Xử lý xây dựng không phép, ông Nguyễn Thành Phong: 'Không có nhân nhượng'

22/10/2019 10:42 GMT+7

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trước vấn nạn xây dựng trái phép, xây dựng không phép mà Báo Thanh Niên vừa phản ánh.

Sáng nay 22.10, tại cuộc họp kinh tế - xã hội quý 4/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhắc đến vấn nạn xây dựng trái phép ở Q.Thủ Đức gây bất bình dư luận, mà Báo Thanh Niên vừa phản ánh qua loạt bài điều tra: Vì sao Thủ Đức thành 'điểm nóng' xây dựng trái phép?: 'Quan' làm sai sao nói được dân!
Theo ông Nguyễn Thành Phong, ngăn chặn, xử lý xây dựng trái phép, xây dựng không phép..., là vấn đề được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Tháng 7.2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp ở TP.HCM, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Phường, xã và thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư quận ủy, huyện ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy; các chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc triển khai chỉ thị này.
Đối với các đối tượng đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật, cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh...

Quan điểm của tôi là không có nhân nhượng, phải xử lý nghiêm khắc

Ông Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm về vấn nạn xây dựng không phép

Song song đó, ông Nguyễn Thành Phong cho hay UBND thành phố cũng đã có rất nhiều chỉ đạo, tổ chức họp trực tuyến với 24 quận, huyện, các sở ngành...
Thế nhưng, tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp. "Lãnh đạo thành phố thì như vậy (ý nói quyết liệt chỉ đạo xử lý, ngăn chặn - PV) mà tình hình ở dưới vẫn xảy ra xây dựng trái phép, không phép nên các đồng chí cần phải xem lại", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong đề cập đến việc xử lý xây dựng trái phép ở H.Bình Chánh, chỉ mới xử lý trách nhiệm cấp dưới, còn UBND huyện thì chưa, trách nhiệm của các ủy viên Ban Thường vụ cũng chưa. Do vậy, vấn đề này cần phải xem xét lại.
Sau khi nhắc lại "điểm nóng" xây dựng trái phép, không phép ở địa bàn Q.Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định sai phạm mức độ nào, thì xử lý nghiêm khắc mức độ đó, không có bao che.
"Quan điểm của tôi là không có nhân nhượng, phải xử lý nghiêm khắc", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định thêm.
Trước cuộc họp, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc, không bao che cán bộ sai phạm trong vụ xây dựng không phép ở Q.Thủ Đức mà Thanh Niên phản ánh qua loạt bài điều tra: Vì sao Thủ Đức thành 'điểm nóng' xây dựng trái phép?: 'Quan' làm sai sao nói được dân!

Toàn cảnh khu nhà xưởng xây dựng không phép trên khu đất gia đình ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch Thường trực HĐND Q.Thủ Đức, TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Tháo gỡ thủ tục nhà đất trì trệ

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so cùng kỳ, chủ yếu do lĩnh vực xây dựng (chiếm 4,1% GRDP) giảm 0,5 so cùng kỳ. 
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, TP.HCM thu ngân sách liên tục tăng; 9 tháng đầu năm 2019 ước thu đã lên đến hơn 287.000 tỉ đồng, đạt gần 72% dự toán cả năm 2019 (cả năm 2019 dự toán thu xấp xỉ 400.000 tỉ đồng). 
Liên quan đến vấn đề thủ tục nhà đất trì trệ, dẫn đến ảnh hưởng lớn về tăng trưởng kinh tế, khiến doanh nghiệp khốn đốn mà Thanh Niên từng phản ánh qua loạt bài Thoát khỏi thủ tục trì trệ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN - MT cho biết, trong 124 dự án ách tắc về thủ tục, đã cơ bản giải quyết thủ tục 98 để tiếp tục triển khai; còn 26 dự án đang làm các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục có liên quan.
Cũng liên quan đến thủ tục nhà đất trì trệ, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết 3 tháng vừa qua, Sở đã tiếp tục rà soát, và sắp tới sẽ đề xuất danh mục các dự án cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục nhà đất, cấp phép xây dựng...
Theo ông Lê Hòa Bình, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án nhà ở thương mại là quy định phải có 100% đất ở. Trong khi đó, hầu hết các dự án đều có quỹ đất hỗn hợp (đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất kinh doanh, kho, xưởng, văn phòng, đất thuộc sở hữu của chủ đầu tư xen lẫn đất có nguồn gốc nhà nước quản lý).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.