Tự động phát
Hành trang chiến sĩ Việt Nam tham gia cứu nạn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Liên quan đến việc các quân nhân Việt Nam tham gia hỗ trợ cứu nạn các nạn nhân trong chuỗi trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 10.2, 76 chiến sĩ thuộc các lực lượng quân đội cùng với nhiều phương tiện đã được giao nhiệm vụ lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng giao Cục Cứu hộ cứu nạn (thuộc Bộ Tổng tham mưu) chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Binh chủng Công binh tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng của quân đội Việt Nam tham gia cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 người. Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần 30 người; Đội Cứu sập thuộc Binh chủng Công binh 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng gồm 9 huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ; bộ phận chỉ huy và các cơ quan với quân số 7 người.
Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị cũng được huy động hỗ trợ cho công tác cứu nạn. Bộ Quốc phòng dự kiến hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ 10 tấn lương khô.
Hành trang chiến sĩ Việt Nam tham gia cứu nạn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi đó, khoảng 12 giờ 30 phút (giờ địa phương - khoảng 16 giờ 30 phút giờ Việt Nam) ngày 10.2, Đoàn công tác cứu nạn quốc tế gồm 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đã đến sân bay ở thành phố Adana thuộc tỉnh Adana của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện của Ban Tổ chức và Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đón Đoàn tại sân bay và chuẩn bị cho đoàn 3 ô tô để di chuyển.
Theo thông tin từ trang Thông tin chính phủ, sau khi tới sân bay, đoàn di chuyển tới thành phố Adiyaman, cách sân bay 300km.
Tại đây, đoàn phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất.
Điều tra vụ 'đưa và nhận hối lộ' tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D ở Hải Dương
Chiều 10.2, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho biết, trước tình trạng vi phạm xảy ra tại hàng loạt các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, qua công tác nắm tình hình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc, điều tra làm rõ sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hôm qua 9.2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra vụ án "đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D, địa chỉ tại xã Liên Hồng, TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương).
Qua quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương phát hiện một số cá nhân làm việc tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D có hành vi nhận hối lộ để cấp phép hoán cải xe cơ giới không đúng quy định cho nhiều phương tiện trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục tập trung điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Đại tướng Tô Lâm gửi thư khen Công an Hà Nội và Công an Đà Nẵng
Ngày 10.2, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, có thư khen gửi Công an TP.Hà Nội và Công an TP.Đà Nẵng và đề nghị 2 địa phương này có hình thức khen thưởng, động viên những cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm cứu người dân gặp nạn.
Theo nội dung thư khen, gần đây, lực lượng công an toàn quốc đã có nhiều hành động dũng cảm cứu giúp, giành lại cuộc sống cho hàng trăm người dân gặp nạn, mang đến hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Điển hình là vào ngày 9.2, ngay sau khi nhận được tin báo về việc một cháu bé bị đuối nước, 3 cán bộ Công an xã Hòa Tiến (H.Hòa Vang, Đà Nẵng) đã kịp thời tiếp cận hiện trường, tìm kiếm cứu nạn và giành lại sự sống cho cháu bé.
Tiếp đó, ngày 10.2, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an H.Ba Vì (Hà Nội) đã giành lại sự sống cho anh Phùng Thế Bản (41 tuổi, trú tại địa bàn) bị rơi xuống giếng sâu hơn 25 m, đường kính chỉ 0,5 m.
Đại tướng Tô Lâm cho rằng, sự có mặt kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ thể hiện tinh thần dũng cảm, không ngại gian khổ, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy khi nhân dân gặp nạn, thể hiện rõ tinh thần "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an".
"Thay mặt Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an, tôi ghi nhận và biểu dương, khen ngợi các đồng chí Công an xã Hòa Tiến và Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an H.Ba Vì về những hành động dũng cảm, cứu người bị nạn", đại tướng Tô Lâm viết trong thư.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị giám đốc công an 2 địa phương có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ có thành thích trong việc cứu giúp nhân dân gặp nạn nêu trên.
Hà Nội tạm cấm đường theo giờ từ 16 - 22.2 để kiểm định cầu Nhật Tân
Sở GTVT Hà Nội vừa chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ kiểm định cầu Nhật Tân. Lực lượng chức năng sẽ lần lượt cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông trên cầu Nhật Tân trong 6 ngày (từ 16 - 22.2).
Trong đó, từ ngày 16.2 - 20.2, cấm toàn bộ các phương tiện trên cầu Nhật Tân hướng từ đường Võ Chí Công đi Võ Nguyên Giáp; ở chiều ngược lại, các phương tiện lưu thông bình thường. Thời gian cấm từ 12 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.
Khi cấm hướng từ Võ Chí Công đi Võ Nguyên Giáp, các phương tiện có thể đi theo 4 hướng, gồm: đường Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn - Phạm Văn Đồng; đường Võ Chí Công - quay đầu tại ngã tư Xuân La - đi đường Hoàng Minh Thảo - Phạm Văn Đồng; đường Võ Chí Công - rẽ phải An Dương Vương quay đầu đi đường Nguyễn Hoàng Tôn, Hoàng Minh Thảo - Phạm Văn Đồng; đường An Dương Vương - đi theo nhánh rẽ trái đi đường Võ Chí Công - đi đường Nguyễn Hoàng Tôn, Hoàng Minh Thảo.
Đến ngày 21 và 22.2, lực lượng chức năng sẽ cấm các phương tiện lưu thông trên cầu Nhật Tân hướng Võ Nguyên Giáp đi Võ Chí Công. Thời gian cấm từ 12 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức cấm xe, phân luồng thành từng đợt, thời gian mỗi lần cấm xe khoảng 40 - 50 phút để thử tải sau đó tiến hành thông xe tạm thời để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông, nhà thầu kiểm định xây dựng kế hoạch, tiến độ, tổ chức rào chắn thi công làm cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí lực lượng chốt trực, hướng dẫn phân luồng đảm bảo giao thông.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng nối Q.Tây Hồ với H.Đông Anh (Hà Nội). Cầu được khánh thành năm 2015, với 8 làn xe, dài khoảng 3,75 km. Tổng mức đầu tư xây cầu Nhật Tân là hơn 13.600 tỉ đồng.
Sở Y tế An Giang thông tin nguyên nhân 88 người bị ngộ độc
Chiều 10.2, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, nguyên nhân 88 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè miễn phí xảy ra tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới do nhiễm khuẩn và độc tố của vi khuẩn (độc tố của Bacillus cereus).
Theo ông Trần Quang Hiền, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh và độc tố của vi sinh. Qua kiểm nghiệm mẫu chè đậu trắng, ngày 10.2, Viện Y tế công cộng TP.HCM đã gửi kết quả kiểm nghiệm và ghi nhận trong mẫu chè có một số chỉ tiêu liên quan đến độc tố của vi khuẩn Bacillus cereus.
Theo một cán bộ công tác trong ngành y tế An Giang, Bacillus cereus là vi sinh vật tiết ra độc tố có hại, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Nếu thức ăn không được bảo quản đúng cách hoặc không được nấu đủ nhiệt độ, vi khuẩn này có thể phát triển và gây ngộ độc.
Bên cạnh đó, nếu thức ăn được chế biến trước và để trữ quá lâu, vi khuẩn có thể phát triển và gây ngộ độc. Hầu hết người bị ngộ độc thực phẩm do Bacillus cereus hồi phục trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu có hệ thống miễn dịch yếu hoặc đang bị tổn thương.
Liên quan vụ việc 88 người ngộ độc sau khi ăn chè miễn phí (trong đó 1 người đã tử vong), chiều 10.2, thông tin từ Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang cho biết, hiện còn 3 bệnh nhân ngộ độc nặng điều trị tại bệnh viện. Tình hình sức khỏe 3 người này chuyển biến rất tốt, dự kiến vài ngày tới xuất viện.
Đám cháy trên tàu Ah Shin được dập tắt hoàn toàn
Ngày 10.2, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đám cháy trên tàu Ah Shin đã được dập tắt hoàn toàn.
Lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị thuyền trưởng và chủ tàu Ah Shin không cho người vào các khu vực tầng hầm hàng nếu không có thiết bị bảo hộ chống độc an toàn, không mở cửa các khoang hàng của tàu tại khu vực xảy ra cháy để giảm thiểu nguy cơ phát sinh cháy.
Như Báo Thanh Niên thông tin trước đó, ngày 4.2, tàu Ah Shin (mang cờ Panama) đang trên đường từ Hàn Quốc đến Singapore thì bị cháy. Sau đó, tàu Ah Shin chuyển hướng về phía cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xử lý đám cháy. Trên tàu lúc này có 21 thuyền viên đều mang quốc tịch Nga.
Tại thời điểm cháy, tàu Ah Shin chở 4.530 ô tô. Đến 3 giờ ngày 5.2, tàu Ah Shin đã giảm máy, thả trôi tại vị trí cách Mũi Vũng Tàu khoảng 25 hải lý về phía đông nam. Để chữa cháy, các thuyền viên trên tàu đã sử dụng hết hệ thống chữa cháy CO2 của tàu.
Nguyên nhân xảy ra cháy trên tàu Ah Shin vẫn chưa rõ. Thiệt hại do sự cố cháy đang được chủ tàu thống kê.
Giá trái cây trên vỉa hè TP.HCM đột ngột rẻ đến bất ngờ
Nhiều người dân TP.HCM bất ngờ với giá cam sành rẻ chưa từng thấy: 10.000 đồng/kg hay 15.000 đồng/2 kg, thậm chí 6.000 đồng/kg cũng có. Trên đường Bà Hạt (Q.10), những chiếc xe bán cam sành với giá siêu rẻ thường xuyên hút khách.
Bà Thu Hường, một khách hàng đang lựa mua cam, chia sẻ: "Thường trước đây, giá cam sành có rẻ lắm cũng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thấy bán xe đẩy vậy thôi chứ cam rất tươi, ngon ngọt mà lại quá rẻ, không mua cũng tiếc. Ở đây giá còn thế này, không biết ở vườn giá thấp cỡ nào, thôi coi như vừa mua hàng giá rẻ mình cũng có lợi, vừa ủng hộ bà con nông dân".
Giá trái cây trên vỉa hè TP.HCM đột ngột rẻ đến bất ngờ
Theo khảo sát của PV ở nhiều chợ truyền thống, ngoài cam sành, không ít loại trái cây có giá từ 10.000 đồng/kg trở xuống như: mận An Phước, xoài Đài Loan, quýt đường, dưa hấu Long An, ổi Đài Loan; hay dừa xiêm Bến Tre 15.000 đồng/2 trái…
Hiện tại, nhiều nhà vườn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp đang thu hoạch cam sành. Nhiều nhà vườn cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, đặc biệt là mưa nhiều nên năng suất tăng so với trung bình nhiều năm trước. Nhưng giá cả đầu ra lại rất đáng buồn.
Chị Nguyễn Thu Hiền, ở Tam Bình (Vĩnh Long), cho biết cam 5.000 - 6.000 đồng/kg là giá của các vựa giao khách lẻ vài chục đến 100 kg, nếu từ vài trăm ký trở lên giá còn thấp hơn nhiều. Còn giá tại vườn hoặc tính theo tấn chỉ khoảng 3.000 đồng/kg.
"Hiện nay hàng đi thành phố tuy số lượng lớn nhưng rất chậm, chủ yếu bán qua mạng rồi gửi xe về các tỉnh miền Trung, Tây nguyên khá nhiều", chị Hiền nói.
Cập nhật thông tin động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Theo thông tin từ đài CNN, số người chết sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện đã tăng lên khoảng 24.000 người và hơn 85.000 người bị thương. Con số này dự báo vẫn tiếp tục tăng thêm.
Theo tờ The Guardian, nhiệt độ vẫn dưới mức đóng băng trên khắp khu vực rộng lớn và nhiều người không có nơi trú ẩn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phân phát hàng triệu bữa ăn nóng, cũng như lều và chăn, nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người gặp nạn.
Nga gia tăng tấn công ở Donbass, tập kích tên lửa, UAV vào nhiều mục tiêu Ukraine
Nga đang đẩy mạnh tấn công từ phía tây khu vực Kreminna hiện do lực lượng nước này kiểm soát ở phía đông bắc Ukraine. Lực lượng Ukraine đã tìm cách cố gắng cắt đứt tuyến đường trọng yếu giữa Kreminna và Svatove đến phía bắc.
Viết trên mạng xã hội, ông Haidai cho biết "Những binh sĩ của chúng ta ở đó đang liên tục đẩy lùi những đợt tấn công của đối phương. Họ (phía Nga) không đạt nhiều thành công và không có đột phá. Tình hình khó khăn nhưng vẫn được kiểm soát bởi lực lượng phòng vệ của chúng ta".
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cũng ghi nhận sự gia tăng tấn công của lực lượng Nga. Trong khi đó, một số nhà quan sát quân sự Nga tỏ ra thận trọng về diễn biến mới.
Theo tờ The Guardian, Nga vừa tấn công tên lửa và UAV nhằm vào các mục tiêu ở miền đông và miền nam Ukraine.
Thông tin chưa được xác nhận cho biết có khoảng 30-40 UAV phóng từ Mariupol. Đợt tấn công diễn ra trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang công du châu Âu tìm kiếm sự hỗ trợ.
Nga chưa bình luận về những thông tin trên. Phương Tây cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công lớn tại Ukraine, có thể là đầu tuần tới, trước khi tròn 1 năm ngày bắt đầu chiến dịch (24.2).
Phần Lan có thể sẽ không 'nắm tay' Thụy Điển cùng bước vào NATO?
Động thái trên diễn ra giữa lúc chính phủ Phần Lan đang đối mặt với những lời kêu gọi rằng họ nên bỏ lại Thụy Điển để có thể sớm bước chân vào NATO, do nỗ lực của Stockholm đang gặp bế tắc vì sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters.
Hai quốc gia Bắc Âu đã quyết tâm trở thành thành viên của NATO ngay sau khi xung đột Nga - Urkaine bùng nổ vào tháng 2 năm ngoái. Trong khi hầu hết các quốc gia thuộc liên minh đã phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa chính thức chấp thuận.
Về mặt chính thức, Phần Lan đã tái khẳng định hết lần này đến lần khác rằng họ muốn gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển.
Thụy Điển là đồng minh quốc phòng thân cận nhất của Phần Lan. Trong trường hợp Phần Lan xảy ra xung đột với Nga - hai nước có đường biên giới chung dài 1.300 km, NATO sẽ cần lãnh thổ của Thụy Điển để giúp Phần Lan tự vệ, chẳng hạn như về mặt hậu cần.
Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.
"Xem nhanh 12h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 12.2.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)