Khi người trẻ bị trầm cảm

06/11/2019 07:18 GMT+7

Tại một buổi tọa đàm về chủ đề trầm cảm diễn ra ở TP.HCM vào đầu tháng 11, nhiều người sững sờ khi chứng kiến không ít bạn trẻ đưa tay lên khi được hỏi: 'Bạn nào đã từng có ý định tự tử?'.

“Thầy ơi, em muốn chết!”

Là một người làm trong lĩnh vực nhân sự, chị Lê Dương Tường Vy (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể về câu chuyện đã từng bị trầm cảm của chính mình để chứng minh căn bệnh này thật sự rất khủng khiếp và không chừa một ai.
“Thời buổi hiện nay, những bạn trẻ có trình độ và làm công việc văn phòng lại bị trầm cảm rất nhiều. Nhưng đa phần chỉ nói là mình stress vì công việc, nhiều người không biết được sự tàn phá như thế nào. Như lúc đó, khi tôi phát hiện thì bản thân đã mắc bệnh rồi và nghĩ chỉ có con đường chết…”, chị Vy bày tỏ.
Những người ngoài cuộc phải lạnh người khi nghe Nguyễn Thị Thùy Trang (đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội kỹ năng sinh tồn Survival Skills) kể về những tháng ngày chỉ nghĩ đến việc làm sao để chết.
“Đỉnh điểm của thời kỳ trầm cảm là mình đã nghĩ đến cái chết mỗi ngày, cứ lên mạng tra cứu xem có cách nào dẫn đến cái chết và làm sao để chết. Lúc đó mình vẫn đi làm bình thường, mọi người xung quanh không hề hay biết, đến cơ quan làm việc như một cái máy và cứ chờ giây phút nào đó không có người để lại lên mạng tra cứu cách để chết. Có những lúc chạy xe ngoài đường, mình cố lách ra chỉ mong cho xe tải nó cán mình”, Trang kể.
Trong số nhiều bạn trẻ đưa tay lên khẳng định mình đã từng có ý định tự tử, N.Q.T (làm nghề cắt tóc tại Q.3, TP.HCM) ngồi cạnh tôi cũng nằm trong những trường hợp đó.
T. kể: “Em từng là học sinh nhiều năm liền đạt loại giỏi, nhưng lại thi trượt đại học. Lúc đó em đã chán chường và thất vọng, nhưng người ngoài thì cứ hỏi sao lại rớt, bao nhiêu đứa đều đậu, sao con lại rớt được? Rồi ba mẹ vì đặt quá nhiều kỳ vọng nên cũng tra tấn bằng những câu nói khiến em rơi vào trầm cảm”.
Cuối cùng, T. đã uống thuốc bảo vệ thực vật để tự tử nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên em đã được cứu sống.
Giáo viên dạy về kỹ năng sống Lê Văn Kết (Trung tâm kỹ năng sống Rồng Việt) chia sẻ: “Mình thấy có quá nhiều vụ việc xảy ra ở học trò, các em bị áp lực từ gia đình, từ việc học. Nhiều em tìm đến và nói với tôi là: “Thầy ơi, em muốn chết”. Thật sự rất đau lòng và nhức nhối”.

Tìm đến cái chết là sự dại dột nhất của cuộc đời

Đến cuối buổi tọa đàm, tôi thấy vị phụ huynh nắm chặt tay đứa con, nhưng không muốn nhắc nhiều đến câu chuyện đau buồn, nên chỉ nói ngắn gọn: “Con tôi từng trầm cảm, đó là lỗi của vợ chồng tôi. Đó cũng là thời gian kinh hoàng của cả con và gia đình”.
Như được từ cõi chết trở về, T. chỉ muốn gửi gắm: “Cứ giống như ở trong bóng tối không bao giờ thoát ra được. Mãi cho đến khi bước ra sáng, em mới thấy thật kinh hoàng cho những ngày tháng đó. Lúc ấy mới nhận ra việc tìm đến cái chết là quyết định dại dột nhất của cuộc đời”.
Dù bị ảnh hưởng từ lần tự tử, T. không còn nhanh nhạy được như ngày xưa nhưng với T., còn được sống đã là một đặc ân. “Dù không thành công như bạn bè, nhưng ít ra mình vẫn được sống và được yêu thương. Nếu lúc đó chết đi rồi, mình đâu biết được tuổi trẻ lại có nhiều điều tươi đẹp, khi ta biết nhìn mọi chuyện tích cực hơn. Ta không biết được chết có hết đau khổ hay không, nhưng chắc chắn sẽ để lại nỗi đau cả đời cho người thân của mình”, T. chia sẻ.
Cũng đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng, nhìn lại Trang thấy ý định tự tử là việc làm vô cùng có lỗi với những người thân yêu, với cuộc đời của mình.
“Mỗi bạn trẻ phải biết rằng khó khăn là một phần tất yếu trong cuộc sống, nó nhất định sẽ đến ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Và ta phải chuẩn bị tâm lý để đối diện và vượt qua”, Trang cũng gửi gắm.

Cần có người đồng hành

Rút ra từ câu chuyện của mình, T. khuyên: “Lúc đầu, khi phát hiện em bị trầm cảm, gia đình đã mời bác sĩ đến nhà nhưng em chửi bới và không cho vào phòng để chữa trị. Bao nhiêu thuốc uống cũng không tác dụng gì, nên em nghĩ thuốc chỉ là cách giải quyết tạm thời. Cách tốt nhất là phải thoát ra được khỏi những suy nghĩ hay luồng tin tức tiêu cực”. Cũng theo T., điều rất quan trọng là phải có người đồng hành, vì có những lúc sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình.
Tự nhận mình là nữ diễn viên trong bộ phim trầm cảm dài tập, Lê Dương Thể Hạnh, tác giả cuốn sách Có một mặt trời không bao giờ tắt, kể về cuộc đời mình để khuyên các bạn trẻ đừng nghĩ đến cái chết, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Hạnh sinh ra là người con gái đẹp, được nhiều người gọi là mỹ nhân, đã sắp cưới chồng nhưng căn bệnh u não lại ập đến trước tất cả những dự định.
“Khi nhận ra mình là người khuyết tật vĩnh viễn, mắt mù, miệng méo, chân không đi được, lúc đó trong đầu chỉ có ý định muốn chết, nhưng không chết được thì phải sống. Đã chấp nhận tất cả để sống nhưng với một người đang sáng mắt phải cố để thích nghi với cuộc sống bóng tối, là một khó khăn và rất sốc…”, Hạnh kể.
Nhưng rồi Hạnh cũng vượt qua tất cả. Tình thương vô bờ bến của ba mẹ khiến Hạnh không muốn mình tiếp tục có lỗi và làm gánh nặng cho gia đình. Vì thế, Hạnh mới có cơ hội được làm nhiều điều có ích cho cuộc đời như hôm nay.
Theo chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý Võ Thị Minh Trân, Văn phòng tâm lý Tâm An, bạn trẻ cần có sự hỗ trợ tốt từ cả gia đình và nhà trường. Việc được chăm sóc, lắng nghe, yêu thương sẽ giúp người trẻ nhận ra được giá trị của bản thân và biết tự yêu thương mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.