Bản tin Covid-19 ngày 3.4: Cả nước hơn 9,8 triệu ca | Thế giới tiến sát nửa tỉ ca Covid-19

03/04/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 3.4 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 3.4 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 102.046 ca Covid-19, 74.608 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 3.4.2022 cho biết tính từ 16h ngày 2.4 đến 16h ngày 3.4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 50.730 ca nhiễm mới, tất cả đều là ca nhiễm ghi nhận trong nước.

Các Sở Y tế Thái Bình, Bắc Giang đăng ký bổ sung 51.316 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 102.046 ca.

Có thêm 74.608 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 37 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.600 ca.

Ngày 3.4: Công bố 102.046 ca Covid-19, 74.608 ca khỏi | Hà Nội 6.304 ca | TP.HCM 347 ca

Thông tin về 102.046 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 50.730 ca ghi nhận trong nước (giảm 14.886 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 27.307 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (6.304), Yên Bái (2.604), Nghệ An (2.599), Quảng Ninh (2.522), Bắc Giang (2.503), Phú Thọ (2.435), Lào Cai (2.034), Thái Bình (1.725), Vĩnh Phúc (1.592), Tuyên Quang (1.420), Lạng Sơn (1.361), Quảng Bình (1.283), Bắc Kạn (1.112), Thái Nguyên (997), Hà Giang (968), Hà Nam (957), Sơn La (948), Bình Định (929), Cao Bằng (789), Lâm Đồng (768), Vĩnh Long (758), Hải Dương (754), Bắc Ninh (735), Hưng Yên (709), Hà Tĩnh (688), Bình Phước (674), Tây Ninh (669), Hòa Bình (591), Bình Dương (589), Lai Châu (572), Cà Mau (565), Quảng Trị (562), Thừa Thiên Huế (555), Ninh Bình (520), Bến Tre (519), Điện Biên (467), Quảng Ngãi (463), Bà Rịa - Vũng Tàu (454), Đắk Nông (437), Đà Nẵng (419), Thanh Hóa (409), Nam Định (368), Phú Yên (362), TP.HCM (347), Quảng Nam (251), Hải Phòng (247), Trà Vinh (229), Khánh Hòa (194), An Giang (136), Bình Thuận (135), Long An (128), Bạc Liêu (117), Kon Tum (88), Cần Thơ (46), Kiên Giang (44), Đồng Nai (37), Đồng Tháp (19), Ninh Thuận (9), Hậu Giang (9), Tiền Giang (3), Đắk Lắk (2).
  • Ngày 3.4.2022, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 40.000 ca và Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 11.316 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-3.997), Hà Nội (-1.119), Hà Giang (-1.048).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+144), Bình Định (+95), Bắc Giang (+64).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 75.319 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.818.328 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 99.311 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.810.591 ca, trong đó có 7.785.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.496.243), TP.HCM (596.403), Nghệ An (400.607), Bình Dương (378.885), Hải Dương (347.115).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 74.608 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.787.962 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 1.973 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.460 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 228 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 61 ca
  • Thở máy xâm lấn: 209 ca
  • ECMO: 15 ca

Từ 17h30 ngày 2.4 đến 17h30 ngày 3.4 ghi nhận 37 ca tử vong tại: Kiên Giang (4), Bạc Liêu (3), Quảng Ninh (3), Bến Tre (2), Bình Dương (2), Hà Nội (2), Hà Tĩnh (2), Khánh Hòa (2), Lâm Đồng (2), Phú Yên (2), Sóc Trăng (2), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Nai (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1), Thái Nguyên (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 42 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.600 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.630.662 mẫu tương đương 84.572.527 lượt người.

Trong ngày 2.4 có 64.201 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 206.525.077 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.333.482 liều: Mũi 1 là 71.245.211 liều; Mũi 2 là 68.062.100 liều; Mũi 3 là 1.509.257 liều; Mũi bổ sung là 14.938.955 liều; Mũi nhắc lại là 33.577.959 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.191.595 liều: Mũi 1 là 8.809.345 liều; Mũi 2 là 8.382.250 liều.

Làm gì khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19?

Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi đã được các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản,... tiến hành và đã cho thấy đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Kết quả theo dõi cho thấy các phản ứng xảy ra khi tiêm vắc xin cho nhóm trẻ lứa tuổi này ít hơn so với nhóm trẻ từ 12-18 tuổi.

Làm gì khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19?

Thực tế cho thấy ngay sau khi học sinh quay lại trường học, số F0 ở trẻ em đã tăng lên rất cao. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ được coi là cần thiết, rất nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng và ngần ngại khi quyết định tiêm vắc xin cho trẻ hay không?

Tiến sĩ M. Lloyd-Jones, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho biết dữ liệu tiếp tục chỉ ra rằng lợi ích của việc tiêm chủng Covid-19 mang lại 91% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng của nhiễm Covid-19 nặng bao gồm cả nhập viện và tử vong - vượt xa nguy cơ rất hiếm gặp của các biến cố ngoại ý, bao gồm cả viêm cơ tim.

Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em - Phòng khám chất lượng cao, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bên cạnh những tác dụng phụ thì tác dụng của vắc xin trong việc phòng tránh bệnh trở nặng đã được chứng minh. Cùng với đó là hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ chưa được chích ngừa sau khi khỏi Covid-19 đã được ghi nhận, trong khi đó chưa ghi nhận trường hợp nào ở trẻ em đã chích ngừa gặp phải tình trạng này. Từ đó cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin rất lớn.

Hiện nay có hai loại vắc xin phòng Covid-19 được chỉ định tiêm cho trẻ đó là vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Vắc xin Pfizer sẽ được sử dụng cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi và vắc xin Moderna sẽ được sử dụng cho trẻ từ 6-11 tuổi. Một liệu trình gồm có 2 mũi cách nhau 4 tuần. Theo dự kiến việc tiêm phòng cho trẻ sẽ diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 4 sắp tới.

Liều lượng vắc xin phòng Covid-19 chỉ định tiêm cho trẻ em bằng 1/3 so với người lớn. Tức chỉ sử dụng 10 microgram vắc xin khi dùng cho trẻ em. Việc giảm liều trên hoàn toàn không giảm hiệu quả chống lại vi rút của vắc xin.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 hay các thành phần khác của vắc xin, trẻ đang gặp các bệnh mãn tính, cấp tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, đang điều trị hóa trị ung thư,...thì cần hoãn lịch tiêm tới khi kết thúc tình trạng bệnh.

Trong trường hợp trẻ em đã từng mắc Covid-19 chưa tới 3 tháng kể từ ngày khởi phát đến ngày tiêm thì không nên tiêm ngừa cho trẻ. Lịch tiêm sẽ được lùi lại để cơ thể có đủ sức, tạo điều kiện an toàn cho quá trình tiêm chủng.

Nỗi lo về những tác dụng phụ mà vắc xin có thể gặp phải ở trẻ là nỗi lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Theo các báo cáo thì các phản ứng mà vắc xin phòng Covid-19 tác dụng lên trẻ sau khi tiêm cũng tương tự với người lớn nhưng tỉ lệ gặp phải ít hơn và mức độ nhẹ hơn. Trẻ có thể gặp các phản ứng bất lợi như đau, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, sốt, ban đỏ,... nhưng tỉ lệ gặp các phản ứng này chỉ ở mức 1/10.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, chia sẻ sau khi tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, nếu như tại vết tiêm có tình trạng chai cứng, nổi u cục, phát ban thì phụ huynh không cần quá lo lắng. Sau khoảng một thời gian tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Còn nếu như trẻ có gặp các triệu chứng như sốt, ho, tức ngực, mệt mỏi thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm và ổn dần. Nếu cần thì phụ huynh có thể sử dụng các thuốc kháng viêm để tình trạng này nhanh chóng biến mất.

Để có thể kiểm soát được tình hình của trẻ sau khi tiêm và các tình huống xấu xảy ra, phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, tiến hành theo dõi trẻ 30 phút sau khi tiêm tại điểm tiêm. Đồng thời phải theo dõi trẻ 24/24 trong vòng 3 ngày đầu vì những phản ứng mạnh và nguy hiểm nhất thường xuất hiện vào thời gian này. Liên tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày tiếp theo. Ngay khi phát hiện trẻ có triệu chứng tức ngực, khó thở thì nên đưa trẻ tới trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Tập thể dục ngay sau khỏi Covid-19 có an toàn không?

Nhiễm Covid-19 sẽ tác động đến nhiều khía cạnh cuộc sống. Đối với việc tập luyện thể dục, thể thao, mọi người hoàn toàn có thể quay trở lại tập sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần phải lưu ý.

Tập thể dục ngay sau khỏi Covid-19 có an toàn không?

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), đối với những người thường xuyên tập luyện, việc phải ở nhà vì Covid-19 sẽ làm gián đoạn thói quen tập luyện. Khi khỏi bệnh, họ sẽ muốn sớm quay trở lại tập luyện để khôi phục sức khỏe.

Tập thể dục trở lại là điều hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý là Covid-19 ảnh hưởng đến mỗi người mỗi khác. Vì vậy, thời gian phục hồi của người này cũng có thể khác người kia.

Các triệu chứng và mức độ triệu chứng của Covid-19 rất đa dạng. Trong đó, các triệu chứng thường gặp là sốt, ho, mệt mỏi, khó thở và có thể kéo dài ngay cả khi người bệnh đã âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Nhà nghiên cứu lâm sàng Michael Peluso tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) cho biết cho biết vì vi rút có thể tác động đến tim, phổi và sức khỏe tổng thể nên điều cần phải quan tâm là người bệnh sẽ phục hồi đến đâu sau khi khỏi Covid-19. Tập luyện an toàn sau khi khỏi bệnh cũng rất quan trọng.

Mặc dù sau khi khỏi Covid-19 thì đã an toàn để quay lại tập luyện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thể trạng của chúng ta phải cảm thấy sẵn sàng cho các bài tập đó.

Theo Trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ), một số người có thể quay trở lại ngay với lộ trình tập luyện bình thường của họ. Nhưng số khác sẽ gặp khó khăn vì các tác động của hậu Covid-19 đến sức khỏe. Khi đó, điều quan trọng là mọi người hãy kiên nhẫn, đừng bắt ép bản thân phải tập luyện quá sức.

Hướng dẫn của Trường cao đẳng Tim mạch Mỹ (ACC) cho rằng những người chỉ bị các triệu chứng nhẹ của Covid-19 có thể trở lại tập luyện khi đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, những người gặp các triệu chứng hậu Covid-19 liên quan đến tim, phổi, nghi ngờ bị vấn đề về tim do Covid-19 thì cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập. Bác sĩ sẽ cho họ biết liệu đã có thể quay trở lại tập luyện chưa và cần làm gì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo Healthline, ACC cũng khuyến cáo những người bị viêm cơ tim cần tránh tập thể dục từ 3 đến 6 tháng sau khi khỏi Covid-19. Những người gặp các vấn đề về tim, phổi do tác động của Covid-19 cũng cần tham khảo bác sĩ ngay cả khi các triệu chứng đã không còn.

24 giờ khám phá Bình Dương, Củ Chi bằng buýt sông TP.HCM

Từ các chuyến khảo sát kết nối di sản lịch sử - văn hóa sông Sài Gòn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định đã đến lúc "đánh thức” du lịch đường sông bằng các tuyến buýt sông.

24 giờ khám phá Bình Dương, Củ Chi bằng buýt sông TP.HCM

Nhiều chuyến khảo sát du lịch Bình Dương, Củ Chi bằng buýt sông trong một ngày do nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử - du lịch TP.HCM thực hiện mới đây vào giữa và cuối tháng 3.2022.

Khởi hành lúc 7 giờ sáng tại bến buýt sông Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM), các thành viên sẽ ngược dòng lên Bến Dược, Củ Chi để tham quan địa đạo, sau đó trở về Thủ Dầu Một với cụm di tích ở trung tâm, lò gốm, lò lu truyền thống và nhà vườn Lái Thiêu…, trước khi quay về lại trung tâm TP.HCM.

Dẫn đầu đoàn khảo sát, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học - ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ sau 2 chuyến đi khảo sát diễn ra vào giữa và cuối tháng 3.2022, bản thân ông và nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận thấy dường như tài nguyên du lịch đường sông tại TP.HCM đã bị ngủ quên trong thời gian khá dài.

Du lịch TP.HCM hoàn toàn có thể tổ chức nhiều tour khám phá đường sông với nhiều cung đường khác nhau. Đối với khách nước ngoài, khi muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa có thể đưa đến địa đạo Củ Chi. Dọc đường thiết kế các trạm dừng chân để nghỉ ngơi, ăn uống, kết hợp các hoạt động giải trí, khám phá các tín ngưỡng tôn giáo ở Bình Dương.

Đối với khách phổ thông có cung đường ngắn hơn, có thể từ bến Bạch Đằng đi dọc đường sông để trải nghiệm cuộc sống hai bên bờ. Đến đầu bên kia chính là Thủ Dầu Một, tại đây có một loạt cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, như chùa Hội Khánh, mô hình nhà cổ Nam Bộ, chùa Tây Tạng, đi vào trung tâm có nhà thờ Phú Cường, miếu bà Thiên Hậu với lễ hội đặc sắc diễn ra hằng năm…

Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus) - cho biết một chuyến tham quan bằng buýt sông theo lộ trình như trên chi phí di chuyển không quá 500.000 đồng/người, chưa bao gồm chi phí ăn uống.

Hiện nay, khách đã có thể đặt tour với nhiều lựa chọn cung đường khám phá thú vị, hấp dẫn.

Phát hiện mới: Triệu chứng hậu Covid-19 khác nhau ở từng biến thể

Theo trang tin khoa học của Anh Medical Express, nghiên cứu mới sẽ được trình bày tại Đại hội lần thứ 32 về Vi sinh lâm sàng & Bệnh truyền nhiễm khu vực Châu Âu năm nay cho thấy người nhiễm các biến thể khác nhau có thể có các triệu chứng Covid kéo dài khác nhau.

Phát hiện mới: Triệu chứng hậu Covid-19 khác nhau ở từng biến thể

Nghiên cứu do tiến sĩ Michele Spinicci và các đồng nghiệp từ Đại học Florence và Bệnh viện Đại học Careggi ở Ý, thực hiện.

Các ước tính cho thấy rằng hơn một nửa số người nhiễm Covid-19 bị di chứng hậu Covid-19 còn gọi là Covid kéo dài. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, kể cả trẻ em và người nhiễm Covid-19 nhẹ. Nhưng cho đến nay Covid kéo dài vẫn còn là một ẩn số.

Nghiên cứu đã theo dõi 428 bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Careggi (Ý), từ tháng 6.2020 đến tháng 6.2021, thời gian của chủng ban đầu và chủng Alpha lưu hành.

Các bệnh nhân đã được nhập viện do Covid-19 và xuất viện từ 4-12 tuần trước khi quay lại khám và báo cáo các triệu chứng dai dẳng - trung bình là 53 ngày sau khi xuất viện.

Theo Medical Express, ít nhất 76% bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng dai dẳng. Các triệu chứng phổ biến nhất là khó thở: 37% và mệt mỏi: 36%, khó ngủ: 16%, giảm thị lực: 13%, và sương mù não: 13%.

Kết quả cho thấy người bệnh nặng phải dùng thuốc ức chế miễn dịch - có nguy cơ mắc Covid kéo dài cao gấp 6 lần, người phải thở ô xy có nguy bị Covid kéo dài cao hơn 40%.

Phụ nữ có nguy cơ bị Covid kéo dài gần gấp đôi so với nam giới. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường ít bị Covid kéo dài.

Theo Medical Express, đặc biệt, điều bất ngờ là, khi so sánh các triệu chứng hậu Covid-19 ở bệnh nhân nhiễm chủng Covid-19 ban đầu và bệnh nhân nhiễm chủng Alpha, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt đáng kể trong các triệu chứng thần kinh và nhận thức hoặc cảm xúc.

Họ cũng phát hiện ra rằng đối với người nhiễm chủng Alpha, các triệu chứng Covid kéo dài như đau cơ, mất ngủ, sương mù não và lo lắng hoặc trầm cảm tăng lên đáng kể. Còn các triệu chứng Covid kéo dài thường gặp ở chủng ban đầu như mất khứu giác, rối loạn vị giác và suy giảm thính giác lại ít gặp ở người nhiễm chủng Alpha.

Tiến sĩ Spinicci cho biết, đây là lần đầu tiên xem xét đến mối liên quan giữa các triệu chứng Covid kéo dài và các biến thể Covid-19 khác nhau. Nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào tác động tiềm tàng của các biến thể cần quan tâm và tình trạng tiêm chủng đối với các triệu chứng đang diễn ra.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 3.4 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.