút thật khi tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, các tế bào nhiễm vi rút với mức độ không có kiểm soát. Từ đó khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến những cơ quan đó, dẫn đến việc tổn thương lâu dài về sau. Với vắc xin thì khác, kể cả các vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gien của người, nên không để lại những di chứng lâu dài.

Có một số quan điểm như hạt gai vi rút tạo ra từ vắc xin có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian, nhưng thời gian đó ngắn hơn vô cùng nhiều so với việc nhiễm vi rút tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những biến cố bất lợi liên quan vắc xin thấp hơn nhiều so với các bệnh lý do nhiễm tự nhiên.

Thế giới vượt mốc 470 triệu ca Covid-19

Đến 17 giờ chiều 21.3 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 470.783.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 6.078.000 ca tử vong và hơn 10.797.665.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong là Mỹ với hơn 79.734.000 trường hợp mắc bệnh cùng 971.162 người chết vì Covid-19.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 43.009.000 ca nhiễm và 516.510 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 29.637.000 ca Covid-19 và 657.495 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 24.323.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 141.962 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 20.243.000 ca nhiễm và 164.099 ca tử vong.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 21.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.