Ngày 20.9.2021,
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá
sức khỏe tinh thần của người bệnh Covid-19 điều trị tại các khoa thuộc bệnh viện và mời chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ bệnh nhân.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, các bác sĩ tại
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 phát hiện nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bị trầm cảm, rối loạn lo âu nên Ban giám đốc bệnh viện đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ.
Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị
trầm cảm là hơn 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở ô xy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.
Bệnh nhân Covid-19 biểu hiện trầm cảm được điều trị ra sao?
|
Trước thực tế trên, Ban Giám đốc
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu - tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy là chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc
trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại đây.
Ngay sau khi nhận được lời mời, tiến sĩ Minh Thúy đã đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khảo sát nhiều ngày và tiến hành điều trị tâm lý cho các
bệnh nhân.
Theo tiến sĩ Trì Thị Minh Thúy, lo âu, hoảng loạn, trầm buồn là những vấn đề chính mà các bệnh nhân Covid-19 gặp phải, đặc biệt là những bệnh nhân nặng từng trải qua quá trình điều trị lâu dài ở khoa Hồi sức cấp cứu.
Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân gặp phải nỗi ám ảnh, hoảng loạn sau khi chứng kiến người thân trong gia đình, những người nằm chung trong khu điều trị
tử vong trước mắt hoặc đối diện với máy móc, thiết bị y tế thời gian dài. Do đó, những bệnh nhân này rất cần có người ở bên cạnh để lắng nghe, trò chuyện và có những thủ thuật tâm lý để giúp họ vượt qua nỗi ám ảnh về bệnh tật.
Bộ Y tế cho phép điều chỉnh thời gian tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca phù hợp
Bộ Y tế cho biết trước đó vào ngày 3.9 và 9.9 đã nhận được công văn của UBND tỉnh Long An và Sở Y tế TP.HCM đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca.
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Còn
Tổ chức y tế thế giới (
WHO) khuyến cáo, khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8 - 12 tuần. Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (quyết định số 3588 ngày 26.7 và công văn số 6030 ngày 27.7).
TP.HCM đã tiêm hơn 1 triệu mũi vắc xin Covid-19 cho người từ 65 tuổi, bệnh nền
|
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi vắc xin phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng tiêm trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian khoảng cách để người dân biết và tham gia (nếu được đối tượng tiêm đồng thuận).
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện tiêm chủng và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (qua Cục Y tế dự phòng) theo duy định.
"Bão cytokine" tấn công các bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi ở TP.HCM
Ngày 20.9.2021, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu,
Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách điều trị tại Trung tâm hồi sức Covid-19 đặt tại
Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7 (TP.HCM) cho biết có đến 70% trong số 500 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại đây mắc phải hội chứng "bão cytokine".
Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, trong đợt dịch lần này,
biến thể Delta khiến các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng rất nhanh. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi từ 17 đến 40 tuổi mắc phải hội chứng
"bão cytokine". Người lớn tuổi cũng mắc hội chứng này nhưng mức độ nhẹ hơn.
"Bão cytokine" tấn công các bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi ở TP.HCM
|
Tại khoa Bệnh Nhiệt đới
Bệnh viện Chợ Rẫy, đang điều trị gần 300 bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong đó, cũng có rất nhiều bệnh nhân mắc phải hội chứng "bão cytokine".
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, bác sĩ điều trị Covid-19 tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân mắc hội chứng "bão cytokine" tại đây đa phần là người trẻ, có thể trạng
thừa cân béo phì.
Từng tham gia điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh (
bệnh nhân 91) cũng trải qua hội chứng "bão cytokine", theo bác sĩ Tuấn, việc phát hiện sớm và điều trị sớm hội chứng này là vô cùng quan trọng để hạn chế
bệnh nhân trở nặng nhanh dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Theo các bác sĩ, “bão cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Cụ thể, những người khỏe mạnh khi bị vi rút tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế vi rút. Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là người trẻ tiết ra quá nhiều cytokine, sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả các phủ tạng như tim, phổi, thận, gan.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Hiện nay, các biện pháp điều trị đặc hiệu hội chứng này là
lọc máu hấp thụ, dùng các kháng thể đơn dòng, thuốc kháng viêm, ức chế hệ miễn dịch, với chi phí rất cao.
Quá trình điều trị cho thấy, những bệnh nhân đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thì tỉ lệ diễn tiến nặng giảm, số lượng gặp
"bão cytokine" cũng ít hơn rõ rệt.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hội chứng "bão cytokine" được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân Covid-19.
Để hạn chế bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng và gặp hội chứng
"bão cytokine", việc quan trọng là phải theo dõi, đánh giá thường xuyên tình trạng bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bình luận (0)