Bản tin Covid-19 ngày 25.12: Cả nước 15.586 ca | TP.HCM “hạ nhiệt” nhưng dịch bệnh ở Hà Nội đang căng thẳng

25/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 25.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .


Bản tin Covid-19 ngày 25.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.586 ca Covid-19, 14.423 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 25.12 cho biết tính từ 16h ngày 24.12 đến 16h ngày 25.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.586 ca nhiễm mới, 14.423 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 241 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 31.007 ca.

Ngày 25.12: Cả nước 15.586 ca Covid-19, 14.423 ca khỏi | Hà Nội 1.879 ca | TP.HCM 885 ca

Thông tin về 15.586 ca nhiễm mới như sau

  • 27 ca nhập cảnh
  • 15.559 ca ghi nhận trong nước (giảm 583 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 8.077 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.879), Tây Ninh (946), TP.HCM (885), Vĩnh Long (875), Cà Mau (835), Khánh Hòa (793), Đồng Tháp (789), Cần Thơ (702), Bạc Liêu (612), Trà Vinh (564), Hải Phòng (425), Thừa Thiên-Huế (395), Bình Định (387), Tiền Giang (326), Bà Rịa - Vũng Tàu (297), An Giang (289), Kiên Giang (282), Sóc Trăng (279), Đồng Nai (274), Hưng Yên (271), Bắc Ninh (252), Bình Thuận (242), Lâm Đồng (221), Đà Nẵng (211), Bến Tre (203), Phú Yên (192), Quảng Ninh (183), Gia Lai (166), Thanh Hóa (153), Quảng Trị (148), Nam Định (123), Hải Dương (109), Bình Dương (108), Hà Giang (104), Nghệ An (95), Hậu Giang (93), Vĩnh Phúc (91), Quảng Nam (84), Hà Nam (68), Thái Nguyên (64), Bắc Giang (61), Đắk Nông (53), Long An (50), Phú Thọ (48), Quảng Ngãi (47), Sơn La (38), Hòa Bình (37), Thái Bình (37), Ninh Thuận (33), Quảng Bình (32), Bình Phước (27), Cao Bằng (27), Tuyên Quang (17), Lào Cai (14), Yên Bái (14), Lai Châu (7), Điện Biên (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (-499), Phú Yên (-161), Bình Định (-156).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+406), TP.HCM (+206), Tiền Giang (+180).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.995 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.636.455 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.595 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.630.851 ca, trong đó có 1.226.867 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (499.513), Bình Dương (289.933), Đồng Nai (96.621), Tây Ninh (69.666), Long An (40.015).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.423 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.229.684 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.762 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.527 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.156 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 154 ca
  • Thở máy xâm lấn: 906 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 24.12 đến 17h30 ngày 25.12 ghi nhận 241 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (42) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (2), Long An (1), Cần Thơ (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1), Đồng Nai (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (39), An Giang (18), Bình Dương (18), Tiền Giang (16), Tây Ninh (12), Đồng Tháp (12), Kiên Giang (12), Cần Thơ (12), Vĩnh Long (10), Sóc Trăng (9), Cà Mau (7), Trà Vinh (6), Hà Nội (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Long An (3), Hậu Giang (3), Bạc Liêu (3), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 237 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.007 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 171.187 mẫu xét nghiệm cho 214.645 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 29.669.584 mẫu cho 73.824.334 lượt người.

Trong ngày 24.12 có 989.988 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 144.513.779 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.881.418 liều, tiêm mũi 2 là 65.354.960 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 2.277.401 liều.

Lần đầu tiên TP.HCM không còn quận, huyện “vùng cam”

Trưa 25.12.2021, UBND TP.HCM thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, tính đến ngày 23.12 nguy cơ dịch Covid-19 tại thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – vùng vàng).

Lần đầu tiên TP.HCM không còn quận, huyện “vùng cam” Covid-19

Ở cấp huyện, có 9 địa phương đạt cấp 1 (nguy cơ thấp - vùng xanh) gồm: quận 3, quận 6, quận 7, quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Bình, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. 13 địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng) gồm: thành phố Thủ Đức, quận 1, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

So với tuần trước, có 2 địa phương tăng cấp độ dịch là quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (từ cấp 1 lên cấp 2), 2 địa phương giảm cấp độ dịch là quận Bình Tân (từ cấp 2 xuống cấp 1) và quận 10 (từ cấp 3 xuống cấp 2).

Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau nhiều tuần, TP.HCM không ghi nhận quận, huyện nào có nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 3 (nguy cơ cao – vùng cam).

Ở cấp xã, có 160 địa phương đạt cấp 1, 139 địa phương cấp 2 và 13 địa phương cấp 3.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tỉ lệ ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần của thành phố trong tuần qua là 71 ca, tương ứng với cấp độ 3 (50-150 ca). Về tỉ lệ bao phủ vắc xin Covid-19, tính đến ngày 23.12, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn thành phố đạt 100%, tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin cũng đạt 100%.

UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai những biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" trong các lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

8 quận, 67 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam"

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký thông báo về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, trong thời gian 2 tuần trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 17.800 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng.

8 quận, 67 xã phường thành "vùng cam" - nguy cơ cao dịch Covid-19

Tính đến 10 giờ sáng 24.12.2021, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ còn 1 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng màu xanh, giảm 3 quận, huyện so với thông báo ngày 17.12) là Phúc Thọ; ngoài ra có 21 quận, huyện, thị ở cấp độ 2 (màu vàng - vùng nguy cơ).

Đặc biệt, Hà Nội hiện có 8 quận trung tâm ở cấp độ 3 (màu cam - vùng nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.

Đây cũng là các quận có số ca bệnh tăng vọt trong 14 ngày trở lại đây. Theo UBND thành phố, tại quận Ba Đình, số ca mắc trong cộng đồng 14 ngày qua là 1.172 ca, số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần là 259 ca. Con số tương ứng với từng quận như sau:

- Quận Đống Đa là 1.726 và 228 ca.

- Quận Hai Bà Trưng là 1.630 và 273 ca.

- Quận Hoàn Kiếm là 495 và 176 ca.

- Quận Hoàng Mai là 2.212 và 207 ca.

- Quận Long Biên là 1.303 và 192 ca.

- Quận Nam Từ Liêm là 1.142 và 201 ca.

- Quận Tây Hồ là 523 và 157 ca.

Về cấp xã, phường, có 396 địa phương ở cấp độ 1; 116 xã, phường ở cấp độ 2; 67 xã, phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao - màu cam). Số xã, phường “màu cam” tăng tới 42 xã, phường so với tuần trước đó. Cụ thể như sau:

- Quận Ba Đình có 9 phường, gồm: Quán Thánh, Đội Cấn, Cống Vị, Trúc Bạch, Phúc Xá, Kim Mã, Liễu Giai, Thành Công, Giảng Võ.

- Quận Đống Đa có 11 phường, gồm: Văn Miếu, Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Khương Thượng, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Hàng Bột, Phương Liên, Quang Trung, Thổ Quan.

Huyện Gia Lâm có 1 xã là Đa Tốn.

- Quận Hà Đông 3 phường, gồm: Yên Nghĩa, Dương Nội, Biên Giang.

- Quận Hai Bà Trưng 12 phường, gồm: Đông Mác, Phố Huế, Vĩnh Tuy, Cầu Dền, Thanh Lương, Phạm Đình Hổ, Trương Định, Thanh Nhàn, Bạch Đằng, Lê Đại Hành, Minh Khai, Đồng Nhân.

- Quận Hoàn Kiếm 4 phường, gồm: Hàng Đào, Cửa Đông, Cửa Nam, Phúc Tân.

- Quận Hoàng Mai 12 phường, gồm: Thanh Trì, Tân Mai, Tương Mai, Lĩnh Nam, Trần Phú, Vĩnh Hưng, Mai Động, Yên Sở, Đại Kim, Thịnh Liệt, Giáp Bát, Định Công.

- Quận Long Biên 3 phường, gồm: Ngọc Lâm, Gia Thụy, Phúc Đồng.

- Quận Nam Từ Liêm 2 phường: Tây Mỗ, Mễ Trì.

- Quận Tây Hồ 5 phường, gồm: Quảng An, Thụy Khuê, Xuân La, Yên Phụ, Bưởi.

- Huyện Thanh Trì 3 xã, gồm: Đại Áng, Tứ Hiệp, Tân Triều.

- Huyện Thường Tín có 1 xã là Văn Bình.

- Huyện Ứng Hóa có 1 xã là Sơn Công.

Hiện tại, Hà Nội có tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 98,2,3% (đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 70%); tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 95,1% (đã đạt tỉ lệ tối thiểu là 80%).

Trước đó, 2 quận gồm: Đống Đa, Hai Bà Trưng và 25 phường "màu cam" đều đã siết lại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cụ thể cấm tụ tập đông người, cấm cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, chỉ được phép bán mang về đến 21 giờ...

Lao động ngoại tỉnh được hỗ trợ gì khi quay lại TP.HCM?

Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Quyết định số 1405 ngày 13.12.2021 về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Theo Quyết định này, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, tại các địa phương có khu kinh tế, nhất là lao động ngoại tỉnh, sẽ được hỗ trợ để quay lại làm việc sau dịch Covid-19.

Nghiên cứu hỗ trợ tiền nhà trọ, điện nước cho lao động quay lại thành phố làm việc

Chương trình đặt ra mục tiêu duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; đồng thời hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc; đặc biệt là thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc như: hỗ trợ người có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế…

Bộ LĐ-TB-XH còn phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về chính sách giảm lãi suất, bổ sung thêm nguồn vốn để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Để thu hút lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các địa phương hỗ trợ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vắc xin.

Bộ LĐ-TB-XH sẽ có chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai. Có phương án sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc...

Để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra giải pháp tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động; đào tạo lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Trên cơ sở diễn biến cung - cầu lao động, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương tổ chức kết nối cung - cầu lao động, chuẩn bị phương án huy động nguồn nhân lực như: học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ…

Ngoài hỗ trợ người lao động, quyết định của Bộ LĐ-TB-XH còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn, thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm; chi phí tuyển dụng lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm…

Bộ LĐ-TB-XH sẽ rà soát các quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm một tháng khi doanh nghiệp và người lao động đã thỏa thuận làm thêm. Tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm không giới hạn nhóm, ngành, nghề, công việc… Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

Cùng với các các chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung các luật Việc làm, luật An toàn vệ sinh lao động, luật Bảo hiểm xã hội, luật Giáo dục nghề nghiệp... cho phù hợp với tình hình thực tiễn; xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý.

Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhu cầu tìm việc của người lao động, tránh việc thiếu hụt lao động cục bộ, đặc biệt là thời điểm cuối năm và sau tết Nguyên đán; đồng thời, nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp ổn định, giới thiệu, tạo việc làm cho người lao động trở về từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam.

Chuyên gia khẳng định vắc xin Covid-19 không gây “vô sinh”, không làm “biến đổi gien”

Liên quan đến chất lượng của vắc xin Covid-19 trong tiêm chủng, bao gồm các vắc xin sử dụng cho mũi tiêm cơ bản, liều bổ sung và nhắc lại, PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tất cả các vắc xin Covid-19 đang sử dụng tại Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng.

Chuyên gia khẳng định vắc xin Covid-19 không gây “vô sinh”, không làm “biến đổi gien”

Với băn khoăn của một số người về các ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đến “biến đổi gien” do vắc xin, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay ngay cả vắc xin mRNA cũng không có tương tác với ADN của người, vì vậy việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 không ảnh hưởng đến gien cũng như khả năng sinh sản, không gây vô sinh cho người được tiêm chủng.

PGS-TS Dương Thị Hồng lưu ý sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cũng như các vắc xin khác, khả năng phòng bệnh Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Các nhà sản xuất đang tiếp tục nghiên cứu thêm về khả năng phòng bệnh, đặc biệt khả năng phòng bệnh trước các biến thể mới. Hiện theo khuyến cáo của WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã tiêm đủ 2 mũi cần tiêm nhắc lại 1 mũi thứ 3 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh. PGS-TS Dương Thị Hồng lưu ý thêm trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đánh giá về hiệu quả của vắc xin với phòng lây nhiễm, giảm nguy cơ diễn biến nặng, tử vong, các nghiên cứu đang được tiến hành.

Về nguồn cung vắc xin Covid-19, bà Dương Thị Hồng xác nhận hiện Việt Nam đã có đủ số lượng vắc xin để tiêm mũi cơ bản cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên; và Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho người dân ngay trong tháng 12 năm 2021. PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết theo cam kết cung ứng vắc xin của các nhà sản xuất, Việt Nam sẽ có đủ vắc xin để tiêm mũi 3 cho tất cả người dân trong độ tuổi 18 tuổi trở lên.Về sự cần thiết của tiêm vắc xin mũi 3, TS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho rằng các vắc xin có hiệu quả bảo vệ khác nhau, nhưng không có vắc xin nào hiệu quả đạt 100% với những người đã tiêm. Đây chính là lý do cần thêm các mũi tiêm bổ sung hoặc nhắc lại để đảm bảo miễn dịch cộng đồng vững chắc. Việc tiêm phối hợp vắc xin khác loại cho mũi tiêm tăng cường đem lại hiệu quả tốt hơn so với dùng cùng loại với vắc xin tiêm các mũi cơ bản.

TS Phạm Quang Thái cũng cho biết với người có bệnh nền, đã tiêm 2 mũi cơ bản và có xét nghiệm dương tính sẽ không cần tiêm ngay mũi 3, nhưng khi được thông báo tiêm, vẫn tiêm được mà không phải lo ảnh hưởng sau nhiễm vi rút. Với F0 đã tiêm đủ 2 mũi Astra Zeneca, sau đó mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh, không cần chờ đến 6 tháng sau khỏi bệnh vẫn có thể tiêm mũi 3 để đảm bảo miễn dịch. Ngoài ra, với vắc xin có liều cơ bản 3 mũi (vắc xin Abdala của Cuba; mũi 2 ở ngày 14 và mũi 3 ở ngày 28) thì mũi bổ sung (là mũi 4) tiêm sau mũi 3 là 28 ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới nhất về tiêm vắc xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021, và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao, cần rà soát kỹ và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin cơ bản; đồng thời ngay trong tháng 12.2021, các tỉnh, thành triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản.

Một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng của Bộ Y tế lưu ý với nguồn cung vắc xin về liên tục và để đảm bảo mọi người dân được bảo vệ, đến hết 31.12, tất cả người từ 18 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản 2 mũi (riêng vắc xin Abdala của Cuba, liều cơ bản là 3 mũi); hết quý 1.2022, tất cả các trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản.

Thông tin thêm về các đối tượng tiêm vắc xin mũi tăng cường và nhắc lại sau liều cơ bản, Bộ Y tế cho biếttất cả người từ 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản đều được tiêm mũi 3 (trường hợp nếu liều cơ bản là 2 mũi). Tuy nhiên các địa phương phải đảm bảo đã bao phủ liều cơ bản cho các đối tượng trong độ tuổi này; và cần ưu tiên mũi bổ sung cho các trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, có bệnh nền...

Theo Bộ Y tế, người tiêm mũi bổ sung là người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch...) đã tiêm đủ liều cơ bản. Các trường hợp này sẽ tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản. Trường hợp tiêm mũi nhắc lại là những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; thời gian tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Thông tin về cập nhật tình hình tiêm vắc xin trên hệ thống, ông Nguyễn Trường Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Y tế) cho rằng mũi tiêm tiếp theo sau khi tiêm liều cơ bản tiếp tục được cập nhật trên nền Sổ sức khỏe điện tử và phần mềm PC-Covid.

Hơn 200 khách từ Uzbekistan đến Phú Quốc theo chương trình hộ chiếu vắc xin

Sáng 25.12.2021, tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc phối hợp cùng Vinpearl tổ chức đón đoàn khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến từ Uzbekistan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đón khách quốc tế từ Uzbekistan theo lộ trình khép kín cùng với nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường du lịch mới mẻ này.

Hơn 200 khách từ Uzbekistan đến Phú Quốc theo chương trình hộ chiếu vắc xin

Có hơn 200 du khách quốc tịch Uzbekistan đáp xuống sân bay quốc tế Phú Quốc. Sau khi hoàn tất các thủ tục tại sân bay, đoàn khách đã di chuyển về quần thể Phú Quốc United Center phía bắc đảo để trải nghiệm kỳ nghỉ 9 ngày 8 đêm khép kín.

Tất cả thành viên của đoàn khách sẽ lưu trú ở khu nghỉ dưỡng Vinpearl Discovery Wonderworld Phú Quốc và Vinpearl Resort and Spa Phú Quốc… Đây là những điểm đến được phép đón khách quốc tế tại khu vực riêng biệt, đảm bảo không tiếp xúc với cộng đồng, không ảnh hưởng đến hoạt động của du khách khác...

Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 2.2022, Phú Quốc United Center sẽ liên tiếp đón 8 đoàn khách do Prestige Travel thiết kế hành trình du lịch tại thành phố đảo với khoảng 2.000 lượt khách đến. Du khách sẽ sử dụng dịch vụ của Hãng hàng không Uzbekistan Airways có tần suất 1 chuyến/tuần.

Vợ nhọc nhằn nuôi mẹ già và hai con vì chồng mất do Covid-19

Thời điểm dịch Covid-19 trong giai đoạn căng thẳng nhất ở TP.HCM, chồng chị Nguyễn Thị Trúc Mai (ở huyện Nhà Bè) bị nhiễm bệnh rồi không thể qua khỏi. Anh đột ngột ra đi để lại chị và hai người con thơ, đưa lớn mới lên lớp 9 còn đứa nhỏ vừa lên lớp 6.

Chồng mất vì Covid-19, vợ ở lại nhọc nhằn nuôi mẹ già và hai con

"Thằng nhỏ thì nó chứng kiến luôn, ngày đó nó cũng bệnh, hai mẹ con bị bệnh hết, hai mẹ con chỉ ôm nhau khóc. Sáng 5 giờ mấy mất mà tới 4 giờ mấy chiều người ta mới đưa đi. Ở nhà hai mẹ con cứ đi ra đi vô, thấy xác của cha mà không tới ôm được. Chỉ đốt nhàng nhìn một cái rồi đi", chị Trúc Mai chia sẻ.

Giờ đây, trong kí ức của chị và những đứa con là hình ảnh về một người cha hiền từ, hết mực yêu thương, chăm sóc cả gia đình.

Không chỉ phải chịu đựng nỗi đau mất đi người thân, trước mắt chị Mai là những khó khăn khi phải một mình hai con nhỏ.

Trong đợt dịch vừa qua, rất nhiều gia đình mất đi người thân vì Covid-19 như gia đình chị Mai.

Mỗi người là một câu chuyện đau thương, có những đứa trẻ đã mất cha, có em nhỏ lại mất mẹ, đau lòng hơn còn có những em nhỏ chịu cảnh mồ côi cha lẫn mẹ vì dịch Covid-19.

Chia sẻ với những khó khăn, mất mát đó, ngày 24.12.2021, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên đã tiếp tục tới với huyện Nhà Bè để trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19.

Báo Thanh Niên đã trao hỗ trợ cho 77 cháu mồ côi trên địa bàn huyện, mỗi cháu là 3 triệu đồng, với tổng số tiền của bạn đọc gửi tặng là 231 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các em còn nhận được thêm hai phần quà, một phần quà gồm 2 hộp sữa Danalac của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2021 thông qua Báo Thanh Niên gửi tặng và một phần quà là hạt dinh dưỡng ngũ cốc Granola Faminuts của Công ty CP nông nghiệp Huỳnh Gia. Tổng giá trị 2 phần quà là hơn 115 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 8.12.2021, cũng tại huyện Nhà Bè, Báo Thanh Niên đã thực hiện chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” – Tổ chức ký thỏa thuận với nhà bảo trợ và gia đình 7 cháu mồ côi do Covid-19 tại xã Long Thới.

Trong đó, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công nhận bảo trợ 5 em. Phòng khám Đông Á và Công ty TNHH Leo Coffee and Tea mỗi đơn vị nhận bảo trợ 1 em.

Qua hơn 3 tháng thực hiện, chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 do báo Báo Thanh Niên phát động đã trao tiền hỗ trợ cho hơn 1.200 trẻ mồ côi với số tiền gần 4 tỉ đồng.

Chương trình cũng đã tổ chức ký kết các thỏa thuận bảo trợ hằng tháng hoặc hằng năm giữa nhà bảo trợ và gia đình các trẻ, giúp chăm lo đến khi các cháu tròn 18 tuổi. Đến nay, chương trình đã tổ chức ký kết cho hơn 120 cháu.

Tinh trùng 'yếu' đi sau khi nhiễm Covid-19

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nam giới từng mắc Covid-19 có chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm dù đã khỏi bệnh sau vài tháng.

Tinh trùng 'yếu' đi sau khi nhiễm Covid-19

Một nhóm các nhà khoa học Bỉ thực hiện nghiên cứu trên 120 người đàn ông Bỉ từng mắc Covid-19, kết quả cho thấy chất lượng và số lượng tinh trùng của họ bị suy giảm. Các mẫu tinh dịch được lấy từ những người đàn ông Bỉ trung bình 35 tuổi vào thời điểm trung bình 52 ngày sau khi họ hết các triệu chứng Covid-19.

Các nhà nghiên cứu khẳng định Covid-19 không lây nhiễm qua tinh dịch. Tuy nhiên, ở 35 mẫu tinh dịch được lấy trong vòng một tháng sau khi người bệnh khỏi Covid-19, khả năng di chuyển của tinh trùng giảm 60% và số lượng tinh trùng giảm 37%.

Trong 51 người đàn ông được lấy mẫu tinh dịch từ 1 đến 2 tháng sau khi hết triệu chứng Covid-19, 37% người bị giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và 29% người có số lượng tinh trùng thấp.

Ở 34 người cung cấp mẫu tinh dịch ít nhất 2 tháng sau khi hồi phục, tinh trùng của 28% người trong nhóm này bị giảm khả năng di chuyển và 6% mẫu tinh dịch có lượng tinh trùng thấp. Theo các nhà khoa học, mức độ nhiễm Covid-19 không liên quan đến đặc điểm của tinh trùng.

Tin vui từ 3 nghiên cứu: nhiễm Omicron, nguy cơ nhập viện có thể thấp hơn

Theo 3 nghiên cứu, người nhiễm biến thể Omicron của virus Covid-19 có lẽ có nguy cơ bị bệnh nặng và nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta.

Tin tốt lành từ 3 nghiên cứu: nhiễm Omicron, nguy cơ nhập viện có thể thấp hơn

Đây là các nghiên cứu sơ bộ được thực hiện ở Nam Phi, Anh và Scotland, dựa trên dữ liệu thực tế để cho thấy các ca nhiễm Omicron có số bệnh nặng thấp hơn.

Trong nghiên cứu ở Nam Phi, dựa trên số người nhiễm Omicron từ 1.10 đến 30.11, nguy cơ nhập viện giảm đến 80% so với người nhiễm các biến thể khác trong cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, sau khi nhập viện thì người nhiễm biến thể nào cũng có nguy cơ phát bệnh nặng như nhau.

Nhưng nếu so với số bệnh nhân nhập viện vì nhiễm chủng Delta từ tháng 4 đến tháng 11 thì các ca nhiễm Omicron nhập viện giảm đến 70% nguy cơ phát bệnh nặng.

Nghiên cứu tại Anh phân tích dữ liệu bệnh viện từ đầu tháng 12, gồm 56.000 ca Omicron và 269.000 ca Delta. Theo đó, tỉ lệ nhập viện do Omicron giảm 20-25% so với Delta.

Trong khi đó, nghiên cứu sơ bộ dữ liệu quốc gia từ 1.11-19.12 tại Scotland cho thấy khả năng "Omicron có liên hệ với việc giảm 2/3 nguy cơ nhập viện vì Covid-19 khi so với Delta". Nghiên cứu này cũng cho biết mũi tiêm vắc xin tăng cường "mang đến sự bảo vệ bổ sung đáng kể chống lại nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng đối với Omicron".

Dù vậy, giới khoa học vẫn cảnh báo rằng vì biến thể mới có năng lực lây nhiễm mạnh và người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể bị nhiễm, nên vẫn có nguy cơ hệ thống y tế sẽ bị quá tải.

CBS News dẫn lời giáo sư James Naismith thuộc Đại học Oxford đánh giá rằng dữ liệu từ Anh là "tin tốt lành" để lạc quan hơn về tình hình lây nhiễm Omicron tại nước này.

Tuy nhiên giáo sư Naismith cảnh báo rằng "Nếu Omicron có thể tăng gấp đôi số người nhiễm sau vài ngày, nó vẫn có thể gây ra số nhập viện nhiều hơn Delta từ số người đã tiêm 2 mũi".

Do đó, ông kêu gọi giới chức nhanh chóng tiến hành tiêm mũi tăng cường cho người dân, và chú trọng bảo vệ người cao tuổi.

Nghiên cứu từ Nam Phi cũng cẩn trọng cho rằng số ca nhiễm phát bệnh nặng thấp có khả năng là do mức độ miễn dịch cộng đồng cao trong dân số vì đã từng nhiễm Covid-19 trước đây.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 25.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.