Bản tin Covid-19 ngày 28.12: Cả nước 14.440 ca | Biến chủng Omicron đã xâm nhập Việt Nam

28/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 28.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 28.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.440 ca Covid-19, 4.668 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 28.12 cho biết tính từ 16h ngày 27.12 đến 16h ngày 28.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.440 ca nhiễm mới, 4.668 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 214 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 31.632 ca.

Ngày 28.12: Cả nước 14.440 ca Covid-19, 4.668 ca khỏi | Hà Nội 1.920 ca | TP.HCM 671 ca

Thông tin về 14.440 ca nhiễm mới như sau:

  • 19 ca nhập cảnh.
  • 14.421 ca ghi nhận trong nước (giảm 446 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.305 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.920), Tây Ninh (923), Vĩnh Long (911), Khánh Hòa (790), Cần Thơ (763), TP.HCM (671), Đồng Tháp (610), Hải Phòng (597), Trà Vinh (585), Bạc Liêu (485), Bình Định (436), Bắc Ninh (434), Lâm Đồng (365), Thừa Thiên-Huế (362), Thanh Hóa (346), Bình Thuận (286), Hải Dương (260), Kiên Giang (250), Sóc Trăng (229), Hưng Yên (195), An Giang (191), Tiền Giang (188), Cà Mau (184), Quảng Ninh (182), Hà Giang (140), Quảng Ngãi (140), Đà Nẵng (135), Gia Lai (128), Đồng Nai (124), Bình Dương (109), Vĩnh Phúc (97), Hà Nam (96), Hậu Giang (95), Nam Định (85), Quảng Nam (82), Nghệ An (79), Bến Tre (72), Đắk Lắk (60), Lạng Sơn (59), Thái Bình (59), Phú Thọ (57), Long An (57), Kon Tum (52), Sơn La (51), Quảng Trị (50), Hòa Bình (50), Thái Nguyên (48), Đắk Nông (47), Ninh Thuận (47), Cao Bằng (44), Bắc Giang (43), Tuyên Quang (25), Bình Phước (24), Quảng Bình (23), Lào Cai (18), Yên Bái (18), Phú Yên (15), Lai Châu (12), Hà Tĩnh (8 ), Bắc Kạn (5), Điện Biên (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-334), Cà Mau (-249), Bến Tre (-209).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+260), Bình Thuận (+146), TP.HCM (+111).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.580 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.680.985 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.042 ca nhiễm)

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.675.321 ca, trong đó có 1.261.465 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (501.288), Bình Dương (290.349), Đồng Nai (97.167), Tây Ninh (72.460), Đồng Tháp (42.426).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.668 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.264.282 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.103 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.013 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.065 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 204 ca
  • Thở máy xâm lấn: 802 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 27.12 đến 17h30 ngày 28.12 ghi nhận 214 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (35) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: An Giang (1), Tiền Giang (1), Long An (1), Bình Dương (1), Phú Yên (1), Tây Ninh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (15), Tây Ninh (15), Vĩnh Long (15), Đồng Tháp (14), Tiền Giang (14), Đồng Nai (13), Kiên Giang (12), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (12), Hà Nội (11), Bình Dương (8), Long An (7), Bến Tre (7), Bình Phước (4), Bình Thuận (4), Hậu Giang (4), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Khánh Hòa (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.632 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 29.990.947 mẫu tương đương 73.996.693 lượt người, tăng 93.091 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 27.12 có 891.311 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 147.271.054 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.262.656 liều, tiêm mũi 2 là 66.866.022 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 3.142.376 liều.

Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên

Bộ Y tế vừa có báo cáo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện TƯ quân đội 108 (Trung tâm nghiên cứu y học Việt Đức) đã xác định trường hợp ca nhiễm Omicron đầu tiên.

Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên

Cụ thể, ngày 19.12, bệnh viện TƯ Quân đội 108 đã tiếp nhận 1 trường hợp là một nữ hành khách trên chuyến bay Bamboo Airways từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài tối 19.12, hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hành khách này đã được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính với CT: 16.52.

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là trở về từ Anh Quốc, ngày 20.12, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21.12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân này.

Kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529).

Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch cũng như sự biến chủng mới Omicron tại Việt Nam.

Đáng chú ý, một chuyên gia dịch tễ uy tín cho biết nguy hiểm nhất là mang 32 gen đột biến khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta thì dễ tạo thành biến chủng khác. Khi mắc nhiều, sẽ làm tăng số ca nặng.

Tối qua, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch khẩn ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin tự cách ly 3 ngày

Trưa 28.12.2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký tiếp Quyết định 4697 về phòng chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh.

Cụ thể, người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh,...); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin Covid-19 tự cách ly 3 ngày

Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS- CoV-2 theo quy định; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19 thì thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) thì được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm.

Trước đó, tối 27.12, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Đề xuất karaoke, vũ trường tại TP.HCM được hoạt động trở lại

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM vừa đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ được hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm và hoạt động vui chơi giải trí, cũng như thúc đẩy các hoạt động phục vụ khách du lịch, từng bước khôi phục nền kinh tế.

Đề xuất karaoke, vũ trường tại TP.HCM được hoạt động trở lại

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết hồi đầu tháng 10.2021 đã nhận đơn của Công ty TNHH TMDV ẩm thực iCool đề nghị được mở cửa hoạt động lại của hệ thống karaoke iCool. Đến ngày 22.12, đơn vị này tiếp tục nhận được thư khẩn cầu xin cứu xét của hệ thống karaoke Nnice. Trong đơn, các cơ sở trình bày hoàn cảnh khó khăn do phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua và có nguyện vọng cho phép mở cửa trở đối với dịch vụ karaoke.

Một lý do khác được Sở Văn hóa - Thể thao đưa ra trong đơn đề xuất là tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố từng bước được kiểm soát tốt, tỉ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi cao, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đã đi vào hoạt động.

Đồng thời, TP.HCM cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch; trong đó có các quy định về giãn cách như đảm bảo 4m2/khách trở lên.

Đối với hoạt động vũ trường, tính đến ngày 20.3.2020 có 6 cơ sở nhưng chỉ có 1 cơ sở còn hoạt động là Trung tâm Văn hóa Hòa Bình (quận 10) chủ yếu phục vụ nhu cầu khách lớn tuổi đến tập luyện, khiêu vũ nâng cao sức khỏe.

Trước đó, tối 16.11, UBND TP.HCM cho phép cơ sở kinh doanh các dịch vụ như: massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động ở cả 3 cấp độ dịch thấp nhất; đồng thời khống chế số lượng khách cùng lúc tối đa 50% công suất ở địa bàn cấp độ 2.

Sau đó 2 ngày (tức ngày 18.11), TP.HCM thông báo tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar cho đến khi có thông báo mới với lý do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hơn 12.800 tỉ đồng hỗ trợ người dân TP.HCM trong đại dịch

Trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm cung cấp thông tin đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với địa bàn trong năm 2021, UBND TP.HCM cho biết ngoài hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, người dân ở TP.HCM còn được hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, túi an sinh, giảm tiền điện nước... với tổng số tiền hơn 12.800 tỉ đồng.

Hơn 12.800 tỉ đồng hỗ trợ người dân TP.HCM trong đại dịch Covid-19

Về kinh phí phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chi hơn 4.000 tỉ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chi hơn 5.000 tỉ đồng từ các nguồn khác.

Về tình hình tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ phòng, chống dịch Covid-19, thành phố nhận hơn 6.700 tỉ đồng vật lực, bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng tiền mặt, số còn lại được quy đổi từ lương thực, thực phẩm, rau củ quả, vật dụng y tế, kinh phí mua vắc xin Covid-19 và túi an sinh.

Về hỗ trợ trực tiếp cho người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.HCM có hơn 8,8 triệu lượt hộ gia đình, hơn 7,4 triệu lượt người được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 12.000 tỉ đồng.

Khoản kinh phí khổng lồ này được hỗ trợ qua nhiều cách thức, nhưng chủ yếu là tiền mặt với hơn 10.870 tỉ đồng, hơn 410 tỉ đồng là vật tư y tế, hơn 735 tỉ đồng trợ giá điện và nước sinh hoạt, còn lại là túi an sinh.

Trong cơ cấu khoản kinh phí này, chủ yếu là ngân sách địa phương với hơn 10.500 tỉ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 580 tỉ đồng còn lại từ các nguồn khác.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố từ cuối tháng 5.2021 và kéo dài, TP.HCM đã triển khai 3 gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân.

Cứu sống nữ bệnh nhân người Cuba mắc Covid-19 với nhiều bệnh nền

Ngày 28.12.2021, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã cho bà Elsy Perez, 54 tuổi (quốc tịch Cuba) mắc Covid-19 trên cơ địa thừa cân, đái tháo đường, trào ngược dạ dày - thực quản xuất viện sau 10 ngày điều trị tích cực.

Cứu sống nữ bệnh nhân người Cuba mắc Covid-19 với nhiều bệnh nền nguy hiểm

Theo trung uý, bác sĩ Bùi Quốc Tuấn, Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được chuyển đến từ Cần Thơ vào ngày 17.12.2021, sau 5 ngày xác định mắc Covid-19.

Bệnh nhân đã được tiêm hai mũi vắc xin phòng Covid-19 nhưng do mắc nhiều bệnh lý nền nên tình trạng bà vẫn diễn tiến nặng dần, tổn thương phổi do Covid-19, gây nhiều khó khăn trong điều trị.

Các bác sĩ đã kết hợp các nhiều biện pháp như dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, giảm đau, giảm ho, vitamin, kiểm soát glucose máu, điều chỉnh rối loạn nước - điện giải, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hô hấp, chế độ dinh dưỡng riêng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân khoẻ mạnh xuất viện. Bà Elsy Perez cảm kích các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị trong thời gian bà bị bệnh, không có gia đình, người thân ở cạnh.

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha… Trong đó, có nhiều bệnh nhân không thể nói được tiếng Anh, nhưng điều thuận lợi là các bác sĩ của hầu như có thể sử dụng ngôn ngữ bản địa, giúp chia sẻ được nhiều thông tin, động viên tinh thần bệnh nhân.

Theo ông Sơn, dù là bệnh nhân trong hay ngoài nước, bệnh viện luôn cố gắng sắp xếp để bệnh nhân được hưởng những điều kiện tốt nhất tại trung tâm, cảm nhận được sự thoải mái, chăm sóc tận tình của đội ngũ điều trị.

Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 được thành lập hồi giữa tháng 7.2021 để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng. Sau hơn 5 tháng hoạt động, Trung tâm đã điều trị, cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, trong đó có nhiều sản phụ, người nước ngoài với nhiều bệnh nền.

Mỹ rút ngắn thời gian cách ly Covid-19 giữa sóng Omicron

Kể từ ngày 27.12, người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng tại Mỹ chỉ còn phải cách ly 5 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây.

Mỹ rút ngắn thời gian cách ly Covid-19 giữa sóng Omicron

Quyết định này được giới chức y tế Mỹ đưa ra nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân sự và đưa học sinh trở lại trường học khi chủng Omicron lan rộng trên cả nước.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến nghị những người có kết quả dương tính với Covid-19 nên đeo khẩu trang trong 5 ngày cách ly.

Cũng trong ngày 27.12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường sản xuất dụng cụ xét nghiệm Covid-19 vì biến thể Omicron đang lan rộng, gây áp lực lớn lên các bệnh viện, và cản trở đi lại.

"Việc một số người vẫn còn gặp khó khăn khi xét nghiệm Covid-19 vào cuối tuần qua cho thấy rằng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, và chúng tôi đang làm điều đó".

Tổng thống Biden cho biết chính quyền Mỹ sẽ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy quá trình sản xuất dụng cụ xét nghiệm tại nhà.

Số ca nhiễm đang tăng trong nhóm dân số được chủng ngừa đầy đủ, bao gồm cả những người đã tiêm mũi vắc xin thứ 3. Số ca mắc mới trung bình đã tăng 55% lên hơn 200.000 ca mỗi ngày trong tuần trước, theo thống kê của Reuters.

Ông Biden cảnh báo các thống đốc rằng số ca bệnh tăng đột biến có thể gây tình trạng quá tải cho các bệnh viện, nhân viên y tế và thiết bị như máy thở, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng chính phủ sẽ cung cấp nguồn lực bổ sung nếu họ cần: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn bằng mọi cách có thể".

Tiến sĩ Anthony Fauci hôm 27.12 cho biết chính phủ liên bang xem xét quy định bắt buộc tiêm vắc xin đối với hành khách đi lại bằng đường hàng không trong nước. Khuyến nghị này được đưa ra sau khi hàng nghìn chuyến bay bị hủy vào cuối tuần trước.

Ngoài ra, ông Fauci cũng kêu gọi tránh tụ tập đông người trong dịp năm mới.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 28.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.