Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 8.9: Số ca khỏi bệnh nhiều hơn ca nhiễm mới
08/09/2021 19:34 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 8.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Cả nước ghi nhận 12.680 ca Covid-19 mới, 13.937 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 8.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 7.9 đến 17 giờ ngày 8.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong ngày có 13.937 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 434 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố (bao gồm 99 ca bệnh tử vong được công bố bổ sung tại Tây Ninh); nâng tổng số ca Covid-19 tử vong lên 14.135 ca.
Thông tin về 12.680 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 8.9 như sau:
- 17 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.663 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.851 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (7.308), Bình Dương (3.172), Đồng Nai (814), Long An (372), Tiền Giang (171), Cần Thơ (83), Đồng Tháp (62), Bình Phước (61), Quảng Bình (53), Tây Ninh (52), Khánh Hòa (48), An Giang (46), Kiên Giang (43), Nghệ An (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (42), Hà Nội (40), Đà Nẵng (30), Đắk Nông (28), Bình Định (27), Bình Thuận (26), Đắk Lắk (24), Phú Yên (19), Quảng Ngãi (19), Bạc Liêu (18), Sóc Trăng (13), Trà Vinh (11), Thừa Thiên - Huế (9), Bến Tre (6), Bắc Ninh (5), Cà Mau (5), Gia Lai (3), Quảng Nam (2), Ninh Thuận (2), Sơn La (2), Thái Bình (1), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Lạng Sơn (1), Hậu Giang (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. Tại TP.HCM giảm 2 ca, Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca, Long An giảm 118 ca, Tiền Giang giảm 12 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.862
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (273.154), Bình Dương (141.765), Đồng Nai (31.179), Long An (26.804), Tiền Giang (11.159).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 325.647
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.053
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.210
- Thở máy không xâm lấn: 257
- Thở máy xâm lấn: 930
- ECMO: 29
Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 434 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm:
+ TP.HCM ngày 8.9: 268 ca
+ Tỉnh Bình Dương ngày 8.9: 34 ca
+ Tỉnh Long An ngày 8.9: 8 ca
+ Tỉnh Tiền Giang ngày 8.9: 7 ca
+ Tỉnh Đồng Nai trong 2 ngày: 11 ca
+ Tỉnh Đồng Tháp ngày 8.9: 2 ca
+ Tỉnh Trà Vinh ngày 8.9: 1 ca
+ Tỉnh Vĩnh Long trong 2 ngày: 2 ca
+ Tỉnh Bến Tre ngày 8.9: 1 ca
+ Tỉnh Khánh Hòa ngày 8.9: 1 ca
+ Tỉnh Tây Ninh bổ sung số liệu ca tử vong của tháng 8.2021: 99 ca
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 310 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.135 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 13.855.509 mẫu cho 40.898.357 lượt người.
Trong ngày 7.9 có 771.937 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong cấp giấy đi đường
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND TP.Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.
Theo đó, liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP.HCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.
8 quận huyện tại TP.HCM có 100% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19
Trưa 8.9, theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên của 8 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19.
Cụ thể, 8 quận huyện đạt tỷ lệ 100% tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi gồm: Q.7 (tổng số dân trên 18 tuổi là 238.290 người); Q.Phú Nhuận (131.601 người); Q.6 (178.873 người); Q.1 (174.939 người); Q.5 (133.521 người); Q.11 (173.600 ngươi); H.Củ Chi (319.115 người) và H.Cần Giờ (59.314 người).
Bên cạnh đó, có một số quận huyện có tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin mũi 1 còn thấp như: Q.Tân Bình đã tiêm vắc xin cho 237.941 người (đạt 62.71% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 379.401 người); Q.8 đã tiêm vắc xin cho 240.035 người (đạt 72,99% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 328.842 người); Q.Bình Tân đã tiêm cho 388.384 người (đạt 76,29% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 509.233 người); Q.10 đã tiêm 129.259 người (đạt 78,66% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 164.317) người...
Theo Sở Y tế, ngày 7.9, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 188.882 người. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.
Như vậy từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (từ ngày 8.3.2021) đến hết ngày 7.9 đã tiêm được 6.884.159 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó 708.646 người tiêm mũi 2. TP.HCM cũng đã tiêm vắc xin Vero Cell cho 1.400.115 người. Tất cả đều an toàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM thăm nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 14
Ngày 8.9.2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đến thăm và động viên các y bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế, đặt tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 14 ở quận Tân Phú.
Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM và đoàn công tác, TS.BS Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM, Sở Y tế, Sở Du lịch, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi cho các y bác sĩ.
Trung tâm Hồi sức hiện đang điều trị cho 300 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 230 ca phải thở máy, thở ô xy dòng cao và có bệnh nền. Theo bác sĩ Trần Thanh Xuân, hiện nay một số trường hợp bệnh nhân được chuyển viện trễ khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng.
Bác sĩ Trần Thanh Xuân đề nghị ngành y tế TP.HCM cần chuyển bệnh sớm hơn từ tầng 2, không để bệnh nhân trở nặng mới chuyển tầng. Nếu thực hiện tốt, nguồn lực đổ vào cấp cứu bệnh nhân sẽ ít nhưng hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm Hồi sức còn thiếu một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân phải can thiệp tại phòng mổ.
Ghi nhận các đề xuất của Trung tâm Hồi sức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ yêu cầu Sở Y tế trang bị ngay các trang thiết bị cần thiết để Trung tâm tổ chức thiết lập phòng mổ ngoại và phòng mổ sản, phục vụ công tác điều trị.
Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cảm ơn các Bệnh viện đầu ngành đã chia sẻ, giúp đỡ nhân dân TP.HCM thời gian qua, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ không chỉ tham gia điều trị ở tầng 3, mà còn kết nối tầng 2, đảm bảo thông suốt, nâng cao chất lượng điều trị, giảm tử vong như mục tiêu cao nhất của TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong muốn các y bác sĩ thường xuyên trao đổi với Sở Y tế, đảm bảo phối hợp thông suốt.
Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 ở phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM. Bệnh viện hiện có 5 đoàn chi viện, trong đó Bệnh viện Trung ương Huế đóng vai trò chủ lực với 250 người. Dự kiến, trong tuần tới, bệnh viện sẽ tiếp tục bổ sung thêm 100 người và các trang thiết bị từ Bộ Y tế nhằm tăng công suất lên đúng với năng lực 600 giường.
F0 mắc Covid-19 trốn cách ly, chạy ra đường có thể bị xử lý hình sự
Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM trong 24 giờ qua được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều 7.9 , thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM) cho biết, từ ngày 23.8 - 6.9, qua kiểm tra mã QRCode, khai báo y tế qua các chốt chặn, Công an TP phát hiện 63 F0 lưu thông ngoài đường.
Kết quả xác minh 63 F0 phát hiện lưu thông trên đường, có 10 F0 đã khỏi bệnh, 17 F0 đang cách ly tập trung, còn lại là đang cách ly tại nhà.
Trả lời thêm về vấn đề này, sáng 8.9, Công an TP.HCM cho biết hiện nay thông tin F0 được Sở Y tế TP.HCM cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các F0 được phát hiện khi qua các chốt kiểm soát, người dân khai báo qua phần mềm, phần mềm này lưu lại lộ trình di chuyển của người dân nên lực lượng phát hiện F0 lưu thông trên đường. Việc khai báo trên phần mềm này rất tiện lợi vì việc truy vết F0 sẽ diễn ra nhanh chóng.
Khi phát hiện F0 ngoài đường, Công an TP.HCM cho biết nếu nằm trong danh sách F0 lưu thông trên đường sẽ bị cưỡng chế đưa về địa phương cách ly, làm rõ và xử lý theo quy định.
“Trường hợp 17 F0 cách ly tập trung, cách ly tại nhà lại lưu thông ngoài đường thì hiện nay lực lượng công an đang phối hợp với Sở Y tế để xử lý nghiêm vì vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 theo quy định để răn đe, phòng ngừa. Nếu ai trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch có thể bị phạt tiền và xử lý hình sự”, nguồn tin từ Công an TP cho biết thêm.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện nay Công an TP đang phối hợp với Sở Y tế, cùng các cơ quan nghiệp vụ cập nhật dữ liệu F0 vào dữ liệu dân cư.
Theo thượng tá Hà, trong bối cảnh F0 trong cộng đồng nhiều như hiện nay, việc khai báo y tế sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ngay F0 lưu thông ngoài đường để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Lần đầu tiên TP.HCM có nơi điều trị “hậu Covid-19” cho F0 xuất viện
Ngày 8.9.2021, theo TS.BS Võ Thành Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đơn vị vừa đưa vào vận hành khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19. Đây là đơn vị điều trị hậu Covid-19 đầu tiên được hình thành tại TP.HCM.
Hiện nay nhiều người xuất viện sau khi khỏi Covid-19 có nhu cầu tiếp tục điều trị bệnh lý nền hoặc phục hồi các vấn đề về thể chất, tinh thần do Covid-19 để lại. Các tài liệu y văn từ những quốc gia từng trải qua khủng hoảng về Covid-19 cũng cho thấy, có đến 20 - 30% bệnh nhân phải nhập viện vì suy kiệt, bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, bệnh mạch vành tiếp tục diễn tiến nặng trong và sau khi điều trị Covid-19.
Do đó, khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị Covid-19 được phân luồng riêng như một vùng đệm, tách biệt với các khoa khác trong bệnh viện.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm PCR định kỳ, nếu âm tính sẽ được chuyển lên các chuyên khoa điều trị thông thường. Người tái nhiễm sẽ được chuyển đi đến cơ sở điều trị Covid-19.
Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19 có quy mô 40 giường, trong đó 20 giường hồi sức, dự kiến có thể mở rộng quy mô đến 100 giường. Trong thời gian đầu hoạt động, khoa sẽ có 7 bác sĩ, 18 điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên đảm trách công việc chăm sóc bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19.
Đồng thời, đội ngũ điều trị từ nhiều chuyên khoa sẽ kết hợp các phương pháp hiện đại lẫn y học cổ truyền, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nâng cao dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Người bệnh sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự bệnh nhân thông thường khác.
Tạm đóng cửa vì Covid-19, quán hải sản trở thành tiệm bánh mì miễn phí
Những ngày qua, dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người nghèo, người lao động khó khăn ở các khu nhà trọ ở nội ô TP.Cần Thơ bất ngờ nghe tiếng gõ cửa và nhận được những phần quà nhỏ vào mỗi buổi chiều.
Đó là những ổ bánh mì thịt hay bịch rau củ quả, trứng gà, gạo, mì… từ nhóm thiện nguyện của anh Đỗ Thành Huấn (42 tuổi, chủ quán hải sản Bình Ba ở P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Những ngày quán phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, anh Huấn cùng nhân viên và bạn bè đã tận dụng cơ sở kinh doanh làm nơi san sẻ khó khăn với người nghèo bằng việc tổ chức trao các suất ăn miễn phí hay tặng những phần quà lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Tiệm bánh mì 0 đồng được anh Huấn cho khai trương khoảng hai tuần gần đây. Từ sáng sớm, nhóm thiện nguyện phải tự đi mua thịt, cá, nguyên liệu về để nấu chuẩn bị nhân bánh mì. Buổi chiều, quán nhận bánh và bắt tay làm từng ổ bánh mì.
Đều đặn mỗi ngày, khoảng 200 ổ bánh mì nhân thịt khìa, chả cá được chuẩn bị và đem phát tận nhà cho người dân. Người nhận chủ yếu là lao động tự do mất việc làm, những người khó khăn hay sinh viên nghèo ở các khu nhà trọ quanh nội ô TP.Cần Thơ...
"Giai đoạn này ai cũng khó khăn nhưng dù sao mình còn cầm cự được, trong khi bà con lao động tự do, bán vé số, bán hàng rong không biết lấy gì sống. Nghĩ vậy nên tôi và bạn bè mới suy tính làm cái gì thiết thực nhất cho bà con trong khả năng của mình và chúng tôi chọn cách nấu cơm, làm bánh mì", anh Huấn nói.
Cũng theo anh Huấn, trước khi có tiệm bánh mì miễn phí, nhóm của anh đã tổ chức quán cơm 0 đồng mỗi ngày phát cho người dân 150 - 200 phần cơm. Những suất ăn luôn đầy đủ cơm, canh, đồ xào, món mặn. Hôm thì cá kho tiêu, bữa thì thịt kho mặn, thịt kho hột vịt, tôm kho, đùi gà chiên…
|
Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian nhận thấy khó giữ khoảng cách người đến nhận cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch nên nhóm của anh Huấn đã chuyển sang hình thức hỗ trợ tận nhà cho người dân.
Toàn bộ thực phẩm để làm nhân bánh mì đều được nhóm thiện nguyện của anh Huấn tự chế biến, chăm chút từng khâu cho đến khi bỏ từng ổ bánh mì vào bọc riêng đem tặng.
Tuy ổ bánh mì trị giá không bao nhiêu nhưng cách làm và đem trao bánh mì tận nhà cho những người dân của nhóm anh Huấn thực sự ấm áp, đầy tình cảm, tiếp sức cùng người dân TP.Cần Thơ vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 8.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
vắc xin Covid-19
bản tin Covid-19
tin tức Covid-19
Covid-19 TP.HCM
Giấy đi đường
Covid-19 ngày 8/9
tình hình covid-19 hôm nay
Bình luận (0)