Bản tin Covid-19 ngày 4.11: Số ca nhiễm cộng đồng có xu hướng tăng trở lại

04/11/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 4.11.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 4.11.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 6.580 ca Covid-19 mới, 1.731 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 4.11 cho biết tính từ 16h ngày 3.11 đến 16h ngày 4.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.580 ca nhiễm mới, 1.731 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 59 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 22.342 ca.Thông tin về 6.580 ca nhiễm mới như sau:

  • 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 6.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 401 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.889 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (981), Bình Dương (948), Đồng Nai (939), Kiên Giang (478), An Giang (381), Tiền Giang (263), Tây Ninh (240), Đắk Lắk (210), Sóc Trăng (198), Bình Thuận (194), Cần Thơ (186), Long An (178), Trà Vinh (123), Hà Giang (110), Hà Nội (100), Bà Rịa - Vũng Tàu (98), Đồng Tháp (97), Ninh Thuận (78), Vĩnh Long (75), Bắc Giang (68), Phú Thọ (67), Bình Phước (52), Cà Mau (51), Bắc Ninh (51), Hậu Giang (45), Quảng Nam (42), Thanh Hóa (36), Bình Định (35), Khánh Hòa (34), Gia Lai (29), Hưng Yên (26), Thừa Thiên Huế (26), Điện Biên (24), Hà Nam (21), Đắk Nông (17), Thái Nguyên (14), Đà Nẵng (13), Quảng Ngãi (11), Phú Yên (5), Hải Dương (5), Quảng Ninh (4), Hà Tĩnh (4), Quảng Bình (4), Lào Cai (4), Nam Định (3), Tuyên Quang (3), Hải Phòng (2), Vĩnh Phúc (2), Thái Bình (1).
Ngày 4.11: Cả nước 6.580 ca Covid-19, 1.731 ca khỏi | TP.HCM 981 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-290), Bến Tre (-52), Quảng Nam (-48).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+175), Đắk Lắk (+112), Kiên Giang (+104).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.656 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 946.043 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.603 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 941.159 ca, trong đó có 832.589 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (435.717), Bình Dương (236.241), Đồng Nai (69.138), Long An (35.360), Tiền Giang (17.479).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.731
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 835.406

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.093 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.129
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 527
  • Thở máy không xâm lấn: 120
  • Thở máy xâm lấn: 297
  • ECMO: 20

Từ 17h30 ngày 3.11 đến 17h30 ngày 4.11 ghi nhận 59 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (28), Bình Dương (13), Đồng Nai (3), Tiền Giang (3), Long An (2), Kiên Giang (2), Cần Thơ (2), Trà Vinh (2), Bạc Liêu (1), Đắk Lắk (1), Hà Nội (1), Ninh Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 62 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.342 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 4.11: Thông báo 59 ca Covid-19 tử vong tại 12 tỉnh thành

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 113.066 xét nghiệm cho 193.462 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.623.158 mẫu cho 61.289.134 lượt người.

Trong ngày 3.11 có 774.054 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 84.884.074 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.807.646 liều, tiêm mũi 2 là 26.076.428 liều.

Miền Tây vượt mốc 2.000 ca nhiễm Covid-19/ngày

Từ ngày 31.10 - 2.11, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh miền miền Tây đã vượt mốc 2.000 ca/ngày. Trong đó, tốc độ tăng bất thường số ca mắc mới trong cộng đồng tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang… rất đáng lo ngại.

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, ngày 30.9.2021, số ca nhiễm Covid-19 của cả khu vực miền Tây Nam bộ là 488 ca; trong đó 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang không có ca mắc mới.

Nhiều nơi ở tỉnh Bạc Liêu tái lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19

TRẦN THANH PHONG

Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, ngày 31.10, số ca nhiễm tại 13 tỉnh, thành miền Tây đã tăng lên 2.029 ca, cao gấp hơn 4 lần so với cuối tháng trước và vượt mốc 2.000 ca nhiễm/ngày kể từ khi có dịch. Đáng lo ngại, 2 ngày tiếp theo (1 và 2.11), số ca mắc mới tiếp tục vượt mốc 2.000 ca. Trong đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực càng thêm khó khăn.

Ngoài các tỉnh tăng cao liên tục trong 3 ngày qua, như Bạc Liêu (bình quân 371 ca/ngày), Kiên Giang (392 ca/ngày)… thì tại các địa phương khác, dịch bệnh cũng bắt đầu lan rộng. TP.Cần Thơ ghi nhận gần 150 ca mắc mới mỗi ngày, cá biệt có ngày ghi nhận hơn 430 ca.

BS Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết ngày 30.10 tỉnh ghi nhận 223 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 100 ca cộng đồng. Nghiêm trọng nhất, các ổ dịch xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân đông và di chuyển phức tạp dễ dẫn đến ổ dịch mới sẽ tiếp tục phát sinh trong cộng đồng. Các huyện: Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông và TP.Mỹ Tho đang có diễn biến dịch phức tạp nhất. Trong đó, H.Châu Thành từ ngày 19.10 đến nay số ca mắc mới tăng cao, số ca mắc trung bình 7 ngày gần nhất tăng đến 400% so với thời điểm nửa đầu tháng 10. Tại TP.Mỹ Tho, H.Cái Bè so sánh tương tự tăng 283,3%...

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho hay trong ngày 2.11 tỉnh ghi nhận 314 ca mắc mới, trong đó có đến 109 ca cộng đồng. Diễn biến dịch đang lây lan nhanh tại TP.Long Xuyên và các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn… Chỉ trong 5 ngày từ 28.10 - 3.11, tỉnh ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới.

Tại Cà Mau, những ngày qua, dịch Covid-19 lây lan nhanh, nhiều ổ dịch mới đồng loạt xuất hiện trong cộng đồng. Ngày 1.11 có 26 ca cộng đồng nhưng đến ngày 2.11 nhảy vọt lên 102 ca. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, 101 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều ở cấp độ dịch từ vàng đến đỏ. Dịch bệnh diễn biến khó lường, tốc độ lây lan nhanh. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Đầm Dơi.

Ngày 3.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu nhận định tuy số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã giảm nhiều so với 2 ngày trước đó, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng cao. Cụ thể, sáng cùng ngày, tỉnh ghi nhận thêm 290 ca mắc Covid-19; trong đó có đến 96 ca cộng đồng, 64 ca trong khu phong tỏa, 128 ca trong khu cách ly tập trung, chỉ có 2 ca là người dân tự phát về quê từ vùng dịch.

Tối 2.11, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ký quyết định điều chỉnh một phần biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn khi tỉnh theo cấp độ 4, cấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

Theo đó, từ ngày 3.11, việc đi lại nội tỉnh của người dân (kể cả người đi bộ, di chuyển bằng phương tiện cá nhân đường bộ và đường thủy) chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 mới được phép di chuyển. Đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối, người tham gia giao dịch mua bán (đi chợ) đã tiêm 1 liều vắc xin thì được đi chợ tối đa 2 lần/tuần; người chưa tiêm vắc xin giao cho UBND cấp xã hỗ trợ, bố trí đi chợ hộ. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin thì hoạt động bình thường, không phải tham gia phương án 3 tại chỗ; người lao động đã tiêm 1 liều vắc xin khi tham gia sản xuất thì đơn vị, người sử dụng lao động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện để thực hiện phương án 3 tại chỗ mới được phép hoạt động.

Ngày 3.11, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu đã tái lập nhiều chốt kiểm soát nhằm siết chặt, tăng cường các biện pháp sớm khống chế dịch bệnh lây lan. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các chốt kiểm soát ra vào vùng đỏ ở các phường 2, 3, 7 và xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), lực lượng chức năng đã từ chối giải quyết, không cho nhiều người dân và phương tiện được qua chốt do không có giấy xét nghiệm âm tính hoặc giấy xác nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ra chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện Kiên Giang vẫn giữ lại các chốt kiểm soát liên tỉnh nhưng chủ yếu để kiểm soát tình hình an ninh trật tự.

Một số tỉnh Đông Nam Bộ ca nhiễm rục rịch tăng cao

Một số tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận ca nhiễm Covid-19 rục rịch tăng cao

Ngày 3.11, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin, tính đến sáng 3.11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 905 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 155 ca nhiễm cộng đồng. Trong tuần qua, mỗi ngày Đồng Nai ghi nhận trung bình từ 500 - 900 ca F0. Mặc dù địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng số ca Covid-19 cộng đồng tăng cao và xuất hiện tại 11/11 huyện, TP trong tỉnh. Phần lớn số ca F0 lây nhiễm từ công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất (hiện có 97% các doanh nghiệp trong KCN ở Đồng Nai đã hoạt động trở lại). Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho rằng mặc dù số ca F0 vẫn ở mức cao nhưng không đáng ngại vì tỷ lệ F0 có triệu chứng nặng và tử vong đều giảm.

Ngày 3.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay sau khi nới lỏng giãn cách, đã xuất hiện các ổ dịch tại nhiều địa phương. Nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… Nhiều trường hợp người từ các địa phương có dịch vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không chấp hành khai báo y tế, và ý thức thực hiện cách ly tại nhà theo quy định của người trở về từ vùng dịch chưa tốt. Từ ngày 28.10 - 3.11, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 364 ca nhiễm Covid-19 mới (hơn 300 ca nhiễm cộng đồng). Riêng trong ngày 3.11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 82 F0, trong đó có 51 ca nhiễm cộng đồng.

Ngày 3.11, Sở Y tế Bình Thuận cho biết tỉnh này ghi nhận thêm 136 ca nhiễm Covid-19 mới, riêng TP.Phan Thiết có 92 ca (74 ca nhiễm cộng đồng). Các ca nhiễm mới phần lớn đều tập trung ở ổ dịch tại TP.Phan Thiết. Cụ thể, từ ngày 20.10 - 3.11, TP.Phan Thiết có tới 649 ca mắc Covid-19, trong đó có 515 ca nhiễm cộng đồng.

Để hỗ trợ TP.Phan Thiết, Sở Y tế điều động 62 nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, đề nghị TP.Phan Thiết thành lập ngay các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng để giảm tải cho cơ sở y tế. Theo tiêu chí phân loại cấp độ dịch của Bộ Y tế, TP.Phan Thiết có 4 phường cấp độ 4 (vùng đỏ) là Phú Tài, Thanh Hải, Đức Nghĩa, Lạc Đạo và 6 phường cấp độ 3 (vùng cam) là Hưng Long, Phú Hài, Bình Hưng, Phú Trinh, Xuân An, Đức Long. Các phường còn lại là vùng vàng, duy nhất chỉ có xã Thiện Nghiệp là cấp độ 1 (vùng xanh). Trước đó ngày 2.11, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành thông báo tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các xã, phường vùng đỏ. Người dân ra vào vùng đỏ phải có chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, đồng thời phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

TP.HCM: 86% ca nhiễm Covid-19 mới đã tiêm vắc xin mũi 1 hoặc đủ 2 mũi

Chiều 4.11.2021, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết đối với các F0 nhập viện điều trị tại tầng 2, thì có 14% chưa tiêm vắc xin, còn lại đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Covid-19.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu tại buổi họp báo chiều 4.11

PHAN THƯƠNG

Cụ thể, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết từ khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 18, theo khảo sát, các F0 tại khu công nghiệp đa phần chưa tiêm vắc xin.

Đối với các F0 điều trị tại tầng 2, ghi nhận 14% trường hợp chưa tiêm vắc xin và trong số 14% này thì khoảng 90% dưới 18 tuổi.

86% số F0 điều trị tại tầng 2 còn lại đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin nhưng dương tính và được nhập viện tại bệnh viện tầng 2 để điều trị.

Sở Y tế TP.HCM thông tin, may mắn những trường hợp nhiễm Covid-19 điều trị tại tầng 2 này đều có triệu chứng nhẹ, không cần hồi sức. Dù đã tiêm vắc xin nhưng nguy cơ nhiễm bệnh vẫn xảy ra. Vì vậy để TP.HCM tiếp tục ở trạng thái bình thường mới được an toàn ở cấp độ 2, mong người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tuân thủ 5K.

2 tuần vừa qua, ca nhiễm tại TP.HCM đang tăng, và với số ca nhiễm Covid-19 hiện tại, TP.HCM đang ở cấp độ 3. Tuy nhiên, xét vào tiêu chí độ bao phủ tiêm vắc xin và hệ thống điều trị, thì TP.HCM được xếp cấp độ 2.

Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh thêm, nếu người dân lơ là, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch thì số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đánh giá tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Do vậy đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K. Đối với những người thực hiện không nghiêm, đề nghị chính quyền địa phương phải thực hiện đúng việc xử phạt.

Hơn 600.000 trẻ em tại TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 4.11.2021, nhiều phụ huynh khác cũng đã đưa con em tới điểm tiêm trường tiểu học An Hội ở Q.Gò Vấp để tiêm vắc xin Covid-19.

Tại điểm tiêm này, có một số em học sinh những ngày trước chưa được tiêm vắc xin Covid-19 theo danh sách trường đang học cũng đã được bố mẹ đưa tới để tiêm bổ sung.

Học sinh tiêm vắc xin tại trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp)

Nguyễn anh

Trước đó, từ ngày 29.10 đến 3.11.2021, điểm tiêm chủng trường tiểu học An Hội đã tiêm tập trung cho các trẻ từ 12 – 17 tuổi ở các trường THCS và THPT trên địa bàn quận Gò Vấp. Đến ngày 4.11.2021, tại đây tổ chức tiêm vét cho những trẻ từ 12 – 17 tuổi chưa được tiêm vắc xin Covid-19.

Từ sáng sớm, bà Đỗ Kiều Oanh (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã đưa con đến điểm tiêm vắc xin Covid-19 sau khi được tổ dân phố thông báo về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi trên địa bàn quận.

Hơn 600.000 trẻ em tại TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trải qua 8 ngày triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi (từ ngày ngày 27.10 đến hết ngày 3.10), tổng số trẻ đã tiêm là hơn 609.000 em; trong đó có hơn 232.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi, hơn 377.000 trẻ từ 12 - 15 tuổi. Có 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Các trường hợp này đã được xử lý kịp thời và ổn định.

Từ ngày 4.11, TP.HCM tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm trước đó. Dự kiến, thành phố có 40 điểm tiêm với 97 đội tiêm cho trên 15.000 trẻ.

TP.HCM bắt đầu tiêm vét vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Sáng 4.11, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM về việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM.

Theo đó, trong ngày 3.11, TP.HCM tổ chức 134 điểm tiêm vắc xin Covid-19, bao gồm 66 điểm trường học, 66 điểm cộng đồng và 10 bệnh viện tại 19 quận, huyện và TP.Thủ Đức; Q.Phú Nhuận, H.Nhà Bè và H.Cần Giờ không tổ chức tiêm ngày 3.11.

Kết quả, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 30.387 trẻ; trong đó có 7.339 trẻ từ 16 - 17 tuổi, 23.048 trẻ từ 12 - 15 tuổi.

TP.HCM đang tiêm vét cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

ĐỘC LẬP

Theo báo cáo, công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống Covid-19. Ghi nhận có 1 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, được xử lý kịp thời và ổn định.

Như vậy, từ ngày đầu chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em (ngày 27.10) đến hết ngày 3.10, TP.HCM đã trải qua 8 ngày tiêm, tổng số trẻ đã tiêm là 609.658 em; trong đó có 232.138 trẻ từ 16 - 17 tuổi, 377.520 trẻ từ 12 - 15 tuổi. 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.

Hôm nay, 4.11, TP.HCM tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm trước đó. Dự kiến có 40 điểm tiêm với 97 đội tiêm cho 15.230 trẻ.

Theo kế hoạch dự kiến ban đầu, tại TP.HCM có 515 trường với 742.368 học sinh tiêm vắc xin Covid-19. Như vậy mỗi ngày cần tiêm trên 148.000 học sinh với 742 đội tiêm. Ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi.

Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn, trẻ em tại TP.HCM tính đến nay đã tiêm trên 7,7 triệu liều mũi 1 và hơn 5,7 triệu liều mũi 2. TP.HCM tiếp tục tiêm vét cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM thì đã có 7 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiêm vắc xin mũi 1, 2 đạt 100%, gồm: H.Củ Chi, H.Nhà Bè, Q.5, Q.7, Q.10, Q.11, Q.Phú Nhuận và TP.Thủ Đức.

Cũng theo Cổng thông tin tiêm vắc xin Covid-19 Bộ Y tế, tính đến nay cả nước đã tiêm trên 85 triệu liều vắc xin Covid-19.

Hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại làm việc tại 4 tỉnh, thành phía nam

Ngày 4.11, Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết vừa có công văn gửi LĐLĐ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

NLĐ quay trở lại doanh nghiệp làm việc tại 4 tỉnh thành phía nam sẽ được hỗ trợ 50% chi phí vận chuyển

KHẢ HÒA

Theo ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, NLĐ đã về quê, có nhu cầu quay lại doanh nghiệp làm việc, bao gồm cả NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đang nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 theo thỏa thuận của doanh nghiệp về quê và quay trở lại làm việc sau khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Về điều kiện hỗ trợ, đoàn viên, NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động, có nhu cầu quay trở lại doanh nghiệp làm việc; đảm bảo quy định phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Doanh nghiệp có đóng phí công đoàn, có từ 5.000 lao động trở lên, sẵn sàng đón, hỗ trợ tiền lương, nơi ở, các nhu cầu thiết yếu khác cho NLĐ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, sẽ hỗ trợ bằng tiền để công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phương tiện (ô tô, tàu hỏa, máy bay) đón người lao động quay lại làm việc.

Mức hỗ trợ 50% tổng số kinh phí chi cho phương tiện vận chuyển tổ chức đón NLĐ quay trở lại làm việc. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ 1.11 - 31.12.2021.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị LĐLĐ 4 tỉnh, thành trên chỉ đạo công đoàn cơ sở rà soát nhu cầu đón NLĐ quay trở lại làm việc; đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng đề xuất cụ thể đón NLĐ quay lại làm việc. Sau đó, tổng hợp danh sách và dự toán kinh phí gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét phê duyệt.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 15.9, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, có khoảng 1,3 triệu lao động về quê do dịch Covid-19. Trong đó có 34% là lao động đang làm việc, 38% lao động không có việc làm, số còn lại không có nhu cầu làm việc do lo ngại rủi ro về dịch bệnh.

Còn theo tổng hợp từ Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, tính đến 30.10, hầu hết lao động các tỉnh lân cận đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn 4.800 lao động chưa quay trở lại làm việc. Trong đó, số lao động về quê ở miền Bắc khoảng 1.300 người, miền Trung là 3.500 người. Các doanh nghiệp đang tích cực kêu gọi, bố trí phương tiện đưa đón công nhân trở lại nhưng số đăng ký chưa nhiều.

Tuyên án tài xế lây Covid-19 cho dì vợ, khiến 116 người phải cách ly

Ngày 4.11, TAND H.Phước Long (Bạc Liêu) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Văn Đồng Em (32 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Thanh, H.Phước Long) 1 năm 6 tháng tù giam về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểmdịch Covid-19.

Bị cáo Trần Văn Đồng Em tại tòa

QUỐC VŨ

Theo cáo trạng, ngày 4.7, Đồng Em cùng 2 tài xế điều khiển xe tải BS 94C-049.45 đến vựa tôm của ông K.V.S. (ở xã Bình Minh, H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) để vận chuyển tôm càng xanh đến chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). Tại đây, Đồng Em tiếp xúc với nhiều tiểu thương, sau đó quay về vựa tôm của ông S. nhưng không khai báo y tế.

Khoảng 18 giờ ngày 5.7, Đồng Em điều khiển xe máy từ Kiên Giang về quê ở H.Phước Long. Trên đường về, bị cáo không khai báo y tế ở địa phương mà tiếp xúc với nhiều người trong ấp Phước Thành, xã Phước Long, H.Phước Long. Trong đó, có bà T.T.T (73 tuổi, dì vợ của Đồng Em). Sau đó, Đồng Em quay lại Kiên Giang.

Khoảng 9 giờ ngày 7.7, Đồng Em tiếp tục từ Kiên Giang về ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, H.Phước Long, Bạc Liêu. Trưa cùng ngày, Đồng Em thấy sốt, nghẹt mũi nên đến Trung tâm Y tế H.Phước Long khai báo y tế và yêu cầu xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó, cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với bà T. và kết quả dương tính với Covid-19. Qua truy vết, có 116 trường hợp F1, F2 liên quan đến bệnh nhân Đồng Em phải cách ly tập trungcách ly tại nhà.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 4.11 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.