Bản tin Covid-19 ngày 27.8: Tín hiệu vui từ vắc xin “made in Việt Nam“

27/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid -19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 27.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 27.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Ngày 27.8: Kỷ lục công bố 17.428 ca Covid-19

Bản tin Bộ Y tế tối 27.8 cho biết tính từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.920 ca nhiễm mới.
Ngày 27.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 4.508 ca được lấy mẫu từ các ngày trước đo trên trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
Như vậy, tổng số bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế công bố trong ngày 27.8 là 17.428 ca.

Sở Y tế TP.HCM cập nhật mới nhất về gói chăm sóc F0 Covid-19 cách ly tại nhà

Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 356 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Sau khi rà soát số liệu, cơ quan chức năng bổ sung thêm 30 ca tại Phú Yên từ ngày 1-27.8.2021. Như vậy, tổng số ca tử vong  được công bố là 386 ca. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam đã lên tới 10.053 ca.
Thông tin về 17.428 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố trong ngày 27.8 gồm:
- 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.901 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.627 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.383), Bình Dương (4.187), Đồng Nai (996), Long An (454), Tiền Giang (312), Đà Nẵng (202), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (131), Quảng Bình (125), Đồng Tháp (122), An Giang (91), Bình Thuận  (87), Hà Nội (77), Cần Thơ (72), Thừa Thiên Huế (70), Đắk Lắk (63), Bà Rịa - Vũng Tàu (59), Nghệ An (57), Bến Tre (31), Bình Định (29), Thanh Hóa (28), Kiên Giang (28), Phú Yên (21), Trà Vinh (19), Bình Phước (17), Hậu Giang (15), Vĩnh Long (14), Quảng Trị (13), Quảng Ngãi (9), Sóc Trăng (8 ), Cà Mau (8 ), Ninh Thuận (6), Hà Tĩnh (6), Quảng Nam (5), Ninh Bình (5), Hà Nam (4), Gia Lai (4), Sơn La (3), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Hải Dương (1).
- Ngày 27.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 4.508 ca được lấy mẫu từ các ngày trước đo trên trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
- Như vậy trong 24 giờ qua, không tính các ca công bố bổ sung thì số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.332 ca. Tại TP.HCM tăng 1.449 ca, Bình Dương giảm 681 ca, Đồng Nai tăng 253 ca, Long An tăng 5 ca, Tiền Giang giảm 42 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (199.483), Bình Dương (94.745), Đồng Nai (21.467), Long An (19.949), Tiền Giang (8.821).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 198.614 ca.
Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.146 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.939
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.222
- Thở máy không xâm lấn: 93
- Thở máy xâm lấn: 866
- ECMO: 26

Ngày 27.8: Thông báo 386 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 356 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (287), Bình Dương (34), Đồng Nai (13), Khánh Hòa (10), Long An (7), Đà Nẵng (2), Bến Tre (1), Sóc Trăng (1), Thanh Hóa (1). Sau khi rà soát số liệu, cơ quan chức năng bổ sung thêm 30 ca tại Phú Yên từ ngày 1-27.8.2021. Như vậy, tổng số ca tử vong được công bố là 386 ca. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam đã lên tới 10.053 ca; chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tyỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.
Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.

Vắc xin Nanocovax được Hội đồng Đạo đức chấp thuận

Chiều 27.8, theo thông tin từ Công ty cổ phần công nghệ Dược Nanogen, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a (giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3a - PV) vắc xin Covid-19 Nanocovax của doanh nghiệp này.
Theo đó, toàn bộ hồ sơ, dữ liệu nghiên cứu của vắc xin Nanocovax đã được chuyển sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vắc xin Nanocovax.
Trước đó, Hội đồng Đạo đức đã họp, thẩm định báo cáo giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax, đánh giá về tính an toàn và sinh miễn dịch.

Vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19 được Hội đồng Đạo đức chấp thuận

Theo báo cáo, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.004 tình nguyện viên ở Hà Nội và Long An. Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược với tỷ lệ 6:1 (6 người tiêm vắc xin, 1 người tiêm giả dược). Các tình nguyện viên bắt đầu tiêm mũi 1 từ ngày 8.6, sau 28 ngày tiêm mũi 2 và kết thúc theo dõi vào đầu tháng 6.2022.
Việc chọn mẫu tham gia pha 3a đảm bảo cân bằng về giới, đa dạng nhóm tuổi, trong đó trẻ nhất là 18 tuổi, người cao tuổi nhất là 81. Nhóm 18 - 45 tuổi chiếm 60%, 46-60 tuổi chiếm 22%, hơn 17% còn lại là nhóm trên 60 tuổi. Nghiên cứu cũng cho phép 162 tình nguyện viên có tiền sử dị ứng, bệnh tim mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, từng mắc ung thư, người béo phì… tham gia. Có 988 người tiêm đủ 2 mũi; trong đó, 925 người có đủ dữ liệu đánh giá ở thời điểm ngày thứ 42.
Kết quả, vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn. Cụ thể, kết quả thu thập từ 856 người tiêm mũi và 824 người tiêm mũi 2 cho thấy một trường hợp đau nặng tại chỗ tiêm (chiếm 0,1%). Tỷ lệ đau nhẹ sau tiêm mũi 1 và mũi 2 lần lượt là 38,7% và 44,7%. Tỷ lệ này ở giả dược dao động từ 37 - 42%. Hai trường hợp ngứa trung bình sau tiêm mũi 2.
Tỷ lệ buồn nôn mức độ nhẹ sau tiêm 2 mũi Nanocovax là 1,8%, mức độ nặng là 0,1%; tỷ lệ đau cơ mức nhẹ sau tiêm 2 mũi vắc xin dao động 6,3-11,4%, tỷ lệ ở nhóm giả dược là 4,1-13%; đau cơ mức độ nặng dao động 0,4 - 0,6%... Khoảng 12 - 14% tình nguyện viên bị đau đầu mức độ nhẹ sau tiêm vắc xin; mức độ nặng chiếm 0,8-1,1%. Ở nhóm giả dược, tỷ lệ đau đầu nhẹ từ 13,8 - 15,9% và 0,7% đau trung bình.
Khoảng 20 - 25% tình nguyện viên bị mệt mỏi mức độ nhẹ sau tiêm vắc xin. Tỷ lệ này ở nhóm giả dược 23 - 29%; mệt mỏi mức độ trung bình khá thấp, dao động 1,2 - 1,9% so với 0,7 - 2,9% ở nhóm giả dược. Có 29 trường hợp bị tiêu chảy mức độ nhẹ sau tiêm vắc xin mũi 1 và 27 trường hợp sau tiêm mũi 2, chiếm tỷ lệ lần lượt 3,4% và 3,3%. Hai trường hợp bị tiêu chảy mức độ trung bình. Tỉ lệ bị sốt sau tiêm vắc xin khá thấp, dao động 2,3 - 3,7% bị sốt nhẹ, 0,2% sốt trung bình, 0,1% sốt nặng. Ở nhóm giả dược, nhóm sốt nhẹ dao động 1,4 - 4,8%.
Đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3a cũng cho thấy vắc xin Nanocovax có tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu. Kết quả đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà virus bằng phương pháp PRNT50 của những người đã tiêm vắc xin Nanocovax cho thấy ở thời điểm ngày thứ 42 sau tiêm mũi 1 và là ngày 14 sau tiêm mũi 2, tỷ lệ có khả năng trung hoà virus sống là 96,5%. Theo đó, PRT50 được xem là tiêu chuẩn quan trọng để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa vi rút hay không. Trong phòng thí nghiệm, máu của người tiêm vắc xin sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Gộp chung giai đoạn 2 và 3a, nhóm nghiên cứu kết luận trung bình nhân nồng độ kháng thể Anti-S-IgG đạt 57.56 U/ml, tăng gấp 218.93 lần sau 42 ngày tiêm vắc xin; tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt 99.2%.
Nhóm nghiên cứu kết luận vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch. Từ đó kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiên cứu pha 3b trên 12.000 tình nguyện viên, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và đề xuất các cơ quan chuyên môn xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin Nanocovax.
Hiện tại, theo thông tin ban đầu, Hội đồng Đạo đức sẽ tiếp tục xem xét kỹ báo cáo trước khi đưa ra thông cáo báo chí cuối cùng. Theo Thông tư 11 Hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng Covid-19, trong trường hợp cấp bách vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 19.8, việc cấp phép sẽ dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới
Cũng theo Nanogen, hiện công suất sản xuất vắc xin Nanocovax của doanh nghiệp này có thể đạt 8 - 10 triệu liều/tháng và sắp tới có thể nâng lên 20 - 25 triệu liều/tháng.

Thêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

Sáng nay, 27.8, Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC), cho biết AstraZeneca vừa chuyển thêm 2 lô vắc xin Covid-19 về TP.HCM, với tổng số hơn 1,4 triệu liều.
Đây là lần giao vắc xin thứ 10 và 11 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 giữa VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Hiện hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam gần 8,2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trên tổng số gần 17 triệu liều vắc xin của AsrtraZeneca tại Việt Nam, được cung cấp qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa chính phủ các nước. Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca hiện chiếm khoảng 64% nguồn cung vắc xin Covid-19 trên cả nước.

Thêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Việt Nam

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi cho biết: “Việc tăng tốc cung ứng này chứng minh cam kết của AstraZeneca trong việc hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam chống đại dịch, như Giám đốc điều hành tập đoàn AstraZeneca đã bày tỏ trong cuộc điện đàm song phương gần đây với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Trong tuần này, chúng tôi cũng vinh dự được tiếp đón Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Hoàng Long, và phái đoàn Đại sứ quán Việt Nam, đến trụ sở chính của AstraZeneca tại Anh. Chúng tôi đã có cuộc thảo luận sâu sắc về các lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ở cả hai quốc gia”.

Nữ công an phường chạy ô tô đi chợ giúp người Sài Gòn ngày giãn cách

Trước ngày 23.8, đại úy Biện Thị Thu Thủy được phân công nhiệm vụ trực chốt kiểm soát trên đường Lê Văn Sỹ. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, lưu lượng xe giảm, chị được phân công cùng tình nguyện viên thực hiện chương trình đi chợ giúp dân.

Từ 23.8, đại úy Biện Thị Thu Thủy (cán bộ Công an P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM) được phân công cùng tình nguyện viên thực hiện chương trình đi chợ giúp dân. 


Mỗi sáng, chị cùng Đoàn Thanh niên ngồi kiểm tra tin nhắn trong các group Zalo, chốt đơn ghi ra giấy rồi bắt đầu di chuyển qua siêu thị. Để thuận tiện cho việc vận chuyển, chị Thủy dùng xe bán tải của phường để đi siêu thị, chở hàng.

Nữ công an phường xinh đẹp chạy ô tô đi chợ giúp người Sài Gòn ngày giãn cách


Bên trong siêu thị những ngày này ngoài nhân viên chỉ có công an và tình nguyện viên. Nữ công an phường nhanh chóng xách giỏ, tay cầm tờ giấy vừa chốt đơn đi dọc khắp các gian hàng để tìm từng món đúng với yêu cầu của người dân.

 
Mỗi đơn hàng, chị Thủy cùng tình nguyện viên sẽ mất khoảng 10 – 15 phút để chọn món, đủ 10 đơn, chị lại lái xe đi giao tận nhà giúp dân. Gặp những con hẻm nhỏ, nữ công an phường và đồng nghiệp phải xuống xách các túi thực phẩm đi bộ vào bên trong.
 
Hơn 2 tháng qua, chị Thủy cùng đồng nghiệp trực chiến tại đơn vị để tăng cường lực lượng phòng chống dịch. Không được về nhà nên những lúc xách giỏ đi chợ giúp dân khiến chị nhớ lại lúc ở nhà đi chợ cho gia đình. Mỗi lần như vậy, chị lại mong dịch chóng qua để được về thăm gia đình.
Đại diện phường 1, Q.Tân Bình cho biết chương trình shipper 0 đồng được phường triển khai từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15. Ban đầu, lực lượng hỗ trợ đi chợ giúp các hộ cách ly y tế, người già neo đơn, nhưng từ 23.8 thì mở rộng ra là đi chợ giúp toàn bộ người dân của phường. Riêng 1.600 trường hợp khó khăn thì được phường hỗ trợ thực phẩm miễn phí trong thời gian này.

Chạy 4 tiếng không mua hết 1 đơn, tình nguyện viên đi chợ hộ choáng váng

Nhiều ngày qua, khi TP.HCM tăng cường giãn cách, các đơn hàng online tăng mạnh khiến khối lượng công việc của đội ngũ tình nguyện viên trong chương trình đi chợ hộ của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM  cũng nặng dần lên.

Chạy 4 tiếng không mua hết 1 đơn, tình nguyện viên đi chợ hộ choáng váng

10 giờ sáng mỗi ngày tại lầu 2 siêu thị Co.op Xtra Tân Phong, Q.7, chị Diễm Phương cùng gần 20 tình nguyệt viên miệt mài đẩy các xe hàng, kiếm đủ thứ hàng hóa từ thực phẩm cho đến đồ vệ sinh nhà cửa mà người dân đã đặt trước đó.

Chị Diêm Phương từng có lần chạy đơn hàng hết 4 tiếng chưa xong. Đối với chị, công việc tình nguyện viên đi chợ hộ đem lại cho chị nhiều kỉ niệm đáng nhớ

Lê Nam

Không phải đến khi thành phố thực hiện tăng cường giãn cách, đội hình đi chợ hộ của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mới được thành lập. Nhiều tháng qua, những người trẻ đã năng nổ tham gia ở nhiều mặt trận chống dịch, từ hỗ trợ tiêm chủng, phát nhu yếu phẩm, cắt tóc cho y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến cho đến đi chợ hộ cho người dân.

Các tình nguyện viên nam giới đôi khi gặp những tình huống dở khóc dở cười trong quá trình đi mua hàng hộ

Lê Nam

Anh Đỗ Kim Khánh, điều hành đội đi chợ hộ tình nguyện - Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM cho biết: "Các mặt hàng mua nhiều chủ yếu là thịt cá trứng, các mặt hàng rau củ quả, mì gói. Mỗi ngày tụi mình nhận rất nhiều đơn hàng đồ tươi sống. Có khi một đơn hàng online tới 40-50 món".

Một nữ tình nguyện ghi chép cẩn thận các món hàng đã lấy, tránh để nhầm lẫn đơn hàng của người dân

Lê Nam

Đơn hàng tăng mạnh, lực lượng phục vụ hạn chế, làm công tác tình nguyện suốt nhiều ngày trời, bên cạnh niềm vui được hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ bà con yên tâm ở nhà giãn cách, các tình nguyện viên cũng gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Chị Kim Phụng từng gặp phải đơn hàng đi mất cả buổi chiều, miệt mài chạy 2 tầng lầu đến khi siêu thị đóng cửa, hàng hóa đã chất chồng trên xe mà vẫn đơn hàng vẫn chưa xong. 

Mỗi ngày, các tình nguyện viên đi hàng trăm đơn hàng

Lê Nam

Không chỉ gặp các đơn hàng "khổng lồ", nhiều tình nguyện viên nam gặp các tình huống khó xử khi mua đồ thiết yếu cho phái nữ. Hoặc có nhiều trường hợp người dân đặt đơn hàng nhưng vì thiếu món, không đủ món mà lập tức hủy đơn cũng khiến các tình nguyện viên vô cùng bối rối.

Sự có mặt của các chiến sĩ bộ đội giúp công việc của tình nguyện viên đi chợ hộ được san sẻ

Lê Nam

Đại diện siêu thị cho biết, trong vài ngày qua, khi thành phố tăng cường giãn cách, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, lượng đơn hàng online tăng mạnh, đặc biệt là các đơn hàng theo dạng combo từ 200-500.000 đồng mà tổ dân phố các phường đặt hàng qua siêu thị. Mới đây, việc chia đơn, đóng hàng của nhân viên siêu thị và tình nguyện viên cũng đã được san sẻ phần nào khi có lực lượng bộ đội vào hỗ trợ.

Bộ đội đi chợ hộ dân, chuyển giúp siêu thị hàng ngàn combo mỗi ngày

Combo tăng cường đề kháng thực phẩm tươi sống; combo rau luộc - thực phẩm tươi sống; combo hóa mỹ phẩm là một trong 10 loại combo mà siêu thị Co.op Xtra Tân Phong (ở quận 7, TP.HCM) đã chuẩn bị sẵn để tổ dân phố, khu dân cư... trong các phường trên địa bàn quận 7 lựa chọn cho người dân trong đợt tăng cường giãn cách trong toàn thành phố từ ngày 23.8. 

Bộ đội đi chợ hộ dân, chuyển giúp siêu thị hàng ngàn combo mỗi ngày

Hơn 9 giờ sáng ngày 26.8.2021, tại siêu thị Co.op Xtra Tân Phong, nhân viên và tình nguyện viên siêu thị tất bật lựa chọn rau củ, thịt cá cho đến các mặt hàng thực phẩm khô, chất tẩy rửa theo từng combo của người dân đặt trước.

Nhân viên sẽ lựa chọn đơn hàng theo các combo hàng hóa do các phường tự thiết kế dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân. Bảo đảm đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, nhu yếu phẩm... dùng trong nhiều ngày.

Các đơn hàng được đặt theo từng khu khố

Lê Nam

Trong ngày 26.8, siêu thị này đã nhận được khoảng 850 đơn đặt hàng với 1.000 combo từ các khu phố trên địa bàn phường Tân Phong và một số phường lân cận. Phường sẽ chủ động tập hợp danh sách đơn hàng từ phía người dân rồi chuyển cho siêu thị, siêu thị sẽ chủ động “đi chợ” giúp và giao hàng dưới dạng combo mua chung.

10 giờ 30 phút, lực lượng bộ đội và cán bộ tổ dân phố trong phường đã có mặt tại siêu thị.

Các chiến sĩ bộ đội xếp hàng đợi vào siêu thị

Lê Nam

Mặc dù danh sách các combo đã được chuẩn bị hơn 1 tuần trước nhưng số lượng đơn đặt hàng tăng đột biến kể từ sau ngày 23.8. Bởi vậy, các chiến sĩ bộ đội không chỉ giúp siêu thị vận chuyển hàng đến tận tay người dân mà còn hỗ trợ nhân viên siêu thị lựa hàng và chia thành các combo theo đơn đặt sẵn.

Một chiến sĩ lựa rau củ giúp người dân

Lê Nam

Đầy xe hàng chở theo rau củ cho bà con

Lê Nam

Ngoài các đơn hàng combo, siêu thị vẫn tiếp nhận những đơn hàng lẻ phục vụ người dân trong khu vực. Đơn hàng qua kênh điện thoại và online của siêu thị tăng mạnh nhưng việc “đi chợ hộ" vẫn còn gặp không ít thách thức về tổ chức cung ứng, phân phối và giao hàng đến nhà dân. Số lượng nhân viên của siêu thị mới chỉ hoạt động được 70% do khó khăn trong việc xin cấp giấy đi lại loại mới. Tình trạng này cũng ghi nhận chung ở nhiều đơn vị bán lẻ, hệ thống siêu thị khác trong thành phố.

Giữa ngày tăng cường chặt giãn cách, bà con Phú Yên ở Sài Gòn ‘không dám tin’ khi được hồi hương

15 giờ chiều 26.8.2021, giữa cơn giông cuồn cuộn, những chuyến xe màu cam vẫn sáng rực giữa bến xe Miền Đông. Ông Lê Tấn Toàn, 49 tuổi, đã vào Sài Gòn được 3 năm. Ông làm đủ nghề, từ thợ điện dân dụng cho đến lắp gương, chuyển hàng để mưu sinh. Cũng đăng ký về quê từ những đợt đầu tiên nhưng chưa được về, ông tự nhủ không buồn bã vì thấu hiểu tình cảnh chung khi một lượng lớn đồng bào giống như ông cũng có chung một nguyện vọng. 
"Cũng sốt ruột chứ làm sao không sốt ruột, nhưng phải nghĩ làm sao cho kịp hết. Mình phải thông cảm chứ đâu phải, đây là tình hình chung mà. Mình phải thông cảm cho người ta như người ta thông cảm cho mình", ông Toàn nói với phóng viên.

Giữa ngày tăng cường chặt giãn cách, bà con Phú Yên ở Sài Gòn ‘không dám tin’ khi được hồi hương

Theo kế hoạch ban đầu, 600 người Phú Yên gặp khó khăn sẽ lên những chuyến xe màu cam của Phương Trang hồi hương trong chiều 26.8.2021. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến giờ chuẩn bị khởi hành, khá nhiều người đã phải ở lại.
Theo chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM, những người về quê dịp này đều là người rất khó khăn, cần được trở về tránh dịch. Việc tổ chức các chuyến xe an toàn cũng là một cách để giảm bớt gánh nặng cho thành phố nghĩa tình. 

Các em nhỏ theo cha mẹ về quê tránh dịch

Việc đưa người dân hồi hương lần này tiếp tục nằm trong chương trình 5.000 chuyến xe miễn phí đưa người dân về quê tránh dịch, do công ty Phương Trang phối hợp triển khai cùng cơ quan chức năng các tỉnh, thành có người dân sống và làm việc tại TP.HCM, cùng các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 thực hiện.

Chiều 26.8, mưa giông ập đến, nhiều người vội vã ra xe

Tính từ những chuyến xe đầu tiên hồi cuối tháng 7 đến nay, công ty Phương Trang đã phối hợp đưa hơn 9.000 bà con bình an về lại quê nhà ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Thuận, Hậu Giang, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai và Cần Thơ.

Hội đồng hương Phú Yên chào tạm biệt bà con trước lúc những chuyến xe lăn bánh rời thành phố

Riêng hội đồng hương Phú Yên đã đã tổ chức thành công 13 đợt hồi hương an toàn. Nếu đưa tất cả người Phú Yên gặp khó khăn đã đăng ký, dự kiến tại TP.HCM sẽ phải tổ chức khoảng 20 đợt, Bình Dương và Đồng Nai sẽ phải chia thành 6 đợt. Công ty Phương Trang sẽ tiếp tục đồng hành với bà con trên những chuyến xe nghĩa tình theo sứ mệnh “trả ơn Đất Nước, đóng góp Cộng đồng”.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 27.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.