Bản tin Covid-19 ngày 30.12: Cả nước thêm 19.868 ca | Biến thể Omicron tạo làn sóng dịch bệnh kỷ lục

30/12/2021 20:09 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 30.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 30.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Thông báo 19.868 ca Covid-19 mới, 34.102 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 30.12 cho biết tính từ 16h ngày 29.12 đến 16h ngày 30.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.000 ca nhiễm mới. Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 2.868 ca nhiễm trước đó. Như vậy, số ca nhiễm được công bố trong ngày là 19.868 ca.

Ngày 30.12: Thông báo 19.868 ca Covid-19 mới, 34.102 ca khỏi | Hà Nội 1.866 ca | TP.HCM 697 ca

Bản tin cũng thông báo về 291 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 32.168 ca.

Thông tin về 19.868 ca nhiễm mới vừa được thông báo như sau:

  • 20 ca nhập cảnh.
  • 16.980 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.107 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.404 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.866), Cà Mau (1.008), Tây Ninh (935), Hải Phòng (838), Khánh Hòa (788), Bình Phước (759), TP.HCM (697), Bạc Liêu (666), Bình Định (620), Đồng Tháp (590), Vĩnh Long (586), Trà Vinh (579), Lâm Đồng (477), Thừa Thiên-Huế (439), Hải Dương (299), Bắc Ninh (289), Phú Yên (289), Cần Thơ (287), Bình Thuận (277), An Giang (262), Quảng Nam (233), Hưng Yên (211), Tiền Giang (203), Kiên Giang (203), Bến Tre (196), Đà Nẵng (185), Thanh Hóa (182), Bà Rịa - Vũng Tàu (180), Sóc Trăng (180), Quảng Ninh (165), Đồng Nai (160), Hà Giang (160), Ninh Bình (160), Gia Lai (155), Hậu Giang (153), Quảng Ngãi (141), Sơn La (129), Nghệ An (123), Phú Thọ (104), Lạng Sơn (103), Nam Định (102), Đắk Nông (100), Hà Nam (98), Vĩnh Phúc (96), Bình Dương (96), Đắk Lắk (69), Quảng Trị (59), Cao Bằng (58), Thái Bình (58), Ninh Thuận (57), Long An (53), Thái Nguyên (50), Hòa Bình (47), Bắc Giang (46), Lào Cai (44), Tuyên Quang (21), Điện Biên (17), Yên Bái (14), Quảng Bình (13), Lai Châu (4), Bắc Kạn (1).
  • Ngày 30.12.2021, Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 2.868 ca nhiễm tại Cà Mau trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin của người nhiễm.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (-397), Vĩnh Long (-331), Đắk Lắk (-144).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+704), Hải Phòng (+567), Trà Vinh (+242).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.289 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.714.742 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.383 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.709.042 ca, trong đó có 1.333.827 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (502.687), Bình Dương (290.564), Đồng Nai (97.540), Tây Ninh (74.333), Hà Nội (43.924).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 34.102 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.336.644 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.336 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.484 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.198 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 165 ca
  • Thở máy xâm lấn: 799 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 29.12 đến 17h30 ngày 30.12 ghi nhận 240 ca tử vong mới và 51 ca tử vong được rà soát bổ sung. Cụ thể như sau:

  • Tại TP.HCM (37) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (3), Long An (2), Bình Phước (1), Bến Tre (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Bình Dương (20), An Giang (16), Cần Thơ (16), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Tiền Giang (14), Kiên Giang (13), Hà Nội (13), Sóc Trăng (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Long An (10), Tây Ninh (9), Bến Tre (8), Bình Thuận (6), Cà Mau (6), Trà Vinh (5), Phú Yên (5), Thừa Thiên-Huế (2), Hậu Giang (2), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Lâm Đồng (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1).
  • Ngoài ra, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế bổ sung 51 ca tử vong từ ngày 31.7-29.12.2021.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.168 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.221.374 mẫu tương đương 74.637.039 lượt người, tăng 112.881 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 29.12 có 1.070.466 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 149.318.658 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.518.183 liều, tiêm mũi 2 là 67.752.555 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 4.047.920 liều.

Hội đồng Đạo đức đánh giá về hiệu lực của vắc xin NanoCovax

Sáng 29.12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia (gọi tắt là Hội đồng Đạo đức) đã đưa ra đánh giá hiệu lực của vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19 trên cơ sở các báo cáo mới nhất của nhóm nghiên cứu.

Hội đồng Đạo đức đánh giá về hiệu lực của vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Vắc xin Covid-19 dự tuyển NanoCovax (vắc xin NanoCovax) do Công ty Nanogen Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.

Theo kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được báo cáo tại cuộc họp, vắc xin NanoCovax làm giảm số ca mắc Covid-19, giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19.

Theo báo cáo, tính tới thời điểm dữ liệu phân tích đến ngày 13.12.2021, hiệu lực bảo vệ (cộng gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3) nhiễm bệnh có triệu chứng của vắc NanoCovax đạt 52,1%.

Hiệu lực bảo vệ diễn tiến nặng của vắc xin NanoCovax (cộng gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3) là 92%.

Như vậy, hiệu quả bảo vệ nhiễm bệnh có triệu chứng của vắc xin NanoCovax (cộng gộp giai đoạn 2 và giai đoạn 3) là 52,1% không nằm ngoài dự đoán cũng như xu hướng của tất cả các vắc xin trong tình hình hiện nay, đặc biệt là với các biến thể, như biến thể Delta.Hiệu lực bảo vệ tử vong của vắc xin NanoCovax là 100%. Hiệu lực này cũng giảm dần theo thời gian.

Tính chung toàn thời gian, hiệu lực bảo vệ của NanoCovax (liều tiêm 25 mcg) đạt 52,1%, đạt tiêu chuẩn để được xem xét cấp phép lưu hành theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.Sau khi thảo luận dựa trên kết quả nghiên cứu và các dữ liệu bổ sung, 11/15 thành viên hội đồng bỏ phiếu chấp thuận về hiệu lực bảo vệ của vắc xin Covid-19 NanoCovax, 2/15 phiếu đồng ý nhưng đề nghị bổ sung dữ liệu và 2/15 phiếu trắng.

Một thành viên hội đồng chuyên môn cho biết trong cuộc họp này Hội đồng Đạo đức chỉ bàn luận, bỏ phiếu về hiệu lực bảo vệ của vắc xin NanoCovax, với tiêu chí về tính an toàn, tính sinh miễn dịch đã được chấp thuận tại cuộc họp ngày 16.12.

Dự kiến, trong tuần tới, Hội đồng Đạo đức sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế và Hội đồng Tư vấn cấp phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp để xem xét đối với vắc xin NanoCovax.

Trước đó, ngày 20.12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã có thông tin liên quan đến kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc xin NanoCovax.

Theo đó, về tính an toàn vắc xin Covid-19 NanoCovax đạt yêu cầu về tính an toàn dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ ngày 30.11.

Về tính sinh miễn dịch, Hội đồng Đạo đức đã thống nhất, vắc xin NanoCovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch.

Hà Nội công bố kết quả giải trình tự gien 22 ca nhiễm Covid-19 tìm biến thể Omicron

Sáng 30.12.2021, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết sơ bộ kết quả giải trình tự gien 22 mẫu bệnh phẩm của người dương tính SARS-CoV-2 nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm ca nhiễm biến thể Omicron tại Thủ đô.

Hà Nội công bố kết quả giải trình tự gien 22 ca nhiễm Covid-19 tìm biến thể Omicron

Các mẫu này được gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện. Kết quả cho thấy 15/22 mẫu gửi đều thuộc biến thể Delta, chưa ghi nhận biến chủng Omicron. 7 mẫu còn lại không đủ tải lượng để giải trình tự gien.

Cụ thể, 15 mẫu thuộc biến chủng Delta phân bố tại các quận, huyện gồm: Chương Mỹ (2), Đống Đa (2); 11 quận, huyện mỗi nơi 1 mẫu gồm: Quốc Oai, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng.

Như vậy, đến nay Hà Nội hiện chưa ghi nhận thêm người nhiễm SARS-CoV-2 biến thể Omicron.

Được biết, có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác. Trên chuyến bay này còn 127 người hiện đang được cách ly ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Trước đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương thông tin việc lấy mẫu F0 thuộc khu vực nguy cơ cao gửi giải trình tự gien, sàng lọc chủ động biến thể Omicron là hoạt động thường quy ở tất cả địa phương.

Hà Nội lấy mẫu bệnh phẩm người nhiễm SARS-CoV-2 tại các khu vực nguy cơ cao, không phải lấy mẫu người đi cùng chuyến bay với ca Omicron.

Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 28.12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Người này là hành khách trên chuyến bay từ Anh về sân bay Nội Bài tối 19.12, test nhanh dương tính tại sân bay. Sau nhập cảnh, hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về khu cách ly của Bệnh viện 108, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính (giá trị CT là 16.52).

Với yếu tố dịch tễ trở về từ Anh Quốc, ngày 20.12, Bệnh viện 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2 trên bệnh nhân này, kết quả nghi ngờ nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, do chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong protein gai, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự thứ nhất chưa cho kết quả khẳng định rõ ràng. Do vậy, ngày 21.12, nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.

Kết quả giải trình tự gien xác định, bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529), so sánh trên hệ thống phân tích cho thấy độ chính xác là 99,99%.

Ngày 28.12, Bệnh viện 108 thông tin sức khỏe ca nhiễm này bình thường, chưa có biểu hiện triệu chứng. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với các biện pháp quản lý người nhập cảnh chúng ta đang áp dụng, không có khả năng ca nhiễm biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng.

Tuần sau, học sinh TP.HCM từ lớp 7 trở lên đến trường học trực tiếp?

Thông tin tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã đề xuất lộ trình học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 3.1.2022.

Tuần sau, học sinh TP.HCM từ lớp 7 trở lên đến trường học trực tiếp?

Cụ thể, cùng với học sinh lớp 9, 12, học sinh lớp 7, 8, 10, 11 sẽ đến trường học trực tiếp từ ngày 3.1.2022. Học sinh những khối lớp còn lại, tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19, TP.HCM sẽ có lộ trình đi học trở lại vào sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tức sau ngày 7.2.2022 và lộ trình này đang chờ UBND TP.HCM quyết định. Về việc kiểm tra học kỳ của học sinh bậc tiểu học, ông Trịnh Duy Trọng cho hay học sinh lớp 3, 4, 5 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Học sinh lớp 1, 2 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tiếp khi đi học trực tiếp trở lại.

Trước đó, bắt đầu từ ngày 13.12, gần 150.000 học sinh lớp 9 và 12 đã trở lại trường học trực tiếp sau gần 4 tháng học trực tuyến. So với tỉ lệ thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh thì số học sinh đến trường thực tế cao hơn khá nhiều, có trường gần 100% số học sinh đã đi học trở lại.

Từ thực tế sau 2 tuần tổ chức cho học sinh học trực tiếp, lãnh đạo các trường THCS, THPT đều cho rằng quy trình thực hiện đã ổn định, dần thích nghi một cách chủ động và sẵn sàng các phương án, tình huống chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết.

Trong đó có ý kiến cho rằng khi học sinh đi học trở lại, các bộ phận tổ chức, giáo viên, học sinh đã quen với việc dạy và học trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt. Mọi tình huống diễn ra đều được các trường xử lý một cách bình tĩnh và không còn hoang mang, lo lắng như trước khi vận hành.

Không có pháo hoa, người dân TP.HCM đi ăn nhà hàng mừng năm mới

Không được ngắm pháo hoa đêm giao thừa, người dân TP.HCM chọn cách đến các nhà hàng, quán xá có không gian rộng rãi, món ăn ngon trong thành phố để đón năm mới. Nhiều nhà hàng ở trung tâm thành phố cho biết đã kín bàn đặt chỗ cho dịp Tết dương lịch năm nay.

Không có pháo hoa, người dân TP.HCM đi ăn nhà hàng mừng năm mới

Một nhà hàng lẩu và dimsum Hồng Kông có hai mặt tiền trên đường Phùng Khắc Khoan và Điện Biên Phủ (P. Đa Kao, Q.1) mới khai trương sau giãn cách xã hội đã tấp nập khách ra vào, đặc biệt là dịp cuối tuần.

Trước lễ đón năm mới vài ngày, quản lý và nhân viên tất bật làm việc khi liên tục nhận được lịch đặt bàn theo nhóm gia đình hoặc tiệc tất niên công ty. Không gian rộng rãi, bắt mắt cộng thêm chất lượng món ăn hấp dẫn khiến quán thu hút một lượng lớn khách hàng.

Tối 29.12, chị Vũ Phượng cùng nhiều đồng nghiệp có mặt tại đây để thưởng thức bữa tiệc ngày cuối năm. Mặc dù lựa chọn không gian ngoài trời thoáng đãng, chị Phượng cùng mọi người vẫn chủ động test nhanh Covid-19 trước khi đến bữa tiệc. Trên bàn luôn có nước rửa tay, khẩu trang khi cần đi lại ở khu vực đông người trong nhà hàng.

"Thật ra gia đình mình cũng mới F0 vào tháng 12 vừa rồi, cả tháng nay mình không gặp gia đình mình, mình cũng muốn dự kiến trong dịp lễ năm mới 1.1, mình cũng muốn dẫn nhà mình đi ra ngoài để ăn một buổi. Thứ nhất để gặp lại sau rất nhiều ngày cách ly như vậy, thứ hai mình cũng muốn đó là dịp cảm ơn bố mẹ sau thời gian chống chọi với bệnh tật cũng như một năm khá khó khăn với cả gia đình mình", chị Phượng chia sẻ.

Không có pháo hoa, lễ hội đếm ngược cũng phải có thư mời, lựa chọn đi ăn nhà hàng, cùng gia đình, người thân thưởng thức bữa tiệc tất niên ấm cúng là cách mà nhiều người dân TP.HCM lựa chọn cho dịp lễ mừng năm mới 2022.

Một nhà hàng khác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), nhà hàng có bàn ăn trên sân thượng nhìn ra toàn cảnh thành phố. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm pháo hoa đêm giao thừa suốt nhiều năm qua của người dân Sài Gòn. Dịch Covid-19 đã khiến cho niềm vui đặc biệt, mỗi năm chỉ có một lần của nhiều người gián đoạn.

Quản lý của nhà hàng cố gắng tổ chức các chương trình âm nhạc đặc biệt cùng thực đơn chu đáo hơn để khách hàng có một đêm giao thừa tuyệt vời nhất.

"Hơi tiếc chút xíu đối với một view như nhà hàng Shri, mình có thể xem được tất cả các góc bắn pháo hoa trong thành phố. Tuy nhiên để bù lại cho sự tiếc nuối này, bên phía nhà hàng cũng sắp xếp 2 chương trình vào ngày 31.12, vào khung giờ 19-21 giờ mình có live music acoustic, sau đó 21 giờ trở đi có chương trình DJ performance (DJ biểu diễn)", anh Hữu Tường - quản lý nhà hàng - nói về kế hoạch tổ chức đêm giao thừa 2022.

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Bạn đã có kế hoạch gì cho bữa tiệc tất niên 2022 sắp đến chưa?

Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục khắp thế giới, WHO lo "sóng thần" ô nhiễm

Theo dữ liệu của Reuters, số ca nhiễm Covid-19 trong 7 ngày qua tại Mỹ và toàn thế giới đã tăng cao kỷ lục.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục khắp thế giới, WHO lo "sóng thần" ô nhiễm

Cụ thể, số ca Covid-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ tăng lên đến hơn 258.000 ca, tăng hơn 8.000 ca so với kỷ lục trước đó vào tháng 1.2021.

Giới chức Mỹ cho biết nguyên nhân là do biến thể Omicron với khả năng lây lan mạnh mẽ đang vượt tầm kiểm soát.

Ngày 29.12, Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho hay đợt tăng ca nhiễm này vẫn chưa kết thúc:

“Chỉ trong một vài tuần, biến thể Omicron đã nhanh chóng tăng lên trên toàn nước Mỹ và chúng tôi dự đoán nó sẽ tiếp tục lây lan trong vài tuần tới. Trong khi số ca nhiễm tăng đáng kể so với tuần trước, số ca nhập viện và tử vong vẫn tương đối thấp”.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cho biết có nhiều nghiên cứu thể hiện Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn biến thể Delta ở những người đã tiêm vắc xin. Nhưng ông vẫn cảnh báo: “Chúng ta không nên tự mãn vì hệ thống bệnh viện vẫn có thể phải chịu sức ép lớn ở một số khu vực”

Khắp nước Mỹ, đã có hơn 76.000 người nhập viện vì Covid-19, tăng 19% so với 10 ngày trước.

Ngày 29.12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo về số ca nhiễm toàn cầu:

"Delta và Omicron hiện là mối đe dọa song song khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến. Tôi vô cùng lo ngại rằng Omicron, với khả năng lây lan cao và cùng lúc lây lan với Delta, đang dẫn đến một cơn sóng thần về số ca nhiễm”.

Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Malta đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 28.12.

Bộ trưởng Y tế Pháp hôm 29.12 cho biết nước này đang chứng kiến số ca nhiễm “tăng chóng mặt” với 208.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Đây là kỷ lục của Pháp, đồng thời là kỷ lục của toàn châu Âu.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 30.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.