Bản tin Covid-19 ngày 3.11: Hơn 1 tháng nữa học sinh tại TP.HCM sẽ tới trường

03/11/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 3.11.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 3.11.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 7.106 ca Covid-19 mới, 8.869 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 3.11 cho biết tính từ 16h ngày 2.11 đến 16h ngày 3.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.192 ca nhiễm mới. Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Thuận đăng ký bổ sung 914 ca nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 được công bố trong ngày lên 7.106 ca.

Trong ngày cũng có 8.869 ca khỏi bệnh. Bản tin Bộ Y tế cũng công bố 78 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 22.283 ca.

Thông tin về 7.106 ca nhiễm mới được công bố như sau:

  • 17 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 6.175 ca ghi nhận trong nước (tăng 562 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 2.766 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (985), Đồng Nai (905), Bình Dương (773), Kiên Giang (374), An Giang (312), Bạc Liêu (290), Tây Ninh (272), Tiền Giang (207), Sóc Trăng (193), Cần Thơ (152), Bình Thuận (136), Long An (119), Hà Giang (118), Đắk Lắk (98), Đồng Tháp (97), Ninh Thuận (95), Quảng Nam (90), Bà Rịa - Vũng Tàu (82), Hà Nội (76), Bình Phước (70), Vĩnh Long (67), Bến Tre (52), Bình Định (50), Phú Thọ (50), Bắc Ninh (48), Gia Lai (45), Hậu Giang (40), Trà Vinh (36), Thừa Thiên Huế (35), Bắc Giang (32), Thanh Hóa (29), Quảng Ngãi (29), Khánh Hòa (27), Điện Biên (25), Nghệ An (20), Lâm Đồng (18), Hà Nam (11), Quảng Trị (11), Hải Dương (11), Đắk Nông (10), Phú Yên (10), Ninh Bình (9), Nam Định (9), Kon Tum (9), Quảng Bình (8 ), Sơn La (8 ), Hải Phòng (6), Lạng Sơn (5), Thái Bình (5), Quảng Ninh (4), Đà Nẵng (4), Lào Cai (2), Hà Tĩnh (1), Vĩnh Phúc (1), Thái Nguyên (1), Hòa Bình (1), Bắc Kạn (1), Hưng Yên (1).
Ngày 3.11: Cả nước 7.106 ca Covid-19, 8.869 ca khỏi | TP.HCM 985 ca

Ngày 3.11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Thuận đăng ký bổ sung 914 ca về địa phương từ vùng dịch, đã được cách ly, lấy mẫu từ các ngày trước tại Ninh Thuận trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+303), Tây Ninh (+141), Quảng Nam (+79).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-67), Cà Mau (-62), Kiên Giang (-47).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.413 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 739.463 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.528 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 934.583 ca, trong đó có 830.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (434.736), Bình Dương (235.293), Đồng Nai (68.199), Long An (35.182), Tiền Giang (17.216).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.869
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 833.675

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.052 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.090
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 547
  • Thở máy không xâm lấn: 114
  • Thở máy xâm lấn: 288
  • ECMO: 13

Bản tin Bộ Y tế cũng công bố 78 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (40), Bình Dương (13), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), An Giang (3), Bạc Liêu (2), Long An (2), Kiên Giang (2), Ninh Thuận (2), Vĩnh Long (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Thuận (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 61 ca.

Ngày 3.11: Thông báo 78 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.283 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 113.996 xét nghiệm cho 355.510 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.510.092 mẫu cho 61.095.672 lượt người.

Trong ngày 2.11 có 972.790 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 84.090.899 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.449.622 liều, tiêm mũi 2 là 25.641.277 liều.

Phụ huynh đội nắng đứng chờ con tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 3.11.2021, nhiều phụ huynh đã chở con tới điểm tiêm chủng ở trường mầm non Anh Đà (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) để tiêm vắc xin Covid-19.

Tại điểm tiêm chủng này, phụ huynh được thông báo không được vào bên trong nên nhiều phụ huynh chỉ đưa con tới cổng trước rồi đứng đợi ở bên ngoài.

Một số phụ huynh sau khi con đã vào điểm tiêm thì chạy thẳng xe ra phía cổng sau đứng đợi.

Tại điểm tiêm này, nhiều phụ huynh thậm chí còn chấp nhận đứng ngoài nắng, mắt hướng về cổng sau của trưởng để đợi con đi ra sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Một số thì gửi xe ở điểm trường đã bố trí thì tìm vị trí bóng cây đứng đợi con, cháu mình tiêm vắc xin xong để đón về.

Phụ huynh đội nắng đứng chờ con tiêm vắc xin Covid-19

Điểm tiêm này học sinh sẽ vào cổng trước, sau khi tiêm xong sẽ ra về bằng cổng sau.

Bên ngoài điểm tiêm có lực lượng công an, dân quân để thường xuyên nhắc nhở phụ huynh.

Một số phụ huynh sau khi đưa con tới cũng cẩn thận đưa thêm điện thoại để sau khi tiêm xong có thể dễ liên lạc.

Khác với nhiều quận khác bố trí điểm tiêm vắc xin tại từng trường của học sinh thì Q.Gò Vấp bố trí 3 điểm tiêm tập trung. Mỗi điểm tiêm sẽ tổ chức tiêm cho nhiều trường khác nhau cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Theo kế hoạch, trong ngày 3.11.2021, điểm tiêm chủng ở trường mầm non Anh Đào sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 2.350 trẻ.

Ngoài điểm tiêm chủng này thì còn hai điểm tiêm khác là trường tiểu học An Hội và trường Đại học Công Nghiệp.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 6 ngày triển khai từ 27.10 - 1.11, TP.HCM đã tiêm vắc xin cho gần 532.000 trẻ, trong đó có 51 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ tại TP.HCM dự kiến kết thúc vào ngày 4.11.

Mới đây, Sở GD-ĐT đã trình lãnh đạo UBND TP.HCM dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 10.12.2021.

Tiêm vắc xin không phải là điều kiện để học sinh được đến trường

Ngày 30.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố. Tại đây, Sở GD-ĐT trình lãnh đạo UBND TP dự thảo Kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó đề xuất học sinh (HS) đi học trở lại từ ngày 10.12.

Theo tờ trình của Sở GD-ĐT, phương án này nhằm đảm bảo đủ thời gian sơ kết công tác tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ cho tất cả các khối lớp. Đồng thời cũng để các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, tiếp nhận và sửa chữa cơ sở vật chất. Đây cũng là lúc hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, xây dựng hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và tổ chức tập huấn cho giáo viên về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tiêm vắc xin Covid-19 không phải là điều kiện để học sinh được đến trường

Dự kiến lộ trình như sau: Ngày 8.12, tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 9.12, triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho HS học trực tiếp tại trường. Từ ngày 10.12, HS trở lại trường học trực tiếp.

Việc tổ chức cho HS đi học trực tiếp trở lại do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và quyết định với hình thức tổ chức dạy học như sau: Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp. Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.

Tổ chức học trực tiếp lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do UBND TP.HCM ban hành và được Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học…

Bản tin Covid-19 ngày 3.11: Hơn 1 tháng nữa học sinh tại TP.HCM sẽ tới trường - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM dự kiến sẽ quay lại trường học từ tháng 12 tới, khi đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ

Ngọc Dương

Trả lời phóng viên Thanh Niên về những băn khoăn của phụ huynh về việc HS có được đến trường học trực tiếp nếu không tiêm vắc xin phòng Covid-19, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là đảm bảo an toàn sức khỏe trước dịch bệnh, trong đó trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm. Và việc tiêm vắc xin không phải là điều kiện để học sinh đến trường học trực tiếp nên ngành giáo dục không có và cũng không thể đưa ra quy định.

Riêng đối với HS tiểu học và lớp 6, lứa tuổi không nằm trong quy định tiêm vắc xin đợt này, ông Hồ Tấn Minh, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết khi trường học mở cửa trở lại, những HS này vẫn đi học bình thường như hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục mà Bộ GD-ĐT quy định tại Công văn số 4726 và sẽ được hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về phương án mở cửa trường học, HS đi học trực tiếp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay TP.HCM sẽ có quyết định phù hợp nhất trong thời điểm đó và căn cứ theo các điều kiện của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT TP sẽ rà lại trong kế hoạch học tập trực tiếp và có hướng dẫn cho những HS thuộc đối tượng chưa tiêm.

Gần 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM làm việc

Đây là thông tin được đại diện Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM cho biết ngày 3.10, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ LĐ-TB-XH với các địa phương trọng điểm trong triển khai thực hiện các nghị quyết về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Theo Ban Quản lý KCN - KCX TP.HCM, tính tới ngày 30.10, có khoảng 1.300/1.400 doanh nghiệp tại các KCN - KCX thông báo phục hồi sản xuất với số lao động đăng ký làm việc là 216.000 người (đạt 75% so trước dịch Covid-19). Do phải thích ứng với bộ tiêu chí sản xuất an toàn nên các doanh nghiệp chưa thể trở lại sản xuất 100%, mà chỉ đạt mức 50 - 70%.

Về tình hình thiếu hụt lao động, đại diện Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM cho hay, số công nhân lao động về quê chiếm tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 11%. Sau thời gian giãn cách, mở cửa, hầu hết lao động các tỉnh lân cận đã quay trở lại làm việc. Số lao động về quê ở miền Bắc khoảng 1.300 người, miền Trung là 3.500 người. Các doanh nghiệp đang tích cực kêu gọi, bố trí phương tiện đưa đón công nhân trở lại TP nhưng số đăng ký chưa nhiều.

Bản tin Covid-19 ngày 3.11: Hơn 1 tháng nữa học sinh tại TP.HCM sẽ tới trường - Ảnh 2.

Người lao động trở lại TP.HCM làm việc sau dịch Covid-19

TRẦN KHA

Theo các doanh nghiệp, dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12 về cơ bản tình hình lao động sẽ ổn định, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận định, TP.HCM thiếu lao động cục bộ sau dịch Covid-19 nhưng tình trạng không trầm trọng. Số lao động ngoại tỉnh về quê hầu hết rơi vào nhóm lao động tự do. Lực lượng lao động tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong KCN - KCX không biến động lớn.

Theo ông Dung, đối với lao động về quê chưa quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc, có chính sách hỗ trợ khi lao động quay trở lại. Còn với những lao động có nhu cầu ở lại địa phương, ông Dung đề nghị các tỉnh cần có chính sách chăm lo việc làm tại chỗ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Sở LĐ-TB-XH các địa phương nắm sát tình hình lao động, nhu cầu trong thời gian tới, từ đó đưa ra phân tích, dự báo thị trường lao động; đồng thời có các giải pháp, kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH và các bộ, ngành liên quan để xem xét, xử lý.

Bạc Liêu tái lập hàng loạt chốt kiểm soát ra, vào vùng đỏ

Hàng loạt rào chắn lại một lần nữa được dựng lên trên các con đường ở tỉnh Bạc Liêu để ra vào “vùng đỏ”. Tỉnh này đã ghi nhận tổng cộng hơn 4.200 ca dương tính với Covid-19 và là địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất ĐBSCL.

Sáng 3.11, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều so với 2 ngày trước, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, sáng cùng ngày, Bạc Liêu ghi nhận 290 ca nhiễm Covid-19. Trong đó có đến 96 ca cộng đồng, 64 ca trong khu phong tỏa, 128 ca trong khu cách ly tập trung, chỉ có 2 ca là người dân từ vùng dịch tự phát về quê.

Bạc Liêu tái lập hàng loạt chốt kiểm soát Covid-19 ra vào “vùng đỏ”

Đầu từ tháng 5 đến nay, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận tổng cộng hơn 4.200 ca mắc Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh 1.176 ca; 32 ca tử vong; hiện còn hơn 3.000 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Do dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, quyết định nâng cấp độ phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp độ 2, cấp nguy cơ trung bình (vùng vàng) lên cấp độ 4, cấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ), thời gian áp dụng từ 12 giờ ngày 2.11.

Tối 2.11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ký quyết định điều chỉnh một phần biện pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn khi tỉnh Bạc Liêu theo cấp độ 4.

Theo đó, từ ngày 3.11, đối với địa bàn cấp độ 1, cấp nguy cơ thấp (vùng xanh) và địa bàn cấp độ 2, cấp nguy cơ trung bình (vùng vàng), các cơ quan, công sở trong hệ thống chính trị được phép hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ 5K.

Đối với địa bàn cấp độ 3, cấp nguy cơ cao (vùng cam), chỉ những người đã tiêm vắc xin 1 mũi hoặc 2 mũi hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 mới được tham gia các hoạt động tại cơ quan, công sở trong hệ thống chính trị (kể cả người đến liên hệ công tác).

Đối với địa bàn cấp độ 4, cấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ), chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 mới được tham gia các hoạt động tại cơ quan, công sở trong hệ thống chính trị (kể cả người đến liên hệ công tác).

Quyết định cũng điều chỉnh đối với cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch ở địa bàn cấp độ 3 chỉ được tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch theo tour/nhóm không quá 20 người; khách sạn, nhà nghỉ được phép hoạt động tối đa không quá 50% công suất... Còn đối với địa bàn cấp 4 thì dừng hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch và khách sạn, nhà nghỉ được phép hoạt động tối đa không quá 30% công suất.

Chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 mới được phép di chuyển nội tỉnh.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 3.11 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.