Bản tin Covid-19 ngày 29.12: Cả nước 13.889 ca | Phong tỏa đường lây lan của biến thể Omicron
Bản tin Covid-19 ngày 29.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 29.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:
Cả nước 13.889 ca Covid-19, 38.260 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 29.12 cho biết tính từ 16h ngày 28.12 đến 16h ngày 29.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.889 ca nhiễm mới, 38.260 ca khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 245 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 31.877 ca.
Ngày 29.12: Cả nước 13.889 ca Covid-19, 38.260 ca khỏi | Hà Nội 1.766 ca | TP.HCM 702 ca |
Thông tin về 13.889 ca nhiễm mới như sau:
- 16 ca nhập cảnh.
- 13.873 ca ghi nhận trong nước (giảm 548 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.853 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.766), Tây Ninh (938), Vĩnh Long (917), Khánh Hòa (793), TP.HCM (702), Phú Yên (686), Đồng Tháp (595), Bạc Liêu (593), Bình Định (432), Thừa Thiên-Huế (390), Lâm Đồng (347), Trà Vinh (337), Quảng Nam (291), Hải Phòng (271), Bắc Ninh (263), Hưng Yên (249), Tiền Giang (214), Đồng Nai (213), Đắk Lắk (213), Thanh Hóa (206), Sóc Trăng (200), Kiên Giang (185), Đà Nẵng (180), Hà Giang (174), An Giang (172), Bình Thuận (159), Quảng Ninh (158), Cần Thơ (137), Hậu Giang (132), Gia Lai (128), Ninh Bình (120), Đắk Nông (120), Bình Dương (119), Quảng Ngãi (119), Quảng Trị (106), Vĩnh Phúc (98), Bến Tre (92), Hà Nam (92), Nghệ An (88), Nam Định (85), Bắc Giang (81), Long An (59), Sơn La (58), Ninh Thuận (57), Bình Phước (55), Thái Nguyên (54), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), Hòa Bình (52), Phú Thọ (51), Thái Bình (42), Kon Tum (40), Lào Cai (37), Tuyên Quang (37), Cà Mau (35), Quảng Bình (31), Yên Bái (21), Hà Tĩnh (12), Điện Biên (7), Cao Bằng (7), Lai Châu (5).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cần Thơ (-626), Hải Phòng (-326), Hải Dương (-260).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (+686), Quảng Nam (+209), Đắk Lắk (+153).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.202 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.694.874 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.182 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.689.194 ca, trong đó có 1.299.725 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (501.990), Bình Dương (290.468), Đồng Nai (97.380), Tây Ninh (73.398), Đồng Tháp (43.021).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 38.260 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.302.542 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.273 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.112 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.141 ca
- Thở máy không xâm lấn: 160 ca
- Thở máy xâm lấn: 841 ca
- ECMO: 19 ca
Từ 17h30 ngày 28.12 đến 17h30 ngày 29.12 ghi nhận 245 ca tử vong, gồm:
- Tại TP.HCM (40) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Long An (1), Bình Dương (1).
- Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (28), Đồng Nai (21), Đồng Tháp (15), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Vĩnh Long (14), Cà Mau (14), Cần Thơ (13), Hà Nội (11), Tây Ninh (11), Kiên Giang (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Khánh Hòa (5), Bạc Liêu (4), Trà Vinh (3), Bình Thuận (3), Long An (3), Đắk Lắk (2), Hậu Giang (2), Bắc Ninh (1), Quảng Nam (1), Bình Định (1), Phú Yên (1), Đà Nẵng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 232 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.877 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.108.493 mẫu tương đương 74.476.728 lượt người, tăng 117.546 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 28.12 có 811.888 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 148.198.862 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.358.030 liều, tiêm mũi 2 là 67.323.239 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 3.517.593 liều.
165 người liên quan ca bệnh nhiễm biến thể Omicron đã được cách ly
Liên quan đến bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến thể Omicron là người nhập cảnh được Bộ Y tế công bố trưa 28.12, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), cho biết ngay khi nhập cảnh, bệnh nhân này đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhanh dương tính và được quản lý kịp thời.
165 người liên quan ca bệnh nhiễm biến thể Omicron đã được cách ly |
Bệnh nhân đang được cách ly tại phòng riêng tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, không có khả năng lây ra cộng đồng.
Theo cơ quan giám sát dịch tễ, có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Tất cả đều đã được cách ly tập trung theo quy định.
165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong số này chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác. Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương có người đi cùng chuyến bay để thực hiện quản lý theo quy định. Với các biện pháp quản lý người nhập cảnh chúng ta đang áp dụng, không có khả năng ca nhiễm biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng.
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, trong nước đã triển khai hệ thống giám sát các trường hợp mắc Covid-19 bất thường để chuyển về các Viện Pasteur/Viện Vệ sinh dịch tễ để giải trình tự gien nhằm phát hiện biến chủng Omicron.
Thông tin từ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, hiện sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ổn định, chưa có triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.
Trước đó, trưa 28.12, Bộ Y tế cho biết ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là một nữ hành khách từ Anh nhập cảnh về Việt Nam (tại sân bay Nội Bài) ngày 19.12.
Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận hành khách này. Khi về đến sân bay Nội Bài vào tối 19.12, hành khách này có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính. Kết quả giải trình tự gien do các bác sĩ, kỹ thuật viên của Trung tâm Nghiên cứu y học Việt - Đức, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, thực hiện cũng xác định bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron.
TP.HCM thu ngân sách hơn 383.000 tỉ đồng trong năm đại dịch Covid-19 "bủa vây"
Chiều 29.12.2021, theo thông tin tại buổi họp báo cung cấp số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Cục Thống kê TP.HCM cho biết tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt hơn 383.000 tỉ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 253.000 tỉ đồng, thu từ dầu thô khoảng 14.000 tỉ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 116.400 tỉ đồng.
TP.HCM thu ngân sách hơn 383.000 tỉ đồng trong năm đại dịch Covid-19 "bủa vây" |
So với 2 năm liền kề, tổng thu ngân sách năm 2021 cao hơn năm 2020 nhưng thấp hơn so với năm 2019. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 của TP.HCM hơn 371.000 tỉ đồng còn năm 2019 đạt hơn 410.400 tỉ đồng.
Ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết nguồn thu ngân sách tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021.
Về tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng), năm 2021 ước chi khoảng hơn 106.200 tỉ đồng, vượt 9,5% dự toán và giảm 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 27.800 tỉ đồng và chi thường xuyên đạt hơn 73.100 tỉ đồng.
Tính chung cả năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tính giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2020 là mức giảm sâu nhất trong lịch sử.
Đối với 9 ngành dịch vụ trọng yếu, có 4 ngành giảm và có 5 ngành tăng trưởng dương so với cùng kỳ như: thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Về cơ cấu kinh tế theo giá hiện hành có tỉ trọng như sau:
- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,6%.
- Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,4%.
- Khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,4%.
- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,6%.
Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 15.12.2021, toàn thành phố có gần 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 517.700 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giảm 23,5%, vốn đăng ký giảm 53,5%.
Đối với các chỉ số khác, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 822.500 tỉ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ; vận tải hành khách giảm gần 45%, khách du lịch nội địa giảm hơn 41% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế...
Thêm các khối học sinh TP.HCM đến trường học trực tiếp
Sau 2 tuần thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, theo đánh giá của các trường, tỉ lệ đi học thực tế cao hơn rất nhiều so với con số thống kê ý kiến đồng thuận của phụ huynh HS.
TP.HCM: Thêm các khối học sinh đến trường học trực tiếp |
Trước đó, khi khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh lớp 9, 12 thì toàn thành phố chỉ có hơn 79% đồng thuận, có những trường chỉ có 50% phụ huynh đồng ý. Đến nay, thực tế đã có hơn 95% HS lớp 9, 12 đến trường, có nhiều trường đạt 100%...
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá sau 2 tuần thí điểm cho học sinh đi học lại, các hoạt động ở trường THCS, THPT diễn ra với những tín hiệu đáng mừng. Hầu hết các trường cho biết HS đi học thoải mái, vui vẻ, tiếp thu bài tốt hơn so với thời gian học trên internet.
Với mong muốn sớm đưa học sinh trở lại trường học trong điều kiện đảm bảo an toàn nên nhiều trường đã tổ chức thăm dò ý kiến phụ huynh nhằm xây dựng phương án tổ chức phù hợp nhất.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ đồng thuận cho học sinh trở lại trường học tăng dần theo cấp lớp. Phụ huynh từ lớp 1 đến lớp 6 thể hiện sự e dè lo ngại vì con em chưa tiêm vắc xin, trong khi đó phụ huynh từ lớp 7 trở lên có sự an tâm khi con em trở lại trường.
Tại quận 8, có 37,8% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp; tỉ lệ này ở bậc THCS với khối lớp 6 là 42,4%, lớp 7 là 57,7%, lớp 8 là 59,2% ; bậc THPT với khối lớp 10 là 66,2%; khối lớp 11 là 61,6%.
Theo thống kê của TP.Thủ Đức, tỉ lệ phụ huynh học sinh bậc THCS đồng ý với việc đi học trở lại từ ngày 3.1.2022 trung bình là 28% và bậc THPT là 31%. Nếu đi học sau Tết Nguyên đán (tức sau ngày 7.2.2022) thì tỉ lệ đồng thuận cao gần gấp đôi.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Thanh Niên, căn cứ từ khảo sát ý kiến của phụ huynh cùng với đề xuất của UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, tại buổi họp của UBND TP.HCM vào chiều 28.12, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất lộ trình học trực tiếp từ ngày 3.1.2022.
Cụ thể, sau học sinh lớp 9, lớp 12 đã trở lại trường từ ngày 13.12 thì từ ngày 3.1, học sinh từ lớp 7, 8, 10, 11 sẽ đến trường. Lộ trình học trực tiếp các khối lớp còn lại sẽ thực hiện vào ngày 7.2 (tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Dự kiến, với đề xuất của các sở, ban ngành, UBND thành phố sẽ có những quyết định chính thức cho lộ trình mở rộng các hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục vào ngày 30.12.2021.
Việt Nam tiêm hơn 148 triệu liều vắc xin Covid-19
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 13 giờ 30 ngày 29.12, cả nước đã tiêm khoảng 148,1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, riêng trong ngày 28.12, các điểm tiêm của cả nước đã tiêm được hơn 927.000 liều.
Việt Nam tiêm hơn 148 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Đến ngày 28.12, số liều vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 135,7 triệu liều, trong đó:
- Hơn 69,8 triệu liều mũi 1.
- Hơn 62,7 triệu liều mũi 2.
- Hơn 1,16 triệu liều mũi 3 (đối với vắc xin Abdala).
- Hơn 693.000 liều bổ sung và hơn 1,2 triệu liều nhắc lại.
Về tiêm vắc xin mũi 3, báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã có 39 tỉnh, thành phố triển khai tiêm. Trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam tiêm nhiều nhất với hơn 1,2 triệu liều, tiếp theo là miền Bắc với hơn 720.000 liều, các tỉnh miền Trung đứng thứ 3 với hơn 45.000 liều và khu vực Tây Nguyên gần 800 liều.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 99,0% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 88,8% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:
- Miền Bắc là 95,7% và 85,5%.
- Miền Trung là 96,6% và 87,4%.
- Tây Nguyên là 91,7% và 76,3%.
- Miền Nam là 100% và 92,3%.
Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:
- 37/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 95%.
- 15/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ từ 90-95%.
- 11/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ dưới 90%, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất là Hưng Yên (83,7%), Quảng Bình (85,2%), Kon Tum (85,6%), Lạng Sơn (87,1%), Cao Bằng (87,4%).
Tỉ lệ bao phủ đủ liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên như sau:
- 30/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90%.
- 17/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 – dưới 90%.
- 16/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (62,2%), Thái Nguyên (66,2%), Gia Lai (67,7%), Bắc Kạn (72,4%) và Hải Dương (73,9%).
Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 11,5 triệu liều, trong đó có hơn 7,4 triệu liều mũi 1 và hơn 4,1 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 81,5% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều là 45,6% dân số từ 12 -17 tuổi.
Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau:
- Miền Bắc là 76,1% và 33,0%.
- Miền Trung là 71,6% và 33,4%.
- Tây Nguyên là 82,2% và 8,7%.
- Miền Nam là 91,4% và 71,4%.
Các tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang
CDC Mỹ đính chính mức độ lây lan của biến thể Omicron
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa phải điều chỉnh lại số liệu về tỉ lệ ca nhiễm Covid-19 mới liên quan đến Omicron. Theo đó, số liệu công bố tuần trước là không chính xác, cao gấp 3 lần tỉ lệ thực tế.
CDC Mỹ đính chính mức độ lây lan của biến thể Omicron |
CDC Mỹ ngày 28.12 xác nhận chỉ có 22,5% ca nhiễm Covid-19 trong tuần kết thúc vào ngày 18.12 là có liên quan đến Omicron. Tỉ lệ mà cơ quan này công bố vào tuần trước lên đến 73,2%.
Ngoài ra, trong tuần kết thúc vào ngày 25.12, có 58,6% ca Covid-19 mới là nhiễm biến thể Omicron. Còn phần lớn các ca nhiễm còn lại là do biến thể Delta.
Sai sót này đã gây xôn xao dư luận về tốc độ lây lan của biến thể Omicron trong tuần trước. CDC cho biết nhầm lẫn này là do các dữ liệu mới có thêm.
Phát ngôn viên của CDC Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi có thêm dữ liệu trong khoảng thời gian đó và phần nhiễm Omicron có giảm. Nhưng quan trọng là chúng tôi vẫn thấy số ca nhiễm Omicron đang tăng đều đặn".
Trong bài phát biểu ngày 21.12, Tổng thống Joe Biden đã mạnh mẽ cảnh báo những người chưa tiêm ngừa Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu nhiễm Covid-19. Ông cũng khẳng định “hầu hết" trong số hơn 400.000 người đã tử vong vì Covid-19 trong năm 2021 chưa tiêm vắc xin.
Ngày 27.12, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cũng khuyến cáo kể cả những người đã tiêm ngừa Covid-19 cũng không nên tham gia các bữa tiệc năm mới đông người.
Test nhanh kháng nguyên không chính xác trước biến thể Omicron
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết các xét nghiệm Covid-19 nhanh tại nhà có nhiều khả năng cho kết quả âm tính giả trước biến thể Omicron so với các chủng trước đó.
Test nhanh kháng nguyên giảm độ nhạy trước biến thể Omicron |
Giới chuyên gia cho rằng quy mô đợt dịch liên quan đến biến thể Omicron lần này chưa được đánh giá đúng do thiếu hụt nghiêm trọng bộ xét nghiệm tại nhà, trong khi xét nghiệm PCR chính xác hơn lại mất nhiều thời gian.
FDA cho biết đang hợp tác với Viện Y tế Quốc gia (NIH) để nghiên cứu hiệu suất của các xét nghiệm tại nhà, còn được gọi là xét nghiệm kháng nguyên, đối với các mẫu bệnh phẩm có chứa phiên bản sống của biến thể Omicron. Theo FDA, “Dữ liệu ban đầu cho thấy rằng các xét nghiệm kháng nguyên phát hiện ra biến thể Omicron nhưng có thể làm giảm độ nhạy (thước đo khả năng phát hiện trường hợp dương tính).”
FDA cho biết họ vẫn tiếp tục cho phép sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên - hoạt động bằng cách phát hiện các protein bề mặt của virus Covid-19. Nếu một người có kết quả test nhanh âm tính nhưng có các triệu chứng hoặc có phơi nhiễm thì vẫn được khuyến nghị làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Nebraska do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 28.12 cho thấy biến thể Omicron có thể có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó: khoảng 72 giờ.
Một nghiên cứu ở Na Uy kiểm tra một nhóm lớn các cá nhân bị nhiễm biến thể này tại một bữa tiệc Giáng sinh ở Oslo cũng cho thấy thời gian ủ bệnh là khoảng 3 ngày. Hiện vẫn chưa rõ một người có thể dương tính với Omicron trong bao lâu.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 29.12 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)