Bản tin Covid-19 ngày 27.10: TP.HCM đã được ăn uống tại chỗ sau 5 tháng 'đóng băng'
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 27.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 hôm nay 27.10 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới
Bản tin Bộ Y tế ngày 27.10.2021 cho biết tính từ 17h ngày 26.10 đến 17h ngày 27.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới, 2.024 ca khỏi bệnh.Trong ngày, cả nước ghi nhận 54 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.856 ca.Thông tin về 4.411 ca nhiễm mới như sau:
- 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 4.404 ca ghi nhận trong nước (tăng 812 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 2.052 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.140), Bình Dương (521), Đồng Nai (499), Đắk Lắk (254), Bạc Liêu (242), An Giang (221), Tây Ninh (202), Kiên Giang (150), Tiền Giang (127), Sóc Trăng (98), Cần Thơ (98), Bình Thuận (97), Quảng Nam (92), Trà Vinh (82), Long An (81), Đồng Tháp (49), Thanh Hóa (45), Khánh Hòa (44), Hậu Giang (42), Gia Lai (32), Nam Định (28), Hà Nội (26), Quảng Ngãi (21), Nghệ An (19), Bình Phước (19), Hà Giang (19), Phú Thọ (18), Vĩnh Long (18), Bà Rịa-Vũng Tàu (17), Bắc Giang (14), Bến Tre (14), Ninh Thuận (14), Thừa Thiên-Huế (14), Hà Nam (12), Quảng Trị (6), Đắk Nông (6), Kon Tum (6), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (3), Bình Định (3), Hà Tĩnh (1), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Hải Phòng (1), Quảng Ninh (1), Lào Cai (1), Phú Yên (1).
Ngày 27.10: Cả nước 4.411 ca Covid-19, 2.024 ca khỏi | TP.HCM 1.140 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-69), Nghệ An (-40), Cà Mau (-32).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+357), Bạc Liêu (+136), Sóc Trăng (+98).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.800 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 900.585 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.144 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 895.793 ca, trong đó có 809.497 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (428.013), Bình Dương (230.406), Đồng Nai (62.970), Long An (34.448), Tiền Giang (15.985).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.024
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 812.314
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.718 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.817
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 443
- Thở máy không xâm lấn: 94
- Thở máy xâm lấn: 344
- ECMO: 20
Trong ngày, cả nước ghi nhận 54 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (32), Bình Dương (8 ), Long An (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Kiên Giang (1), An Giang (1), Sóc Trăng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 63 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.856 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 69.923 xét nghiệm cho 117.781 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.784.008 mẫu cho 59.584.770 lượt người.
Trong ngày 27.10 có 1.017.279 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 75.970.872 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 53.738.466 liều, tiêm mũi 2 là 22.232.406 liều.
Từ 28.10, hàng quán ăn uống TP.HCM chính thức được phục vụ tại chỗ
Chiều 27.10.2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ký văn bản cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28.10 và phải đảm bảo các điều kiện hoạt động.
Theo đó, thứ nhất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.
Thứ 2, cơ sở kinh doanh ăn uống tuân thủ 3 yêu cầu, gồm: thời gian hoạt động kết thúc trước 21 giờ hằng ngày, công suất tối đa 50% và hiện chưa được bán; không sử dụng đồ uống có cồn. Các yêu cầu này không áp dụng đối với hệ thống nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch.
Từ 28.10, hàng quán ăn uống TP.HCM được phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất |
Phó chủ tịch Phan Thị Thắng giao UBND quận 7 và thành phố Thủ Đức xem xét, quyết định cụ thể địa bàn thuộc phạm vi quản lý được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn.
Thời gian thí điểm đến hết ngày 15.11.Sau thời gian thí điểm, 2 địa bàn nêu trên đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM làm cơ sở để tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.
4 tiêu chí hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống do UBND TP.HCM quy định gồm:
Tiêu chí 1: Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; bố trí khu vực giao - nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn và thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm khô tay; tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc tại cơ sở có nguy cơ lây nhiễm. Cơ sở phải có đăng ký mà QR tại địa chỉ http://antoan- covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị số 18 ngày 30.9 của UBND TP.HCM.
Tiêu chí 2 áp dụng đối với khách hàng, khách hàng phải thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người); phải quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ sở.
Tiêu chí 3: Nhân viên phục vụ, ngưòi bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ (gọi tắt là người làm việc) cơ sở cũng phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế. Điều kiện của người làm việc tại cơ sở là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất một mũi sau 14 ngày. Cơ sở phải xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người làm việc có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở...
Tiêu chí 4: Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại cơ sở. Cụ thể, chủ cơ sở có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm, phải có bảng thông báo rõ tại cơ sở và đảm bảo số lượng khách đến ăn uống tại cơ sở không được vượt quá số lượng công bố. Bên cạnh đó, chủ cơ sở phải báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khi hoạt động phải đạt 4 tiêu chí vừa nêu.
Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19
Sáng 27.10.2021, học sinh trường THPT Củ Chi đã tới trường để nhận phiếu thông tin tiêm vắc xin Covid-19. Sau khi lấy phiếu và điền thông tin, các em đã đi tới trường tiểu học thị trấn Củ Chi ở gần đó để được khám và đợi tiêm vắc xin. Đây cũng là những học sinh đầu tiên tại TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19. Loại vắc xin được tiêm là Pfizer.
Nhiều tháng học trực tuyến ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh lớp 11 trường THPT Củ Chi hy vọng được tiêm vắc xin để có thể sớm đi học trở lại.
Tại điểm tiêm chủng này, học sinh được bố trí thành 2 khu vực. Mỗi nơi đều được bố trí ghế ngồi, rạp che để học sinh chờ đợi khám và tiêm vắc xin.
Học sinh các khối lớp cũng được chia theo khung giờ để đảm bảo trật tự và không tập trung đông người trong một thời điểm.
Các em học sinh được tiêm vắc xin Pfizer, sau khi tiêm xong, các em được theo dõi sức khỏe 30 phút trước khi cấp giấy xác nhận và ra về.
Những học sinh đầu tiên ở TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19, mong sớm trở lại trường |
Trong sáng 27.10.2021, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch TP.HCM cũng đã tới điểm tiêm chủng ở Trường tiểu học thị trấn Củ Chi để kiểm tra công tác tiêm chủng và hỏi thăm sức khỏe của các em học sinh sau khi tiêm.
Cũng theo ông Dương Anh Đức, sau khi tổ chức tiêm thí điểm, nếu có vấn đề thành phố sẽ điều chỉnh. Sau đó sẽ tổ chức tiêm đại trà, mục tiêu là phủ hết vắc xin Covid-19 mũi một cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Để có thể sau đó 3 tuần sẽ tiêm tiếp mũi hai.
Phụ huynh dậy sớm đưa con đi tiêm vắc xin
Chuyện phụ huynh đứng ngồi hướng mắt nhìn vào cổng trường chờ đợi thường chỉ gặp trong những kỳ thi. Sáng 27.10.2021, cũng là những hình ảnh đó nhưng các phụ huynh lại chờ con tiêm vắc xin Covid-19.
Có 2 con sinh đôi đang học ở trường THPT Củ Chi nên ông Cao Hoàng Giang cũng dậy sớm để chở con đi tiêm vắc xin Covid-19.
Từ sáng sớm, mặc dù có mưa nhưng nhiều phụ huynh đã đưa con em mình tới điểm tiêm chủng ở trường tiểu học thị trấn Củ Chi để tiêm vắc xin Covid-19. Họ đều hy vọng con mình sớm được tiêm vắc xin để đi học trở lại.
Trong lúc các học sinh vào trường chờ khám sàng lọc, tiêm vắc xin và chờ theo dõi thì phụ huynh được hướng dẫn đứng đợi giữ khoảng cách ở phía bên ngoài.
Việc tiêm chủng tại đây được thực hiện theo từng khối lớp. Mỗi lớp được chia theo khung thời gian khác nhau để tránh tập trung đông người.
Phụ huynh mừng ngủ không được, dậy sớm đưa con đi tiêm vắc xin Covid-19 |
Điểm tiêm cũng chủ động gắn rạp, bố trí ghế ngồi để các em chờ đợi khám sàng lọc cũng như đợi theo dõi sau tiêm. Cùng với đó, xe cấp cứu cũng được bố trí sẵn để đề phòng trường hợp có sự cố xảy ra.
Mặc dù phải đứng đợi khá lâu, nhưng nhiều phụ huynh đều không thấy mệt mỏi. Có lẽ, khi biết công tác tổ chức và đặc biệt là thấy con mình đã tiêm xong một mũi vắc xin Covid-19 thì họ đã có thể an tâm phần nào.
Học sinh TP.HCM có thể đi học trở lại sau 5 tuần tiêm vắc xin
Ngày 27.10.2021, TP.HCM bắt đầu đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn quận 1 và huyện Củ Chi. Vậy khi tiêm vắc xin cho trẻ, nhà trường và phụ huynh cần lưu ý những gì?
Theo bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng thuộc Viện Pasteur TP.HCM, trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19 cần theo dõi sức khỏe của trẻ có ổn không, có đang sốt, nhiễm trùng hay có vấn đề khác không. Phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ trước tiêm và cung cấp thông tin về tiền sử tiêm chủng, dị ứng, bệnh nền... mà trẻ đang gặp phải cho cán bộ y tế biết.
Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, về nhà theo dõi ít nhất 24 giờ, trên 24 giờ càng tốt. Sau tiêm, phụ huynh cho trẻ ăn uống, tắm bình thường. Theo dõi nhịp thở của trẻ có tăng không; nếu da xanh, tái hoặc phản ứng dị ứng da nổi đỏ; nếu trẻ than đau; nếu chỗ tiêm sưng to thì đưa đến cơ sở y tế. Nếu chỗ tiêm đau nhưng không sưng to thì uống giảm đau, hạ sốt...
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sau tiêm trẻ có phản ứng từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì chủ yếu đau chỗ tiêm, sốt nhẹ và đáp ứng với thuốc hạ sốt; phản ứng vừa như sốt cao, sốt sau tiêm 12 giờ, co giật; và nặng là phản ứng độ 2 trở lên, nhiễm trùng, nhiễm độc…
Về phía nhà trường và y tế địa phương, đại diện Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết quận/huyện khi lên danh sách các điểm tiêm chủng trường học và phải được trung tâm y tế đánh giá đạt yêu cầu mới được tiêm. HCDC cung cấp tài liệu thông tin cho trung tâm y tế để cấp về cho các trường, truyền thông cho trẻ và phụ huynh hiểu, đồng thuận tiêm. Tổ chức điểm tiêm, bố trí diện tích tương ứng với số trẻ tiêm, rộng rãi, thoáng mát, nơi tiêm bố trí khuất để trẻ không sợ.
Đặc biệt lưu ý, bố trí tiêm 1 chiều, nhờ thầy cô giám sát tránh xảy ra trẻ “bị” tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Thầy cô giáo xác nhận, phân luồng học sinh; tạo điều kiện thoải mái, thư giãn, tránh tâm lý lo sợ. Nhà trường điều động từng lớp xuống điểm tiêm, tiêm xong lớp này mới tới lớp khác. Nhà trường và thầy cô hỗ trợ giữ trật tự cũng như tổ chức cho trẻ được tiêm đầy đủ. Buổi tiêm kết thúc sau khi trẻ cuối cùng theo dõi sau 30 phút tiêm.
Về quy trình tiêm, học sinh đến khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra có phiếu đồng ý tiêm, khám sàng lọc, tiêm chủng, xác nhận tiêm, theo dõi sau tiêm và khám lại, dặn dò theo dõi tại nhà nhập vào hệ thống quản lý tiêm chủng. Đối với trẻ tạm hoãn thì lập danh sách vào cuối buổi tiêm để bố trí tiêm 2 ngày tiêm vét cuối cùng.
Thầy cô giúp nhập liệu các trẻ đã được tiêm theo mẫu chuyển về trạm y tế, trung tâm y tế để đưa lên hệ thống tiêm chủng, cố gắng hoàn thành sau mỗi buổi tiêm. Số điểm tiêm có số đồng thuận tiêm ít thì bố trí theo cụm.
Về báo cáo tai biến nặng sau tiêm thì các trường, y tế địa phương cần có số điện thoại, thầy cô có group phụ huynh cùng theo dõi học sinh để báo cáo về cơ quan y tế theo dõi, điều tra nếu có.
Học sinh TP.HCM có thể đi học trở lại sau 5 tuần tiêm vắc xin Covid-19 |
Trao đổi với Báo Thanh Niên tại điểm tiêm chủng cho trẻ em tại huyện Củ Chi vào sáng 27.10, lãnh đạo TP.HCM cho biết, tiêm vắc xin là một trong những điều kiện cần thiết để học sinh đi học trở lại. Muốn đi học trở lại thì phải đảm bảo an toàn, một trong những điều kiện để đảm bảo an toàn đó là các em được phủ vắc xin. Khi nhà trường tổ chức được việc tiêm vắc xin như ngày 27.10 thì 3 tuần sau các em sẽ được tiêm mũi 2.
Sau khi tiêm mũi 2 được 2 tuần, tức là 5 tuần nữa tính từ ngày 27.10 thì có thể tương đối yên tâm là học sinh đã được bảo vệ bởi vắc xin, như vậy đã đạt được một trong những điều kiện cần để có thể tổ chức cho các em đi học trở lại. Đây là điều mà TP.HCM đang định hướng tới, tuy nhiên thành phố vẫn sẽ cân nhắc hết sức kỹ lưỡng bởi vì sự an toàn của học sinh là trên hết.
Ca dương tính Covid-19 và F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM gia tăng
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, trong những ngày gần đây, số ca test nhanh phát hiện dương tính và số ca F0 cách ly tại nhà gia tăng trở lại.
Ngày 24.10, số ca test nhanh dương tính là 1.271, ngày 25.10 là 958 ca, sang ngày 26.10 là 1.506 ca.
Đáng chú ý, số ca dương tính qua xét nghiệm RT-PCT khi đi khám tại bệnh viện chiếm tỷ lệ khá cao trong những ca mắc mới được Bộ Y tế công bố.
Cụ thể, ngày 24.10 có 970 ca thì có đến 367 ca sàng lọc tại bệnh viện; 268 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu; 335 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
Ngày 25.10 có 970 ca, trong đó có 334 ca sàng lọc tại bệnh viện; 333 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu; 303 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
Đến ngày 26.10 có 783 ca, trong đó 499 ca sàng lọc tại bệnh viện; 180 ca phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu; 104 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
TP.HCM: Số ca dương tính Covid-19 và F0 cách ly tại nhà gia tăng |
Số F0 cách ly tại nhà ngày càng gia tăng. Cụ thể, đầu tháng 10, số ca F0 cách ly tại nhà là 28.000 đến 29.000 ca, sau đó giảm sâu đến ngày 19.10 với hơn 11.000 ca. Từ 20.10, số ca F0 cách ly tại nhà bắt đầu tăng trở lại, lên 12.000 ca, 13.000 ca, 15.000 và đến ngày 26.10 là 16.600 ca.
Tuy nhiên, tỷ lệ ca nhập viện tầng 2, 3 không đổi, trên dưới 11.000 ca. Tỷ lệ số ca nặng cũng giảm dần, hiện chỉ còn gần 1.800 ca cần hỗ trợ hô hấp. Số ca tử vong do Covid-19 theo đó cũng kéo giảm liên tục ở mức 2 con số/ngày. Theo đó, ngày 26.10 ghi nhận chỉ còn 26 ca tử vong, thấp nhất trong 3 tháng qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có tổng cộng 423.976 ca mắc Covid-19, trong đó có 16.543 ca tử vong.
Gỡ chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ TP.HCM
Chiều 26.10.2021, chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh cửa ngõ phía Tây ra vào TP.HCM giáp Long An đã được tháo dỡ.
Lực lượng chức năng Trạm CSGT Tân Túc, dân quân của xã Bình Chánh đã tháo dỡ toàn bộ chốt kiểm soát này.
Các hàng rào sắt, barie, máy móc, hệ thống điện tại chốt được thu dọn, đưa lên xe chuyên dụng chở đi. Không còn chốt chặn, mặt đường Quốc lộ 1 trở lại thông thoáng, người dân đi lại thuận tiện và hết sức vui mừng.
Chốt kiểm soát Covid-19 được gỡ bỏ cũng là lúc người dân nơi này được thở phào nhẹ nhõm. Suốt những tháng qua, chốt kiểm soát như một chỉ dấu cho thấy bệnh dịch vẫn đang căng thẳng, việc đi lại gặp nhiều hạn chế.
Chiều cùng ngày, nhiều chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra - vào TP.HCM cũng được tháo dỡ.
Trước đó, từ ngày 20.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất tạm ngưng triển khai 51 chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra - vào TP.HCM.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu kết luận chấp thuận chủ trương tạm ngưng triển khai các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường, cửa ngõ ra - vào thành phố từ 18 giờ ngày 26.10.2021.
Gỡ chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ TP.HCM: “Mến tay mến chân rồi, đi cũng hơi buồn” |
Phà nối đôi bờ sông Hậu chạy lại, người miền Tây vừa mừng vừa lo
Ngày 27.10.2021, 12 bến khách ngang sông, liên tỉnh vượt sông Hậu được phép hoạt động trở lại với tần suất bình thường. Người dân đã có thể đi qua lại đôi bờ sông Hậu.
Cụ thể, các bến Cần Thơ - Bình Minh, cồn Khương - Thành Lợi, Cô Bắc - Chòm Yên, khu công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình, vàm Rạch Nọc - Xã Hời, Cái Chôm - Xẻo Lá thuộc tỉnh Vĩnh Long, các phà Thới An - Phong Hòa, Bằng Tăng - Cái Dứa, Bà Góa - Vĩnh Thới, Tân Lộc - Cái Đôi, Bò Ót - Định An thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Tại bến phà Cô Bắc đưa khách từ quận Bình Thủy ở thành phố Cần Thơ sang huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và ngược lại, từ 6 giờ sáng 27.10, ngày đầu hoạt động trở lại, cả chủ phà và người dân đều có ý thức chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Phà nối đôi bờ sông Hậu chạy lại, người miền Tây vừa mừng vừa lo Covid-19 |
Suốt 4 tháng bến phà tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19, trong ngày hoạt động lại ai cũng mừng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Lực lượng công an cũng đến kiểm tra trang thiết bị phao cứu hộ, giấy tờ hoạt động, yêu cầu thực hiện đầy đủ 5K, phòng dịch để đảm bảo hoạt động an toàn.
Trong ngày đầu hoạt động, phà chạy từ 6 giờ sáng, mỗi chuyến hết khoảng 30 phút. Số lượng khách chưa cao, chỉ đạt khoảng 40% hành khách.
Sở GTVT thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu, khi hoạt động, chủ bến khách ngang sông, thuyền viên, người phục vụ trên phương tiện và hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 27.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)