Bản tin Covid-19 ngày 16.12: Cả nước 34.062 ca mới | TP.HCM cần chi viện khẩn 3.000 y bác sĩ

16/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 16.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 16.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 34.062 ca Covid-19, 1.033 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 16.12 cho biết tính từ 16h ngày 15.12 đến 16h ngày 16.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới.

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin cho 18.792 ca nhiễm trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 được công bố trong ngày 16.12 là 34.062 ca.

Bản tin cũng thông báo về 241 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 28.857 ca.

Ngày 16.12: Cả nước 34.062 ca Covid-19, 1.033 ca khỏi | TP.HCM 1.175 ca

Thông tin về 34.062 ca nhiễm mới vừa được công bố như sau:

  • 3 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 15.267 ca ghi nhận trong nước (giảm 255 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng). Gồm: Cà Mau (1.339), TP.HCM (1.175), Tây Ninh (932), Bình Phước (880), Đồng Tháp (795), Bến Tre (760), Cần Thơ (728), Khánh Hòa (598), Vĩnh Long (597), Bạc Liêu (516), Đồng Nai (479), Hà Nội (423), Trà Vinh (421), An Giang (387), Bình Định (338), Sóc Trăng (334), Tiền Giang (330), Hải Phòng (330), Hậu Giang (313), Bình Dương (275), Kiên Giang (267), Bà Rịa - Vũng Tàu (260), Thừa Thiên-Huế (253), Bắc Ninh (252), Đà Nẵng (212), Lâm Đồng (181), Quảng Ngãi (179), Thanh Hóa (157), Đắk Lắk (152), Bình Thuận (150), Gia Lai (128), Quảng Ninh (117), Quảng Nam (106), Lạng Sơn (95), Nghệ An (83), Phú Yên (75), Hà Giang (69), Long An (65), Thái Bình (52), Ninh Thuận (49), Quảng Bình (49), Hưng Yên (46), Thái Nguyên (39), Hòa Bình (34), Quảng Trị (31), Nam Định (29), Tuyên Quang (25), Sơn La (25), Đắk Nông (24), Phú Thọ (24), Vĩnh Phúc (21), Hà Nam (19), Bắc Giang (19), Hà Tĩnh (10), Lào Cai (7), Yên Bái (4), Kon Tum (4), Điện Biên (2), Bắc Kạn (2), Lai Châu (1).
  • Ngày 16.12.2021, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin cho 18.792 ca nhiễm trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Tây Ninh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-601), Bến Tre (-275), Sóc Trăng (-245).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+564), Cà Mau (+267), Hải Phòng (+214).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.269 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.493.237 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.143 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.487.788 ca, trong đó có 1.061.644 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (491.610), Bình Dương (288.554), Đồng Nai (93.854), Tây Ninh (61.192), Long An (39.466).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.033 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.064.461 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.852 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.402 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.271 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 193 ca
  • Thở máy xâm lấn: 967 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 15.12 đến 17h30 ngày 16.12 ghi nhận 241 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (65) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (3), Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Tây Ninh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26), An Giang (20), Tây Ninh (19), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Cần Thơ (12), Đồng Tháp (10), Kiên Giang (10), Sóc Trăng (9), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (6), Long An (5), Trà Vinh (4), Bạc Liêu (4), Bình Định (3), Bình Phước (3), Cà Mau (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (2), Quảng Ngãi (1), Khánh Hòa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 239 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.857 ca, chiếm tỉ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 119.549 mẫu xét nghiệm cho 142.729 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 28.355.550 mẫu cho 71.914.717 lượt người.

Trong ngày 15.12 có 501.084 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 135.736.968 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.215.180 liều, tiêm mũi 2 là 59.423.563 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.098.225 liều.

TP.HCM gửi công văn khẩn, cần chi viện 1.000 bác sĩ, 2.000 điều dưỡng để chống Covid-19

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa có công văn khẩn gửi Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM gửi công văn khẩn, cần chi viện 1.000 bác sĩ, 2.000 điều dưỡng để chống Covid-19

Theo UBND TP.HCM, hiện tình hình dịch Covid-19 tại thành phố có chiều hướng gia tăng, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng khá cao.

TP.HCM vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện hồi sức Covid-19, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (vừa bàn giao về cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để làm bệnh viện dã chiến 3 tầng).

Tuy nhiên, một số bệnh viện, Trung tâm hồi sức Covid-19 cần bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Cụ thể, TP.HCM cần 1.000 bác sĩ, trong đó cần 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức, cấp cứu. Ngoài ra, TP.HCM cần 2.000 điều dưỡng, trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu.

Đồng thời, TP.HCM tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Thành phố rất mong Bộ Y tế tiếp tục quan tâm và sớm hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 trong ngày 15.12 là hơn 1.000 ca. Như vậy, tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở bệnh viện tầng 2, tầng 3 là gần 12.000 ca. Trong đó, số ca tầng 3 là hơn 1.600 ca, chiếm tỉ lệ 13,7% so với các ca đang nằm viện tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Mặc dù số ca nhập viện và tổng số ca nằm tầng 2, 3 có giảm nhưng số bệnh nhân đang được hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn gia tăng. Cụ thể, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 3.247 ca (ngày 15.11 là hươn 2.100 ca), chiếm tỉ lệ 27,1% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỉ lệ 4,1% so với tổng số F0.

Số ca đang thở máy xâm lấn là 511 ca (ngày 15.11 là 258 ca), chiếm tỉ lệ 2,1% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số F0.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có số ca mắc Covid-19 đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là hơn 3.500, có 32 ca đang cách ly tại khu cách ly, điều trị tại khu chế xuất, khu công nghiệp (Linh Trung 2 là 13 ca, Khu công nghệ cao là 19 ca). Số đang cách ly tại nhà là khoảng 59.000 ca.

Nhiều nơi đang thiếu thiếu hụt ô xy y tế giữa lúc dịch Covid-19 rất căng thẳng

Ngày 16.12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã có văn bản gửi các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối ô xy y tế tại Việt Nam về việc tăng cường sản xuất, cung ứng ôxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhiều nơi đang thiếu thiếu hụt ô xy y tế giữa lúc dịch Covid-19 rất căng thẳng

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ của Tổ công tác điều phối ô xy y tế phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 toàn quốc. Tiếp theo các văn bản trước đó, Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc tăng cường sản xuất, cung ứng ô xy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, qua nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là khu vực miền Tây đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh, Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh của một số Sở Y tế trên địa bàn (như ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang....) và một số nhà cung ứng ô xy lớn trong khu vực (như Sovigaz, ôxy Đồng Nai,...) đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ô xy y tế từ các nhà sản xuất, do đã tập trung trở lại cung ứng cho các ngành công nghiệp, sản xuất khác.

Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối ô xy y tế tại Việt Nam cam kết, tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng ô xy y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh Covid-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay; quan tâm, thường xuyên cập nhập thông tin trên phần mềm quản lý, điều phối về ô xy y tế toàn quốc của Bộ y tế tại địa chỉ dmec.moh.gov.vn, để Bộ Y tế có thông tin nhanh chóng báo cáo Chính phủ, điều phối, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời.

Bộ Y tế nêu rõ, khi nhận được văn bản này, đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức phối hợp, rà soát thực hiện, không để chậm trễ trong công tác sản xuất, cung ứng, phân phối ô xy y tế cứu chữa người bệnh, phòng, chống dịch Covid-19.Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) thông qua số điện thoại: 024.62732272 hoặc email: dmec@moh.gov.vn để được phối hợp giải quyết.

Khách bay quốc tế nhập cảnh chỉ cần tự theo dõi Covid-19 trong 3 ngày

Bộ Y tế vừa ban hành quy định phòng chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh, chuẩn bị cho việc mở lại bay quốc tế thường lệ vào đầu tháng 1.2022.

Khách bay quốc tế nhập cảnh chỉ cần tự theo dõi Covid-19 trong 3 ngày

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên quy định điều kiện bay áp dụng với cả công dân Việt và khách quốc tế là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).

Hành khách phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh; khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).

Ngoài ra, trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được tiêm miễn phí trong thời gian cách ly. Tất cả hành khách phải thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có).

Với quy định cách ly, đáng chú ý, Bộ Y tế bỏ quy định cách ly mà chỉ yêu cầu người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ 3 ngày đầu nhập cảnh tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh, …).

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn giữ quy định hành khách không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Hành khách xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3, nếu âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Người chưa tiêm đủ vắc xin hoặc chưa chưa tiêm vắc xin thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3 và thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): được cách ly cùng cha mẹ, người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Y tế trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị chỉ quy định các điều kiện, tiêu chí về y tế và dịch tễ, không phân biệt giữa đối tượng hành khách vận chuyển theo quốc tịch. Đây cũng là nội dung quan trọng để có thể đàm phán thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở "có đi có lại", để thực hiện kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Ngoài ra, theo Bộ Giao thông Vận tải, cần yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm y tế để đảm bảo chi phí chữa bệnh trong trường hợp khách mắc Covid-19 tại Việt Nam; yêu cầu khách cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử/phần mềm quản lý Covid-19 trước khi lên chuyến bay để tiết kiệm thời gian khi nhập cảnh.

Cả nước đã tiêm gần 135,8 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật đến 15 giờ ngày 16.12.2021, cả nước đã tiêm đạt gần 135,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Tính đến ngày 15.12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 127,5 triệu liều, trong đó có hơn 69,1 triệu liều mũi 1, hơn 57,3 triệu liều mũi 2 và hơn 1 triệu liều mũi 3.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 96,8% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 80,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:

  • Miền Bắc là 93,6% và 74,0%.
  • Miền Trung là 93,6% và 78,8%.
  • Tây Nguyên là 90,5% và 65,2%.
  • Miền Nam là 99,6% và 87,3%.

Có 43/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 30 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

20/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất gồm: Hà Giang (78,6%), Quảng Nam (81,7%), Cao Bằng (81,7%), Bạc Liêu (83,1%) và Thái Bình (83,4%).

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 46 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long và Cà Mau. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ dưới 50% là Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.

Về triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 7,6 triệu liều, trong đó có hơn 6 triệu liều mũi 1 và hơn 1,6 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 65,8% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 17,8% dân số từ 12 -17 tuổi. Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho nhóm tuổi này gồm: Quảng Ninh, TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Bánh mì bà Huynh tạm đóng cửa vì không đảm bảo phòng dịch

Khung cảnh trước tiệm bánh mì bà Huynh trong sáng ngày 16.12.2021 bỗng vắng lạ thường, cửa tiệm thì đóng chặt im lìm dù đang là giờ mở bán lý do là bởi tất cả thực khách đến mua được yêu cầu phải giải tán vì tập trung quá đông, không an toàn phòng dịch, quán bánh mì bà Huynh cũng buộc phải đóng cửa và treo biển hết bánh để nhằm hạ nhiệt tình hình.

Bánh mì bà Huynh tạm đóng cửa vì khách quá đông, phiếu chợ đen xuất hiện

Có những vị khách đã đến đây xếp hàng từ sáng sớm, cầm được chiếc phiếu có ghi số trong tay, thế nhưng cũng phải đành ngậm ngùi ra về hoặc tìm một góc đường gần đó đứng lại vì tiếc nuối và nhằm hy vọng sẽ chớp được thời cơ mua ngay khi quán mở cửa trở lại.

Nhiều khách cho hay dù biết sẽ rất đông và phải xếp hàng nhưng họ vẫn chấp nhận vì tò mò về hương vị cũng như khuyến mãi mua 1 tặng 1 là rất hấp dẫn

Sự thu hút của món bánh mì bà Huynh còn lớn đến nỗi, nhiều người vẫn sẵn sàng đi lấy phiếu khi tiệm bánh mì này thông báo sẽ phát phiếu tại một tiệm bánh mì khác nằm trên đường Bùi Thị Xuân, cách đó gần 1km. Và vì phát phiếu theo số thứ tự với số lượng giới hạn thế nên trong sáng nay đã có tình trạng nhiều người đến lấy và bán lại phiếu với giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng.

Theo ghi nhận, đến trưa 16.12 tất cả 2 điểm phát phiếu đều hẹn khách hàng quay lại vào lúc 16 giờ, đồng thời cũng lưu ý sẽ rất đông người đến lấy phiếu, nên việc có mua được bánh mì bà Huynh trong chiều nay hay không còn nằm ở chuyện may mắn.

Omicron đã xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á

Sau khi được xác định vào cuối tháng trước, Omicron đã lan rộng ra hơn 70 quốc gia trên thế giới. Các nước Đông Nam Á như Campuchia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới này.

Omicron đã xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á

Malaysia

Ngày 3.12, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo ca bệnh Omicron đầu tiên của nước này là một sinh viên đến từ Nam Phi và có quá cảnh ở Singapore cách đó 2 tuần. Người này đã tiêm vắc xin và cách ly sau khi nhập cảnh.

Bộ Y tế Malaysia hôm 1.12 thông báo sẽ cấm nhập cảnh đối với người từ các nước đã ghi nhận ca nhiễm Omicron hoặc nước có nguy cơ cao.

Cũng giống như hầu hết các nước khác, Malaysia cũng đã cấm đi lại từ 7 quốc gia miền nam châu Phi sau khi biến thể mới được phát hiện ở khu vực này. Cư dân được phép trở về từ các quốc gia này nhưng phải cách ly tập trung 14 ngày.

Hôm 30.11, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết chính phủ sẽ tạm dừng kế hoạch xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Singapore

Bộ Y tế Singapore hôm 14.12 thông báo đã phát hiện 16 ca nhiễm biến thể mới, trong đó có 14 ca là người nhập cảnh. 2 ca nhiễm cộng đồng đều là nhân viên làm việc tại sân bay Changi. Giới chức cho biết không có mối liên hệ nào giữa hai ca bệnh này.

Tất cả 16 trường hợp đều được tiêm ngừa đầy đủ, không có triệu chứng hoặc chỉ gặp triệu chứng nhẹ. Ít nhất 2 trong số này đã được tiêm vắc xin tăng cường.

Trước đó, Singapore cho biết sẽ tiếp tục sống chung với Covid-19 và biến thể mới không có tác động gì lớn đối với nước này.

Tuy nhiên, từ ngày 3.12, hành khách bao gồm cả cư dân về nước và người quá cảnh qua sân bay Changi sẽ phải tuân theo quy định kiểm tra chặt chẽ. Hành khách bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và xét nghiệm PCR khi đến.

Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai 27 đường bay miễn cách ly đối với du khách đã chủng ngừa đầy đủ (VTL) sẽ bị hoãn đối với các chuyến bay với một số quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi biến thể mới.

Những hành khách đi trên chuyến bay VTL từ ngày 3.12 sẽ phải làm thêm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi họ đến Singapore.

Đồng thời, các bệnh nhân mắc Omicron và những người tiếp xúc sẽ được đưa đi cách ly tập trung thay vì ở nhà.

Campuchia

Campuchia hôm 14.12 đã báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron, là một phụ nữ 23 tuổi, từ Ghana quá cảnh Dubai, Bangkok trở về Campuchia hôm 12.12. Người này đã thực hiện xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính với Covid-19. Bệnh nhân đang mang thai 15 tuần đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch.

Trước đó vào hôm 10.12, Bộ Y tế Campuchia cho biết có thể bắt đầu tiên triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 4 trong năm 2022.

Trước sự xuất hiện của chủng Omicron, Campuchia đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ các nước miền nam châu Phi. Tuy nhiên nước này đã dỡ bỏ các hạn chế vào hôm 6.12.

Thái Lan

Thái Lan tới nay đã ghi nhận 8 ca nhiễm và 3 ca nghi nhiễm Omicron kể từ ca nhiễm đầu tiên vào hôm 1.12, tất cả đều là người nhập cảnh.

Trước tình hình này, chính phủ đã thắt chặt các hạn chế đi lại và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với người nhập cảnh vào nước này.

Kể từ 1.12, Bộ Y tế công cộng đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

Hành khách đến từ các quốc gia châu Phi khác vẫn được phép đến Thái Lan nhưng sẽ phải cách ly 14 ngày. Trong thời gian đó, họ phải thực hiện ba xét nghiệm PCR.

Philippines

Bộ Y tế Philippines hôm 14.12 đã báo cáo 2 trường hợp nhiễm Omicron đều là người nhập cảnh. Hai ca bệnh này được phát hiện từ 48 mẫu xét nghiệm vào ngày 14.12 và hiện đang được cách ly.

Để ứng phó với chủng mới Omicron, nước này đã cấm tất cả du khách từ 14 nước ở châu Phi và châu Âu từ hôm 28.11.

Ngày 29.11, chính phủ cũng thông báo tạm ngừng việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đã chủng ngừa đầy đủ, đồng thời đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin trong nỗ lực ngăn chặn Omicron.

WHO cảnh báo 'sóng thần Covid-19' toàn cầu vì biến thể Omicron

Biến thể Omicron của virus gây Covid-19 đã được phát hiện tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi được xác định lần đầu tiên cách đây 3 tuần. Số lượng đột biến lớn của Omicron gây lo ngại chủng này sẽ lây nhanh hơn và vượt qua lớp bảo vệ của vắc xin hay việc đã nhiễm bệnh trước đó.

WHO cảnh báo "sóng thần Covid-19" toàn cầu vì biến thể Omicron

Chỉ 3 tuần sau khi được nhận diện, biến thể Omicron gây Covid-19 đã lan ra gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng có thể chủng này đã có mặt ở đa số nước, lây lan nhanh, và không nên xem thường.

Dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ về biến thể mới nhất này, các chuyên gia y tế tin rằng nó sẽ sớm thay thế Delta trở thành chủng trội.

Theo nhận định của Giám đốc kỹ thuật của WHO, Maria Van Kerkhove, tình hình còn nghiêm trọng hơn nữa khi thế giới đang đối mặt với “sóng thần Covid-19” vì mối nguy đến từ cả biến thể Delta lẫn Omicron.

Bà cũng tin rằng vắc xin không đủ sức kiểm soát sự lây lan của hai biến thể có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt là “biến thể Omicron được dự báo sẽ có thể thoát khỏi hệ miễn dịch ở một mức độ nào đó”. Thừa nhận WHO hiện có rất ít thông tin về biến thể Omicron, bà Van Kerkhove khẳng định phải tiếp tục thận trọng để vượt qua dịch Covid-19 trong năm 2022.

Theo WHO, biến thể Omicron đang gây ra “nguy cơ rất cao toàn cầu” và có thể gây “hậu quả nghiêm trọng” tại nhiều vùng trên thế giới. Tại Anh, tình hình được Thủ tướng Boris Johnson mô tả là “sóng triều” Covid-19 đang ập tới.

Số ca nhiễm mới mỗi ngày đạt mức cao nhất kể từ tháng 1.2021. Kể cả nếu biến thể Omicron ít gây bệnh nặng như biến thể Delta, tỉ tệ tử vong mỗi ngày ở Anh vẫn có thể tăng gấp đôi. Một mô hình dự báo cho thấy trong vòng 6 tháng tới, số ca tử vong vì Covid-19 ở Anh có thể lên đến hơn 40.000 ca.

Hiện có nhiều lo ngại rằng bất chấp việc Anh tăng cường tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19, biến thể Omicron vẫn có thể tàn phá trước khi hệ miễn dịch được cải thiện.

Ngoài Anh, khả năng đương đầu với làn sóng Covid-19 mới của châu Âu cũng gây lo ngại. Khi biến thể Delta hoành hành, nhiều khu vực ở châu Âu đã phải phong tỏa. Lệnh phong tỏa này có thể được mở rộng để ngăn chặn biến thể Omicron gây sức ép lên các hệ thống y tế.

Tại Nam Phi và các nước miền khác ở miền nam châu Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định, số ca nhiễm được ghi nhận tăng mạnh trong tuần qua, nhưng số ca phải nhập viện hay tử vong vẫn rất thấp. Theo một số chuyên gia, điều này không có nghĩa là chủng mới có độc lực yếu hơn Delta, mà có khả năng là do đã có số lượng lớn người Nam Phi nhiễm Covid-19 trong 3 đợt dịch trước đó.

Hôm 14.12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ cho biết Omicron chiếm 13% số ca nhiễm tại New Jersey, New York, Puerto Rico và quần đảo Virgin trong cuối tuần trước. Trên toàn quốc, biến thể Omicron chiếm khoảng 3% số ca Covid-19 ở Mỹ, tăng 0,4% so với dữ liệu tuần trước đó.

Đã có hơn 20 bang ở Mỹ ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Trong số các ca nhiễm biến thể Omicron, 58% có độ tuổi từ 18 đến 39.79% trong số đó đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19 ít nhất 14 ngày trước khi phát hiện triệu chứng hoặc nhận kết quả dương tính. Các triệu chứng phổ biến nhất cho đến nay là ho, mệt mỏi, nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Hồi tuần trước, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walenksy khẳng định Mỹ không đối mặt với tình trạng nguy cấp như Anh trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, tiến sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, tin rằng biến thể Omicron sẽ sớm chiếm vị trí của biến thể Delta tại Mỹ.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 16.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.