Phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp

29/10/2019 06:38 GMT+7

Muốn đột phá du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, không thể “ôm khư khư” di sản theo hướng bảo tồn tuyệt đối.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch hàng đầu VN tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng qua (28.10).

Đẳng cấp, khác biệt thay cho nguyên lý sản lượng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhấn mạnh hơn một thập niên qua, du lịch VN đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến VN tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Nhiều cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực.
Khi muốn “ăn” nhanh, muốn tăng số người, muốn có thành tích thì lại mở cửa, tạo điều kiện cho kiểu khách đi cả làng. Điều này sẽ khiến du lịch chỉ tăng về chất mà không có về lượng, không đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều
TS Trần Đình Thiên
Phân tích chi tiết, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, khẳng định du lịch VN đủ điều kiện và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vì chúng ta có nhiều tiềm năng, vừa sức người. Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của VN xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp (DN) VN có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các DN lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, DN quản lý khách sạn, resort làm rất tốt.
“Mọi phân khúc trong lĩnh vực du lịch người Việt đều làm chủ được. Cùng với tiềm năng cực lớn về tài nguyên, không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Nam nói.
“Giải mã” những điểm vướng, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh so với Thái Lan hay Trung Quốc, VN có rất nhiều tiềm năng và “cái hay” nhưng chúng ta chưa biết cách làm cho nó hay hơn.

[HỘI THẢO] Đột phá kinh tế từ Du lịch

Theo ông Thiên, muốn bứt phá, phải phát triển du lịch theo hướng khác biệt, đặc sắc. Du lịch ngay từ đầu phải là đẳng cấp, vượt lên chứ không chỉ chạy theo “nguyên lý sản lượng”, kiểu số lượng khách năm nay phải tăng hơn năm trước. “Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Khi muốn “ăn” nhanh, muốn tăng số người, muốn có thành tích thì lại mở cửa, tạo điều kiện cho kiểu khách đi cả làng. Điều này sẽ khiến du lịch chỉ tăng về chất mà không có về lượng, không đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Chúng ta phải đặt vấn đề: Tài nguyên du lịch của VN ít nhưng đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó”, ông Thiên nhìn nhận.

Xung đột quan điểm, DN “chịu trận”

Với quan điểm phải phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp, theo TS Trần Đình Thiên cần những “con sếu đầu đàn” những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp. Những tập đoàn này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành như những gì SunGroup đã làm với Đà Nẵng, Sa Pa hay VinGroup làm với Phú Quốc, Nha Trang... Tuy nhiên, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, tiêu chuẩn để phán xét không có, tiêu chí thế nào là ngành kinh tế mũi nhọn, muốn thành mũi nhọn thì phải làm gì... cũng chưa được luận chứng rõ ràng khiến các địa phương lúng túng, DN đi tiên phong gặp rủi ro.
Dẫn chứng câu chuyện của Tam Đảo vừa rồi và trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà..., TS Trần Đình Thiên nhận định những phê phán chưa có đủ căn cứ đang tạo ra tâm lý tiêu cực đối với du lịch.
“Hãy hỏi Đà Nẵng trở nên đẹp, hiện đại, đáng sống như ngày nay có phải là nhờ những dự án “xâm hại”, làm hỏng - hay làm đẹp - những bãi biển hoang sơ vốn rất ít sức hấp dẫn? Hay đánh giá khu du lịch Bà Nà - có phải chỉ độc là hủy hoại môi trường? Rồi đường sắt xuyên Việt, nếu không phá đủ cây rừng làm sao có đường sắt để kết nối giao thông, giao thương, khởi động kinh tế? Nói vậy để thấy muốn phát triển phải chấp nhận đánh đổi. Không thể chỉ nhìn từ một phía lợi hay hại để phán xét phát triển. Nếu không tính đến những lợi ích phát triển thật sự là to lớn mà các dự án đó mang lại cho xã hội, cho du khách và cho cư dân bản địa, thì sự phán xét dễ trở thành sự đánh giá hời hợt, nặng tính cảm tính và dễ kích động những tình cảm cực đoan”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Thắng, Viện Điều tra quy hoạch rừng - người tham gia soạn thảo luật và văn bản dưới luật của các bộ liên quan trong việc quy hoạch bảo tồn các khu rừng, thiên nhiên tại VN, khẳng định: Bảo tồn thiên nhiên là cần thiết cho cả hiện tại và mai sau. Nhưng nếu mãi giữ khư khư vẻ đẹp mà không phát triển thì sẽ rất lãng phí. Đơn cử, Vườn Quốc gia Giao Thủy (Nam Định) ngày xưa được bảo vệ hoàn toàn, ngay cả người dân cũng bị cấm vào. Điều này dẫn đến tình trạng các nguồn lợi thủy sản dồi dào bị bỏ không trong khi người dân xung quanh đói nghèo. Sau đó, khi chính quyền xin cơ chế đặc thù và cho phép khai thác, không chỉ đời sống người dân được thay đổi mà bản thân họ cũng tích cực tham gia vào trồng rừng, bảo vệ rừng...
Ông Thắng kể vào năm 1997, lần đầu tiên có bài viết trên Báo Nhân Dân về vùng đất ngập nước Vân Long của Ninh Bình. Sau đó nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Nhiều dự án xin phát triển du lịch sinh thái được đề xuất và chấp thuận đưa vào khai thác từ năm 1998. Từ đây, cả một vùng đất được đổi mới mãnh liệt và trở thành khu du lịch đầm Vân Long. Người dân địa phương, từ những người đi cấy 1 năm chưa tới 2 vụ, thu nhập tăng lên rất nhiều khi tham gia vào du lịch. Có thời điểm mấy trăm con thuyền đưa đón du khách. Từ đó Vân Long và H.Gia Viễn chính thức thoát danh sách địa phương nghèo của tỉnh Ninh Bình.
“Rõ ràng, sự tham gia đầu tư của DN đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương nhưng đang gặp nhiều rủi ro khi vấp phải tranh cãi về vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Riêng trong công tác bảo vệ rừng, có những lúc phải chặt trước để tạo đường băng chống lửa, chống cháy rừng. Hay có những vùng bảo vệ nghiêm ngặt cũng phải chặt tỉa thưa để các cây con phát triển. Do đó, không phải cứ nói làm sản phẩm du lịch, chặt cây chặt rừng là phá hoại thiên nhiên, phá hoại tự nhiên. Cần được đặt trong tổng thể lợi ích phát triển để có cái nhìn công tâm về một dự án”, ông Thắng nêu quan điểm.
Chúng ta có thiên nhiên đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào, con người giỏi, nhưng đi đến giờ vẫn mới chỉ bằng một nửa Thái Lan về cả du lịch quốc tế lẫn nội địa. Điều đó chứng tỏ trong quá trình phát triển có nhiều điểm vướng.
TS Lương Hoài Nam

Cần tiêu chí cho phát triển bền vững

Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 20 năm khi còn làm tổng biên tập của Tạp chí Heritage, TS Lương Hoài Nam kể: Cách đây hơn 20 năm, 1 cộng tác viên quốc tế nguời Pháp đã gửi rất nhiều bài viết, tư liệu về Bà Nà và tòa soạn đã khởi đăng một loạt bài phóng sự có tên: Bà Nà - Một thiên đường bị lãng quên.
Từ đó người ta mới biết không chỉ để lại Nha Trang, Đà Lạt, người Pháp còn để lại cho người miền Trung một khu nghỉ dưỡng cực kỳ tuyệt vời là Bà Nà. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã thuê người địa phương dẫn đường, tạo nên làn sóng du lịch bụi lên Bà Nà. Sau đó, một loạt dự án phát triển du lịch của các tập đoàn lớn như SunGroup đã giúp Bà Nà, Đà Nẵng nổi lên trở thành điểm du lịch lớn và nổi tiếng thế giới.
“Bản thân là người có sự can dự để khai phá Bà Nà qua 1 phóng sự, tôi thấy rất mừng nhưng cũng cực “sốc” khi thấy làn sóng tấn công cực gay gắt nhắm vào chính các công trình, sản phẩm du lịch đó. Các điểm đến tại Tam Đảo, Sơn Trà... hay các dự án du lịch tâm linh cũng đang trong tình trạng tương tự. Rõ ràng, những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh nhưng đang vấp phải sự chỉ trích về môi trường, gây hoang mang, chia rẽ trong dư luận và đẩy nhà đầu tư vào rủi ro”, ông Nam nói và đúc kết: Tất cả các bộ, ban ngành cho đến người dân đều đồng thuận với chủ trương phải phát triển bền vững nhưng chưa có tiêu chí, không có cơ sở để đánh giá thế nào là phát triển bền vững. Vì thế, mọi cuộc tranh cãi đang nổ ra liên quan đến các dự án du lịch đều nằm giữa 2 thái cực bảo tồn tuyệt đối hay phát triển không quan tâm đến môi trường, gây ra các làn sóng phản đối tiêu cực. Các cuộc tranh cãi không có tiêu chí dần trở thành cuộc chiến về cảm xúc, gây chia rẽ, không tạo ra được sự đồng thuận, cản trở phát triển du lịch VN.
“Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dễ dàng áp vào các dự án đầu tư du lịch. Qua đó đánh giá dự án có phù hợp hay không, ủng hộ được hay không. Đồng thời cần có cơ chế minh bạch tối đa các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Từ đó, tăng sự đồng thuận, giảm sự xung đột”, TS Lương Hoài Nam đề xuất. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.