Bản tin Covid-19 ngày 4.4: Cả nước hơn 9,8 triệu ca | Làm thế nào để có “hộ chiếu vắc xin”?

04/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 4.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 4.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 48.717 ca Covid-19, 55.873 ca khỏi

Bản tin Bộ y tế ngày 4.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 3.4 đến 16h ngày 4.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 48.717 ca nhiễm mới, 55.873 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 42 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.642 ca.

Ngày 4.4: Cả nước 48.717 ca Covid-19, 55.873 ca khỏi | Hà Nội 5.868 ca | TP.HCM 537 ca

Thông tin về 48.717 ca nhiễm mới như sau:

  • 2 ca nhập cảnh.
  • 48.715 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.015 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 34.690 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (5.868), Đắk Lắk (3.925), Bắc Giang (2.649), Yên Bái (2.350), Nghệ An (2.300), Phú Thọ (2.282), Quảng Ninh (1.996), Lào Cai (1.590), Thái Bình (1.432), Vĩnh Phúc (1.408), Tuyên Quang (1.348), Bắc Kạn (1.028), Hưng Yên (991), Thái Nguyên (984), Hải Dương (940), Lạng Sơn (911), Quảng Bình (909), Hà Giang (786), Hà Nam (767), Sơn La (703), Lâm Đồng (679), Cao Bằng (668), Cà Mau (655), Bình Định (649), Hà Tĩnh (640), Quảng Ngãi (627), TP.HCM (537), Vĩnh Long (536), Đà Nẵng (532), Hòa Bình (498), Bắc Ninh (493), Lai Châu (483), Bà Rịa - Vũng Tàu (461), Phú Yên (459), Bình Phước (457), Tây Ninh (454), Điện Biên (424), Đắk Nông (391), Nam Định (387), Quảng Trị (386), Bến Tre (381), Thanh Hóa (368), Ninh Bình (365), Hải Phòng (288), Quảng Nam (264), Thừa Thiên-Huế (237), Trà Vinh (200), Bình Dương (179), Khánh Hòa (150), Bình Thuận (124), Đồng Tháp (85), Long An (85), An Giang (83), Sóc Trăng (83), Bạc Liêu (72), Kon Tum (64), Kiên Giang (32), Đồng Nai (29), Cần Thơ (21), Ninh Thuận (10), Tiền Giang (6), Hậu Giang (6).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-526), Lạng Sơn (-450), Lào Cai (-444).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+3.923), Hưng Yên (+282), TP.HCM (+190).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 70.368 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.867.045 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.796 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.859.306 ca, trong đó có 7.841.018 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.502.111), TP.HCM (596.940), Nghệ An (402.907), Bình Dương (379.064), Hải Dương (348.055).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 55.873 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.843.835 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.942 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.336 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 262 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 70 ca
  • Thở máy xâm lấn: 259 ca
  • ECMO: 15 ca

Từ 17h30 ngày 3.4 đến 17h30 ngày 4.4 ghi nhận 42 ca tử vong tại: Đồng Nai (5 ca trong 2 ngày), Gia Lai (4 ca trong 2 ngày), An Giang (3 ca trong 2 ngày), Bến Tre (3), Kiên Giang (3), Quảng Ninh (3), Trà Vinh (3), Bạc Liêu (2), Hải Dương (2), Phú Thọ (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Định (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Đắk Nông (1), Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), TP.HCM (1), Tuyên Quang (1), Vĩnh Long (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 41 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.642 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.697.769 mẫu tương đương 84.680.932 lượt người

Trong ngày 3.4 có 29.022 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 206.554.099 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.361.355 liều: Mũi 1 là 71.245.934 liều; Mũi 2 là 68.065.429 liều; Mũi 3 là 1.509.399 liều; Mũi bổ sung là 14.941.945 liều; Mũi nhắc lại là 33.598.648 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.192.744 liều: Mũi 1 là 8.809.470 liều; Mũi 2 là 8.383.274 liều.

Triển khai cấp hộ chiếu vắc xin trên cả nước

Sáng 4.4.2022, giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong 6 trong nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới.

Triển khai cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 trên cả nước

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đến nay cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều. Tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 99% và tỉ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%.

Đối với người từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ mũi 1 là 99% và mũi 2 là 94%.

Bộ Y tế và các địa phương cũng đang chuẩn bị để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong đầu tháng 4.

Ông Trần Văn Thuấn cho hay về công tác cấp “hộ chiếu vắc xin”, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772 về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông cùng các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp “hộ chiếu vắc xin”.

Đến nay, cơ bản các hệ thống đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc cấp “hộ chiếu vắc xin” cho người dân trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế và một số vấn đề cần được giải quyết triệt để.

Cụ thể, đến ngày 1.4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vắc xin, tuy nhiên trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin hơn 197 triệu mũi tiêm, như vậy còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống (tương ứng với trên 4% tổng số mũi tiêm).

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30.3, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã gửi sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 42 triệu mũi chưa gửi (bao gồm các mũi tiêm chưa nhập và các mũi tiêm đã nhập nhưng thiếu thông tin cơ bản không thể gửi).

Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang đã xác thực đúng thông tin được hơn 112 triệu mũi tiêm, còn lại hơn 41 triệu mũi tiêm xác thực sai thông tin.

Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vấn đề nêu trên nhưng kết quả thực hiện, xử lý chưa được cao và hoàn thành đúng tiến độ.

Để triển khai cấp "hộ chiếu vắc xin", lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương chia sẻ, xác thực dữ liệu tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện theo hướng dẫn quy trình thực hiện cấp “hộ chiếu vắc xin” cũng như chia sẻ về các giải pháp bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị tiêm chủng cần có kế hoạch thực hiện “làm sạch” hơn 80 triệu mũi tiêm còn thiếu, sai thông tin, để cấp cho các công dân, hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Y tế) cũng lưu ý các cá nhân được tiêm chủng cần cung cấp đúng thông tin công dân. Nếu thông tin cá nhân sai lệch sẽ không đủ điều kiện được cấp hộ chiếu vắc xin.

Theo Bộ Y tế, quy trình cấp "hộ chiếu vắc xin Covid-19" gồm 3 bước như sau:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 với 8 loại vắc xin Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép (AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer, Moderna, Janssen, Hayat-Vax và Abdala - mỗi sản phẩm vắc xin được gắn 1 mã code).

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

Hộ chiếu vắc xin cần hiển thị 11 trường thông tin, gồm:

  1. Họ và tên.
  2. Ngày tháng năm sinh.
  3. Quốc tịch.
  4. Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới.
  5. Số mũi tiêm đã nhận.
  6. Ngày tiêm.
  7. Liều số.
  8. Vắc xin.
  9. Sản phẩm vắc xin.
  10. Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin.
  11. Mã số của chứng nhận.

Khi nào học sinh TP.HCM nghỉ hè?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2021 - 2022, tùy vào diễn biến của dịch Covid-19, các trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học, thời khóa biểu theo tuần, chứ không phải thực hiện cố định theo đúng thời gian năm học.

Khi nào học sinh TP.HCM nghỉ hè?

Chính vì vậy, khi sơ kết học kỳ 1 và định hướng nhiệm vụ trong học kỳ 2, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý, trong bối cảnh các trường chủ động, linh hoạt trong công tác dạy học thì việc thực hiện 35 tuần thực học của từng trường, từng quận, huyện có thể không giống nhau.

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, giáo viên được toàn quyền linh động, quyết định thời gian chia nội dung dạy học, đảm bảo làm sao học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt. Đối với học sinh còn khó khăn trong học tập, giáo viên cần có giải pháp kéo giãn thời gian và nội dung bài học.

Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ họp cùng các phòng giáo dục TP.Thủ Đức và quận huyện để lấy ý kiến từ các cơ sở giáo học, từ đó tham mưu với UBND TP.HCM ban hành quyết định lùi thời gian năm học. Dự kiến các khối lớp 1, 2, 3, 4 sẽ kết thúc năm học vào ngày 30.6. Riêng học sinh lớp 5 dự kiến sẽ kết thúc năm học vào ngày 10.6.

Còn đối với bậc trung học, trong hội nghị chuyên môn của Sở GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay năm học 2021 - 2022 chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Sở giao quyền chủ động về thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ 2 cho các trường sao cho đảm bảo kết thúc trước ngày 15.5.

Theo kế hoạch thì thời gian kết thúc năm học của bậc trung học là ngày 31.5. Vì vậy, sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ 2 vào ngày 15.5, các trường còn khoảng 2 tuần hoàn thành chương trình, hồ sơ giấy tờ chuẩn bị cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, lãnh đạo

Sở GD-ĐT

lưu ý, nhà trường cần có phương án bổ sung kiến thức cho học sinh lớp 12 để các em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

3 cơ chế gây ra tình trạng hậu Covid-19

Nhiều bệnh nhân sau khi âm tính Covid-19 vẫn còn tồn tại các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe. Vậy có phải những triệu chứng này là dấu hiệu của hậu Covid-19, điều gì gây nên tình trạng này.

3 cơ chế gây ra tình trạng hậu Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thy - khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết hậu Covid-19 được hình thành bởi 3 cơ chế:

Thứ nhất là sự xâm nhập trực tiếp của virus vào tế bào cơ thể người thông qua thụ thể của men chuyển hóa angiotensin 2 (ACE2), gây ra vô số tổn thương cấu trúc và rối loạn chức năng của tế bào mang thụ thể ACE2 ở hàng loạt các hệ thống cơ quan như: Hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp, da lông.

Thứ hai là phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình chống lại sự xâm nhập và phát triển của virus, biểu hiện bằng hội chứng nổi tiếng "cơn bão cytokines" gây bệnh cảnh nặng, tổn hại đa cơ quan trong đợt bệnh cấp.

Thứ ba là những yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch như: Mắc bệnh, nghèo đói, mất việc, cách ly, mất người thân, đặc biệt là những bệnh nhân sống sót sau bệnh cảnh nguy kịch, từng điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU)... ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh.

Hậu Covid-19 biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau

Theo bác sĩ Thy, không giống với một số bệnh lý khác, hậu Covid-19 vẫn có thể xảy ra đối với người bị nhiễm Covid-19 nhẹ, hoặc thậm chí trong thời gian mắc bệnh họ không có triệu chứng.

Nhóm triệu chứng toàn thân sẽ có biểu hiện mệt mỏi, các triệu chứng biểu hiện rõ nét hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần; đau mỏi cơ, mau mệt, mất năng lượng học tập và làm việc.

Nhóm triệu chứng cơ quan hô hấp, tim mạch: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi, ho kéo dài, đau ngực.

Nhóm triệu chứng tâm thần kinh và nội tiết: Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ; mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác; trầm cảm hoặc lo âu; chu kỳ kinh nguyệt…

Thời điểm thăm khám hậu Covid-19 phù hợp?

Khi xuất hiện triệu chứng mới hoặc triệu chứng dai dẳng sau 4-12 tuần khỏi Covid-19 nhưng các triệu chứng không cải thiện theo thời gian. Hoặc bất cứ khi nào xuất hiện triệu chứng mới làm ảnh hưởng sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống.

Nếu không có triệu chứng thì cần tầm soát hậu Covid-19 4-12 tuần sau khi xuất viện đối với các nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền, trên 60 tuổi, mắc Covid-19 nặng trong giai đoạn cấp

Nếu không có dấu hiệu gì bất thường người bệnh có thể cân nhắc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thời gian sắp xếp nhưng không muộn hơn 6 tháng từ khi nhiễm bệnh, lưu ý đây là kiểm tra sức khỏe định kỳ không phải là khám bắt buộc.

Tiêm vắc xin phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị gì?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, khoảng đầu tháng 4.2022, sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cũng đã chính thức phê duyệt vắc xin phòng Covid-19 Pfizer và Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam. Trẻ sẽ chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại (cách nhau 4 tuần), không tiêm trộn vắc xin.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị gì?

Đối với vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc xin mRNA Covid-19, dạng bào chế của vắc xin là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Để đảm bảo việc tiêm an toàn, hiệu quả vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5-11 tuổi, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:

Vắc xin giúp bảo vệ trẻ và phòng ngừa lây nhiễm

Vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer đã được WHO chính thức cấp phép tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Vắc xin của Pfizer cũng được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng. Đến nay có hơn 60 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Ngày 1.3.2022, Bộ Y tế đã đánh giá vắc xin Pfizer-BioNTech/Comirnaty Covid-19 là an toàn và đã phê duyệt tiêm chủng vắc xin này nhằm ngăn ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi theo Quyết định số 457.

Ở trẻ lứa tuổi này khi mắc Covid-19 thường ít có triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, các di chứng hậu Covid-19, trong đó có hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) gây ra tình trạng viêm khắp cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng lớn của trẻ, khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc tiêm vắc xin không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình, nhất là gia đình có người thân thuộc nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, tiêm vắc xin cũng giúp trẻ có thể tự tin, thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời…

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi có tác dụng phụ thường nhẹ hoặc trung bình và hết trong vài ngày. Các tác dụng phụ nghiêm trọng (như phản ứng dị ứng nghiêm trọng và viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim…) là rất hiếm.

Lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi đã được đánh giá là lớn hơn nguy cơ. Do đó, khuyến cáo trẻ em từ 5 tuổi trở lên nên tiêm chủng.

Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi có tác dụng phụ thường nhẹ hoặc trung bình và hết trong vài ngày.

Tầm soát trước khi tiêm

Trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cha mẹ nên chuẩn bị những câu trả lời để khám tầm soát trước tiêm như sau:

  • Trẻ có bị dị ứng không?
  • Trẻ đã bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim?
  • Trẻ có bị sốt?
  • Trẻ có bị rối loạn đông máu?
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống?
  • Trẻ đã được tiêm vắc xin khác?
  • Trẻ đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc?

Cha mẹ cần cung cấp đầy đủ các thông tin nếu trẻ có một hoặc nhiều tình trạng sức khỏe này. Điều này giúp bác sĩ có thông tin để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi tiêm phòng.

Cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm?

Trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19.
  • Nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm trước ngày tiêm.
  • Cho trẻ ăn nhẹ trước tiêm, không để trẻ bị đói khi đi tiêm.
  • Có thể cho trẻ ăn hoa quả, uống đủ nước (sữa hoặc nước trái cây, nước dừa…).
  • Có thể cho trẻ uống vitamin C trước tiêm.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát.
  • Không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác. Nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.
  • Không nên dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.
  • Ghi nhớ các loại thuốc trẻ đang dùng.
  • Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm.
  • Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định.
  • Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.
  • Thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.

Thông tin về tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết với vắc xin Pfizer, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm mệt mỏi (50%), đau đầu (30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (20%), đau cơ và ớn lạnh (10%), sốt (10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2).

Với vắc xin Moderna, những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

Những phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp sau tiêm 2 vắc xin Pfizer và Moderna cho trẻ em 5 -11 tuổi bao gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cũng lưu ý phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ...

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, khuyến cáo 3 ngày đầu sau khi tiêm, trẻ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ theo dõi phản ứng sau tiêm; trẻ cần tránh vận động mạnh để giảm nguy cơ tăng nặng trong tình huống có phản ứng viêm cơ tim sau tiêm vắc xin (rất hiếm gặp).

Công tác tiêm chủng sẽ được triển khai trong tháng 4.2022, tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Theo kế hoạch sẽ triển khai trước cho nhóm từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.

3 tác dụng phụ phổ biến nhất của tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

Vắc xin Covid-19 đã thay đổi tích cực diễn biến của đại dịch, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong trên khắp thế giới. Nhưng sự bảo vệ đang suy yếu, và để giải quyết vấn đề này, rất nhiều người dễ bị tổn thương sẽ được tiêm liều vắc xin thứ 4 sắp tới đây.

3 tác dụng phụ phổ biến nhất của tiêm mũi 4 vắc xin Covid-19

Theo dữ liệu sơ bộ, có 3 tác dụng phụ đã được quan sát thấy sau khi tiêm liều thứ 4.

Dữ liệu thu được từ một nghiên cứu của Israel vào đầu năm 2022 đã chỉ ra một số tác dụng phụ có thể xảy ra.

Theo nhật báo Anh Express, dữ liệu sơ bộ được công bố vào tháng 1.2022 cho thấy các tác dụng phụ từ liều thứ 4 của vắc xin Pfizer là nhẹ.

Kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm tiêm liều thứ 4 vắc xin Pfizer cho 150 nhân viên y tế - có mức kháng thể đã giảm đáng kể, sau khi tiêm liều thứ 3 từ 4 - 5 tháng trước, tại Trung tâm Y tế Sheba (Israel) vào tháng 1.2022, trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm Omicron.

Các nhà nghiên cứu đã không phát hiện ra bất kỳ sự khác biệt rõ rệt nào giữa các tác dụng phụ của liều thứ 4 và thứ 3.

Tuy nhiên, theo Reuters, cơ quan này đã lưu ý rằng các tác dụng phụ bao gồm đau, sốt và đau đầu.

Nghiên cứu này của Israel cũng tiết lộ rằng liều vắc xin thứ 4 làm tăng mức kháng thể lên gấp 5 lần trong vòng 1 tuần sau khi tiêm.

Cho đến nay, các tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm liều thứ 3 là đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi, một số gặp cảm giác ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh rằng các tác dụng phụ này là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch phản ứng với các vắc xin.

Nhật báo Anh Express dẫn lời Thủ tướng Israel Naftali Bennet: “Một tuần sau khi tiêm liều thứ 4, chúng tôi biết chắc chắn rằng liều thứ 4 là an toàn. Điều thứ hai là, một tuần sau khi tiêm liều thứ 4, mức kháng thể ở người tiêm liều thứ 4 này tăng gấp 5 lần. Điều này có nghĩa là sự gia tăng đáng kể chống lại nhiễm bệnh và nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng”.

Mới đây, Trung tâm Y tế Sheba đã công bố một báo cáo trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, xác nhận rằng liều thứ 4 "không gây ra các tác dụng phụ đáng kể mặc dù gây ra các triệu chứng toàn thân và cục bộ nhẹ ở đa số người tiêm".

Tuy nhiên, theo Express, các tác giả nghiên cứu cho biết họ ước tính hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng tối đa là 65%.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 4.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.