Bản tin Covid-19 ngày 15.7: Công bố 69 ca tử vong ở TP.HCM; đề xuất chỉ thị chống dịch mới
15/07/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 15.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 15.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 3.416 bệnh nhân mới
Trong ngày 15.7, Bộ Y tế đã công bố tổng cộng 3.416 ca mắc Covid-19. Đây là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 trong một ngày vượt mốc 3.000 ca.
3.416 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố trong ngày 15.7 gồm:
+ 37 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thanh Hóa (19), TP.HCM (10), An Giang (2), Hà Nội (2), Ninh Bình (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Quảng Nam (1), Bình Định (1).
+ 3.379 ca ghi nhận trong nước, trong đó 3.099 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Gồm TP.HCM (2691), Đồng Nai (132), Bình Dương (122), Đồng Tháp (99), Phú Yên (48), Long An (41), Đà Nẵng (33), Bến Tre (30), Khánh Hòa (22), Hưng Yên (22), Hà Nội (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (17), Ninh Thuận (17), Vĩnh Long (17), Bình Thuận (17), Bình Phước (13), Cần Thơ (11), An Giang (8 ), Sóc Trăng (4), Quảng Ngãi (4), Bắc Ninh (3), Trà Vinh (3), Đắk Nông (1), Bình Định (1), Cà Mau (1), Vĩnh Phúc (1), Lâm Đồng (1), Đắk Lắk (1), Bắc Giang (1).
Và 685 ca bệnh được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
Tính đến 19 giờ 30 ngày 15.7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 40.850 ca mắc Covid-19. Gồm 38.858 ca ghi nhận trong nước và 1.992 ca nhập cảnh.
Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 37.288 ca.
Công bố thêm 69 ca bệnh tử vong ở TP.HCM
Chiều 14.7.2021, tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, báo cáo của UBND Thành phố cho hay từ ngày 27.4.2021 đến ngày 14.7.2021 tại TP.HCM đã ghi nhận 130 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong số này có 48 ca đã được Bộ Y tế công bố.
Ngay sau đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM để rà soát lại các ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn và đề nghị Sở cập nhật đầy đủ dữ liệu về các ca tử vong này trên hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Cụ thể từ 20 giờ ngày 14.7.2021 đến 5 giờ 30 ngày 15.7.2021, hệ thống phần mềm của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ghi nhận thêm 69 ca tử vong do Covid-19 tại các cơ sở điều trị trên địa bàn TP.HCM. Đây là những trường hợp tử vong rải rác từ ngày 7.6.2021 tới ngày 15.7.2021.
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho hay tính đến 17 giờ ngày 15.7.2021, TP.HCM đã ghi nhận thêm 22 ca tử vong do Covid-19, nhưng chưa cung cấp đủ thông tin về các ca tử vong này trên hệ thống phần mềm quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ Y tế sẽ thông báo về các ca tử vong này khi có đủ thông tin.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 rà soát các ca được xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, các ca khỏi bệnh và ca tử vong do Covid-19 (nếu có) và nhanh chóng cập nhật thông tin về những ca này trên hệ thống đăng ký ca mắc mới và hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19, để Bộ Y tế có cơ sở thông báo chính thức về các trường hợp mắc mới, trường hợp khỏi bệnh và trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng ra quy định mới thay thế các Chỉ thị 15, 16 và 19
Theo tờ trình của Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn, qua mỗi đợt, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng. Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, một số giải pháp cần được điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn.
Trong dự thảo chỉ thị mà Bộ Y tế trình Thủ tướng ban hành, quan điểm chống dịch là “Chống dịch như chống giặc”; tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường; đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết; không để bất kỳ ai bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu do dịch bệnh.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc xin, tập trung cho các đối tượng ưu tiên; kịp thời điều chỉnh đối tượng ưu tiên cho phù hợp tình hình thực tế của dịch trong từng giai đoạn; sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang áp dụng cơ chế tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên là phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế - xã hội, hoặc đồng thời cả hai để thực hiện cho phù hợp, hiệu quả. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh.
Dự thảo chỉ thị của Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều biện pháp chống dịch, theo 4 cấp độ nguy cơ: địa bàn ở trạng thái bình thường mới; địa bàn có nguy cơ; địa bàn nguy cơ cao; và địa bàn nguy cơ rất cao.
Biện pháp chính vẫn là thực hiện quy định 5K, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc và thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, truy vết để dập dịch xong, áp dụng linh hoạt theo các mức độ nguy cơ.
Đối với các địa bàn ở trạng thái bình thường mới, dự thảo Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn.
Đối với địa bàn nguy cơ rất cao, dự thảo Chỉ thị yêu cầu áp dụng cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1; đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung.
Bên cạnh đó, áp dụng giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày trên phạm vi toàn địa bàn, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết; dừng tất cả hoạt động kinh doanh không thiết yếu, vận chuyển hành khác công cộng.... Theo dự thảo, Chỉ thị mới ban hành sẽ thay thế Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trước đó.
Người mắc Covid-19 đạt điều kiện gì để xuất viện sau 10 ngày?
Ngày 14.7.2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3416 về việc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2. Quyết định 3416 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 14.7.2021 thay thế Quyết định 2008 của Bộ Y tế ( ban hành ngày 26.4.2021) về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2.
Theo nội dung trong Quyết định 3416 của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 được xuất viện vào ngày thứ 10 khi kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SAR -CoV-2 khi đạt các tiêu chuẩn, cụ thể:
Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, người mắc bệnh Covid-19 được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SAR -CoV-2 khi đạt các tiêu chuẩn, như:
- Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Bệnh nhân phải lấy tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) [giá trị ngưỡng lớn hơn hoặc bằng 30], nghĩa là với đồng độ này, khả năng lây lan vi rút của người bệnh là không có; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
TP.HCM tái lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19
Sáng 15.7.2021, các chốt kiểm soát Covid-19 tại TP.HCM đã được dựng trở lại. Các điểm đều có lực lượng trực tại chốt để kiểm tra việc đi lại của người dân.
Trước đó, từ 14 giờ ngày 14.7, lực lượng chức năng đã bắt đầu thiết lập lại lều, dù che nắng ở khu vực các chốt. Đến sáng 15.7, các chốt đều có lực lượng trực để kiểm tra "giấy thông hành" của người dân ra đường như: CSGT, cảnh sát trật tự, công an phường, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, tình nguyện viên,...
Tùy từng thời điểm, các chốt sẽ kiểm tra 'giấy thông hành' của người ra đường để xác định các trường hợp ra đường không lý do theo chỉ thị 16. Người dân được yêu cầu trình CMND/CCCD kèm giấy xác nhận đi lại chứng minh lý do ra đường cần thiết hay không.
Lãnh đạo một đội CSGT – Trật tự khu vực trung tâm TP.HCM thông tin, tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các trường hợp trên đường, thời điểm vắng, có thể kiểm tra các xe qua chốt. Ngoài ra, các quận, huyện còn có tổ tuần tra lưu động để kiểm tra xử lý người dân ra đường không có lý do cần thiết.
Trước đó, từ ngày 9.7, hơn 200 chốt kiểm soát của các quận, huyện được lập khắp TP để kiểm tra người dân ra đường không lý do trong bối cảnh TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Sau đó, số lượng các chốt tăng lên 322 (bao gồm cả 12 chốt ở khu vực cửa ngõ).
Đến ngày 13.7, người dân ra đường lại bất ngờ vì các chốt kiểm soát không kiểm tra tất cả người dân qua chốt như trước đó, một số trại, lều dựng tại chốt được thu dọn. Ngày 14.7, lực lượng chức năng có mặt tại các chốt trực và các lều, dù che nắng được dọn ra lại.
Chen lấn tại tiệm photocopy, cửa hàng điện… mua thực phẩm
TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều hạn chế trong việc mua bán. Tuy nhiên, tại một số nơi thuộc quận Bình Tân vẫn có cảnh người dân chen chân mua rau củ ở tiệm photocopy, cửa hàng đèn điện.
Ngồi vỉa hè chờ lấy tiền, thanh niên bị phạt nặng
Tối 14.7.2021, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an thành phố Thủ Đức, TP.HCM đã tuần tra, xử lý người vi phạm giao thông và những trường hợp ra ngoài khi không thật sự cần thiết theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ.
Tổ công tác tuần tra trên nhiều tuyến đường thuộc Khu Công nghệ cao, Lê Văn Việt, Đình Phong Phú… qua đó xử lý nhắc nhở nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Tại Khu Công nghệ cao, tổ công tác đã yêu cầu nam thanh niên 18 tuổi dừng phương tiện khi phát hiện người này điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Nam thanh niên giải thích từ công ty chạy về nhà vì lâu chưa về thăm nhà. Qua giải thích, người này đồng ý ký biên bản vi phạm lỗi “ra ngoài khi không thật sự cần thiết”. Ngoài ra, tổ công tác còn lập biên bản tạm giữ xe máy vì người vi phạm không xuất trình được giấy tờ xe lẫn bằng lái.
Khi tổ công tác tuần tra đến đường Đình Phong Phú thì bắt gặp 2 thanh niên đang ngồi lề đường nên kiểm tra. Tại đây, thanh niên áo đen cho biết mình đang đợi lấy tiền từ một người bạn. Do trời tối nên anh sợ nguy hiểm và rủ thêm một người em đi cùng.
Qua làm việc, tổ công tác giải thích lý do của anh là không cấp thiết và lập biên bản xử phạt. Ngoài ra, anh cũng không xuất trình được giấy tờ xe nên buộc tổ công tác phải tạm giữ xe theo quy định. Bị tạm giữ phương tiện, anh liên tục năn nỉ và mong CSGT không giữ xe vì đây là phương tiện chính trong gia đình.
Trong tối cùng ngày, tổ công tác cũng tuần tra, nhắc nhở nhiều người đi đường nên hạn chế ra khỏi nhà. Trong đó, lực lượng CSGT lập biên bản 3 trường hợp lỗi “ra ngoài không không thật sự cần thiết” với mức phạt 1-3 triệu đồng.
Đi mua nước mắm, bật khóc vì bị phạt nửa tháng lương
Một người phụ nữ ở Gò Vấp (TP.HCM) đã bật khóc khi bị CSGT thổi phạt vì ‘ra đường không cần thiết’, không đội mũ bảo hiểm. Chị rối rít mong CSGT thông cảm, bỏ qua và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
Người phụ nữ này đã bật khóc khi nghĩ đến mức phạt vì ra đường không cần thiết gần bằng nửa lương của mình, trong khi cả tháng nay chị đã không có việc làm. Tối 14.7, chị chạy xe máy ra đường để đi lấy nước mắm về nấu cơm cho gia đình nhưng không đội mũ bảo hiểm thì bị Tổ công tác CSGT – Trật tự Công an Q.Gò Vấp bắt gặp.
Sau khi nghe chị trình bày lý do và hoàn cảnh, CSGT đã nhắc nhở chị phải đội mũ bảo hiểm khi chạy xe tham gia giao thông, phải mang theo các giấy tờ tùy thân và nhắc chị hạn chế ra đường khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tối 14.7, tổ công tác gồm CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, an ninh Công an Q.Gò Vấp tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận để kiểm tra người dân ra đường không có lý do cần thiết.
Tổ công tác di chuyển lưu động trên nhiều tuyến đường như: Quang Trung, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, đường Cây Trâm,… 7 tổ công tác khác của Công an Q.Gò Vấp được phân công đi các tuyến đường còn lại. Ngoài trường hợp không đội mũ bảo hiểm, tổ tuần tra cũng bắt gặp một số người không mang theo giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe khi lưu thông ngoài đường.
Ông xe ôm bị phạt vì đi giao rau ngày giãn cách
Một người đàn ông bị CSGT TP.HCM thổi phạt không xuất trình được CMND, cà vẹt, bằng lái hay giấy tờ chứng minh ra đường cần thiết cho biết ông làm xe ôm, vừa đi giao rau cho một bếp ăn, lỡ không mang theo giấy tờ.
Với các lỗi này, ông bị CSGT tạm giữ xe. Tới thời điểm lên nhận xe nếu không xuất trình được các giấy tờ liên quan, ngoài 2 triệu vì ra đường không cần thiết, ông có thể bị phạt thêm gần 2 triệu đồng.
Việt Nam mua thêm 2 triệu liều vắc xin Pfizer cho độ tuổi từ 12 đến 18
Ngày 14.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm chủng đối tượng từ 12 - 18 tuổi. Được biết, Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu người trong độ tuổi này.
Phía Pfizer cam kết cung ứng 20 triệu liều trong quý 4 năm nay để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng.
Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết theo hợp đồng đã ký kết, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 7; 3,4 triệu liều trong hai tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vắc xin còn lại sẽ được cung ứng trong các tháng cuối năm nay.
Như vậy, cùng với 20 triệu liều vắc xin Covid-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng trong 3 tháng cuối năm, Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vắc xin Covid-19 cho Việt Nam.
Hơn 900.000 liều vắc xin AstraZeneca đặt mua đã về đến Việt Nam
Sáng 15.7.2021, thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết hơn 921.400 liều vắc xin Covid-19 đặt mua của AstraZeneca của Anh thông qua Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đã về đến Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Chuyến giao vắc xin lần này thể hiện nỗ lực tăng tốc cung ứng vắc xin của AstraZeneca nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc chiến chống lại đại dịch của Việt Nam sau đề nghị gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đây là lần giao vắc xin thứ tư và với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Trước đó, AstraZeneca đã giao 3 đợt, trong đó đợt 1 gồm 117.000 liều, đợt 2 gồm 287.600 liều và đợt 3 gồm 580.000 liều.
Tổng cộng đã có gần 6,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước với Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC)
Với hơn 900.000 liều nhập về trong sáng 15.7, AstraZeneca vẫn là loại vắc xin Covid-19 có số lượng nhiều nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này.
Ngoài nguồn đặt mua, vắc xin AstraZeneca của Anh còn được đưa về Việt Nam theo diện chia sẻ vắc xin của chương trình Covax và viện trợ từ các chính phủ.
Mới nhất, ngày 14.7, Chính phủ Romania đã quyết định tặng Việt Nam 100.000 liều vắc xin Covid-19 Astra Zeneca; đồng thời khẳng định sẽ xem xét việc nhượng lại một lượng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 15.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
giãn cách xã hội
bản tin Covid-19
Covid-19 ngày 15/7
tình hình Covid-19 TP.HCM
chỉ thị 16
ra đường không lý do
Bình luận (0)