Bản tin Covid-19 ngày 29.9: Ghi nhận tới hơn 23.000 ca khỏi bệnh một ngày
29/09/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid -19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 29.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Cả nước ghi nhận 8.758 ca Covid-19 mới, 23.568 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 29.9 cho biết tính từ 17h ngày 28.9 đến 17h ngày 29.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.758 ca nhiễm mới, 23.568 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 162 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong trên cả nước lên 19.098 ca.
Thông tin về 8.758 ca nhiễm mới được công bố vào tối 29.9 như sau:
- 14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.744 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.161 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 4.984 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (4.699), Bình Dương (2.389), Đồng Nai (899), Long An (132), Sóc Trăng (112), Kiên Giang (82), Tiền Giang (68), An Giang (63), Cần Thơ (42), Hà Nam (36), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Tây Ninh (23), Bạc Liêu (22), Quảng Trị (16), Đắk Lắk (15), Ninh Thuận (14), Quảng Bình (13), Cà Mau (12), Bình Định (11), Vĩnh Long (7), Gia Lai (5), Hà Nội (4), Đắk Nông (3), Bến Tre (3), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Phú Yên (2), Quảng Ngãi (2), Phú Thọ (1), Đồng Tháp (1), Đà Nẵng (1), Hải Dương (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (giảm 186), An Giang (giảm 169), Tây Ninh (giảm 32).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (4.322), Đồng Nai (112), Sóc Trăng (112).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.622 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).
Về tình hình điều trị, số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết:
- Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 23.568
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 583.509
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.845
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 206
- Thở máy không xâm lấn: 963
- Thở máy xâm lấn: 883
- ECMO: 25
Trong ngày, cả nước ghi nhận 162 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 188 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 136.653 xét nghiệm cho 311.841 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 18.288.792 mẫu cho 52.347.113 lượt người.
- Trong ngày 28.9 có 1.097.044 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 41.153.041 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.171.641 liều, tiêm mũi 2 là 8.981.400 liều.
Việt Nam tiếp nhận lô vắc xin Sputnik V đầu tiên
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga ngày 27.9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga về việc cung cấp vắc xin, chuyển giao công nghệ gia công và sản xuất vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga đã phê duyệt và chuyển sinh phẩm để sản xuất vắc xin Sputnik V tại Việt Nam, đề nghị tiếp tục cung cấp vắc xin cho Việt Nam sớm nhất có thể theo tiến độ đã được thống nhất.
Nhân dịp này, chiều nay (29.9), lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cũng đã được Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiếp nhận tại Hà Nội. Buổi lễ chuyển giao diễn ra tại sân bay Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, lãnh đạo các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước cùng Chủ tịch VABIOTECH Đỗ Tuấn Đạt và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SOVICO Đinh Việt Phương.
Được biết, VABIOTECH - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vắc xin Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu. Số lượng hàng giai đoạn đầu tiên từ nay tới tháng 6.2022 là 40 triệu liều vắc xin theo thỏa thuận 3 bên ký giữa Tập đoàn SOVICO, VABIOTECH và Quỹ Đầu tư trực tiếp. Tiếp theo, các bên có kế hoạch tiếp tục nâng cao công suất sản xuất vắc xin.
|
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp tham gia trao đổi với phía bạn, thúc đẩy để đạt được thoả thuận giữa hai bên. Hôm 26.9, VABIOTECH công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (LB Nga) phân tích và thẩm định.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc VABIOTECH thực hiện sản xuất thành công vắc-xin Sputnik V từ bán thành phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc-xin duy nhất đã có thành công trong việc chuyển giao công nghệ. Qua đó, tạo tiền đề cho việc không những đảm bảo nhu cầu vắc-xin trong nước, mà còn từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á.
Số vắc xin vừa được bàn giao hôm nay cùng với số vắc xin mà VABIOTECH đang sản xuất sẽ được sử dụng cho Chương trình tiêm chủng quốc gia với mục tiêu nhanh chóng hoàn thành tiêm chủng vắc xin cho người dân.
Vắc xin Sputnik V được phát triển dựa trên nền tảng vector adenovirus đăng ký đầu tiên trên thế giới, lịch tiêm là 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6%. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau khi tiêm, 98% tình nguyện viên có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Vắc xin Sputnik V được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 23/3/2021.
Vắc xin và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu, chủ đề nóng trong các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thời gian qua. Việc sản xuất thành công vắc xin Sputnik V tại Việt Nam cũng là kết quả của các nỗ lực ngoại giao từ cấp cao nhất cũng như của các doanh nghiệp với mong muốn tự chủ sản xuất vắc xin phòng Covid-19, hướng đến chủ động trong chương trình miễn dịch cộng đồng các năm tới, chung sống an toàn với đại dịch trong trạng thái bình thường mới.
Nhiều nơi tại TP.HCM tiếp tục tháo dỡ chốt chặn, rào chắn
10 giờ sáng ngày 29.9.2021, hàng rào thép gai phòng dịch trước đường số 12, đoạn ra đường Trần Não (thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã được lưc lượng công an và dân quân phường tháo dỡ trước ngày thành phố nới lỏng giãn cách.
Cùng với con đường này, nhiều rào chắn khác khu vực nội đô cũng được nhanh chóng tháo dỡ trong sáng cùng ngày.
Thời gian qua, những hàng rào thép gai chắc chắn này được dựng lên giúp bảo vệ vùng xanh, hạn chế phương tiện và người lưu thông, di chuyển.
Trước ngày TP.HCM cho phép một số dịch vụ, ngành nghề hoạt động trở lại, nhiều phường, xã đã cho lực lượng tháo dỡ để người dân lưu thông thuận tiện hơn.
|
Vừa thấy hàng rào được tháo dỡ, anh Nguyễn Phi Luân, tài xế chở hàng vui mừng cảm ơn lực lượng an ninh và nhanh chóng di chuyển.
Anh Luân chia sẻ, nhiều ngày qua, anh thường phải đi đường vòng để hoàn thành đơn hàng. Việc thành phố tháo dỡ nhiều rào chắn là tín hiệu đáng mừng, giúp đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
|
Tại ngã tư Lương Định Của giao Trần Não (TP. Thủ Đức), chốt chặn này cũng được lực lượng chức năng tháo dỡ ngay trong buổi trưa 29.9. Việc tháo dỡ chốt chặn này khiến nhiều người dân vui mừng vì xe cộ dễ dàng lưu thông trở lại.
|
Suốt từ khi TP.HCM nâng cao các biện pháp giãn cách, lực lượng giao hàng hoặc các đội thiện nguyện được phép hoạt động buộc phải chạy vòng qua đường Mai Chí Thọ mới vào khu vực đường Lương Định Của, hướng bệnh viện dã chiến ở khu tái định cư Thủ Thiêm.
App chống dịch Covid-19 thống nhất sắp ra mắt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có vài chục app (ứng dụng) khác nhau liên quan đến khai báo y tế. Trong đó, riêng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin, hiện có 4 phần gồm: Cổng đăng ký thông tin quốc gia, Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, Sổ sức khỏe điện tử và Hệ thống báo cáo điều hành MCC.
Về khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào các trụ sở, địa điểm công cộng, hiện có 3 ứng dụng chính (cũng theo dạng tài trợ, Bộ Y tế chưa phải trả phí hoặc đầu tư) dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng NCOVI; ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration), tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone đã được Bộ TT-TT và Bộ Y tế công bố. Ngoài ra, Bộ Công an hiện có phần mềm quản lý di biến động dân cư đã được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM... tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Theo thống kê, có khoảng 12 app phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai và sử dụng tính từ đầu năm 2020 tới nay, chưa tính tới các app do địa phương phát triển. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, chưa có ứng dụng nào thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ về khai báo y tế theo hướng dẫn tại Quyết định 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế. Đặc biệt, chưa liên thông được dữ liệu khai báo, không đọc được QR Code gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát, khai thác, truy vết khi cần.
Trước thực trạng này, giữa tháng 9.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app (ứng dụng di động) cho nhân dân, trong đó, quy định rõ “người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)”.
Theo thông tin từ Bộ TT-TT, app chống dịch thống nhất đã được các cơ quan trực thuộc Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ khẩn trương xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn tất để chính thức triển khai trong thời gian sớm nhất. App chống dịch này sẽ tích hợp rất nhiều tính năng khác nhau từ khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR Code cho đến thông tin tiêm chủng, thẻ Covid-19... Dự kiến trong thời gian thử nghiệm ban đầu, các app khai báo y tế được xây dựng trước đó vẫn hoạt động, song về lâu dài sẽ được nâng cấp và đồng bộ hóa với app chống dịch duy nhất, tạo thuận lợi cho người dân.
Đặc biệt, một trong những tính năng quan trọng của app chống dịch duy nhất là thẻ Covid-19. App này sẽ kết nối chặt chẽ với các hệ thống quản lý tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid-19, từ đó có thể cấp các thẻ Covid-19 cho người dân. Thẻ Covid-19 cũng sẽ có 3 màu tương ứng với các trạng thái như thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ. Thông tin và màu thẻ sẽ được cập nhật tự động hóa dựa trên số lượng tiêm 1 mũi hay 2 mũi, xét nghiệm âm tính hay dương tính.
Thanh Xuân Trung - ổ dịch Covid-19 lớn nhất Hà Nội - đã bớt nóng bỏng
Từ chỗ là ổ dịch Covid-19 lớn nhất Hà Nội với hơn 600 ca dương tính, dịch bệnh tại P.Thanh Xuân Trung, thuộc Q.Thanh Xuân đã bớt nóng hơn. Theo chính quyền quận, ổ dịch Covid-19 này đã được khống chế.
Rạng sáng 29.9.2021, những cư dân tại P.Thanh Xuân Trung đã được trở về nhà.
Đúng 0 giờ ngày 29.9, hai ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi chính thức được gỡ phong tỏa sau 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Việc tháo dỡ chốt diễn ra khẩn trương và nhanh chóng để chuẩn bị đón nhân dân khu phố trở về từ những địa điểm cách ly tập trung.
Những con ngõ nhỏ bấy lâu nay vắng bóng người, đã được thắp sáng bởi đèn điện và sự vui mừng của những người đầu tiên trở về sau hơn 1 tháng xa nhà vì dịch bệnh.
Trước đó, từ ngày 24.8, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân đã phong toả 2 ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi. Hơn 1.100 người dân đã được đưa đi cách ly tập trung, chỉ còn lại khoảng 100 người, chủ yếu là người già, người có bệnh và người ở lại chăm sóc.
Trong ngày 29.9.2021, UBND Q.Thanh Xuân tổ chức đón hơn 1.100 người dân đến Ký túc xá Trường Đại học FPT tại huyện Thạch Thất, đảm bảo đủ các điều kiện kết thúc cách ly trở về. Địa phương khuyến cáo người là F0 trở về cần cách ly tại nơi lưu trú thêm 14 ngày hoặc 7 ngày đối với những trường hợp là F1.
Theo ông Đỗ Văn Khải, Chánh văn phòng HĐND và UBND Q.Thanh Xuân, quận đã chuẩn bị đầy đủ quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn cho người dân. Khi người dân trở về, lực lượng chức năng sẽ thông báo, hướng dẫn từng người tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu có các biểu hiện như ho, sốt... sẽ báo cho cơ quan y tế.
Chuyện bệnh nhân U90, U100 chiến thắng Covid-19 kỳ diệu ở TP.HCM
Ngày 29.9.2021, thông tin từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, nhiều bệnh nhân Covid-19 tuổi cao đã hồi phục ngoạn mục và xuất viện trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất, tiếp nhận các ca bệnh nặng và nguy kịch nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều; chiếm 70% tổng số bệnh nhân tại đây. Họ là đối tượng đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng.
Bác sĩ Trần Hữu Chinh - Trưởng Khoa 7B Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, cho biết việc chăm sóc cho bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khác biệt so với các bệnh nhân trẻ tuổi.
"Ở đây chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nặng, ở những bệnh nhân nặng chúng tôi tập trung vào phần dinh dưỡng. Dinh dưỡng để hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân, hỗ trợ cho bệnh nhân ăn uống nhiều hơn đường miệng, đưỡng tĩnh mạch; rồi nâng sức đề kháng cho bệnh nhân lên. Tập trung phần dinh dưỡng và vận động tập vật lý trị liệu nhiều hơn thì thấy bệnh nhân cải thiện ngày một tốt hơn", bác sĩ Trần Hữu Chinh cho hay.
Theo bác sĩ Trần Hữu Chinh, hiện bệnh viện có một cụ ông 97 tuổi, nhập viện trong bệnh cảnh nguy kịch nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang đợi các chỉ số xét nghiệm nếu âm tính thì cũng sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 29.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)