Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.10: Diễn biến dịch đáng lo ngại ở miền Tây

31/10/2021 19:29 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 31.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 31.10: Miền Tây “nóng rực" vì dịch bệnh | Hơn 350.000 trẻ TP.HCM đã tiêm vắc xin

Cả nước ghi nhận 5.519 ca Covid-19 mới, 1.998 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 31.10 cho biết tính từ 16h ngày 30.10 đến 16h ngày 31.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.519 ca nhiễm mới, 1.998 ca khỏi bệnh.

Bản tin ghi nhận thêm 53 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 22.083 ca.

Thông tin về 5.519 ca nhiễm mới như sau:

  • 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 5.504 ca ghi nhận trong nước (tăng 280 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 2.327 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.041), Đồng Nai (688), Bình Dương (672), Bạc Liêu (415), An Giang (342), Kiên Giang (295), Tiền Giang (222), Sóc Trăng (180), Đắk Lắk (157), Bình Thuận (130), Cần Thơ (130), Tây Ninh (110), Long An (109), Hà Giang (103), Trà Vinh (83), Đồng Tháp (83), Bà Rịa - Vũng Tàu (64), Gia Lai (63), Cà Mau (60), Ninh Thuận (58), Bến Tre (54), Bình Phước (49), Hà Nội (46), Hậu Giang (38), Vĩnh Long (36), Phú Thọ (35), Bắc Ninh (33), Thanh Hóa (23), Hà Nam (22), Khánh Hòa (21), Bắc Giang (20), Nghệ An (19), Quảng Nam (18), Thừa Thiên-Huế (17), Bình Định (15), Quảng Trị (14), Quảng Bình (9), Quảng Ngãi (7), Nam Định (6), Đà Nẵng (4), Phú Yên (3), Ninh Bình (3), Thái Bình (2), Hải Phòng (2), Hải Dương (2), Lạng Sơn (1).

Số ca nhiễm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gia tăng nhanh

trần thanh phong

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-93), Nam Định (-18), Ninh Thuận (-11).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (+111), Bình Thuận (+51), Bà Rịa - Vũng Tàu (+39)

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.589 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 921.122 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.352 ca nhiễm).

Ngày 31.10: Thông báo 53 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 916.286 ca, trong đó có 817.517 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (431.101), Bình Dương (232.386), Đồng Nai (65.091), Long An (34.738), Tiền Giang (16.422).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.998
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 820.334

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.840 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.947

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 477

- Thở máy không xâm lấn: 114

- Thở máy xâm lấn: 288

- ECMO: 14

Từ 17 giờ 30 ngày 30.10 đến 17 giờ 30 ngày 31.10, cả nước ghi nhận 53 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (21), Bình Dương (7), Cần Thơ (5), Đồng Nai (4), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (3), Long An (3), Vĩnh Long (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Tiền Giang (1), Kiên Giang (1), Đắk Lắk (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 59 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.083 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 107.886 xét nghiệm cho 234.948 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.204.821 mẫu cho 60.364.437 lượt người.

Trong ngày 30.10 có 927.656 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 81.375.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 57.044.159 liều, tiêm mũi 2 là 24.331.217 liều.

Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống chọi cơn 'sóng thần' Covid-19

TP.HCM những ngày cuối tháng 10.2021, đường sá đã đông đúc trở lại nhưng khó mà tìm thấy những nụ cười sau những lớp khẩu trang.

Covid-19 như một cơn bão đã quét qua thành phố năng động và hiện đại này suốt 5 tháng qua. Và cơn bão ấy vẫn đang ở lại nơi này, lẩn quẩn, đe dọa hàng triệu người dân.

Nhìn lại 5 tháng TP.HCM gồng mình chống cơn 'sóng thần' Covid-19

Đợt dịch Covid-19 thứ tư ập vào Việt Nam có dấu mốc từ ngày 27.4.2021, khi cơ quan chức năng phát hiện một ca nhiễm tại Yên Bái là một nhân viên khách sạn. Ca mắc này đã nhiễm một biến thể từ Ấn Độ, có khả năng lây nhiễm mạnh; mà sau này người ta gọi là biến thể Delta.

Sau 3 đợt dịch, nhiều người có thể không nghĩ rằng đợt dịch thứ tư lại nguy hiểm đến thế.

Kỳ nghỉ lễ đông đúc: Ngày 1.5.2021, một lượng xe và người đã ùn ùn đổ về TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). CSGT Công an TP.Đà Lạt phải mướt mồ hôi điều tiết. Thời điểm đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn đề nghị người dân hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân khi chưa thật sự cần thiết trong những ngày lễ để ưu tiên không gian lưu thông cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hình ảnh xe cộ đông đúc ở TP.Đà Lạt vào ngày 30.4.2021

gia bình

Cũng thời điểm đó, vào chiều 1.5.2021, một số lượng lớn người dân và du khách đổ xô tắm biển khiến các bãi biển tại TP.Đà Nẵng trở nên quá đông đúc trong giờ cao điểm.

Cuộc sống bình thường mới cứ thế diễn ra dẫu còn nhiều bất ổn, bất ổn một cách bình thường. Thế nhưng, chứng kiến cảnh biển đông nghịt khiến nhiều người không khỏi lo lắng trước dịch bệnh Covid-19 đang chực chờ tái bùng phát.

Bãi biển Đà Nẵng đông nghịt người vào ngày 1.5.2021

huy đạt

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tràn đến TP.HCM: Ngày 18.5.2021, nhiều người ở chung cư Sunview Town (nằm trên đường Gò Dưa, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đột ngột trở về nhà lúc giữa trưa. Dịch bệnh Covid-19 chưa bao giờ gần với người dân chung cư này đến vậy khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo thông tin về một người đàn ông 35 tuổi có kết quả dương tính Covid-19. Đợt dịch thứ tư bắt đầu lan tới TP.HCM.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân chung cư Sunview Town ngày 18.5.2021

nguyễn anh

Ở thời điểm tháng 5.2021, một loạt chuỗi lây nhiễm mà đặc biệt là tại điểm nhóm Truyền giáo Phục Hưng đã khiến nhiều người vô cùng lo lắng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kể từ ngày 31.5.2021, chính quyền TP.HCM đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng chính phủ, không tụ tập trên 5 người trở lên ngoài công sở, bệnh viện, trường học. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (thuộc quận 12) thì phong tỏa toàn bộ trong vòng 15 ngày kể từ 31.5 đồng thời phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Kể từ thời điểm này, TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội suốt nhiều tháng trời với nhiều khó khăn và mất mát do dịch bệnh.

Giãn cách xã hội theo từng mức độ khác nhau: Một chốt chặn được dựng lên ở đường Phan Huy Ích (thuộc quận Gò Vấp) sáng 31.5.2021, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội trong đợt dịch thứ tư. Nhiều người dân buộc phải quay đầu xe do ở đây đã thành lập chốt phong tỏa để phòng dịch Covid-19 theo yêu cầu của UBND TP.HCM. Trước chốt chặn này đã xảy ra ùn ứ giao thông. Có hàng trăm chốt kiểm soát Covid-19 sau đó đã được lập ra ở khắp TP.HCM, từ trên quốc lộ cho đến các con hẻm.

Chốt kiểm soát ở đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) vào ngày 31.5.2021

Nguyễn anh

Chiều 20.8.2021, rất đông người đã tới siêu thị Emart (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) để mua thực phẩm, hàng hóa sau khi nghe thông tin TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó". Có thời điểm, lực lượng bảo vệ phải khép cổng để hạn chế lượng người vào siêu thị.

Bên trong siêu thị, rất đông người tập trung ở các mặt hàng như thịt, hải sản, rau củ và mì ăn liền. Nhân viên siêu thị phải liên tục bổ sung các mặt hàng. Tuy nhiên, tại các kệ để rau, củ, hải sản đã không còn mặt hàng để bổ sung. Những hình ảnh này, bất đắc dĩ, đã trở nên quen thuộc trên mặt báo, trên ti vi ở trước mỗi thời điểm thành phố gia tăng mức độ giãn cách xã hội.

Quầy rau củ ở siêu thị Emart (Gò Vấp) trống trơn vào chiều 20.8

nguyễn anh

Sáng 23.8.2021, đường sá TP.HCM vắng tanh, rất ít xe cộ trừ các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Đây là ngày đầu tiên thành phố thực hiện giải pháp chống dịch “ai ở đâu ở yên đó”.

TP.HCM đã nhiều lần thay đổi biện pháp giãn cách xã hội. Từ Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM, Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, và các biện pháp tăng cường mạnh mẽ được thực hiện đến ngày 30.9. Cho đến trước khi Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM được ban hành thì các quy định về mức độ giãn cách xã hội trước đó mỗi lúc một gia tăng khiến cho cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn và bất tiện. Thật khó tin khi thành phố năng động và hiện đại nhất cả nước lại có những ngày vắng lặng như thời điểm ấy.

10 bài học kinh nghiệm chống dịch Covid-19 ở TP.HCM

Mất mát và đau thương: Các lực lượng chống dịch căng sức thực hiện nhiệm vụ, thế nhưng, con số ca nhiễm mới vẫn tăng lên mỗi ngày. Từ hàng chục lên đến hàng trăm và ngày 9.7.2021, TP.HCM lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới một ngày, tổng số ca nhiễm mới cũng vượt qua con số 10.000. Chưa đầy một tháng sau, ngày 3.8, số ca nhiễm tại TP.HCM vượt qua mức 100.000 ca và đến thời điểm cuối tháng 10.2021 đã là hơn 400.000 ca. Cùng với đó là những nỗi đau không thể nói hết bằng lời.

Sáng 2.6.2021, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM báo cáo ca tử vong do Covid-19 đầu tiên tại TP.HCM. BN5463 là một phụ nữ 37 tuổi liên quan đến chuỗi lây tại quán bánh canh trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Cũng kể từ đó, con số về bệnh nhân tử vong vì Covid-19 mỗi lúc một tăng. Tính đến cuối tháng 10.2021, chỉ tính riêng tại TP.HCM, số bệnh nhân Covid-19 tử vong đã lên tới hơn 16.000 sinh mạng; chiếm đa số trong số hơn 22.000 người tử vong vì dịch bệnh trên cả nước.

Những con số thật vô hồn, thế nhưng phía sau đó là hàng vạn gia đình mất đi người thân, hàng ngàn đứa trẻ phải mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả mẹ và cha. Mỗi sinh mạng mất đi để lại thêm những bi kịch và sự sợ hãi vì tính khốc liệt của dịch bệnh.

Lực lượng chức năng đưa hũ cốt của người mất vì Covid-19 về với gia đình

Ngọc dương

Cuối tháng 7.2021, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một cái lán dựng tạm bằng mấy tấm bạt ở hẻm 171 đường Nguyễn Tư Giản (quận Gò Vấp). Nơi này có 4 người thợ hồ quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị mắc kẹt lại TP.HCM vì dịch bệnh Covid-19. Họ cầm cự qua ngày bằng mì tôm, bữa đói bữa no. Thông tin về hoàn cảnh của họ được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và báo chí và họ được các mạnh thường quân ghé thăm, giúp đỡ.

Túp lều tạm của những người thợ hồ mắc kẹt lại TP.HCM

nguyễn anh

Rất khó khăn, nhưng họ vẫn là những người may mắn vì có tới hàng triệu người dân sống ở TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội bị đình trệ; cùng với đó là nhiều người thất nghiệp, điêu đứng vì dịch bệnh.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê vào ngày 12.10 cho biết dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tình hình lao động việc làm quý 3 trở nên tồi tệ, số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy.

Biểu đồ số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 năm 2021

Quỳnh phương

Số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 tăng thêm 15,4 triệu người, lên hơn 28,2 triệu người do bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong số này có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉ lệ thiếu việc làm tăng lên tới 4,46%, đặc biệt là ở TP.HCM tăng tới 8,5%.

Biểu đồ số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý 3 năm 2021

quỳnh phương

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 3 năm 2021 chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng, so với các quý trước và so với cùng kỳ năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây. Mức sụt giảm được ghi nhận ở hầu hết các ngành kinh tế.

Tỉ lệ thiếu việc làm tăng cao ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

quỳnh phương

Hệ quả là những dòng người ùn ùn từ vùng dịch phía Nam đổ về quê. Theo Vụ Thống kê dân số và lao động, trong quý 3, có khoảng 1,3 triệu lao động về quê trong đợt dịch thứ tư vì cuộc sống quá khó khăn.

Tuyến đầu chống dịch: Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 suốt 5 tháng qua đã để lại quá nhiều mất mát, đau thương. Thế nhưng, đã có rất nhiều bệnh nhân vượt qua được ranh giới sinh tử, chiến thắng bệnh tật.

Và những người tạo nên phép màu đó là các y bác sĩ từ hàng chục bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị của các bệnh viện. Từ nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế, hàng ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch đã chiến thắng tử thần để hồi phục và trở về.

Các bác sĩ, nhân viên y tế chạy đua với tử thần để giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19

thanh hương

Không chỉ có lực lượng tại chỗ, trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19 cam go nhất, TP.HCM còn được sự chi viện của các đoàn công tác đến với thành phố trong chuyến công tác đầy hy sinh vất vả mà không chút do dự. Nhiều người phải xa con thơ, cha già mẹ yếu, thậm chí không thể về vĩnh biệt người thân.

Hàng trăm quân nhân, học viên quân y vào chi viện TP.HCM chống Covid-19 ngày 21.8

thanh hương

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 30.9, tổng lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM là 187.275 người. Trong đó, tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương hỗ trợ TPHCM là gần 29.000 người.

Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn chưa từng có: Cùng với chiến lược điều trị đa tầng, hàng triệu liều vắc xin cũng được phân bổ cho TP.HCM để góp phần hạ nhiệt dịch bệnh. Suốt 5 tháng qua, TP.HCM đã mở nhiều đợt tiêm chủng lớn, có những thời điểm thực hiện hàng trăm ngàn mũi tiêm một ngày. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến cuối tháng 10.2021, toàn thành phố tiêm cho người trên 18 tuổi đạt hơn 99% mũi 1 và khoảng 80% đã tiêm mũi 2.

Học sinh THPT được tiêm vắc xin Covid-19 ở Củ Chi vào ngày 27.10

nguyễn anh

Ngày 27.10, tại Củ Chi, những học sinh đầu tiên trên cả nước đã được tiêm vắc xin Covid-19. Đây cũng là những mũi vắc xin đầu tiên được tiêm cho người dưới 18 tuổi. Những mũi vắc xin mang theo hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường và trẻ em được đến trường.

TP.HCM còn gần 1,4 triệu người chờ tiêm mũi 2 khi đến hạn. Thành phố còn khoảng 2,3 triệu liều vắc xin các loại.

Đảm bảo an sinh - xã hội cho người dân: Ngày 2.9.2021, những chiếc xe đạp thồ tưởng như chỉ có trong những ký ức xa xôi của những người lớn tuổi bỗng xuất hiện ngay trên đường phố TP.HCM. Bộ đội Quân khu 7 đã dùng xe đạp thồ để chở quà là lương thực, thực phẩm vào trong tận nhà dân trong các con hẻm ở TP.HCM.

Bộ đội dùng xe đạp thồ để chuyển lương thực cho người dân gặp khó khăn

nguyễn anh

Suốt 5 tháng dịch bệnh, cũng là lúc các gói hỗ trợ, gói an sinh từ chính phủ, từ TP.HCM và các cơ quan, ngành chức năng được chuyển tới tay hàng triệu người nghèo, người khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó là tấm lòng của các tổ chức tôn giáo, tổ chức thiện nguyện và các cá nhân cùng chung tay hỗ trợ làm nhẹ bớt đi sự khốc liệt của dịch bệnh.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 7 diễn ra ngày 25.7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định rằng, dịch bệnh đã khiến thành phố thực sự gặp phải những khó khăn chưa từng có tiền lệ khi phải chiến đấu với sự lây lan của biến chủng Delta.

“Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ", bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu.

Sức sống dần trở lại với thành phố: Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1.10.2021 với nội dung về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội đã dần đưa nhịp sống thành phố trở về với mức “bình thường mới”. Gần 1 tháng qua, nhiều hoạt động của thành phố đã bắt đầu trở lại trong sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh.

Giờ đây, người dân đã có thể thưởng thức ly cà phê mát lạnh tại quán sau thời gian dài giãn cách

lê nam

Những ngày tháng đã qua có lẽ sẽ còn được nhớ mãi. Covid-19 đã che mất đi nụ cười của người dân thành phố sau những lớp khẩu trang; thế nhưng, Sài Gòn - TP.HCM với sức sống của thành phố năng động nhất cả nước đã và đang đập lại nhịp đập cũ, tươi trẻ hơn và mãnh liệt hơn.

Diễn biến dịch đáng lo ngại ở miền Tây

Sáng 31.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, trong ngày 30.10, tỉnh ghi nhận 342 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng ca nhiễm từ ngày 15.4 đến nay lên 10.978 ca. Đây cũng là ngày An Giang ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất từ trước đến nay.

Vòng xoay Đèn Bốn ngọn TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang

trần ngọc

Trong số ca mắc Covid-19 trong ngày tại An Giang có 131 ca trong cộng đồng, có 115 ca trong khu phong tỏa, 67 ca trong khu cách ly và 29 ca nhiễm là người từ các tỉnh về. Theo kết quả được công bố, địa bàn H.Chợ Mới có số mắc trong ngày cao nhất tỉnh với có 101 ca. Nguyên nhân là số ca mắc trong các khu phong tỏa tăng cao, có 72 ca, chủ yếu liên quan đến 2 ổ dịch tại thị trấn Chợ Mới và thị trấn Mỹ Luông.

Còn tại Sóc Trăng, Sáng 31.10, bác sĩ Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh, đến nay Sóc Trăng đã vượt mốc hơn 5.000 ca dương tính Covid-19.

Mới nhất, tối 31.10, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 180 ca dương tính Covid-19.

Tỉnh Bạc Liêu tái lập các chốt kiểm soát ra vào các xã, phường vùng đỏ

trần thanh phong

Sáng 31.10, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Sáng 31.10, Bạc Liêu ghi nhận thêm 414 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 45 ca tại các khu vực phong tỏa; 217 ca tại các khu cách ly tập trung; 9 ca là người dân tự phát về quê từ vùng dịch. Đáng lưu ý, có đến 143 ca ghi nhận qua truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Trong nhiều ngày liên tiếp, Bạc Liêu là tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tối 31.10, Bộ Y tế công bố số ca nhiễm ghi nhận trong ngày tại Bạc Liêu là 415 ca.

Còn tại Vĩnh Long, Ngày 31.10, tin từ Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, tỉnh vừa ghi nhận thêm 20 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đáng lưu ý, trong số ca mắc mới, có đến 15 ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại khóm 4, phường 9, TP.Vĩnh Long. 2 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long; 1 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Trung tâm y tế H.Long Hồ; 2 trường hợp đến khám và sàng lọc tại Phòng khám đa khoa Ánh Thủy. Đến tối 31.10, Bộ Y tế công bố ghi nhận 36 ca Covid-19 tại Vĩnh Long.

Trong khi đó, thành phố Cần Thơ cũng đã nâng cấp độ dịch lên cấp 2 là nguy cơ trung bình khi liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm mới.

Vừa mừng vừa lo đưa con đến bệnh viện tiêm vắc xin

Sáng 31.10.2021, phụ huynh có con từ 12 đến 17 tuổi đang học tại Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM đã đưa con mình đi tiêm vắc xin Covid-19.

Do các em là đối tượng đặc biệt nên thay vì tiêm ở các điểm trường thì các em được tiêm tại Trung tâm Y tế Q.3.

Người lớn trong gia đình đã được tiêm hai mũi vắc xin nên khi biết trường tổ chức tiêm vắc xin cho con, ông Trần Văn Đức (ngụ TP.Thủ Đức) đã rất vui dù cũng có đôi chút hồi hộp.

Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại Trung tâm y tế Q.3 vào sáng 31.10

T.K

"Ở đây các bác sĩ khám sàng lọc kĩ lắm. Đo huyết áp, tim mạch, bác sĩ chính thì hỏi tình trạng bệnh tình của cháu. Tôi cũng trình bày đầy đủ hồ sơ bệnh án thì bác sĩ quyết định cho chích", ông Đức chia sẻ.

Do các em đến đây đều có bệnh hoặc bị khuyết tật nên giáo viên và đặc biệt là phụ huynh luôn phải theo sát, hỗ trợ các em trong suốt quá trình tiêm. Y bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm y tế Q.3 cũng phải làm việc vất vả hơn để có thể tiêm vắc xin cho các em.

Trong ngày 31.10, có 250 em học sinh khuyết tật của đang học tại Trung tâm bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19.

Bên cạnh đó, tại Trung tâm y tế Q.3 còn tổ chức tiêm vắc xin cho các em học sinh thuộc các trường hợp đặc biệt được chỉ định mà trước đó không thể tiêm tập trung tại các điểm trường.

Ngoài trẻ khuyết tật, điểm tiêm còn tiếp nhận trẻ từ 12-17 tuổi.

T.K

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến hết ngày 30.10 thành phố đã tiêm vắc xin Covid-19 được hơn 350.000 trẻ; bao gồm hơn 188.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi, hơn 161.000 trẻ từ 12 - 15 tuổi.

Trẻ nào cần trì hoãn, cẩn trọng tiêm vắc xin Covid-19?

Theo hướng dẫn này, khi khám sàng lọc, trước tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em, nhân viên y tế cần đo thân nhiệt, nhịp tim. Cần đánh giá sức khỏe thông qua bảng kiểm với 8 yếu tố sàng lọc: tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin; đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; tiền sử dị ứng với bất kỳ tác nhân nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; trẻ từng có dị ứng phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ tác nhân nào trước đó (cần ghi rõ tác nhân dị ứng…); các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

Nếu trẻ đủ điều kiện thì tiêm chủng ngay, khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại khi có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin.

Cần trì hoãn tiêm chủng cho trẻ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.

Trẻ cần thận trọng tiêm chủng là các trường hợp có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Cần chuyển trẻ đến khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi có mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; hoặc khi nghe tim, phổi bất thường; trẻ từng có dị ứng phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại Trường THPT Củ Chi (H.Củ Chi, TP.HCM)

Ngọc Dương

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết vắc xin Covid-19 sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi là vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech. Việc sử dụng cho các em tương tự như với người từ 18 tuổi trở lên (0,3 ml mỗi liều tiêm, đường dùng tiêm bắp). Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách 3 - 4 tuần.

PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết thêm, tại Việt Nam hiện có 2 vắc xin là Pfizer và Moderna được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho trẻ em theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và khuyến cáo của nhà sản xuất. Các vắc xin này sử dụng cho trẻ 12 - 17 tuổi có chỉ định liều tiêm như với người lớn. Tất cả các vắc xin trước khi đưa vào sử dụng cần được kiểm định chất lượng và có giấy phép xuất xưởng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp cận trên 107 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn. Ước tính, Việt Nam cần hơn 18 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm cho hơn 9 triệu trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Tấp nập thuê xe đạp sau giãn cách: 'Vừa khỏe vừa vui'

Vài ngày qua, nhu cầu thuê xe đạp tại TP.HCM đã tăng mạnh sau giãn cách xã hội.

18 giờ chiều, nhóm của Bùi Anh Duy (24 tuổi) nhà ở quận 4 (TP.HCM) gồm 4 người cũng đã thuê 4 chiếc xe đạp. Trước khi chạy vòng quanh Sài Gòn, cả nhóm được nhân viên cho thử xe để chọn được chiếc xe phù hợp và an toàn nhất.

Đây là lần thứ tư nhóm của Duy đến thuê xe đạp vào buổi chiều kể từ sau giãn cách xã hội. Duy cũng dự định sẽ duy trì hoạt động này thường xuyên trong thời gian tới.

Bùi Anh Duy (24 tuổi) nhà ở quận 4 (TP.HCM) cùng nhóm bạn hào hứng đạp xe sau giãn cách

lê nam

Mặc dù nhu cầu thuê xe đạp tăng từ 2-3 lần sau giãn cách xã hội, tuy nhiên, chủ tiệm thuê xe đạp tại Q.3 cho biết, anh bàn với mọi người không tăng giá vì biết nhiều người gặp áp lực về thu nhập sau dịch bệnh.

Khách hàng cũng có thể lựa chọn nhiều mức thuê xe khác nhau tại đây, từ 3-6-9 giờ (giá lần lượt là 50.000, 100.000 và 150.000 đồng), nửa ngày (giá 150.000 đồng) hoặc một ngày (giá 200.000 đồng). Người thuê cũng có thể chọn thuê theo từng tuần với giá 1,2 triệu đồng và cả tháng là 4,8 triệu đồng.

Nhu cầu thuê xe đạp tăng 2-3 lần sau giãn cách

lê nam

Anh Võ Hoàng Phúc - chủ một tiệm cho thuê xe đạp tại TP.HCM chia sẻ: "Lý do vì sao mình vẫn giữ giá này, vì mình hiểu sau dịch nhiều bạn không có thu nhập. Mình muốn chia sẻ một phần áp lực về thu nhập cho các bạn. Mình muốn chia sẻ một phần của anh em trong quán đóng góp hoạt động thể thao cộng đồng nên thống nhất với mọi người sẽ giữ nguyên giá lâu nhất có thể".

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.