Hồ sơ UNESCO cho màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/11/2019 06:38 GMT+7

Chỉ còn 'phảng phất' trong đời sống hiện đại - đó là hiện trạng hiện nay của tranh Đông Hồ. Vì thế, hồ sơ đã được lập để trình UNESCO đưa nghề làm tranh Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Có một không hai

Tại hội thảo quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) và UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 1.11, nhiều báo cáo phân tích cho thấy giá trị của dòng tranh này. GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho đây là “dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất ở VN”. Tranh được in bằng tay và có thể sản xuất số lượng lớn. Giấy dó in tranh dai và bền, được phủ điệp tạo độ cứng xốp, chổi lá thông quét điệp tạo đường quét tự nhiên với màu trắng và ánh lấp lánh. Màu sắc in tranh là màu tự nhiên như: đen từ than xoan, vàng từ hoa hòe hay quả dành dành, đỏ từ bột sỏi son…
PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng VICAS, đã nhắc tới hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Quả trong chặng đường khôi phục lại và duy trì dòng tranh Đông Hồ cho đến hôm nay. Theo đó, những năm 1990, ông Chế xin nghỉ việc ở một cơ quan xuất bản tại Hà Nội để về quê, tìm mua lại từng bản khắc gỗ - đồ vật vừa là kỷ niệm, vừa là đồ bỏ đi của người dân trong làng. Sau đó, gia đình phục chế, sưu tầm được hơn 100 bản khắc cũ có từ hàng trăm năm, hàng ngàn bản khắc gỗ mới và hàng trăm mẫu tranh các loại. Là người nhanh nhạy với thời cuộc, ông Chế cùng gia đình tìm mọi cách để bán tranh.
Mặc dù vậy, cũng theo ông Bình, nghề làm tranh Đông Hồ cần phải bảo vệ khẩn cấp. “Tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây, tục lệ mua tranh treo ngày tết đã không còn. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa. Đa phần các hộ làm tranh dân gian ở Đông Hồ đã chuyển sang làm các loại hàng mã. Mặt khác, nghề làm giấy dó ở Yên Thế (làng Bưởi, Q.Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang mai một nên nguồn cung cấp nguyên liệu cũng bị ngưng trệ”, ông Bình phân tích.
Hồ sơ UNESCO cho màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp1

Tranh Bắt trọn vinh hoa của họa sĩ Phan Thanh Phúc, lấy cảm hứng từ tranh Vinh hoa - Cậu bé ôm Gà

Ảnh: TL

Ứng dụng giảng dạy, thiết kế

Bất chấp tất cả những khó khăn đó, các nhà nghiên cứu tại hội thảo vẫn đặt nhiều kế hoạch, kỳ vọng vào những ứng dụng của tranh Đông Hồ. Thạc sĩ Dương Tấn Giàu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng có thể đưa tranh dân gian Đông Hồ vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử. Giáo viên có thể sử dụng tranh Hai Bà Trưng để dạy về cuộc khởi nghĩa năm 40. Giáo viên có thể sử dụng tranh Đông Hồ để thiết kế câu hỏi tự luận cho học sinh, có thể đặt câu hỏi về bản sắc văn hóa với việc năm 2016, diễn viên Angela Phương Trinh dự Liên hoan phim Cannes đã gây ấn tượng khi diện trang phục in tranh Đông Hồ.
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết bảo tàng này thường xuyên mở lớp về giáo dục thực hành thẩm mỹ cho trẻ em. Bài học thường liên quan đến tranh Đông Hồ. “Phần thực hành in tranh Đông Hồ luôn thu hút đông đảo người xem ở nhiều lứa tuổi đến tham quan và thực hành”, ông nói. TS Nguyễn Thị Hồng Nhung đến từ VICAS, lại nhắc tới nhà tài trợ Highlands coffee có dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ lần này. Thông qua dự án, các họa sĩ trẻ đã sáng tạo nên những tác phẩm đương đại với nhiều chi tiết quen thuộc với giới trẻ như hành động cậu bé và gà trống selfie cùng smartphone. Tranh Đông Hồ đương đại trong dự án được trưng bày ở nhiều quán Highlands. Tranh cũng được bán với 120.000 đồng/bức. Doanh thu bán tranh được trích một phần nhằm hỗ trợ cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian tranh Đông Hồ. Thạc sĩ Trần Hoàng Ngân, Đại học Mỹ thuật, lại nhắc tới các ứng dụng thiết kế sử dụng tranh Đông Hồ. Công ty Tired City là một doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng ứng dụng như áo phông, túi xách, đồ dùng… in thiết kế mang hơi hướng truyền thống của các nghệ sĩ trẻ...

Du lịch làng nghề

TS Nguyễn Thị Phượng (VICAS) cho biết theo điều tra, làng tranh Đông Hồ thu hút được khoảng 1.500 lượt khách/tháng. Khách trong nước thường là các đoàn học sinh, các cán bộ nhà nước, các nhà nghiên cứu, khách du lịch không đi theo đoàn vì yêu thích tranh dân gian nên muốn đến tìm hiểu về văn hóa của làng nghề Đông Hồ. Tuy nhiên, 90% dân số trong cộng đồng làng tranh không tham gia hoạt động kinh tế du lịch trực tiếp. Người trẻ cũng ít biết nghề tranh để thuyết minh.
Thạc sĩ Đỗ Trần Phương, Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng cần xây dựng sản phẩm du lịch với trải nghiệm hoạt động của làng nghề như học làm tranh, học khắc gỗ, in tranh, phơi tranh. TS Nguyễn Thị Phượng cũng cho rằng có thể kết hợp việc thăm nơi sản xuất tranh với việc làm vàng mã. “Sự liên kết về mặt văn hóa làng nghề thủ công làm đồ mã và làm tranh với các di tích tham quan chưa rõ ràng. Như chúng ta đều biết, Đông Hồ là trung tâm sản xuất đồ mã lớn nhất miền Bắc và cách làng không xa có di tích đền Bà Chúa Kho rất nổi tiếng là nơi sử dụng đồ mã quy mô lớn trong thực hành tín ngưỡng”, TS Phượng cho biết. Thậm chí, với 31 làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh, hoàn toàn có thể nghĩ đến tour làng nghề. 
Hàn Quốc có Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề. Theo đó, những người tham gia hoạt động lưu truyền di sản như đào tạo được hưởng tiền hằng tháng. Cũng có khoản kinh phí cố định hằng tháng cho hoạt động lưu truyền như đào tạo tu nghiệp. Ủy ban Di sản văn hóa cũng quyết định trao học bổng tu nghiệp cho sinh viên. Họ được nhận khoản hỗ trợ nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Hàn Quốc cũng trợ cấp đặc biệt cho những chủ sở hữu danh dự của di sản. Họ cũng được hỗ trợ tang lễ và chi phí điều trị.
Hàn Quốc cũng chi hỗ trợ mỗi năm 1 lần trong các sự kiện công khai như hội chợ hoặc buổi biểu diễn về di sản văn hóa phi vật thể do chủ sở hữu hoặc đoàn thể sở hữu chủ trì tổ chức. Lĩnh vực thủ công mỹ nghệ bao gồm cả triển lãm và trình diễn tác phẩm, và các sự kiện công khai hoạt động được điều chỉnh tùy theo từng hoàn cảnh. Quy mô chi khoản trợ cấp được điều chỉnh trong phạm vi cho phép sau khi kiểm tra bản kế hoạch sự kiện.
TS Park Weon Mo, Trường đại học Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc
Cột mốc nghề tranh Đông Hồ
- Nghề tranh Đông Hồ khởi dựng khoảng thế kỷ 17. Làng Đông Hồ nằm bên sông Đuống, thuận lợi cho việc giao thương. Đông Hồ cũng gần Hải Dương, nơi có làng chạm khắc nên thuận tiện cho việc khắc gỗ in tranh.
- Năm 1909, hỏa hoạn thiêu cháy kho mộc bản của làng. Sau đó, người làng khôi phục lại các mẫu tranh cổ, sáng tác thêm mẫu tranh mới.
- Trước 1945, người Pháp du nhập giấy ram và phẩm màu, bổ sung nguyên liệu làm tranh.
- Năm 1960, thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Song Hồ, trong đó có tổ sản xuất tranh Đông Hồ.
- Năm 1971, tập tranh dân gian Đông Hồ được huy chương vàng tại Hội chợ sách quốc tế tại Đức.
- Trước năm 1986, tranh Đông Hồ xuất đi các nước xã hội chủ nghĩa.
- Năm 1989, tổ tranh Đông Hồ giải thể do không xuất được hàng vì các nước Đông Âu khủng hoảng thể chế.
- Năm 1990 - 1991, các nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế thành lập cơ sở sản xuất tranh dân gian riêng.
- Năm 2013, nghề tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Năm 2017, Bắc Ninh phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề tranh Đông Hồ vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.