Bản tin Covid-19 ngày 15.12: Biến thể Omicron đã ở “sát nách” Việt Nam

15/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 15.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 15.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.527 ca nhiễm mới, 2.992 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 15.12 cho biết tính từ 16h ngày 14.12 đến 16h ngày 15.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.527 ca nhiễm mới, 2.992 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 283 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 28.616 ca.

Ngày 15.12: Cả nước 15.527 ca Covid-19, 2.992 ca khỏi | TP.HCM 1.270 ca

Thông tin về 15.527 ca nhiễm mới như sau:

  • 5 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 15.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 319 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.940 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.270), Cà Mau (1.072), Bến Tre (1.035), Hà Nội (1.024), Tây Ninh (922), Đồng Tháp (732), Cần Thơ (720), Vĩnh Long (594), Khánh Hòa (593), Sóc Trăng (579), Bạc Liêu (505), Đồng Nai (464), Tiền Giang (411), Bình Dương (371), Trà Vinh (360), Kiên Giang (353), Hậu Giang (341), Thừa Thiên Huế (329), Bình Phước (316), Bắc Ninh (300), An Giang (294), Bình Thuận (266), Lâm Đồng (257), Bà Rịa - Vũng Tàu (238), Đà Nẵng (236), Bình Định (190), Gia Lai (164), Phú Yên (135), Thanh Hóa (129), Hải Phòng (116), Quảng Nam (115), Nghệ An (113), Hưng Yên (96), Long An (82), Thái Bình (62), Quảng Ngãi (60), Hà Giang (53), Hòa Bình (52), Ninh Thuận (51), Đắk Lắk (51), Lạng Sơn (50), Quảng Ninh (49), Đắk Nông (49), Phú Thọ (41), Hải Dương (41), Nam Định (36), Vĩnh Phúc (33), Thái Nguyên (33), Quảng Bình (26), Kon Tum (23), Sơn La (23), Bắc Giang (16), Tuyên Quang (12), Hà Nam (11), Hà Tĩnh (9), Lào Cai (7), Điện Biên (4), Quảng Trị (3), Yên Bái (3), Bắc Kạn (1), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (-591), Bình Định (-278), Hải Phòng (-266).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+462), TP.HCM (+279), Hà Nội (+187).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.274 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.459.175 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.798 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.453.729 ca, trong đó có 1.060.611 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (490.435), Bình Dương (288.279), Đồng Nai (93.375), Tây Ninh (41.468), Long An (39.474).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.992 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.063.428 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.822 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.332 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.343 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 160 ca
  • Thở máy xâm lấn: 967 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 14.12 đến 17h30 ngày 15.12 ghi nhận 283 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (74) trong đó có 11 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (4), Đồng Nai (3), Long An (2), Bình Dương (1), Phú Yên (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (27), Bình Dương (25), Đồng Nai (22), Tiền Giang (18), Cần Thơ (23 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (15 ca trong 2 ngày), Long An (10), Sóc Trăng (9), Tây Ninh (9), Đồng Tháp (9), Bình Thuận (7), Kiên Giang (7), Bạc Liêu (5), Khánh Hòa (4), Bến Tre (3), Cà Mau (3), Hải Phòng (3), Trà Vinh (3), Bình Định (2), Bình Phước (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 241 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.616 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 120.640 mẫu xét nghiệm cho 299.463 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 28.236.001 mẫu cho 71.771.988 lượt người.

Trong ngày 14.12 có 568.806 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 135.202.794 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.140.181 liều, tiêm mũi 2 là 59.003.177 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.059.436 liều.

Vì sao dịch Covid-19 ở Hà Nội 'lập đỉnh'?

Theo thống kê của Bộ Y tế, lần đầu tiên, số ca Covid-19 vào ngày 13.12 của Hà Nội nhiều nhất cả nước với trên 1.000 ca, đánh dấu đỉnh dịch của thành phố trong đợt dịch thứ 4. Hà Nội thậm chí đã xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 lên đến 2.000 - 3.000 ca/ngày.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 14.12.2021 thành phố ghi nhận 900 ca mắc Covid-19 mới. Đây tiếp tục là ngày Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay theo thống kê của Sở Y tế thành phố.

900 ca mắc mới ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 14.12 gồm: 447 ca phát hiện trong khu cách ly, 138 ca trong khu phong toả và 315 ca trong cộng đồng.

Vì sao số ca F0 tại Hà Nội lại tăng vọt nhanh chóng, từ mốc vài trăm ca lên đến nghìn ca/ngày, trong khi một số vùng dịch phía nam đang giảm khá nhanh?

Vì sao dịch Covid-19 ở Hà Nội 'lập đỉnh'?

Tâm lý chủ quan

Trong 2 tháng tính từ 11.10 - 13.12, Hà Nội đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng từ ngày 6.12 - 12.12 đã phát hiện thêm 4.550 ca (ngày 12.12 lên tới gần 900 ca). Hà Nội hiện còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh. Số ca mắc mới tại thành phố từ mốc chỉ 100 - 200 ca/ngày vào đầu tháng 11 đã tăng lên 500 ca/ngày vào đầu tháng 12, và tăng lên 900 - 1.000 ca/ngày trong hơn 10 ngày sau đó.

Thông tin với báo chí hôm 14.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá tâm lý chủ quan của người dân còn phổ biến, nhất là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà.

Trước đó, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định nguyên nhân số F0 tăng cao, nhất là các ca cộng đồng, là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng; giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông - xuân thuận lợi để vi rút phát triển; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin...

Hà Nội vẫn duy trì dịch ở cấp độ 2 (màu vàng), song ở quận Đống Đa, 13 xã, phường đã chuyển lên cấp độ 3 (màu cam). Trước diễn biến dịch phức tạp, UBND Q.Đống Đa đã phải siết lại các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, hàng quán chỉ được bán mang về, người dân không ra đường khi không cần thiết...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết thành phố đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh. Đặc biệt, thành phố yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 ca và 3.000 ca/ngày.

Các cơ sở điều trị quá tải

Theo thống kê, Hà Nội có 9.463 F0 đang điều trị, trong đó có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà. Riêng số F1 cách ly tại nhà tính đến 9.12 là hơn 21.000 người và đang tăng lên nhanh chóng. Dù Hà Nội khẳng định dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, song số F0, F1 tăng nhanh cùng việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà lại đang dồn gánh nặng lên y tế cơ sở vốn rất thiếu nhân lực.

Ở Hà Nội đã xuất hiện tình trạng F0 được xác định dương tính nhưng chậm được đưa đi điều trị. Cụ thể, cư dân tại tòa HH3A, chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phản ánh F0 được xác định từ 11.12 nhưng đến chiều 14.12 vẫn chưa được đi điều trị. Lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết chiều tối 14.12, cơ quan chức năng đã đưa 1 F0 tại chung cư HH3A đi điều trị. Cũng theo lãnh đạo phường Hoàng Liệt, do số lượng F0 trên địa bàn tăng nhanh nên các cơ sở thu dung, điều trị của quận và TP quá tải, phải chờ bố trí chỗ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm y tế quận Hà Đông cho biết quận này có 183 F0 đang điều trị tại nhà cũng như khu thu dung tại Trường ĐH Đại Nam, ngoài ra có hơn 300 F1 đang cách ly tại nhà. Ông Trương Kỳ Phong cho biết toàn quận có 17 trạm y tế, mỗi trạm trung bình có 7 - 8 nhân lực và phải làm rất nhiều việc từ tiêm chủng, truy vết đến theo dõi F1 cách ly tại nhà…

Dù đã huy động thêm các lực lượng hỗ trợ vòng ngoài như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, song chỉ hỗ trợ được một phần. Thành phố Hà Nội đã có chính sách huy động lực lượng y tế đã nghỉ hưu hay sinh viên mới ra trường, song chưa có cơ chế hợp đồng làm việc (đơn vị có thu được ký hợp đồng làm việc, trong khi trạm y tế không phải đơn vị có thu). Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo y tế quận Hà Đông là được bố trí đủ nhân lực khi số F1, F0 tiếp tục tăng. Mặt khác, việc cách ly F1 hay điều trị F0 tại nhà cần sự phối hợp rất lớn của người dân, đặc biệt trong việc giữ an toàn không lây lan ra cộng đồng.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết các trạm y tế tuyến cơ sở đang quá tải khi số ca Covid-19 gia tăng. Những phường đông dân tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa với trên 30.000 dân nhưng chỉ có 5 - 10 cán bộ y tế. Thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp làm ngành y tế gặp nhiều khó khăn.

Cần rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước

PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), nhìn nhận có nhiều người mang mầm bệnh là các F0 nhưng không triệu chứng; khi mật độ tiếp xúc cao sẽ dễ dàng lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng. Vừa qua, Hà Nội đã có ổ dịch là những người dự đám cưới, tham gia tập trung đông người.

Theo ông Trần Đắc Phu, ca bệnh tại Hà Nội có thể tăng hơn nữa với diễn biến như gần đây. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết dịch Covid-19 tại Hà Nội đã được kiểm soát nhưng nếu không có biện pháp khống chế thì có thể sẽ tăng mạnh. Khi F0 tăng cao thì cũng kéo theo các ca nặng tăng lên, dễ dẫn đến quá tải các cơ sở điều trị. Ngay cả khi F0 nhẹ tăng cao, nhân viên y tế cơ sở cũng quá tải, rất khó khăn để theo dõi sát, khi có ca nặng có thể không đánh giá hoặc chuyển viện kịp thời, tăng nguy cơ tử vong.

Theo ông Trần Đắc Phu, chủng Delta hiện vẫn là tác nhân lây truyền mạnh, rất dễ lây khi tiếp xúc gần, tại những nơi tập trung đông người, trong không gian kín… Biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập, mà Hà Nội là nơi có các cửa khẩu đón người nhập cảnh, do đó dịch tại Hà Nội còn phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, các dịp lễ, hội, kỳ nghỉ cuối năm không tập trung đông; không đi lại khi không thật cần thiết. Các yếu tố nguy cơ càng hạn chế càng tốt, giảm thấp nhất lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng và bùng phát. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh xác định sống chung với Covid-19 không có nghĩa là cho phép chủ quan, mà luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K.

Hà Nội sẽ "không phong tỏa diện rộng"

Thông tin với báo chí sau Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra sáng 15.12.2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 mắc Covid-19 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Hà Nội sẽ "không phong tỏa diện rộng"

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, số bệnh nhân Covid-19 mới phát sinh bình quân 1 tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong 1 tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ví dụ như phường Hoàng Liệt (thuộc quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 90.000 người mà chỉ có 1 trạm y tế phường, phải tính toán sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.

Ngành y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh.

Trước mắt, Thành uỷ Hà Nội giao UBND thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải. Xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu không để vì chủ quan trong những dịp lễ lớn như Giáng sinh, tết Dương lịch làm dịch lan rộng trên địa bàn.

Liên quan đến việc đưa học sinh trở lại trường học, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị do tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu, nên các địa phương chưa tổ chức đi học cho học sinh chưa được tiêm vắc xin.

Hiện tại, thành phố chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi đã khá cao. Các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể.

9 lô vắc xin Pfizer được Bộ Y tế gia hạn sử dụng

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (gọi tắt là NIHE) vừa có Công văn 2916 gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương thông báo gia hạn 9 lô vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech.Tại Công văn 2916 lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết theo văn bản số 12926 ban hành ngày 22.10.2021 của Cục Quản lý dược ( thuộc Bộ Y tế) về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty (Pfizer) nhập khẩu về Việt Nam, áp dụng hạn dùng mới 9 tháng đối với các lô vắc xin có hạn dùng 6 tháng in trên nhãn (tăng thêm 3 tháng so với hạn dùng in trên nhãn), thời gian áp dụng từ ngày 22.10.2021.

9 lô vắc xin Pfizer được Bộ Y tế gia hạn sử dụng

Căn cứ theo văn bản số PFZ/1824-2111/REG và thư ngày 8.12.2021 của Công ty TNHH Pfizer Việt Nam về hạn dùng của 9 lô vắc xin 124001, 123002, 126001, 123001, 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, PCA0021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị CDC các tỉnh, thành thông báo tới các đơn vị, điểm tiêm áp dụng hạn dùng của các lô vắc xin Pfizer này theo thông tin tại Phụ lục 1 kèm theo Công văn 2916.CDC các tỉnh, thành chỉ đạo cán bộ y tế tư vấn kỹ cho đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ em đầy đủ thông tin, tránh hiểu sai về hạn dùng của vắc xin nêu trên. CDC các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vắc xin được phân bổ tại các Quyết định 1595 và Quyết định số 1712 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành ngày 9.12.2021 cho các đối tượng trên địa bàn trong thời gian sớm nhất, không để hủy bỏ vắc xin do hết hạn sử dụng.Trong 9 lô vắc xin trong danh sách gia hạn sử dụng tại Công văn 2916, có 2 lô 124001 và 123002 đã được Bộ Y tế thông báo gia hạn trước đó.Về lý do gia hạn vắc xin Pfizer, GS-TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ ngày 22.8 vừa qua, vắc xin Pfizer đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) ngày 10.9 thông qua hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết thêm việc tăng hạn sử dụng của vắc xin Pfizer được dựa trên kết quả nghiên cứu độ ổn định theo hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học.

Nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau, kết quả cho thấy vắc xin đã có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng kể từ ngày sản xuất. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu và được sử dụng cho tất cả các đối tượng, bao gồm trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Các lô vắc xin Pfizer có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng sau thời gian FDA và EMA phê duyệt.

Trên cơ sở kết luận của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA), ngày 30.9, Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc của Việt Nam đã chính thức thông qua việc kéo dài hạn sử dụng đối với vắc xin của Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.

Đến thời điểm này, có 9 lô vắc xin Pfizer nhập khẩu được Bộ Y tế gia hạn từ 6 tháng lên 9 tháng. Cụ thể, số lô và hạn sử dụng trên nhãn:

  • Lô vắc xin 124001 gia hạn sử dụng từ ngày 30.11.2021 sang ngày 28.2.2022
  • Lô vắc xin 123002 gia hạn sử dụng từ ngày 30.11.2021 sang ngày 28.2.2022
  • Lô vắc xin 126001 gia hạn sử dụng từ ngày 30.11.2021 sang ngày 28.2.2022
  • Lô vắc xin 123001 gia hạn sử dụng từ ngày 30.11.2021 sang ngày 28.2.2022
  • Lô vắc xin 128002 gia hạn sử dụng từ ngày 31.12.2021 sang ngày 31.3.2022
  • Lô vắc xin 129001 gia hạn sử dụng từ ngày 31.12.2021 sang ngày 31.3.2022
  • Lô vắc xin PCA0006 gia hạn sử dụng từ ngày 31.12.2021 sang ngày 31.3.2022
  • Lô vắc xin PCA0017 gia hạn sử dụng từ ngày 31.12.2021 sang ngày 31.3.2022
  • Lô vắc xin PCA0021 gia hạn sử dụng từ ngày 31.1.2022 sang ngày 30.4.2022.

Đề xuất bỏ cách ly tập trung khách quốc tế có 'thẻ xanh'

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản góp ý tới Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải liên quan đến quy định cách ly với người nhập cảnh qua đường hàng không.Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã nới lỏng chính sách nhập cảnh để tạo điều kiện cho công dân được về nước, thu hút khách quốc tế đến du lịch, kinh doanh, làm việc...

Đề xuất bỏ cách ly tập trung khách quốc tế có 'thẻ xanh', xét nghiệm âm tính với Covid-19

Đặc biệt, một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Campuchia...) cũng đã mở cửa, miễn cách ly đối với hành khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hành khách đến các nước này không bị hạn chế đối tượng, mục đích, các hãng hàng không được lập kế hoạch bay thường lệ.

Về kiểm soát y tế, điểm chung trong chính sách của các nước là chỉ cần yêu cầu hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin, xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước chuyến bay. Sau khi nhập cảnh, hành khách cũng được xét nghiệm ngay tại sân bay (như ở Singapore) hoặc đợi xét nghiệm 1 ngày tại khách sạn (ở Thái Lan) là được đi lại tự do trong nước.

Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hơn 70% khách cho biết sẽ không du lịch tới các quốc gia có yêu cầu cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh.

Tại Việt Nam, hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã đạt ở mức cao (tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi là 96,4% và tiêm đủ 2 mũi là 76,5%).

Vì thế, góp ý cho dự thảo quy định với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị sửa đổi nhiều quy định. Cụ thể, với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19, trong 3 ngày đầu nhập cảnh chỉ cần tự kiểm tra sức khỏe tại nhà, được phép tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm PCR. Trước đó, Bộ Y tế đề xuất với hành khách đã tiêm đủ vắc xin hoặc khỏi Covid-19 phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, không được tiếp xúc với người khác...

Ngoài ra, đối với người nhập cảnh chưa tiêm đủ liều vắc xin, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị bổ sung quy định nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, tránh khó khăn khi triển khai thực tế.

Về đối tượng nhập cảnh, dự thảo của Bộ Y tế mới chỉ đề cập tới đối tượng là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân, chưa đề cập tới khách quốc tịch nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam (để du lịch, kinh doanh, làm việc…).

Trong văn bản của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Campuchia…) đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, VABA nhận thấy Việt Nam rất cần mở rộng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam làm việc, đầu tư, du lịch… tránh bị tụt hậu sâu thêm, bị mất thị trường, mất lợi thế cạnh tranh về du lịch, điểm đến.

Hiệp hội này đề nghị Bộ Y tế bổ sung đối tượng là khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, quy định không cách ly tập trung đối với khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi bay.

Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đến dự thảo phòng chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh qua đường hàng không. Điểm mới nhất trong dự thảo phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế để chuẩn bị cho việc mở lại bay quốc tế từ đầu năm 2022 là hành khách tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 chỉ cần cách ly tại nơi cư trú 3 ngày.

Lần đầu tiên phát hiện biến thể Omicron tại Campuchia

Ngày 15.12, Bộ Y tế Campuchia cho biết vừa phát hiện ca mắc biến thể Omicron đầu tiên ở nước này, là một người phụ nữ trở về từ Ghana.

Lần đầu tiên phát hiện biến thể Omicron tại Campuchia

Reuters dẫn thông báo từ Bộ Y tế Campuchia cho hay người phụ nữ, 23 tuổi, trở về từ Ghana thông qua Dubai và Bangkok. Người phụ nữ, mang thai 15 tuần, đã được đưa đến bệnh viện.

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Hồng Kông hồi tháng 11. Tính đến nay đã có hơn 70 quốc gia ghi nhận ca mắc Omicron.

Ngày 14.12, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 12 ca nhiễm Covid-19 mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong lên lần lượt 120.382 và 2.992, theo cổng thông tin Fresh News.

Hồi tháng 11, Campuchia đã tái mở cửa biên giới đối với những du khách đã tiêm vắc xin sau khi đạt một trong những tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất châu Á, với hơn 88% của tổng số 16 triệu dân đã được tiêm.

Omicron lây lan nhanh, đáng báo động dù chỉ gây bệnh nhẹ

Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia. Ngay cả khi chủng này chỉ gây bệnh nhẹ - điều mà đến nay chưa có kết luận chắc chắn - thì vẫn có nghĩa là nhiều người có thể phải nhập viện và thậm chí tử vong.

Omicron lây lan nhanh, đáng báo động dù chỉ gây bệnh nhẹ

Thế giới hôm 13.12 ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan biến thể Omicron. Trường hợp này xảy ra tại Anh, nơi đã có gần 5.000 ca nhiễm chủng Omicron được ghi nhận.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Omicron lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta ở Nam Phi, nơi chủng Delta ít lưu hành. Nhưng Omicron cũng có vẻ lây lan nhanh hơn Delta ở những nơi mà Delta đang là chủng trội, chẳng hạn như Anh".

Theo WHO, với dữ liệu hiện tại, có khả năng Omicron sẽ vượt xa Delta trong lây lan ở cộng đồng.

Hiện vẫn chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể mới, mặc dù hầu hết các trường hợp được chẩn đoán cho đến nay đều chỉ bị triệu chứng nhẹ. Dù điều này nghe có vẻ yên tâm. Nhưng nếu Omicron dễ lây lan hơn Delta và các biến thể trước đó, đồng thời có khả năng né tránh kháng thể tạo ra nhờ vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó, thì nhiều người sẽ bị lây nhiễm hơn, đồng nghĩa với khả năng số ca nhập viện và tử vong sẽ tăng lên.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javic hôm 13.12 cho biết: "Những điều chúng ta biết về Omicron là nó đang lây truyền với tốc độ rất nhanh mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối mặt với đợt sóng triều về lây nhiễm. Một lần nữa lại có cuộc chạy đua giữa vắc xin và virus".

Câu hỏi quan trọng hiện còn chưa rõ là Omicron sẽ có tác động ra sao với nhóm người có nguy cơ, như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và người có bệnh nền.

Vắc xin giảm hiệu quả

Cập nhật mới nhất của WHO cũng cho rằng biến thể Omicron, với số lượng đột biến cao bất thường, có thể vượt qua kháng thể do vắc xin hay nhiễm bệnh trước đó tạo ra.

Đã tiêm rồi vẫn nhiễm

Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford được công bố hôm 13.12 chỉ ra rằng hai loại vắc xin ngừa Covid-19 phổ biến là AstraZeneca và Pfizer/BioNTech suy giảm bảo vệ trước chủng Omicron với 2 mũi tiêm tiêu chuẩn.

Theo nhóm nghiên cứu này, "hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng giảm mạnh khi gặp chủng Omicron, so với chủng Delta".

Một số báo cáo chỉ ra rằng một số bệnh nhân nhiễm Omicron đã được tiêm ngừa hoặc tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc tiêm vắc xin, đặc biệt là sau liều tăng cường, có tác dụng bảo vệ tốt chống bệnh nặng.

Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố, có 79% người nhiễm Omicron ở Mỹ đã tiêm đủ vắc xin, trong đó có 14 người đã tiêm liều tăng cường. Nhưng hầu hết các ca nhiễm này đều có triệu chứng nhẹ và trung bình, chỉ có một ca nhập viện và chưa có ca tử vong nào.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy tín hiệu khả quan rằng mũi vắc xin tăng cường có thể làm tăng khả năng vô hiệu hóa biến thể Omicron.

Theo phân tích số liệu thực tế của 581 người nhiễm Omicron, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) nhận thấy sau khi tiêm mũi 3 vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng sau khi nhiễm Omicron đạt mức 70-75%, gấp khoảng 3 lần so với chỉ tiêm 2 liều.

Một nghiên cứu tại Israel cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu này so sánh mẫu máu của 20 người đã tiêm 2 mũi vắc xin cách đây 5 - 6 tháng và 20 người đã tiêm mũi 3 cách đây 1 tháng. Kết quả cho thấy sau khi tiêm mũi 3 vắc xin Pfizer, khả năng vô hiệu hóa biến thể Omicron tăng lên khoảng 100 lần.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 15.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.