Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên

Đình Huy - Vũ Thơ - Thu Hằng và 3 người khác
15/12/2022 08:00 GMT+7

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã diễn ra 6 diễn đàn với 6 chủ đề ý nghĩa. Các đại biểu đã góp ý, đề xuất các giải pháp cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong nhiệm kỳ mới, với nhiều giải pháp giá trị.

Mỗi người cần thực hiện tốt công việc của mình

Diễn đàn Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên đã có sự tham dự của anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Chủ trì có anh Nguyễn Thái An, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang.

Chia sẻ tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã đưa ra những giải pháp để phát huy khát vọng cống hiến của thanh niên. Anh Hà Đức Quân, Trưởng ban Quân chủng Tăng thiết giáp, Đoàn đại biểu Thanh niên Quân đội, cho rằng Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Mục tiêu vĩ đại này đòi hỏi phải được thấu triệt và triển khai toàn diện trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó nòng cốt phải là thanh niên. Vì vậy, anh Quân đề xuất mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên thời đại mới hãy biết: “Sống để cho mà chết cũng để cho”; luôn xây dựng hoài bão và không ngừng hiến dâng.

Theo anh Quân, nếu bạn trẻ có khát vọng cống hiến sẽ thấy cuộc đời đẹp đẽ hơn, trân quý hơn, bởi lẽ: “Thước đo giá trị đời người không phải là thời gian mà là sự cống hiến”.

Anh Nguyễn Đồng Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao, đã kể câu chuyện về một người bác đã hy sinh trong chiến tranh, khi chưa có gì cho cá nhân, chỉ có khát khao cống hiến mang lại hòa hình cho đất nước, bình yên cho gia đình.

“Lịch sử dân tộc làm nên hòa bình, cần nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai. Hòa bình rồi, thanh niên phải làm gì để hiện thực hóa khát vọng của đất nước, của bản thân mình?”, anh Đồng Anh trăn trở. Theo anh Đồng Anh, bản thân mỗi người cần làm tốt công việc của mình để hiện thực hóa khát vọng của đất nước. “Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần triển khai truyền tải đến từng đoàn viên, thanh niên, để phát huy tốt nhất trong lĩnh vực của mình, biến khái niệm to lớn thành công việc cụ thể để hiện thực hóa khát vọng của đất nước”, anh Đồng Anh đề xuất.

Nhiều sáng kiến phát huy sáng tạo của thanh niên

Tại diễn đàn thảo luận với chủ đề “Thanh niên xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước”, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình thanh niên khởi nghiệp, như: nhiều đoàn viên có những ý tưởng mới, sáng tạo nhưng không thể thực hiện do thiếu vốn vay, chưa tiếp thu được những kiến thức đổi mới sáng tạo. Thậm chí, nhiều thanh niên chưa quan tâm đến mặt hàng, sản phẩm thị trường nên khi làm ra lại không thể bán được do không có đầu ra.

Nhiều đại biểu đã đề xuất về các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn. Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình, cho biết tỉnh Đoàn đã cho ra mắt kênh thông tin mang tên Đoàn thanh niên tỉnh Thái Bình. Đây là kênh chính thống của Đoàn thanh niên tỉnh Thái Bình. Qua kênh thông tin này, tỉnh Đoàn sẽ quản lý được các Đoàn ở cấp cơ sở không qua giấy tờ. Ngoài kênh thông tin trên, Tỉnh đoàn Thái Bình cũng tạo ra phần mềm sinh hoạt Đoàn để quản lý các đoàn viên cơ sở xem họ có hoạt động, sinh hoạt thường xuyên hay không. Điều đặc biệt là phần mềm này tích hợp với phần mềm quản lý đoàn viên của T.Ư Đoàn.

Cũng chia sẻ về chuyển đổi số, đại biểu Lò Văn Hạnh (Tỉnh đoàn Điện Biên) cho biết ở khu vực tỉnh biên giới, việc cập nhật chuyển đổi số vẫn còn hạn chế do nhiều khu vực vẫn không có sóng. Ngoài ra, việc hoạt động của Đoàn thanh niên cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều thanh niên, đoàn viên phải đi làm ăn xa, không ở lại đóng góp cho địa phương.

Để giải quyết khó khăn, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn tổ chức những khóa học chia sẻ về kiến thức cho đoàn viên. Ngoài ra, cần kết nối đầu ra, hỗ trợ vay vốn cho những đoàn viên có ý tưởng sáng tạo đổi mới nhưng không có điều kiện thực hiện.

Tăng cường công tác phát triên đoàn viên tại cơ sở

Tại diễn đàn Xây dựng Đoàn vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, nhiều đại biểu đã chia sẻ những khó khăn của tổ chức Đoàn gặp phải trong quá trình hoạt động tại cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Tùng Dương, Bí thư Đoàn P.Giảng Võ, TP.Hà Nội, cho biết công tác phát triển đoàn viên trẻ tại cơ sở hiện nay gặp khá nhiều khó khăn.

“Những đoàn viên ưu tú nằm trong khối xã, phường, thị trấn đủ điều kiện sau khi học cảm tình Đảng xong đều tiếp tục đi học hoặc đi làm tại các cơ quan đơn vị có tổ chức cơ sở Đảng nên các đoàn viên này đều không thể kết nạp Đảng tại các chi bộ Đoàn dân cư. Trong khi đó, Bí thư Đoàn dân cư thường rất trẻ, chỉ từ 20 - 22 tuổi nên uy tín với cán bộ Đảng ở cơ sở, với các bác lớn tuổi chưa được cao”, đại biểu Dương chia sẻ.

Tại các thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh, thực tiễn cho thấy ngày càng nhiều các khu vực tập trung đông các đoàn viên trẻ như các khu chung cư, khu đô thị, các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Công tác xây dựng Đoàn cơ sở ở những khu vực mới này cũng là một điểm mới.

“Theo Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội, sau nhiều năm thực hiện, chúng tôi đã giao các quận Đoàn, huyện Đoàn phối hợp, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn sinh hoạt Đoàn cho các tổ chức Đoàn cơ sở gắn bó với các hoạt động của các chi bộ Đảng bộ tại địa phương”, đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, cho biết.

Cũng theo đại biểu Tiến, Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã xác định tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có bản lĩnh chính trị, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực, uy tín, tiên phong, gương mẫu… là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ. Do đó, công tác xây dựng Đoàn vững mạnh là một trong những nhiệm vụ sống còn của hoạt động Đoàn.

Kết nối doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Diễn đàn với chủ đề Tổ chức Đoàn - người bạn đồng hành với thanh niên có sự tham gia của Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương và 82 đại biểu đã cùng nhau thảo luận sôi nổi, đề xuất các giải pháp làm sao để các hoạt động Đoàn mang lại những giá trị thiết thực, gần gũi, đi vào đời sống thanh niên để tổ chức Đoàn thanh niên thực sự là những người bạn có thể chia sẻ, đồng hành với thanh niên.

Anh Lê Văn Vin, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, sau dịch Covid-19, cho biết địa phương này có 25.000 lao động từ các tỉnh phía nam trở về địa phương tìm việc. Các doanh nghiệp phối hợp với tổ chức Đoàn ở địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng việc làm nhưng sau một thời gian ngắn, nhiều lao động bỏ ngang vì không thích nghi được với môi trường làm việc theo tác phong công nghiệp. “Doanh nghiệp luôn khẳng định việc làm không thiếu nhưng thanh niên thiếu kỹ năng làm việc, công tác Đoàn nhiệm kỳ mới nên tập trung đầu tư mạnh vào các hoạt động tập huấn, hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm việc cho thanh niên ở địa bàn miền núi, nông thôn”, anh Vin đề xuất.

Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành đoàn Hạ Long (Quảng Ninh), cho rằng hỗ trợ thanh niên có nghề nghiệp việc làm luôn là khó khăn, thách thức lớn của tổ chức Đoàn, nếu làm tốt sẽ tạo ra sức hút rất lớn đối với thanh niên đến với Đoàn.

Anh Vũ có đề xuất tổ chức Đoàn đứng ra làm cầu nối để giới thiệu và kết nối doanh nghiệp đầu tư vào các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi của thanh niên; thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; thúc đẩy thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, trong các cơ sở Đoàn.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Hiện nay, trẻ em tiếp cận với không gian mạng rất sớm, nhưng vấn đề bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại diễn đàn Xây dựng Đội vững mạnh - vì đàn em thân yêu.

Bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội từ rất sớm, đại biểu Phạm Tiến Thịnh (Đoàn Thanh niên Công an) chia sẻ: “Nhiều trẻ em hơn 1 tuổi đã bắt đầu sử dụng thành thạo smartphone để xem hoạt hình trên YouTube. Hình như chúng ta đang bỏ trống trận địa giáo dục thiếu nhi trên không gian mạng. Chúng ta có thể xây dựng các chương trình, hướng dẫn những hành vi việc làm tốt, định hướng cho các em trên nền tảng YouTube. Tổ chức Đoàn - Hội có thể làm được vấn đề này”.

Tâm đắc với ý kiến của đại diện Đoàn Thanh niên Công an, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó bí thư Chi đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai, bày tỏ: “Hiện nay, các chương trình trên YouTube vẫn chưa có “lá chắn” bảo vệ trẻ em, phụ huynh vẫn thoải mái cho trẻ xem các clip, video trên TikTok, YouTube… Đặc biệt là lứa tuổi trẻ em dưới 5 tuổi, chưa được bảo vệ trên không gian mạng. Việc tiếp xúc với smartphone mang lại nhiều điều hay, nhưng với trẻ em nhỏ tuổi thì rất có hại cho sức khỏe. Đây là vấn đề chúng ta đang bỏ ngỏ”.

Theo chị Quỳnh Nga, trẻ em từ 3 - 5 tuổi là lứa tuổi vàng để hướng dẫn các em đọc sách, lồng ghép câu chuyện lịch sử. Từ đó, hình thành được thói quen, hình thành lòng yêu nước tự tôn dân tộc. “Chúng ta có thể tận dụng không gian mạng để xây dựng các bài học về 5 điều Bác Hồ dạy, bài học lịch sử phù hợp với lứa buổi”, chị Nga kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Ngọc Nam, Bí thư Hà Nam, cho rằng cần khai thác triệt để không gian mạng, phân vùng lứa tuổi hướng dẫn, định hướng, giáo dục trẻ em trên mạng.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em sử dụng smartphone quá sớm, cần phải bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Thanh niên cần nâng cao thêm ngoại ngữ thứ 2

Chia sẻ tại diễn đàn Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập, nhiều đại biểu đã chia sẻ những ý kiến và kinh nghiệm về công tác hội nhập quốc tế của thanh niên Việt Nam, nổi bật nhất là việc nâng cao ngoại ngữ cho thanh thiếu niên. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh tiếng Anh thì cần quan tâm đến bồi dưỡng và đào tạo thêm ngôn ngữ thứ 3 cho thanh thiếu niên dựa theo đặc thù và nhu cầu của địa phương cũng như nhiệm vụ.

Đại biểu Huỳnh Cảnh Thanh Lam, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, cho biết hiện nay chúng ta có các mối quan hệ đa phương và song phương, do đó cần phát triển thêm ngoại ngữ, ví dụ như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Pháp...

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Hà Nội) đã đưa ra ví dụ về hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021, đã sử dụng tiếng Thái bên cạnh tiếng Anh, điều đó đã ghi điểm rất lớn với công chúng và ban giám khảo.

“Ví dụ, khi bạn biết một chút ngoại ngữ của địa phương và giao tiếp với người bản địa thì tự nhiên sẽ tạo thiện cảm rất lớn mà từ đấy nó phá tan cái tảng băng và chúng ta có thể làm việc với nhau một cách rất là thoải mái. Đấy là điều quan trọng của ngoại ngữ”, đại biểu Hùng chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Học viện Ngoại giao, cũng cho biết ngoại ngữ không chỉ tiếng Anh mà còn các ngôn ngữ khác sẽ góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của thanh thiếu niên hiện nay. Để việc học ngoại ngữ được hiệu quả, có thể sử dụng các ứng dụng, nền tảng sử dụng ngoại ngữ trực tuyến để trực tiếp tương tác với bạn bè quốc tế. Từ đó, sẽ nâng cao được trình độ của người học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.